Top-ten Ấn tượng 2017 (Trương Duy Nhất bình chọn)

TOP-TEN ẤN TƯỢNG 2017
(Trương Duy Nhất)

clip_image002

Hình minh hoạ. Blogger Trương Duy Nhất

Khắc hoạ toàn cảnh xã hội Việt và thời tiết chính trường, qua bộ “top ten ấn tượng 2017”.

1. Chiến cuộc “nhóm lò”

Một chiến cuộc “nhóm lò” rung động chính trường Việt 2017. “Thiêu đốt” Uỷ viên Bộ chính trị Đinh La Thăng. Cuộc truy bắt có một không hai đưa Trịnh Xuân Thanh từ Đức về nước “đầu thú”, và các cuộc kỷ luật, triệt hạ hàng loạt tên tuổi đình đám khác. Bất luận bình xét theo chiều nào (chống tham nhũng hay triệt hạ phe cánh), “cái lò ông Trọng” là sự kiện chính trị nóng bỏng, ấn tượng nhất, khắc hoạ chân thật nhất tình hình đảng sự, cũng như sức khoẻ quốc gia qua từng thanh củi lửa.

2. Những nghi án sức khoẻ

Sau “sự cố” Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh từ các năm 2015, 2016, những nghi án sức khoẻ trong năm 2017 tiếp tục nhắm vào Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ông Huynh, coi như kết thúc sự nghiệp. Chủ tịch Trần Đại Quang thì lúc ẩn lúc hiện với hàng loạt đồn đoán về bệnh tình. Những nghi án sức khoẻ, khiến dân tình dễ liên tưởng đến một “bóng ma” Nguyễn Bá Thanh nào đấy ám ảnh chính trường Việt.

3. Đà Nẵng, điểm nóng chính trường Việt

Tựa chuyện Trịnh Xuân Thanh, câu chuyện Đà Nẵng được khơi mào từ chiếc xe của Bí thư Nguyễn Xuân Anh. Từ chiếc xe doanh nghiệp tặng, đến điểm nóng Sơn Trà, và sau đó là hàng loạt những bê bết về đất đai. Từ việc phế truất trung ương uỷ viên, tước hàm Bí thư thành uỷ đối với Nguyễn Xuân Anh, cảnh cáo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, và cuối cùng là cuộc khám xét, khởi tố, truy nã Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm). Không chỉ thiêu đốt Đà Nẵng, biến đô thị “hiện tượng” này thành điểm nóng chính trường Việt 2017.

4. Sự cố Đồng Tâm và cuộc bắt giam vô tiền khoáng hậu 19 cảnh sát cơ động Hà Nội

Nếu những năm trước là Tiên Lãng, Dương Nội, Văn Giang, Vụ Bản…, thì 2017, điểm nóng đất đai nổi sóng nhất là sự cố Đồng Tâm, cùng cuộc bắt giam 19 cảnh sát cơ động tại nhà văn hoá thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội). Cuộc bắt giữ vô tiền khoáng hậu khiến Chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Đức Chung phải thân chinh vào làng giải cứu. Chiến dịch giải cứu thành công, nhưng sự lật kèo từ chính Chủ tịch Chung và cuộc khởi tố điều tra nhắm vào dân làng Hoành sau đó đã đẩy chiến cuộc đất đai thôn Hoành lên một nấc thang mới, chưa biết đâu là đỉnh điểm. Dân Đồng Tâm có thể bị bắt, nhiều người có thể vào tù. Nhưng sự nghiệp chính trị của tướng Chung, Chủ tịch Hà Nội mãi hằn một vết nhơ về đức liêm sỉ và tính trung thực sau bản cam kết cùng cú lật kèo có một không hai của ông với dân chúng Đồng Tâm. Thắng dân là mất dân. Nhưng tướng Chung và chính quyền Hà Nội đã chọn cách thắng dân. Một “chiến thắng” hiếm có chính quyền liêm sỉ nào dám thắng.

5. BOT Cai Lậy và cuộc “cách mạng tiền lẻ”

Khởi phát từ BOT Bến Thuỷ (Nghệ An). Nhưng phải đến BOT Cai Lậy (Tiền Giang), chiến thuật dùng tiền lẻ qua trạm của cánh tài xế mới bùng lên như một cao trào, được ví như cuộc “cách mạng tiền lẻ” có một không hai trong lịch sử. Cuộc cách mạng không chỉ lật tẩy những mánh khoé cướp trấn tiền dân của các tập đoàn Mafia núp dưới hình thức BOT, mà còn minh chứng cho một sự trưởng thành từ nhận thức dân chúng, và hơn nữa, thành một phương cách phản kháng dân sự phi bạo lực mẫu mực. Để không chỉ là những cuộc “cách mạng tiền lẻ”, sẽ là tiền đề cho những cuộc “cách mạng khác”, những trận tuyến khác, không chỉ BOT.

