Nguyễn Phú Trọng phải ‘đốt’ vụ Thủ Thiêm thì dân mới tin!

Vương Ngôn

Trên 15.000 hộ dân trong tổng số 15.853 hồ sơ bị bồi thường ngược đãi giải toả nhà đất giao cho chính quyền địa phương thực hiện dự án. Trong đó có hơn 3.000 căn nhà  dân nằm ngoài ranh quy hoạch bị chính quyền cưỡng chế đập phá tan tành. Nhà thờ, nhà nguyện, nhà chùa cũng phải “bái phục” lợi ích nhóm. Tại thời điểm 2013, Sở Tài chính TP.HCM đã giải ngân gần 40 ngàn tỷ đồng. Đến nay, 23 năm trôi qua, vùng đất vàng này vẫn bị bỏ hoang. Đã có hơn 11.000 đơn thư khiếu nại tố cáo trong suốt thời gian dài. Dự án này đã trở thành đỉnh điểm đạt nhiều kỷ lục: số diện tích đất thu hồi trái phép ngòai ranh quy hoạch nhiều nhất. Số người chết oan nhiều nhất. Số  vụ kiện dân sự ra toà nhiều nhất. Số người bị thất nghiệp nhiều nhất...dẫn đến số lãnh đạo trả lời trái luật và hứa lèo với dân nhiều nhất. Số km đường có kinh phí xây dựng đắt nhất thế giới. Nỗi đau chồng chất nỗi đau! Nỗi ám ảnh hàng ngàn năm sau đối với người dân Thủ Thiêm. Kể từ hôm nay, Việt Nam Thời Báo sẽ đăng những phần chính quá trình diễn kịch của UBND TP.HCM trong suốt thời gian 23 năm thực hiện một dự án đầu tư đầy máu và nước mắt! 

Tìm mọi cách đánh tráo quy hoạch Thủ Thiêm 

Sau khi có Thông báo số 36-TB/TW ngày 23/11/1992 của Bộ Chính Trị về việc  quy hoạch tổng thể xây dựng TP. HCM và Kết luận của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại Hội nghị thường trực của Chính phủ ngày 10-3-1992. Ngày 16/01/1993, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 20/TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng TP.HCM. “ Cần xây dựng TP.HCM thực sự là thành phố văn minh của Nhân dân lao động...” Điều 2 quyết định này nêu rõ: “ Cho phép UBND TP.HCM thực hiện quy chế kiến trúc sư trưởng thành phố để tập trung đầu mối trong quản lý xây dựng tại thành phố. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế kiến trúc sư trưởng TP.HCM và ban hành điều lệ quản lý xây dựng tại thành phố bảo đảm việc xây dựng theo đúng quy hoạch đã được duyệt.”

Căn cứ vào Quyết định số 20/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5/1996 UBND TP.HCM có Tờ trình số: 1861/TT-UB-QLĐT kèm theo bản đồ quy hoạch gửi Thủ tướng Chính phủ “xin phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000”. Căn cứ Tờ trình này và Văn bản đề nghị số 621/BXD-KTQH ngày 15/5/1996 của Bộ Xây dựng. Ngày 04/6/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số: 367/TTg “ Phê duyệt quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.” với quy mô tổng diện tích 930 ha, trong đó: Khu đô thị mới 770 ha. Khu tái định cư 160 ha. Về quy hoạch phân khu chức năng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quyết định 367/TTg quy định rõ: trong diện tích 770 ha bao gồm 133 ha mặt nước sông Sài Gòn và 637 ha được phân ra các khu chức năng như sau:

-       Khu Trung tâm thương mại, tài chính dịch vụ:    92 ha.

-       Khu Trung tâm hội chợ, triển lãm quốc tế:          100 ha.

-       Khu nhà ở cao cấp:                                             55 ha.

-       Khu Trung tâm văn hoá, du lịch giải trí:               100 ha.

-       Khu công viên trung tâm:                                     95 ha.

-       Khu Trung tâm hành chính:                                  18 ha.

-       Đất dành cho giao thông:                                     177 ha.

Khu tái định cư xây nhà ở cho dân trong dự án bị giải toả nhà có diện tích 160 ha nằm giáp ranh với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.  Tại Điều 2 quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP.HCM và Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch gồm:

-       Lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định.

-       Hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch đã được duyệt.

