I-u-li-a (3)

Tôi chỉ đứng đến mang tai cô thật.


Tôi lại nghĩ về chuyện đấy lúc cô quay lại nhìn tôi, cười, rồi đưa bàn tay khỏe mạnh, trắng muốt, những móng tay đỏ thắm, lấy thêm một cốc váng sữa nằm giữa dăm, bảy cốc giống như thế trên ngăn để đồ ăn trên cùng, — có ba ngăn, ba tầng, kéo dài, bằng in-nốc, — cao đến mũi (mũi tôi), để vào chiếc khay hình chữ nhật rộng, phẳng, bốn góc bầu bầu, màu nâu loang lổ trông như làm bằng phíp, — nhưng chắc không phải, vì cái kia hình như độc, không độc thì cũng có mùi hăng hắc khó chịu, hoàn toàn không thích hợp với chuyện ăn uống, — đẩy cái khay về phía trước một đoạn cho đến lúc chạm vào một cái giống như nó trên “băng truyền” lấy đồ ăn.


Nhà ăn sinh viên trường tôi.


Mùi nhà ăn nồng nồng, beo béo, mằn mặn, tôi nghĩ mùi chính trong đó là mùi thịt băm viên và mùi xúp bắp cải. Không biết có phải do nhiễm mùi này hay không, nhưng nếu phải chọn chỉ một chỗ duy nhất làm chức năng cung cấp dinh dưỡng trong cả đời người, thể nào tôi cũng sẽ chọn nhà ăn sinh viên.


Lần đầu được tôi tiếp đãi ở nhà ăn sinh viên, Đào Phò, suốt từ đầu đến cuối, vừa ăn rất nhiều cà chua sống, dưa chuột sống, hành sống, trứng luộc, và dầu thực vật, vừa liên tục nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ lẫm, nhưng không nói gì, chỉ lúc lúc lại để lộ một nét giống như một góc của nụ cười, ở góc miệng, nhưng cũng không cười.


Về sau, thỉnh thoảng gần trưa, y lại qua trường tôi và rủ tôi đi nhà ăn sinh viên; y ăn nhiều khoai tây nghiền, và không còn nhìn tôi theo kiểu lạ lẫm nữa. Nhưng có một lần, cũng giống như hôm nay, nhưng không phải I-u-li-a, thì cái nhìn lạ lẫm lại quay trở lại. Ăn xong, y bất ngờ vỗ vào vai tôi, thở ra mạnh một cái, gần giống như cười, nhưng vẫn không phải cười, bảo:


— Hình như anh đang lờ mờ hiểu được sở thích của anh... với chú!


Y lịch thiệp gật đầu chào cô gái, quay người, rồi cắm cổ đi về phía bãi để xe; tôi thấy đầu y lúc lắc, tay phải lúc lúc lại hơi dơ lên, phẩy khẽ một cái; nhưng không nghe thấy tiếng cười.


Ban nãy ở trước khoa Lý, ở trường kia, I-u-li-a cũng quay lại nhìn tôi, cười:


— Anh vẫn đi xe số bảy(?)


Lúc ấy tôi không phân biệt được đấy là câu kể hay câu hỏi tu từ hay câu cảm thán và nếu cảm thán thì theo chiều hướng nào, nên tôi chỉ nghe và nhìn cô. Còn bây giờ tôi đang vừa nghe và nhìn cô, vừa cười. Cô thêm mấy thìa váng sữa liền vào đĩa xúp củ cải đỏ, và ăn xúp chậm hơn tôi, thấy tôi đang chuyển sang đĩa thịt băm viên, cô nhìn tôi xoi mói, cười hỏi:


— Anh đã nghe chuyện một chàng lấy vợ chuyên thịt băm viên chưa?..


— Ờ... chưa.


— Nhá, một chàng mới cưới vợ, suốt một tuần liền, bữa nào cũng thịt băm viên. Đến hôm thứ tám, chàng gãi tai: “Em à, bữa ăn nhà mình, hay... có khi... cũng nên đa dạng hóa một chút...” Vợ chồng mới cưới, nên chàng vừa nói, vừa ngại sẽ làm vợ phật ý, nhưng cô vợ lại vui vẻ gật đầu ngay.


— ...


— Hôm sau, bàn ăn dọn ra, vẫn toàn thịt băm viên, nhưng viên to viên bé.


Cô nhịn cười, nhưng tôi đã cười thành tiếng, nên cô cũng cười theo tôi, nên hình như chúng tôi đã làm mọi người chú ý...


