1. Chuyện đàm phán ở Đồng Tâm
Võ sư, GS VS Lương Ngọc Huỳnh
17-4-2017
Người dân chỉ tin cụ Kình (tóc bạc). Cụ đang nói chuyện với công an và người dân. Ảnh chụp từ clip ngày 10-3-2017.
Năm 1980, Nhà nước sử dụng đất Đồng Tâm làm sân bay quốc phòng. Theo người dân ở đây nói rằng, lúc bấy giờ Nhà nước lấy cột mốc 29 làm địa giới cho sân bay.
Nhưng sau đó Huyện và Xã đã lấy thêm đất của dân để cho thuê vào những mục đích khác mà báo Vietnamnet đã đề cập đến từ năm 2014. Cũng từ đây người dân và chính quyền địa phương luôn mâu thuẫn và đã có nhiều lần người dân đi kiện các quan chức địa phương.
Ông Lê Đình Kình là người đại diện cho dân nói lên tiếng nói của mình. Năm nay ông đã 82 tuổi và có 60 năm tuổi đảng.
Gần đây có thông tin rằng Viettel đã thuê đất địa phương với số tiền khá lớn, nhưng địa phương lại không minh bạch trong chuyện này…?!
Tiếp tục sự kiện, vào lúc 9h sáng ngày 15-4-2017 chính quyền địa phương tiếp tục cưỡng chế đất mà địa phương gọi là đất quốc phòng, do vậy ông Kình cùng một số người dân được mời đi ra bãi để chỉ nơi cắm mốc.
Trên đường đi cán bộ địa phương hỏi ông: “bãi có rộng không?” Ông nói: “rộng”. “Vậy mời bác lên xe đi cho nhanh”. Ông Kình không đi xe mà thích đi bộ. Khi mọi người đến cột mốc số 15 thì không hiểu vì lý do gì tự nhiên cảnh sát cho nổ lựu đạn khói và bắt ông Kình, hai bên giằng co và cuối cùng họ đã quật ngã ông Kình xuống đất, lúc này ông Kình kêu lên: “Ối giời ơi, tôi bị đau tay”! rồi sau đó cán bộ vẫn bắt ông và đẩy lên xe chạy đi.
Các thanh niên làng trong đó có anh Công con trai của ông Kình và cháu Y (Uy) con của anh Công lấy xe máy đuổi theo xe ô tô của công an. Đến gần thị trấn Chúc Sơn thì có người trên xe công an hô lên rằng “bọn cướp người”. Lúc này dân ở Chúc Sơn tưởng cướp liền xông ra hỗ trợ công an đánh nhóm thanh niên chạy theo xe. Việc xô xát khiến cháu Y (Uy) bị thương. Sau đó công an đã bắt tất cả là 9 người đưa về trụ sở thành phố.
Thấy vậy, dân quay về làng và củng cố lực lượng, lúc đó vào khoảng 11h trưa, có một xe cảnh sát cơ động chạy về làng để trấn an dân; khi xe về làng thì có anh công an hỏi dân rằng: “Các anh chị đến đây để làm gì?”. Dân hỏi lại: “Vậy các anh đến đây để làm gì?”. Anh công an trả lời: “Không cần biết”, do vậy dân đáp lại: “Vậy thì anh cũng không cần biết chúng tôi đến đây để làm gì”!
Lời qua tiếng lại và bắt đầu mâu thuẫn xảy ra, công an cầm loa yêu cầu dân giải tán, còn dân thì đòi thả người… Cuối cùng một màn ẩu đả bằng gạch đá nhanh chóng diễn ra, người dân vây bắt được 29 cảnh sát, một lát sau lại bắt được thêm hai cảnh sát nấp ở gậm giường, thế là con số lên 31 người, tất cả được đưa đến nhà văn hoá thôn Đồng Tâm giam giữ ở đó, vì việc này mà công an huy động chi viện thêm lực lượng đến hàng trăm cảnh sát về địa phương. Tất cả những ai vào đàm phán, hoà giải, kể cả nhà báo… đều bị bắt nhốt tiếp, đến hôm qua theo chị Nhung, con gái ông Kình, nói rằng tổng số là 38 người.
Mọi đàm phán đều đổ vỡ, chị Nhung mang bánh mỳ, giò, ngô, cơm để nuôi những con tin bị nhốt. Bức xúc trước việc làm của chính quyền địa phương và cảnh sát, người dân đã ra tượng Bác Hồ trước nhà văn hoá thắp hương và thề chiến đấu đến cùng! Đồng thời mua xăng chất xung quanh nhà văn hoá và gài kíp mìn để gây áp lực con tin với mục đích đòi chính quyền thả vô điều kiện những người bị bắt.
