Khoảng nửa tháng qua (2/2018), dư luận cả nước chăm chú theo dõi chuyện phong hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ vừa diễn ra. Đại để đợt này số lượng giáo sư, phó giáo sư được phong quá nhiều, với nhiều tai tiếng. Dư luận đặt ra câu hỏi: có gì bất thường, gian lận không? (Hiện đã có tới 94 trường hợp bị khiếu nại, tố cáo, nhiều trường hợp phát hiện có dấu hiệu sai phạm, đạo văn...vv). Việc mỗi cá nhân có tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu khoa học là chuyện đáng ngưỡng mộ. Nhưng phải là thực chất, phải giỏi thật sự, xứng đáng với danh hiệu giáo sư, tiến sỹ. Điều quan trọng hơn, là công trình khoa học của các vị ấy ấy có giúp ích gì cho đất nước, xã hội không? Có thật sự cần thiết không? Hay chỉ là "vẽ chuyện", với những đề tài vô bổ, thậm chí "kỳ dị" đến nực cười, hay thực chất chỉ là sự "nhai lại" những kiến thức lạc hậu, lỗi thời từ hàng thế kỷ trước - nhằm thăng quan tiến chức, hay danh hiệu hão.
Sự kiện làm chúng tôi liên tưởng tới việc một nhà "bác học" Thổ Nhĩ Kỳ đã có công trình nghiên cứu về ngày sinh của một nhà thơ có tên là Secmenđi. Xác định ông nhà thơ này sinh ngày nào, ngày 3 hay ngày 4 - trong một truyện ngắn (truyện cười) của nhà văn Azit Nexin.
Vấn đề câu chuyện đặt ra là: "nhà thơ" mà chả ai biết. Thay vì nghiên cứu về thơ, thì nhà bác học lại nghiên cứu về ngày sinh của nhà thơ, là chuyện tầm phào vô bổ. Vì cho dù nhà thơ sinh ngày nào thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. "Công trình khoa học" như vậy chẳng giúp ích gì được cho đất nước, xã hội. Chúng ta cười khi đọc truyện, nhưng đồng thời cảm thấy xót xa, buồn! Nhưng được như trong truyện thì cũng vẫn còn là may, vì nhà bác học đó chỉ thuần tuý làm khoa học, chứ không phải đồng thời là nhà lãnh đạo, quan chức cấp to.
Truyện ngắn này nằm trong tập truyện Những người thích đùa của Azit Nexin. Tác phẩm đã được địch ra tiếng Việt từ những năm 1980, đã tái bản rất nhiều lần, có thể dễ dàng tìm mua ở các nhà sách.
Bìa sách Những người thích đùa xuất bản tại Việt Nam
*
* *
SECMENĐI SINH NGÀY NÀO?
Azit Nexin
Người ấy là một nhà đại bác học.
- Thế ông ta có phát minh gì không?
- Rõ thật cái anh này! Dĩ nhiên là phải có chứ! Đúng là thời buổi bây giờ, không nói gì đến hạng dân thường, mà ngay cả những người có học cũng chẳng anh nào quan tâm gì đến khoa học cả! Nhà bác học này có cống hiến rất lớn cho nền lịch sử văn học nước ta đấy, vì ông ta đã tìm ra 1 ngày quan trọng.
- Ngày gì thế vậy?
- Chắc anh có nghe nói đến 1 nhà thơ ở thế kỷ 15 tên là Secmenđi chứ?
- Không, tôi chưa nghe nói bao giờ.
- Sécmenđi để lại cho hậu thế 1 tập thơ lớn. Tên tuổi của ông được nhắc đến trong nhiều tập thi tuyển.
- Vậy thì sao?
- Chả là thế này: tất cả các tài liệu về văn học sử đâu như đều nói Sécmenđi sinh ngày mồng 4 tháng 5. Nhưng vị giáo sư nọ đã bác bỏ hoàn toàn ý kiến đó.
- Bác bỏ bằng cách nào?
- Bằng cách viết hẳn 1 cuốn sách dày 600 trang.
- Và trong 600 trang ấy ông ta đã chứng minh được quan điểm của mình?