Nên cô hết cười ngay, nhưng tôi không biết cô có bị đỏ mặt không, vì lúc nhịn cười, rồi cười, thì mặt cô, chắc cả mặt tôi, cũng đều đã hơi đỏ sẵn cả rồi.


Tôi ăn xong trước, nhìn cô ăn, rồi tự đứng dậy đi lấy thêm một cốc nước táo tươi luộc; mang về đến nơi vừa đặt xuống thì cô cầm ngay lấy tu một hơi hết sạch, quệt mép, cười rất tươi, khóe miệng duyên dáng giãn lên chênh chếch, những chiếc răng cửa trắng đẹp, đều tăm tắp, bên trên có dính một, hai cái bong bóng nước bọt:


— Cảm ơn!


Ở giữa hai lần cửa nhà ăn có bạn nữ sinh nào đó nói với tôi:


— Chào thày!


Tôi không nhớ — hoặc không biết — nữ sinh đó, nên chỉ gật đầu:


— Chào em!


Cả hai lần trước, chúng tôi cũng ăn ở đây, nên bây giờ chúng tôi cứ tự động đi.


Trường tôi là một trường cũ, và ở trong một khu cũ của thành phố Mát-xcơ-va. Đấy là một trong những điểm tôi thích trường tôi nhất. Nhất là ký túc xá sinh viên. Nhà ở cho sinh viên nằm lẫn với nhà dân, đều là nhà gạch không quá cao tầng, và to vừa phải. Không có bãi rộng nhưng có những khoảnh sân trong, có cây cối và những lối đi loanh quanh — hơi to thì rải nhựa, nhỏ thì lát gạch bê tông — nối những khoảnh sân, những khối nhà với nhau, và thông ra các đường phố.


Trên những lối đi ấy, nhất là vào những buổi chiều tà, và không phải mùa đông, tôi luôn nghe văng vẳng tiếng nhạc đệm. Luôn là một cây ghi-ta thong thả rải vài hợp âm căn bản, đơn giản, nhịp hai bốn, trên nền tiếng một cây sen-lô nghe giống như một giọng nói trầm trầm không ngắt quãng đang thủ thỉ một điều gì đó và làn âm thanh mà nó phát ra dường như có dính liền hữu cơ vào ở một chỗ nào đó trong lòng người ta, — hoặc chỉ là lòng tôi?


Chỉ nhạc đệm thôi, chứ chưa bao giờ có giai điệu chính. Mặc dù tôi luôn nghĩ là đến một lúc nào đó, thể nào tôi cũng sẽ nghe thấy nó.


Ở chỗ như thế, tôi thấy tôi nhận biết tôi rõ ràng hơn, trong bụng tôi luôn có một cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn, và những ý nghĩ về chuyện này, chuyện kia, những chuyện mà tôi muốn nghĩ, có vẻ cũng đến với tôi một cách dễ dàng hơn.


Cho nên, dù có lẽ cũng không hoàn toàn chỉ vì vậy, nhưng đã thật lâu rồi không còn là sinh viên nữa, nhưng tôi vẫn tìm cách giữ cho mình một căn phòng trong ký túc xá sinh viên, bài trí gần giống hệt như căn phòng mà tôi đã sống hồi đấy.


Những hôm như hôm nay, tôi sẽ ở lại đấy luôn; buổi tối sẽ chạy lòng vòng gõ cửa phòng này, phòng kia, gãi đầu gãi tai để xin ít bánh mì, xin mấy củ khoai tây, mấy củ hành tây, rồi đem khoai và hành vào bếp rán chung một chảo to. Rồi tôi sẽ xách chai rượu — phòng đấy luôn có sẵn rượu — đi nghe ngóng, thường sẽ có đám sinh viên và rượu và đàn sáo nào đó ở các chỗ đầu cầu thang, hay các khoảng trống ở đầu hành lang, tôi sẽ sà vào góp rượu. Rồi tôi sẽ thức khuya, mùa này tôi sẽ mở cửa sổ, ngồi vào chiếc bàn kê sát vào bậu cửa sổ ấy, bật chiếc đèn bàn có chụp nhựa màu đỏ dùng lâu bị nóng tự hơi méo mất một góc, bật lại đúng những bài nhạc hồi sinh viên, và nghiên cứu khoa học, y như ngày xưa ngồi gạo bài.


Khó mà phân định ranh giới nhưng nếu nói là những vấn đề khó nhất trong luận án tiến sĩ khoa học của tôi đều đã được giải quyết ở đấy, chắc cũng không sai.


Mọi chuyện đã đúng như thế.


Ngoại trừ lúc rán khoai trong bếp tôi đã nghĩ, hơi cười, và lắc lắc đầu, về chuyện ấy...