-       Ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ngày 6/1/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số: 03/CP về việc thành lập Quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 7, Quận 9 và Quận 12. Riêng Quận 2 được thành lập mới gồm 11 phường. Phần diện tích quy họach Khu ĐTMTT chỉ nằm trong phạm vi 3 phường. Vậy mà “lũ quỹ” đã xơi tái hết 8 phường? Tại khu vực của một số phường ở Quận 2, căn cứ vào điểm 1, Điều 5, Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ quy định về mua bán và kinh doanh nhà ở. Căn cứ Quyết định số: 4246/QĐ-UB-QLĐT ngày 15/12/1994 của UBND TP.HCM về các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố. Xét đề nghị của UBND Quận 2 tại Công văn số: 817/CV-UB-QLĐT ngày 25/12/1997. Xét Tờ trình số 98/KTST-QH ngày 03/01/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố về việc quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Quận 2, TP.HCM.

Từ những căn cứ pháp lý nêu trên, ngày 15/10/1998, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số: 255/QĐ-UB-QLĐT, Điều 1 quyết định này ghi rõ: “ Duyệt quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Quận 2, TP.HCM, theo danh mục đính kèm quyết định này. Danh mục này có 6 khu vực, trong đó có khu vực quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì Nhà nước không bán nhà hoá giá theo Nghị định 61. Điều đó thể hiện rất rõ và minh bạch những khu vực đã bán nhà cho dân theo Nghị định 61 thì không nằm trong quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Mặc dầu đã có các quy định pháp lí rõ ràng minh bạch như vậy, nhưng Lê Thanh Hải lúc đó là Chủ tịch UBND TP. HCM đã bất chấp luật pháp vào đạo lí, chỉ đạo thuộc hạ của mình sử dụng “bàn tay sắt” đập phá tan tành trên 3.000 căn nhà của dân nghèo nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Máu và nước mắt, mồ hôi và thương tích, nỗi đau chồng chất nỗi đau, tai hoạ cứ dồn dập ập đến từng hộ dân bắt đầu từ đây như một quy luật thất đức của những kẻ nắm quyền lực làm liều. Tôi còn nhớ, khi lực lượng cưỡng chế đập phá nhà dân, Trần Trung Thiên - nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch phường Bình An và Chủ tịch phường An Phú chỉ tay vào mặt người dân đang khóc: “ Nếu tao không đập bỏ được nhà mày thì ngày mai tao cởi áo về chăn trâu.”

Tìm mọi cách đánh tráo quy hoạch?

Ngày 23/3/1998, UBND TP.HCM và Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký văn bản “liên kết” số: 1074/UB.TP-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020. Ngày 10/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số: 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020. Tuy việc điều chỉnh này không ảnh hưởng gì tới Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mặt khác, ngày 8/8/1998, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU về công tác quy hoạch đền bù khi thu hồi đất của dân và tái bố trí dân cư trên địa bàn thành phố. Nội dung Nghị quyết này nêu rõ: “...tránh tối đa việc điều chỉnh giải toả đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định. Những dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân phải đưa ra lấy ý kiến của nhân dân tại khu vực đó...chính sách đền bù phải đảm bảo tái tạo lại nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.”

Ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM ký Quyết định số: 13585/KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ (1/2000) nêu rõ vị trí giới hạn, phạm vi quy hoạch: Tổng diện tích khu vực quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm 748 ha (giảm 22 ha so với Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ vì có Nghị quyết 18 của Ban Thường vụ Thành uỷ ra đời). Trong đó, diện tích đất còn lại: 618 ha (giảm 19 ha), diện tích mặt nước sông Sài Gòn: 130 ha (giảm 3 ha).

Theo Quyết định 13585 của Kiến trúc sư trưởng thành phố thì vị trí ranh giới Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xác định rõ ràng như sau:

1- Phía Bắc giáp sông Sài Gòn (Quận Bình Thạnh và xa lộ Hà Nội).

2- Phía Nam giáp sông Sài Gòn (phía Quận 7).

3- Phía Đông giáp phần còn lại của phường An Khánh, Quận 2.

4- Phía Tây giáp sông Sài Gòn (Trung tâm Quận 1).

Tuy Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch có bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 kèm theo, bao gồm các bản vẽ, sơ đồ và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Thế nhưng, trong qúa trình thực hiện dự án, từ UBND TP.HCM đến UBND Quận 2 đã cố tình dùng mọi thủ đoạn bưng bít thông tin, cất giấu bản đồ quy hoạch chung để tìm cách đánh tráo khu tái định cư 160 ha đã được quy hoạch để “bán ngầm” cho 64 doanh nghiệp, sau đó chỉ có 51 doanh nghiệp được giao đất tại khu đất vàng này mà tổng nguồn thu khổng lồ từ hành vi “bán lẻ Tổ quốc”.