- ồ, đâu có! Giải quyết 1 vấn đề phức tạp như vậy anh tưởng dễ lắm đấy! Đó mới chỉ là tập mở đầu thôi. Trong tập này giáo sư mới chỉ khẳng định rằng Secmenđi không phải sinh ngày mồng 4 tháng 5.
- Rồi sau đó?
- Sau đó, sang tập 2, tập 3, mà có khi cả tập 4 nữa cũng nên, giáo sư mới dùng mọi lý lẽ để chứng minh rằng, cái ngày mồng 4 tháng 5 ấy là sai. Tiếp đến, sang tập 5 và tập 6, ông mới cho biết ngày sinh chính xác của Secmenđi.
- Thế sẽ có bao nhiêu tập tất cả?
- Hiện giờ cũng chưa biết sẽ có bao nhiêu tập tất cả. Chỉ biết giáo sư mới viết xong tập thứ nhất, mà như thế cũng đã mất 15 năm rồi!
- Anh bảo gì? 15 năm?
- Chứ sao! Anh thật chẳng hiểu gì về khoa học cả.
- Thế đến bao giờ giáo sư mới viết xong các tập kia?
- Nếu thánh Ala cho giáo sư sống thêm 15, 20 năm nữa, thì ông sẽ hoàn thành tập 2. Năm nay giáo sư đã hơn 60 tuổi rồi.
- Nói dại mồm, thế nhỡ chẳng may giáo sư... tịch đi.
- Thì các nhà bác học khác sẽ tiếp tục công trình của giáo sư, ngay từ chỗ mà ông dừng lại.
- Anh cho phép tôi hỏi 1 câu: Quả thật anh bắt đầu làm cho tôi thấy tò mò. Lúc nãy, hình như anh có nói Secmenđi không phải sinh ngày mồng 4 tháng 5. Thế thì ông ta sinh ngày nào?
- Đó chính là vấn đề mấu chốt cần phải xác minh để làm sáng tỏ lịch sử văn học nước nhà. Secmenđi sinh không phải ngày mồng 4 tháng 5, mà là đêm mồng 3 rạng ngày mồng 4. Nhưng sự kiện này xảy ra trước 12h đêm, nên ngày sinh của ông tất phải coi là ngày mồng 3, chứ không phải mồng 4. Tất cả các nhà nghiên cứu văn học sử đã bị nhầm chính là ở chỗ này.
- Và toàn bộ công trình phát minh của giáo sư cũng chỉ là ở chỗ đó?
- Thế theo anh, tìm ra được ngày sinh của 1 nhà thơ cổ hãy còn là ít hay sao?
- Không phải, nhưng tôi không hiểu tại sao giáo sư không thể nói vắn tắt điều đó trong vài dòng, mà phải tốn công viết hàng mấy trăm trang giấy?
- Anh nói chán quá! Nếu viết vài dòng, thì 1 bác học như giáo sư, còn gì là bác học nữa? Còn có gì là khác người thường nữa? Những nhà bác học, sở dĩ là bác học, bởi vì họ biết cách trình bày thế nào để những điều hết sức dễ hiểu cũng trở thành những cái rất khó hiểu, như kiểu đánh đố vậy. Chỉ có vài dòng thôi, nhưng họ biết cách kéo ra thành vài trăm trang. Cái khác nhau giữa những nhà bác học và những người không phải bác học chính là ở chỗ đó.
- Nếu vậy thì làm sao anh biết được nhà thơ Secmenđi không phải sinh ngày mồng 4, mà vào ngày mồng 3 tháng 5? Anh đọc cuốn sách ấy rồi ư?
- Anh hỏi kỳ quá! Ai mà hiểu nổi những cái viết trong sách của các nhà bác học được! Khoc học nó thâm thúy lắm, chứ đâu phải...
- Tôi biết. Nhưng chính vì thế tôi mới muốn hỏi, tại sao anh lại biết được ngày sinh của Secmenđi?
- Thực ra tôi biết không phải là vì tôi đọc sách của giáo sư, mà vì chính giáo sư nói với tôi... Với lại, nói chung những tác phẩm như vậy người ta viết ra không phải để cho mọi người đọc...