Và đến khuya khi tôi ngồi vào bàn để nghiên cứu khoa học, thì những ý nghĩ về chuyện khoa học mà tôi muốn nghĩ đã không đến một cách dễ dàng, hay không dễ dàng...


Mà đơn giản là không đến.


Ý nghĩ về chuyện ấy đã đến trước, nhất định ở lại, và bằng một cơ chế âm thầm nào đó đã chặn đường tất cả các ý nghĩ khác, từ xa.


Lúc ấy tôi ngây ngất, và giật mình nhận thấy cô co thắt.


Co thắt tương đối mạnh.


Chuyện này tất nhiên hiếm, nói là rất — thậm chí vô cùng — hiếm cũng được.


Tôi dám cá — một số lớn bất kỳ cho người khác tự thoải mái nghĩ ra, ăn một — là có (nói là nhiều, thậm chí rất nhiều, cũng được) những người cả đời hoàn toàn chưa bao giờ gặp phải — hay gặp được (?) — chuyện này.


Tôi đã gặp vài lần.


Và tất cả các lần đấy đều là “Anh yêu em!” và “Em yêu anh!” rất thật lòng cả.


Cho nên lần này đã khác.


Nó là những gì ở những lần trước, và giật mình, và cộng thêm một nỗi ngạc nhiên tột độ, cùng một cơn buồn cười đến mức nếu là lúc khác chắc sẽ phải cười phá ngay lên, và một mong muốn sắc nét muốn biết cho được nguyên do.


Và tất cả chỗ nháo nhào ấy ào một phát bất thần ồ đến cực nhanh, nhoáng một cái.


Còn bây giờ nó giống như một chuyện với những chi tiết có thể nói là rõ ràng như thế, và tôi rất muốn nghĩ ra một cái gì đó về nó, nhưng lại không nghĩ ra gì cả, nhưng lại không thể bỏ không nghĩ... nên một cách trực quan thì tình cảnh ấy hơi giống như một người dốt hội họa ngồi một mình đờ đẫn trước một bức tranh và cứ trơ trơ nhìn vào nó, vì vì sao đó không thể không ngồi nhìn như thế.


Ngồi mãi.


Rồi tôi ôm bức tranh lên giường, tiếp tục trơ trơ nhìn vào nó cho đến khi cả hai, — không biết từ chỗ nào, cái nào trước, — trong một trạng thái mỏi mệt và bất ổn, cùng chìm vào giấc ngủ.


Tôi đã ngủ không say.


Không hiểu sao tôi cứ nghĩ chắc như thế, vì lúc quờ lấy điện thoại tôi có cảm giác rất xác định là nó vừa kêu thì tôi đã nghe thấy ngay...


Cờ-la-ra — La-rờ-trích — gọi cho tôi.


Cờ-la-ra là em gái của La-ri-xa — Lô-rớt-trờ-ca.


Tôi với Lô-rớt-trờ-ca ngày xưa từng “Anh yêu em!” và “Em yêu anh!” rất thật lòng. Thậm chí có một lần tôi đã đặt một bàn tay lên cà bên trái của mình và thề với cô là sẽ nói và chỉ nói sự thật!


Còn La-rờ-trích ngày ấy có lẽ đã yêu tôi bằng tình yêu của một cô bé, giống như kiểu Quách Tương con gái Quách Tỉnh đã phải lòng Thần Điêu Đại Hiệp.


Bây giờ La-rờ-trích làm ở bệnh viện.


Ở đấy cô nói với tôi bằng giọng bình tĩnh của bác sĩ, và không bình tĩnh của cô nói với tôi:


— Cô bạn ở cùng nhà phát hiện ra, họ đưa cô â... chị ấy đến đây thì đã muộn... quá muộn. Chẳng có gì cả... điện thoại của chị ấy... trong đấy chỉ lưu đúng hai số. Em nhớ số của anh.


Đúng là I-u-li-a.


Nhưng lạnh hơn nhiều.


Không tìm thấy ghi chép gì giống với thư tuyệt mệnh... chắc người ta sẽ còn điều tra nữa.


Tôi nghĩ chả cần.


Chẳng biết sao tôi lại nghĩ thế, nhưng ý nghĩ đấy rất chắc.


Chắc sắp sáng rồi, nhưng trời còn đen sì. Gió thốc ngang mặt, nóng — hoặc mát, vì mặt tôi tự nóng — và khô. Tôi ngẩng đầu nhìn lên trời, hít một hơi thật dài, chợt lại nghĩ tôi không hít mà gió tự thốc vào trong lồng ngực...