169 ha đất này chui vào túi ai và số tiền này đã sử dụng vào mục đích gì, hiện còn hay mất thì không ai hay biết?

‘Nhiệt tình’ cộng làm liều bằng phá hoại!

Sau khi có quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy họach Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ ngày 4/6/1996. UBND TP.HCM cử quan chức Nguyễn Văn Đua làm Trưởng Ban quản lý dự án. Lẽ ra, dự án này sẽ được khởi công thực hiện ngay, nhưng vẫn để chậm trễ đến hàng chục năm không hề thực hiện một công đoạn nào. Lí do là Lê Thanh Hải đã chỉ đạo đánh tráo 160 ha đất khu tái định cư cộng thêm 9 ha đất kế cận xung quanh để bán cho 51 doanh nghiệp tổng số 169 ha để tạo thế cho lợi ích nhóm thu lợi bất chính. Số tiền khổng lồ này cho đến tận bây giờ chưa có bất kỳ một cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật nào sờ tới.

Sau khi 169 ha đất  này bị lợi ích nhóm thâu tóm, Lê Thanh Hải bịa ra con bài làm đơn xin Thủ tướng để đánh lạc hướng vụ việc trước dư luận về hành vi cố ý làm trái của mình “ bán trời không văn tự”. Tuy nội dung Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép UBND TP.HCM thu hồi 930 ha đất, thế nhưng mãi tới 6 năm sau, ngày 04/01/2002, Lê Thanh Hải ký văn bản số 70/UB-TH gửi Thủ tướng Chính phủ “ Về việc thu hồi đất và đền bù, giải toả, tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.”

Sau khi phát hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị xé nát, điều đó đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định tại Hội nghị thẩm định quy hoạch chi tiết khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tại Hà Nội ngày 10/11/2004. Phát hiện ra sự lừa dân dối Đảng, lừa trên dối dưới.

Để ngăn chặn hành vi bất lương của nhóm lợi ích này, ngày 22/02/2002, Thủ tướng Chính phủ có Công văn hoả tốc số 190/CP-NN gửi UBND TP. HCM và các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục địa chính với nội dung chỉ đạo: “ Cho phép UBND TP.HCM căn cứ vào Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ thu hồi 930 ha đất (bao gồm 770 ha để xây khu trung tâm đô thị mới và 160 ha đất xây dựng khu tái định cư) thuộc các phường An Khánh, Bình Khánh, Bình An, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thuộc địa bàn Quận 2 để giao cho Ban quản lý đầu tư -Xây dựng Khu ĐTMTT....nhằm xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.”  Theo văn bản hoả tốc này thì Khu ĐTMTT chỉ nằm trong 5 khu vực của 5 phường nêu trên có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.084 ha.

Để thực hiện trót lọt âm mưu thôn tính và đánh tráo 169 ha trong đó có 160 ha đất xây nhà tái định cư cho dân nhưng đã cấp cho 51 doanh nghiệp thu tiền rồi, trong cùng một ngày 22/3/2002, Lê Thanh Hải chỉ đạo Chánh văn phòng UBND TP.HCM ký liền một lúc 2 Thông báo hoả tốc số 77 và 78/TB-VP với nội dung truyền đạt ý kiến kết luận chỉ đạo của Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND TP.HCM, giao Kiến trúc sư trưởng, Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770 ha đất của khu trung tâm. Đồng thời ra soát lại quỹ đất trên địa bàn Quận 2, đề xuất phạm vi giao đủ 160 ha đất để xây dựng các khu tái định cư.

Kể từ khi 2 Thông báo hoả tốc của Lê Thanh Hải- Chủ tịch UBND TP. HCM ra đời thì hàng chuỗi sai phạm nối tiếp sai phạm của một số nhóm người có quyền lực trong UBND thành phố và UBND Quận 2 bắt đầu trỗi dậy. Uy quyền của lực lượng cướp đất và các loại hung khí, máy móc thiết bị hạng nặng với những bàn tay sắt cào cấu sắt thép, tường bê tông, gạch ngói đã liên tiếp uy hiếp và đổ ập lên tấm thân gầy của hàng chục ngàn người dân nghèo phải hứng chịu trong phong trào làm liều này dưới sự chỉ đạo trái đời của người đứng đầu cơ quan hành pháp.