- Thế thì người ta in làm gì?
- Anh thật chả hiểu cóc khô gì về khoa học cả! Này nhé, tôi giả dụ có 1 tác phẩm nào đó được in ra, được người ta tranh nhau mua, tranh nhau đọc, ai đọc cũng đều hiểu cả, thì thử hỏi như thế nó còn quái gì là giá trị nữa? ấy thế cho nên các nhà khoa học mới mong cho tác phẩm của họ in ra thà cứ nằm mốc trên giá sách cho bụi bặm còn hơn là được mọi người tranh nhau đọc. Anh nên nhớ rằng chỉ có cuốn sách nào ít người đọc, hay thậm chí không có ai đọc cả, hoặc chỉ có cuốn sách nào viết rất khó hiểu, hay thậm chí không ai hiểu nổi, mới làm tăng uy tín của tác giả mà thôi.
- Thú thật anh làm tôi rất ngạc nhiên.
- Có gì mà ngạc nhiên! Anh tưởng viết để không ai hiểu được dễ lắm đấy phỏng? Anh có thấy từ nãy đến giờ tôi với anh nói chuyện với nhau đã hơn 1 tiếng đồng hồ rồi, mà chúng mình vẫn cứ hiểu nhau 1 cách rất dễ dàng không? Bây giờ tôi với anh hãy thử nói chuyện với nhau thế nào để không ai hiểu ai cả độ dăm phút thôi, xem có dễ không nào?
- Úi, thế thì khó lắm!
- Không phải là khó, mà nói thẳng ra là không thể được. Hơn nữa, đây lại không phải là chuyện ngồi tán phét với nhau dăm ba phút, mà là viết hàng trăm trang sách, mà lại viết thế nào để vẫn có đầu có đuôi hẳn hoi, chứ không phải viết nhăng viết cuội. Nếu không thì lại giống như cái anh loạn trí, thích nói lảm nhảm hàng mấy giờ, có khi mấy ngày liền, những chuyện chẳng ra đâu vào đâu cả. Nhưng những người này thì chẳng bao giờ trở thành bác học được! Vậy thì cái khác nhau giữa nhà bác học và anh mất trí là ở chỗ nào? Nhà bác học có thể viết 1 cuốn sách hàng mấy trăm trang mà người đọc chẳng hiểu gì hết, chỉ thấy như bị lạc vào 1 khu rừng rậm ấy. Nhưng có điều là trong sách của họ, không thể tìm được lấy 1 lối ngữ pháp hay đặt câu nào cả, hay cảm thấy có câu nào gọi là lủng củng hay thiếu logic cả. Còn như anh mất trí thì nói câu trước câu sau là đã lẫn lộn rồi. Dễ hiểu thôi: vì anh ta mất trí mà lại!
- Tôi muốn hỏi anh 1 điều: nhưng làm thế nào giáo sư chứng minh được là Secmenđi sinh không phải ngày mồng 4 tháng 5, mà vào đêm mồng 3 rạng ngày mồng 4?
- Nhưng giáo sư có chứng minh điều gì như vậy đâu! Trong 1 bài thơ đăng trong 1 tuyển tập thơ của mình, Secmenđi có viết:
"Tôi chào đời
Là chào cả hôm qua và cả hôm nay."
Như thế là rõ quá rồi còn gì? Chào cả hôm qua và cả hôm nay là lúc nào? Là nửa đêm. Dạng thức của động từ "chào" ở đây chỉ 1 hành động chưa kết thúc, mà còn tiếp tục kéo dài sang cả thời tương lai. Nghĩa là Secmenđi sinh ra trước lúc nửa đêm 1 chút, vào khoảng kém 5 hay kém 3 phtú gì đó thì đến nửa đêm. Như vậy có thể suy ra ngày sinh của ông không phải là mồng 4, mà là mồng 3.
- Cứ cho là đúng như thế đi, nhưng tôi vẫn không hiểu tất cả nưững cái đó cuối cùng để làm gì?