6. Tràn ngập bắt bớ giới đấu tranh dân chủ, và những bản án nặng nề

Trên 30 người bị bắt, chủ yếu nhắm vào nhóm “Anh em dân chủ” của luật sư Nguyễn Văn Đài và các nhà đấu tranh dân chủ, các blogger phản biện độc lập. Cùng hàng loạt chiến dịch bắt bớ, là những bản án nặng nề đến tàn độc. Điển hình là các bản án 10 năm tù đối với Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 9 năm với Trần Thị Nga, và 7 năm với Nguyễn Văn Hoá… Có thể nói, chưa năm nào bắt bớ dồn dập đến vậy. 2017 là năm đỉnh điểm nhắm vào giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền.

7. Cuộc chiến vỉa hè và hiện tượng “Hải cẩu”

Một phong trào đầu voi đuôi chuột, như mọi phong trào khác, vô vàn trên nước Việt, không riêng gì thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng nó trở thành hiện tượng, bởi phương cách tàn khốc và hình ảnh khiếp sợ của một quan chức mang nickname “Hải cẩu” đầy mai mỉa. Sau vài tháng tan hoang như chiến trận, quận 1 vẫn không thể thành… Singapore, vỉa hè vẫn trở lại muôn dặm vỉa hè như cũ. Không thấy ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 “cởi áo về vườn” như tuyên bố hùng hồn trước đó. Còn lại, lan truyền trên mạng chỉ là những bức ảnh ngài “Hải cẩu” với ánh mắt kinh sợ, và những đoạn clip cực hài về một vị quan suốt ngày ra đường rình bắt dân đi ị…

8. Những biệt phủ quan & nghề làm giàu của quan chức Việt

2017 là năm phát lộ nhiều khu biệt phủ quan cực đỉnh. Từ cụm biệt phủ đồi - đồi biệt phủ của giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường (em ruột Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái) Phạm Sỹ Quý; đến biệt thự khủng của cựu Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Phước Thanh; biệt phủ của cựu Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường Bùi Cách Tuyến; dinh thự của cựu Phó ban nội chính tỉnh uỷ Đăk Lăk, Nguyễn Sỹ Kỷ; biệt phủ của Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum, Phạm Thanh Hà; dinh thự của Bí thư huyện Duy Tiên (Hà Nam) Nguyễn Đức Vượng; biệt thự của “cậu ấm chơi chim”, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam, Lê Phước Hoài Bảo; lầu son gác tía của “hot girl xứ Thanh” Trần Vũ Quỳnh Anh… “Ấn tượng” và khôi hài ở chỗ: Các cuộc thanh tra, chẳng những không truy được một dấu hiệu tham nhũng hay bất minh nào từ những khối tài sản khủng, mà còn cho thấy quan chức Việt biết tranh thủ làm giàu từ nhiều nghề cực sốc như: nuôi heo, chạy xe ôm, bán chổi đót, buôn men rượu, làm giá đỗ…

9. Dự luật “an ninh mạng” và nguy cơ về những cuộc “xâm lăng mới”

Một dự luật, được xem là giống nhau như hai giọt nước nếu so với Luật an ninh mạng Trung Quốc. Không chỉ về thuật ngữ, mà còn ở việc buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, buộc đặt máy chủ trong nước, buộc người dùng và các doanh nghiệp cung cấp thành những “tên chỉ điểm”, ép doanh nghiệp công nghệ phải tuân thủ các “quy chuẩn kỹ thuật” của nhà nước, ép doanh nghiệp liên quan đến “thông tin quan trọng” phải thông qua “thẩm định của chính quyền” khi mua phần cứng, phần mềm… Một dự luật, nếu thông qua, không chỉ tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân, không chỉ rào chắn cản ngăn những công cụ giao tiếp, truyền thông hiện đại, mà có thể còn là cuộc đánh đuổi những nền văn minh mới của nhân loại khỏi nước Việt. Không chỉ xây “Vạn lý trường thành” đánh đuổi Google, Facebook, Youtube, Twitter, Viber… Nhiều người đang đặt dấu hỏi về một nguy cơ khác: Đó là các cuộc “xâm lăng mới” của người Tàu mang tên Baidu, Renren, Youku, Tudou, Weibo, Baidu, Alibaba… thông qua dự luật này. Một dự luật an ninh, nhưng đầy rẫy những bất an.

10. Những “binh đoàn mạng”

Tiết lộ từ Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, tại hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 gây sốc: đã hình thành một lực lượng trên 10.000 “chiến sĩ” là hạt nhân trên mặt trận không gian mạng (lực lượng mang bí số 47). Theo tướng Nghĩa, đây là lực lượng "vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao”. Ngoài binh đoàn 1 vạn quân biên chế quân đội, còn lực lượng nào nữa từ Bộ Công an, Ban Tuyên giáo…? Chắc chắn là một quân số khủng. Con số tiết lộ từ năm 2013, đã cho thấy cả nước có hơn 8 vạn “tuyên truyền viên miệng”. Riêng Hà Nội, đã tổ chức được đội ngũ 900 “dư luận viên”, 19 trang điện tử và hơn 400 tài khoản mạng. Thế giới mạng với những nguy cơ an ninh cùng chiến tranh mạng, thì việc hình thành những “binh đoàn mạng” là tất yếu. Nhưng, cứ liên tưởng đến những trận bom report và comment bẩn trên mạng, khiến rùng mình.

T.D.N.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/top-ten-2017-12302017204351.html


(Bài viết của tác giả bauxitevn)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...