Có cờ trong tay thì phất, các thuộc hạ của Lê Thanh Hải đã nối dài cánh tay lợi ích nhóm từ trên cao xuống. Bọn chúng vung nắm đấm thép, các thuộc hạ như Tất Thành Cang, Thái Thị Hạnh, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Cư, Nguyễn Phước Hưng, Ngyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Vũ Hùng Việt và các tứ chi ăn theo nói leo phục sẵn ở các phường trong Quận 2 đã cùng nhau “xơi tái” trên 1.500 ha trải đều trên khắp địa bàn của 8 phường. Chỗ nào có quyết định đất thu hồi thì đều có dòng chữ: “ Căn cứ vào Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.”

Vậy là “ mượn gió bẻ măng” kể cả những khu đất ở gần cầu Rạch Chiếc, ở phà Cát Lái... cách Trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ 10-20 km cũng được coi là nằm trong Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm?

Dân chịu hết nổi, lên trời kêu cứu thì giá vé lên vũ trụ quá cao, rủ nhau ra Hà Nội biểu tình hay kéo băng ron khẩu hiệu đứng trước cửa Đoàn Đại biểu Quốc hội hay Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng hoặc mòn mỏi đứng trước cửa UBND TP.HCM cũng vậy, đi tới đâu người dân cũng bị cái lưỡi không xương nhiều đường lèo lái, gian manh, bịp  bợm  năm này qua năm khác, để đạt được mục đích là đẩy người dân Thủ Thiêm vào bước đường cùng.

Xét cho cùng, nếu không có sự chỉ đạo của Lê Thanh Hải từ nội dung 2 Thông báo hoả tốc thì chắc chắn rằng trên 3.000 nhà dân nằm ngoài ranh quy hoạch sẽ không bị bọn cường hào đập phá tan tành, hàng ngàn ha đất của dân đang sản xuất sẽ không bị thu hồi trái phép và nỗi đau chồng chất của hàng chục ngàn người dân Thủ Thiêm cũng không bị dày xéo kéo dài thê thảm đến suốt 23 năm nay!

Đọc đến đây thì ắt rằng bà con ta ai cũng đã nhận ra rõ bản chất và hành vi của kẻ cầm đầu xé nát quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm?  Từ đây bà con Thủ Thiêm có thể khẳng định điều Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP. HCM phát ngôn gian dối : “ Bà con cứ yên tâm, hiện nay chúng tôi đã hình dung ra được ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm rồi”.

Thật quá trơ trẽn vì một dự án lớn nhất TP.HCM đã triển khai suốt 23 năm nay, vậy mà Chánh văn phòng nội các của một cơ quan hành pháp cao nhất thành phố lại phát ngôn vu vơ đến thế?

Còn Thanh tra Chính phủ tại nội dung Thông báo 1483 và Kết luận của Chánh Thanh tra TP.HCM cũng cùng nhau khẳng định một cách hồ đồ. Trong khi đất bị thu hồi ở gần phà Cát lái (giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và gần cầu Rạch Chiếc (giáp ranh với Quận 9) thì cho là trong ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Còn 4 ha đất tại Khu phố 1, phường Bình An, gíap khu đô thị mới Thủ Thiêm thì ngang nhiên dùng quyền lực trá hình khẳng định “ trong ranh”, vì vậy người dân ở địa phương cũng kiên quyết ra kết luận truyền miệng gọi quý quan này là “ ma ranh” hay “cò ranh”!

Khi xem xét kỹ nội dung 2 Thông báo hoả tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND TP.HCM thì mới nhận ra một điều, đó là “ gậy ông lại đập lưng ông” hay “chính mình tự dối trá mình”. Vì nội dung 2 Thông báo này nêu rõ phải thu hồi đủ 160 ha đất tái định cư: “ Không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn Quận 2. Có thể xem xét thu hồi đất tại những khu vực tư, có quyết định giao đất của các cấp có thẩm quyền nhưng chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng.” Tại sao 51 doanh nghiệp đã được Lê Thanh Hải xé nát 160 ha khu đất tái định cư giao cho họ rồi bỏ bị hoang suốt 23 năm nay sao không thu hồi như nội dung chỉ đạo nêu trên. Hay vì đã vướng chuyện “tiền trao, cháo múc ”?  Hay “Ai nỡ xa, để lòng mãi vấn vương?”. Trong khi đó, nội dung Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ là quyết định phê duyệt có giá trị pháp lý cao nhất quy định:“ Khu tái định cư 160 ha nằm giáp ranh với Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm”.