- Để làm gì ư? Này nhé, nói ví thử bây giờ có 1 nhà bác học nào đó viết 1 cuốn sách 3 tập và nói rằng Secmenđi sinh vào lúc 23h30' ngày mồng 3 tháng 5. Nhưng 1 nhà bác học khác lại bác bỏ ý kiến của ông ta và bảo rằng: "Không đúng, Secmenđi sinh vào hồi 23h35', chứ không phải 23h30." và lại viết 1 cuốn sách dày những 5 tập để chứng minh cho điều đó. Thế là cuối cùng người ta xác minh, được chính xác cả ngày sinh lẫn nơi sinh của nhà thơ Secmenđi.
- Nói anh tha lỗi, chứ thật tình tôi vẫn chưa hiểu gì cả. ừ thì cứ cho là Secmenđi sinh không phải ngày mồng 4 tháng 5, mà là mồng 3, không phải vào hồi 23h30', mà là 23h35' đi. Nhưng biết được như thế để rồi cuối cùng rút ra cái gì?
- Anh nên nhớ rằng người ta soạn ra được lịch sử vào học cũng chính là từ những cái chi tiết ấy đấy. 1 người bảo "Mồng 3 tháng 5", người kia bảo "Không phải, mồng 4 chứ!" Thế là nổ ra tranh cãi. Và người nào viết được cuốn sách dày hơn và khó hiểu hơn là chứng tỏ người đó uyên bác hơn.
- Tôi không hiểu vậy thì lợi ích thực sự của cuộc tranh cãi ấy là ở chỗ nào?
- Trời ơi, cái anh này mới thật tối dạ! Anh không biết rằng chính nhờ những cuộc cãi vã ấy mà nhiều người mới trở thành giáo sư và bác học hay sao? Đó là cách không tốn mấy công sức mà vẫn có danh vọng, sống êm thấm mà vẫn được mọi người kính nể. Tên tuổi lại còn được lưu truyền hậu thế nữa chứ! Nói của đáng tội, chứ ví thử không có họ thì làm sao chúng ta biết được 1 sự thật như Secmenđi sinh vào ngày nào giờ nào? Hay làm sao ta hiểu dược nhiều chân lý vĩ đại khác nữa! Cứ gọi là suốt đời ta cứ sống trong cảnh y mê tăm tối thôi! Loài người ta có tiến bộ được cũng chính là theo cách đó cả. Nghĩa là có 1 nhà bác học khác lắc đầu phê phán, ý nói "Không đúng, không đúng". Thế là nổ ra 1 cuộc tranh cãi sôi nổi. Vị thứ 3 bỗng xen vào và bảo "Cả 2 ông đều sai tuốt." Và khoa học cứ thế mà ngày càng tiến lên mãi.
- Trời ơi, anh nói chí lý quá! Đúng là chỉ cần chịu khó suy nghĩ 1 chút là hiểu được ngay rằng, nếu không có các nhà bác học thì làm sao chúng ta phát hiện ra được chân lý. Té ra bấy lâu nay chúng ta vẫn sống trong cảnh u mê tăm tối mà không biết. Phải rồi, giá không có các nhà bác học thì có lẽ chúng ta chẳng biết cái cóc khô gì hết. Thậm chí đến nhà thơ Secmenđi sinh ngày nào có lẽ chúng ta cũng chẳng biết nữa, mà cứ tưởng ông sinh ngày mồng 4 tháng 5 mất! Đúng là không thể sống mãi trong sự ngu dốt như vậy được. Tôi không thể hình dung nổi chúng ta sẽ làm được cái gì nếu không có các nhà bác học?!
* *
Azit Nexin - tiếng cười thâm thúy
Aziz Nesin, hay Azit Nêxin (1915- 1995) là một nhà văn châm biếm được ngưỡng mộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và là tác giả của hơn 100 cuốn sách.
Ông sinh tại Heybeliada, Istanbul dưới chế độ đế chế Ottoman năm 1915. Sau khi làm viên chức trong vài năm, ông trở thành người biên tập của một loạt tạp chí trào phúng châm biếm nghiêng về chủ nghĩa xã hội. Ông bị tống giam vài lần vì thái độ chính trị của mình.