Sáng ngày 16-4 chị Nhung vẫn mang đồ ăn cho con tin, trưa chị vẫn mang cơm cho mọi người ăn. 15h chiều, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung gọi điện cho chị Nhung yêu cầu người dân thả con tin.
Tôi cũng đã gọi điện cho lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất, đề nghị nghĩ phương án giải toả con tin, và giải đáp cho dân, đồng thời kết hợp với một số anh em an ninh nắm bắt tình hình, mọi việc tưởng chừng là dễ khi các báo cáo đến với những lãnh đạo cao nhất kể cả Bộ Công an.
Tình hình căng thẳng, có thể cháy nổ bất kỳ lúc nào, do vậy lúc 15h30 tôi điện cho chị Nhung giải thích và đề nghị dân bỏ hết xăng và kíp mìn ra khỏi khu vực nhà văn hoá để đề phòng bọn xấu lợi dụng bắn súng laser làm cháy nổ. Ngay sau đó toàn bộ số xăng đã được bỏ ra an toàn.
Các cuộc điện thoại liên tục từ chiều đến đêm giữa hai bên để tìm phương án tốt nhất. Tôi đã đề xuất nên có một lãnh đạo cấp cao có đủ uy tín với dân xuống hiện trường để đàm phán và hai bên cùng thả người, sớm giải toả phức tạp, sau đó ai sai ai đúng thì căn cứ điều tra và áp dụng luật pháp công bằng trừng trị, bất kể là cán bộ hay dân.
Khi mọi đàm phán không đạt được thì người dân dùng cây gỗ và đá hộc mang ra chắn đường vào làng. Phía công an và chính quyền cũng cắt mạng và phá sóng khu vực xảy ra sự cố, tuy nhiên mạng di động vẫn có lúc gọi được, riêng máy của chị Nhung tôi vẫn liên lạc thông suốt không có dấu hiệu bị nghẽn mạng. Chiều hôm qua 16-4, chị Nhung mang đồ ăn cho con tin thì đã bị mọi người chửi và nói ý rằng không phải cho chúng nó ăn.
Đến đêm hôm qua 16-4 Chủ tịch thành phố sau khi đàm phán với chị Nhung đã thả anh Công và anh Ba để cho về làng và yêu cầu người dân thả con tin, chị Nhung cũng hy vọng dân làng sẽ thả con tin, nhưng sau đó chị Nhung có điện cho tôi báo rằng, người dân Đồng Tâm theo dõi và đếm được 14 xe cảnh sát đi về qua Chúc Sơn, hướng vào Đồng Tâm, trong đó có 11 xe chở cảnh sát và 3 xe thùng để bắt người! Thế là mọi việc lại cực kỳ căng thẳng, khi hai người này về đến làng, nói rằng, nên thả bớt con tin thì dân làng đã nổi nóng và đánh kẻng báo động lúc 23h30p, sau đó đã bắt trói anh Công và anh Ba mang đi nhốt ở chỗ khác.
Sáng nay 17-4 chị Nhung vẫn mang bánh mỳ, giò và ngô luộc cho mọi người ăn bình thường. Buổi sáng nay Chủ tịch thành phố có liên lạc với chị Nhung và hỏi: “Liệu tôi xuống thì dân có bắt tôi không?”. Chị Nhung nói chị sẽ ra đón và đảm bảo là dân không dám bắt.
Trước 11h trưa nay Chủ tịch thành phố gọi cho chị Nhung nói sẽ thả nốt số người còn lại, duy chỉ có ông Kình chưa về được là do ông bị rạn xương hông và nghi gãy tay nên phải đưa vào Viện Việt Đức chụp phim điều trị, có thể phải mổ. Chủ tịch cũng nói đã huy động các bác sĩ giỏi nhất điều trị cho ông Kình.
Hiện tại chị Nhung đã liên hệ được với cháu Y (Uy) và cháu nói hôm kia cháu bị đánh gần chết và rất đau, bây giờ đau toàn thân.
Sau 13h chị Nhung có liên lạc với Chủ tịch thành phố và Chủ tịch có nói: nếu dân đồng ý thả hết con tin, thì Chủ tịch sẽ cho chị Nhung và người nhà ra gặp ông Kình ở bệnh viện, còn nếu không thả người thì đừng ra mà vô ích.
