Vé bóng đá và câu chuyện giấu giếm,
sợ công khai, minh bạch!
1. Ba tôi quản lý rạp chiếu phim tại một huyện.
Tôi nhớ cứ mỗi lần có phim mới như: Phạm Công Cúc Hoa, Hồng Hải Tặc, Lệnh Truy Nã, Dollar Trắng, Vị đắng Tình yêu, Người đẹp Tây Đô, Vòng vây tội lỗi... thì trước đó cả tuần, rất đông người tới nhà tôi hỏi vé.
Nhiều đơn vị còn có công văn, giấy viết tay chuyển ra cho phía Trung tâm Văn hoá để được ưu tiên.
Một ngày, ba tôi có nói với tôi “Công việc của ba là được giao phó chứ đâu phải quyền hành, ban phát gì cho cam. Thấy người ta cầu cạnh mình vậy thực tâm không vui”.
Thế rồi, ba tôi quyết định mỗi buổi chiếu chỉ dành 15-20 vé cho các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên tổng số mấy trăm chỗ ngồi toàn rạp chiếu, còn đâu người thân, gia đình muốn xem thì ông móc tiền túi mua tặng. Ông nói với tôi “đã là khán giả thì đều phải bình đẳng, con hay họ cũng cần được đối xử ngang nhau”.
2. Trở lại câu chuyện “phân phối” vé xem bóng đá thời gian qua, thấy rõ sự bất hợp lý và cả thiếu công khai, minh bạch.
VFF có vẻ như đang tự cho mình cái đặc quyền về vé bóng đá mà quan chức của tổ chức này lại chưa nghĩ rằng “phận sự của mình là làm sao để người hâm mộ có thể tiếp cận được vé dễ dàng, đơn giản nhất có thể”.
Tôi nhắc ví dụ, trận bán kết Việt Nam - Philippines, ông tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh cho báo chí hay, VFF chỉ bán 15.000 vé online cho người hâm mộ.
Ông tổng thư ký Lê Hoài Anh còn giải thích về việc vì sao chỉ có 15.000 vé cho người hâm mộ trong tổng số 40.000 chỗ ngồi, rằng “đó là vấn đề tế nhị”.
Có một lý do chung chung mà phía VFF đưa ra là cần phân bổ vé cho các đơn vị như AFF, nhà tài trợ, đối tác.v.v..
Còn vé trận lượt về chung kết sắp tới giữa Việt Nam - Malaysia thì VFF cũng “không công bố số lượng vé bán ra trong tổng số 40.000 chỗ ngồi của sân Mỹ Đình”.
Nghĩa là vé xem bóng đá vẫn là câu chuyện khiến người hâm mộ đoán già đoán non, thực thực hư hư.
Bán hay phân phối vé ra sao là quyền của VFF còn người dân chỉ cần biết thế.
Không ai chấp nhận được kiểu: Có đâu cặp vé 400-500.000 đồng ra tới cổng lại thành chục triệu, hai chục triệu đồng.
Có đâu số lượng vé bán ra cho người hâm mộ thực tế còn chưa nổi quá bán số ghế ngồi trong sân.
Có đâu cò vé, phe vé lộng hành quanh sân cho tới rầm rộ trên mạng.
3. Ta thử nhìn sang Philippines, Malaysia, Myanmar, Thái Lan… xem họ làm thế nào.
Họ bắt đầu vấn đề bằng sự minh bạch.
Vé trận Philippines - Việt Nam được bán qua rạp chiếu phim và đến thực tay người hâm mộ, không có chuyện chen lấn, xô đẩy, đẩy vé lên tới hàng chục lần.
Giá vé tại Philippines chỉ 100 peso tức cỡ 45.000 đồng Việt Nam, còn Myanmar là 5.000 kyat, tức cũng chỉ 70.000 đồng Việt Nam.
Trong khi giá rẻ nhất được niêm yết trên vé ở Việt Nam là 200.000 đồng.
Thái Lan thì toàn bộ số vé tại AFF Cup 2018 được Liên đoàn bóng đá nước này bán tất qua mạng. Việc mua vé với người dân Thái nhẹ như không.
Còn tại Malaysia, ngày hôm qua, vị Bộ trưởng mới 25 tuổi Bộ Thanh niên và Thể thao của nước này hứa cam kết vé trận lượt đi giữa Malaysia - Việt Nam sẽ dễ dàng đến tay đầy đủ người hâm mộ, vị Bộ trưởng 25 tuổi này còn hứa bố trí vé máy bay giá rẻ cho cổ động viên Malaysia tới Việt Nam cổ vũ cho Malaysia trong trận lượt về ở sân Mỹ Đình.
Chả nhẽ vị Bộ trưởng 25 tuổi này lại có thể giỏi hơn cả bộ trưởng của ta sao?
Những ví dụ trên đủ cho thấy không cần phải so sánh đâu xa, câu chuyện vé xem bóng đá được những nước bạn giải quyết nhẹ nhàng, đơn giản thế nào.
Nó bắt nguồn tự sự liêm chính, đàng hoàng, không tư lợi nên dám công khai, minh bạch.
4. Nhìn lại VFF, vé xem bóng đá cứ dấm da dấm dúi, úp úp mở mở, mập mờ kiểu giấu diếm, chả dám công khai, minh bạch.
Lý do mà đại diện VFF toàn là những cụm từ “tế nhị”, “khó nói”.
Để rồi hàng chục năm qua, từ cách thức do vài người đặt ra khiến cả xã hội chạy theo, phung phí biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc chỉ vì cái lợi ích giấu giấu diếm diếm cho một bộ phận người quá nhỏ.
Khi thực tế để giải quyết toàn bộ vấn đề này chỉ cần cùng lắm 1-2 người cho chỉ đạo là xong.
Cứ công bố rõ với dư luận, báo chí, truyền thông, cộng đồng mạng cụ thể: Số lượng vé bán ra bao nhiêu? Vé cho đối tác, nhà tài trợ bao nhiêu? Vé cho cổ động viên bạn bao nhiêu? Vé VIP với quan chức bao nhiêu? Vé cho gia đình cầu thủ bao nhiêu? Vé cho các bộ, ngành, người của liên đoàn bao nhiêu là xong.
Vì sao lại không dám mà cứ loay hoay khi thì “không tiện công bố” khi thì “tế nhị lắm”.v.v..
Như thế người dân không nghĩ có sự mập mờ, giấu giếm, có lợi ích trong đó mới lạ.
Năm 2018 rồi, người dân có phải dốt đâu mà ứng xử như trò trẻ con.
Trần Ngọc Lam Giang
(Bài viết của tác giả Xuân Nguyên)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...