Tiếng còi thất thanh làm tôi giật mình.


Tiếng bánh xe rít lên lại làm tôi giật mình tiếp, — lúc ấy tôi vẫn chưa biết tại sao.


Cách vài chục mét chếch về phía trái, ở cổng bệnh viện, có hai luồng sáng trắng hắt chênh chếch lên một thân xe sáng trắng. Chiếc xe sáng trắng ấy không giảm tốc độ, loang loáng lao thẳng vào trong sân, tiếng bánh xe lại rít lên.


Hình như đã có tiếng quát tháo... Tôi chỉ đứng nhìn trân trân. Rồi không nhìn nữa. Trừ chuyện giật mình ra, lúc ấy ý nghĩ và mọi phản ứng của tôi hình như đều rất chậm chạp, hoặc là đứng yên.


Nhưng tôi lại giật mình khi có một người bỗng như tự nhiên mọc thẳng tắp lên ngay trước mặt tôi.


Y đen tuyền. Quần âu đen, áo sơ mi đen có những ánh bạc mỏng mảnh gì đó, diêm dúa, bỏ ngoài quần, tóc đen lộn xộn. Mùi nước hoa nặng và hắc, — và vì sao đó tôi đã nghĩ loại nước hoa này cũng phải đựng trong lọ màu đen đặc, — và phảng phất có mùi vốt-ca.


Đào Phò.


Y không nói năng gì, chỉ nhìn tôi chăm chú bằng ánh mắt vội vã. Rồi hình như đã nhìn thấy cái mà mình muốn nhìn, ánh mắt y thu lại, y nhìn xuống đất, rồi nhìn thẳng vào chỗ nào đó phía đằng sau lưng tôi, rồi y nửa như vỗ nhẹ, nửa như đỡ sau vai tôi:


— Xe chú để đâu?


Tôi thoáng giật mình, nghĩ đến tiếng bánh xe rít lên, nghĩ đến chiếc xe hiền lành của tôi, và nghĩ đến chuyện chiếc xe sáng trắng kia là một trăm phần trăm cờ-rôm.


Nhưng suốt dọc đường, y vặn xe rất từ tốn.


Đặt chìa khóa vào tay tôi, ấp tay tôi nắm lấy nó, y bảo:


— Đi ngủ đi. Anh vẫy xe.


Tôi gật gật, lên nhà tôi, và ngủ ngay, ngủ rất dễ.


Còn Đào Phò hôm ấy không về nhà.


Y đến nhà Yến Lan. Y ngủ trên chiếc đi văng to ở phòng khách. Yến Lan bảo tôi là sáng hôm sau chị chuẩn bị đi làm thì y còn ngủ li bì, nằm phủ phục, chân co chân duỗi, đít hơi ủm lên, người hơi cong lại, còn đầu rúc sâu xuống dưới hai chiếc gối to.


Đấy là một tư thế rất lạ.


Từ khi biết Đào Phò, không chỉ ngủ, mà tất tần tật, tôi chưa bao giờ nhìn thấy y ở trong một bố cục nào có thể gây nên một cảm giác gò bó cả.


Sang tuần sau tôi mới vào lại ký túc xá. Vào một mình.


Có một tấm gương to ở trên tường; bước vào phòng, ngoảnh nhìn sang trái là sẽ trông thấy mình ngay. Nhưng hình như tôi chẳng bao giờ nhìn như thế, và ít khi nhìn vào nó nói chung. Nhưng lần này, đóng cửa lại một cách cẩn thận xong, có cái gì đó khiến tôi rất muốn nhìn vào trong đó.


Tôi vừa ngoảnh nhìn chiếc gương trên tường thì giật thót mình và thấy như có những con gì đó nhỏ li ti đang đồng loạt cắn vào mặt tôi, vì hình như tôi đã nhìn thấy có cái gì đó vụt lướt ngang qua phía sau lưng mình.


Tôi không quay lại, vì biết đấy là ảo giác.


Nhưng hôm sau tôi bỏ hết tất cả các loại gương ra khỏi phòng.


Đến tuần sau nữa thì tôi trả phòng.


Bây giờ tôi vẫn tiếp tục nghĩ về chuyện có nên lại lấy phòng trong ký túc xá sinh viên nữa hay không.

Đã có 2 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Phi Long bi bô...

Nó đi học ở đâu mà viết được như thế này? Là thật cả à, Đào Phò ơi?

Unknown bi bô...

Thật cả đấy, chỉ trừ những gì liên quan đến nhân vật hoành tráng là Đào Phò (trừ chiếc xe 100% chrome).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...