Trưa nay chị Nhung vào cho mọi người ăn thì đếm lại có 36 người bị nhốt, chị nói có thể hôm qua chị đếm nhầm.
Nguyện vọng của dân Đồng Tâm là thành phố đưa ông Kình về cho bà con nhìn thấy để an tâm và dân sẽ thả con tin, còn bệnh của ông Kình thì gia đình sẽ đưa đi viện điều trị không phiền đến nhà nước.
Hiện nay người dân Đồng Tâm quấn cờ quanh người và thề chết nếu không thả ông Kình vì dân nói dân chỉ tin ông Kình thôi.
Vụ việc chỉ có vậy mà đến nay hai bên vẫn chưa giải quyết được dứt điểm gây cho nhiều người hoang mang và lo lắng.
Theo tôi nếu ông Kình có thể di chuyển được trên xe cứu thương thì đưa ông Kình về để giải quyết ngay mâu thuẫn và giải phóng con tin càng nhanh càng tốt.
Các cụ nói: ” không có lửa làm sao có khói?”. Cho nên ta phải nhìn nhận từ hai phía, tại sao chính quyền địa phương lại để cho dân bức xúc đến như vậy? Khi xảy ra sự việc thì chính quyền xã bỏ trốn, người dân đã tiếp quản Ủy ban và sử dụng loa công cộng để thông báo tin tức trong thôn, hiện tại theo chị Nhung nói là chỉ còn một mình cô Bí thư xã ở nhà đóng cửa kín không ra ngoài!
Vậy cán bộ và dân đến nỗi nào mà phải lìa mặt nhau, như thế thì làm sao còn đủ tư cách lãnh đạo nhân dân và ai nghe? Thật là “dễ trăm lần không dân vẫn chịu, khó vạn lần dân liệu vẫn xong” là thế đấy!
L.N.H.
Nguồn: FB Lương Ngọc Huỳnh
* *
2. "Đất quốc phòng"?
Vụ cưỡng chế đất ở Mỹ Đức- Hà Nội ngày 14/04/2017. Ảnh: @trelangblog.com
Không khí tiếp tục căng thẳng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, nơi dân làng bắt giữ hơn 30 cảnh sát cơ động từ hôm thứ Bảy, 14/04/2017, để phản đối việc chính quyền địa phương cưỡng chế đất trái luật, bắt bớ nhiều người. Sáng nay 18/04, 15 nhân viên an ninh đã được trả tự do, tất cả những người dân bị bắt cũng đã được thả.
Qua điện thoại, RFI tiếp xúc được với ông Bùi Viết Thiểu, 74 tuổi, một người dân xã Đồng Tâm. Ông Thiểu xác nhận thông tin về những người được thả của cả hai bên. Theo ông, quan điểm của những người phản đối vụ cưỡng chế đất là dân sẵn sàng thả các cảnh sát còn lại, nhưng yêu cầu lãnh đạo chính quyền đối thoại minh bạch về vụ tranh chấp. Người dân duy nhất của xã Đồng Tâm hiện chưa trở về nhà là ông Lê Đình Kình, 83 tuổi, bị chấn thương trong vụ bắt bớ hôm 14/04, hiện đang được điều trị tại bệnh viện.
Theo trang mạng trong nước Vnexpress, việc trả tự do cho 15 cảnh sát «đã diễn ra khá êm thấm… Họ được đối xử lịch sự, cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ».
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có cuộc họp báo để thông tin về nguồn gốc vụ việc. Báo mạng Tuổi trẻ dẫn lại nguồn tin trên, khẳng định khu đất 46 ha bị trưng thu vốn thuộc quyền quản lý của quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng), hiện đã được giao cho Tập đoàn Viettel. Ban Tuyên giáo Hà Nội cũng thừa nhận đã có tình trạng lấn chiếm đất quốc phòng ở đây, với sự tiếp tay của nhiều lãnh đạo chính quyền xã khóa trước (vụ án đã được khởi tố, nhiều quan chức xã bị tạm giam), nhưng việc người dân chống lại dự án thi công của Viettel là bất hợp pháp.
Ông Bùi Viết Thiểu, dân Đồng Tâm, phản đối lập luận này và cho biết quan điểm :
Ông Bùi Viết Thiểu, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội)18/04/2017 Nghe
«Tổng khu vực đấy là 104 ha, nhưng quyết định thu hồi năm 1980 của Chính phủ là 47,36. Số còn lại là gần 59 ha là đất nông nghiệp. Thế nhưng bây giờ người ta bảo tất cả là ‘‘đất quốc phòng’’, nên dân phẫn nộ.