Nesin đã đưa ra một bản cáo trạng mạnh mẽ lên án sự áp bức và đối xử hung bạo với dân thường. Ông châm biếm bộ máy quan liêu và phơi bày sự bất công của nền kinh tế qua các tác phẩm được kết hợp giữa màu sắc địa phương và sự thật trần trụi một cách tinh tế. Aziz Nesin được trao tặng nhiều giải thưởng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Bulgaria và Liên bang Xô Viết. Những tác phẩm của ông được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Trong nửa sau cuộc đời mình, ông được cho là tác giả Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất sống hoàn toàn bằng thu nhập từ những cuốn sách của mình.
Năm 1972, ông sáng lập Quỹ Nesin. Mục đích của Quỹ Nesin là mỗi năm đưa 4 trẻ em nghèo vào trụ sở của quỹ để che chở, nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo các em, bắt đầu từ bậc tiểu học cho tới khi các em hoàn thành bậc trung học, một trường dạy nghề hoặc cho tới khi các em có nghề nghiệp ổn định. Aziz Nesin đã tặng miễn phí cho Quỹ Nesin toàn bộ bản quyền tác giả của những tác phẩm của ông tại Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác, bao gồm tất cả những sách đã xuất bản của ông, tất cả các vở kịch được trình diễn, bản quyền tác giả cho những bộ phim, và toàn bộ các tác phẩm của ông được phát hay sử dụng trên đài phát thanh hoặc vô tuyến truyền hình.
Aziz Nesin là một nhà hoạt động chính trị. Ông đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là quyền được chỉ trích đạo Hồi một cách không thỏa hiệp. Đầu thập niên 1990, ông bắt đầu dịch cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi của Salman Rushdie với tựa đề Những vần thơ của quỷ Satan. Việc này đã khiến ông trở thành đích nhắm của những tổ chức Hồi giáo cực đoan đang được sự ủng hộ rộng rãi trong quần chúng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 6/7/1995, Aziz Nesin đã qua đời do một cơn đau tim. Thi thể ông được chôn cất tại một nơi bí mật trong khu đất của Quỹ Nesin mà không tổ chức bất kỳ nghi lễ nào, thể theo ước nguyện của ông.
Theo Wikipedia
........
SÁCH - Kể về những cuốn sách trên kệ sách của tôi.
SÁCH - Kể về những cuốn sách trên kệ sách của tôi.
- Bán nguyệt san Thời Nay (1972): Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa
- Tuyển thơ Victor Huygo: Chuyện khỉ già đội lốt chúa sơn lâm
- Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu, xuất bản 1956, Tân Việt, miền Nam) - Cần lắm những Lục Vân Tiên ra tay nghĩa trượng cứu Kiều Nguyệt Nga
- Địa chí văn hóa TP.HCM: Chuyện Nguyễn Ái Quốc đòi ân xá tù chính trị tại Việt Nam và phong trào "Ký giả đi ăn mày" ở Sài Gòn
- Chuyện phái đoàn VN bị ép ký nhường 3 tỉnh Nam kỳ cho Pháp và bài học kinh nghiệm dành cho triều đình (Lịch sử tổng quát Đông, Tây)
- Xứ Đông Dương: một góc nhìn khách quan và chân thực về Việt Nam từ bên trong
- Việt Nam văn học sử (xuất bản 1949): Nhớ về thuở bình minh trong trẻo của nền văn hóa và báo chí dân tộc
- Anh hùng xạ điêu (xuất bản 1964): Thành Cát Tư Hãn và chuyện văn bản dài, ngắn
- Thiên Long Bát Bộ (kiếm hiệp Kim Dung): Giả thật lẫn lộn, không có chỗ cho người ngay
- Mao Trạch Đông - tấn thảm kịch của Đảng cộng sản Trung Quốc
- Hồng đô nữ hoàng - Bộ trưởng quốc phòng TQ Bành Hoài Đức đã bị Mao trừng trị như thế nào sau khi góp ý về việc xây dựng CNXH ở Trung Quốc
(Bài viết của tác giả Bình Luận Án)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...