Đúng là quy trình thực hiện dự án này của Lê Thanh Hải là lừa trên dối dưới, cãi lộn với chính mình! Chính nhờ quy trình này mà hàng chục ngàn ngưới dân bị mất việc làm, mất nơi ăn chốn ở, vợ chồng, con cái, cháu chắt, ông bà trong gia đình bị tán gia bại sản phải ly tán sống chui nhũi vào các khu nhà ổ chuột tạm cư để tá túc lánh nạn.

Điều chỉnh quy hoạch một đường, làm một nẻo?

Sau khi có 2 Thông báo hoả tốc của Lê Thanh Hải chỉ đạo, ngày 5/4/2002, Kiến trúc sư trưởng thành phố HCM có “Tờ trình” số 1090/KTST-QH gửi Thường trực UBND thành phố với nội dung khẳng định ranh giới, phạm vi điều chỉnh quy hoạch: Về vị trí khu vực quy hoạch: - nằm ở các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần của các phường: An Khánh, Bình Khánh và Bình An thuộc Quận 2. Về ranh giới chỉ có một yếu tố thay đổi là: bản đồ quy hoạch trước quy định: - Phía Bắc giáp sông Sài Gòn và xa lộ Hà Nội. Nay đổi lại: - Phía Bắc giáp sông Sài Gòn đối viện với quận Bình Thạnh và một phần đất của phường An Khánh. Diện tích khu vực quy hoạch vẫn đảm bảo lấy đúng quy định theo Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Như vậy cần khẳng định rằng, trong nội dung Tờ trình số 1090/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố ký ngày 5/4/2002 và Quyết định số 13585/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố HCM ký ngày trước đó vào thời điểm 16/9/98 thì vị trí, ranh giới vẫn còn 3 khu dân cư nằm ngoài ranh quy hoạch. Chỉ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, không liên quan và cũng không ảnh hưởng gì tới khu đất tái định cư 160 ha. Mặt khác, Văn bản số 4945/CV-GTĐ của Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất  thành phố gửi UBND TP. HCM ngày 3/5/2002 đề xuất vị trí Khu ĐTMTT cũng y như nội dung Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Ấy vậy mà một số quan tham cố ý làm trái dùng quyền lực cá nhân tự biến dự án này thành “vùng đất lắm người nhiều ma” các quan tham này tự phân chia cát cứ và tự ký văn bản theo luật rừng của cá nhân mình.

Điều phi lí là cũng trong ngày 3/5/2002, Nguyễn Văn Đua- Trưởng Ban Quản lý Khu ĐTMTT ký Tờ trình số 06/TT-BQL gửi UBND TP.HCM xin được thu hồi và giao đất cho dự án. Phần trên thì trích dẫn lung tung và chấp hành Quyết định phê duyệt 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ, còn phần dưới thì nêu lung tung về ranh giới tại nhiều phường: An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Khánh, Bình An và Bình Khánh... thuộc Quận 2. Đây là âm mưu bành trướng muốn chiếm đoạt đất ở tất cả các phường này nên Đua không nêu rõ những khu phố nào của phường nào!

Cũng trong cùng ngày này, Phó Giám đốc Sở Địa chính-Nhà đất thành phố Nguyễn Thanh Nhàn ký báo cáo gửi UBND TP.HCM tại Văn bản số:4945/CV-GTĐ khẳng định:“Công ty Đo đạc Địa chính - Công trình thuộc Tổng cục địa chính cắm mốc ranh giới cụ thể với diện tích 659 ha. Căn cứ vào vị trí ranh giới của văn bản này thì sau khi cắm mốc ranh giới vẫn còn tồn tại 3 khu dân cư không bị giải toả (Khu phố 5+6 phường An Khánh. Khu phố 1 phường Bình An. Khu phố 1+2 phường Bình Khánh”.

Điều mà giới trí thức, luật sư, cán bộ đương chức, cán bộ hưu trí và dư luận xã hội, đặc biệt là hàng ngàn người dân tại dự án bức xúc nhất và đặt câu hỏi: Tại sao diện tích thu hồi đất của Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm giảm khoảng 80 ha mà các khu dân cư nằm  ngoài ranh quy hoạch cũng như diện tích đất bị thu hồi mở rộng ra đều khắp đến 8 phường. Đây có phải là hành vi “mượn gió bẻ măng” để tạo phong trào cướp đất của dân? 

V.N.

VNTB gửi BVN


(Bài viết của tác giả bxvn)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...