Thứ hai là, việc bán cho tập đoàn viễn thông quân đội, trong giấy người ta viết là giao cho Viettel quân đội 47,36 ha, theo quyết định 113. Nhưng người ta không làm chỗ 47,36 ha, mà người ta lại làm ở chỗ 59 ha.
Quân chủng Phòng Không Không Quân thông báo vẫn quản lý đầy đủ sân bay Miếu Môn, trong đó có 47,36 ha của Đồng Tâm. Thế mà họ lại bảo dân Đồng Tâm lấn chiếm đất.
Việc lấy chỗ 59 ha này để bán cho Viettel khiến dân phẫn nộ. Hơn nữa, trong 59 ha này, người ta (chính quyền địa phương) đã phân cho nhau 6,8 ha, bán đi khắp nơi với giá 6 triệu đồng/m² rồi. Họ muốn bán nốt 53 ha còn lại.
Như vậy, có sự tráo lộn: Giao thì giao đất sân bay, nhưng khi làm lại làm trên đất nông nghiệp.
Tại sao gọi là ‘‘đất quốc phòng’’ mà (cơ quan) địa chính với cán bộ huyện lại bán được đất? Điều này là vô lý! Đây là chỗ mà cán bộ các cấp coi là vỉa tiền. Người dân phẫn nộ lắm!»
Ông Bùi Viết Thiểu cho biết trong những năm 1980 - 1984 ông là chủ nhiệm hợp tác xã tại Đồng Tâm, và chính ông đã là người trực tiếp «bàn giao mốc giới sân bay Miếu Môn».
T.T.
* *
3. Tiếp việc ở Đồng Tâm - Làm báo phải có Tâm
Có rất nhiều thông tin báo chí không chính xác dẫn đến bà con phẫn nộ vì đăng không đúng sự thật và mang tính áp đặt cho người dân, việc làm này chỉ đổ thêm dầu vào lửa không có lợi và tôi cho là vài kẻ phóng viên lá cải vô lương tâm!
Diễn biến sự việc hiện tại như sau:
- Sức khoẻ của ông Kình hiện nay đang được chăm sóc tốt, con gái ông đã được tiếp cận bố, tay ông chỉ xây xát chảy máu nhưng không bị gãy như thông tin ban đầu. Nhưng khi cảnh sát bắt ông có thể do lúc quật ngã hoặc lúc ôm ném ông lên xe đã làm ông bị gãy xương hông, theo bác sĩ khả năng sẽ phải mổ để sắp lại xương cho ông.
- Hiện tại bà con Đồng Tâm đang đọc danh sách để thả bớt một số cảnh sát về, con số thả bao nhiêu còn đang được cân nhắc chưa chính xác.
- Làng Đồng Tâm đang quan tâm sâu sắc đến sức khoẻ của ông Kình nên tôi nghĩ bệnh viện và các bác sĩ sẽ làm hết mình để đảm bảo tốt nhất cho ông.
Hy vọng mọi việc dần dần hạ nhiệt.
Thông tin sẽ tiếp tục được cập nhật thường xuyên.
L.N.H.
Nguồn: FB Lương Ngọc Huỳnh
* *
4. Bản tin Đồng Tâm Mỹ Đức
Tôi thực sự lo lắng và có thể sẽ hết thuốc chữa cho câu chuyện này! Tôi quá buồn!!!!!!!
Tôi đã làm hết sức mình, và ngửi thấy mùi máu rồi mà không thể cản nổi sự ngu si của con người thì đành chịu bó tay................ com!!!
Tôi thực sự sợ hãi cách làm việc đầu bã đậu này rồi!!!
Mọi người bò đen hãy nhớ rằng đây là Việt Nam chứ không phải China đâu!!! Ngu vừa vừa thôi!!!
Người ta đã già rồi
Đâu còn hơi sức nữa
Nhịn không ăn mấy bữa
Xương lại vỡ đang đau
4 thằng canh trước sau
Mai lại còn cạy cục
Bàn việc với Viettel
Lỡ ông nổi cơn hen
Như ngọn đèn trước gió
Gian ngay chưa sáng tỏ
Dân nổi đỏ lửa hồng
Cảnh sát vào tấn công
Giải vòng vây đồng đội
Bắn bao người vô tội
Thật là lỗi ngất trời
Chuyện để lại ngàn đời
Là bất nhân bất nghĩa!
L.N.H.
Nguồn: FB Lương Ngọc Huỳnh
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...