Có một thực tế là trong xã hội hiện nay, số người giàu xổi rất nhiều, số người “tự nhiên bị dí ghế vào đít” kiểu như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải… cũng không ít. Và họ… hoang mang, thế là phải cầu thần thánh, để tin cái sự may mắn trời cho kia là sự thật, là hợp quy luật, là do “bà đỡ”. Hiện tượng này thấy rõ nhất ở các trường hợp, đại đa số các cán bộ đảng viên không theo phật, nhưng khi chết, thế nào cũng mời thầy chùa về cúng, tụng kinh ngày này qua ngày khác, thầy nói gì là thun thút nghe, kể cả những điều rất vô lý, dù trong xã hội thì đấy toàn là những ông to bà lớn, hét ra lửa, một tiếng nói trăm người nghe…
Rồi tết cũng đã qua. Có người thở phào, có người nuối tiếc. Tết như một món quà thiên nhiên ban tặng con người, nhưng lại cũng là thứ con người sinh ra để… hành nhau. Nhiều cảm xúc, nhiều thái cực, nhiều tâm trạng và cũng nhiều ám ảnh tết khiến tết cũng nhiều cung bậc. Tết này tôi là bệnh nhân, định ít đi đâu, nhưng rồi cuối cùng cũng bôn ba nhiều nẻo, trong đó có mấy chuyến lên về Pleiku - Quy Nhơn phục vụ con gái, vừa lái xe vừa ngẫm nghĩ…
1. Tháng củ mật: Từ hồi nhỏ đã nghe nói đến tháng củ mật. Cứ nghĩ tại nó là tháng chạp, tháng có những đêm tối nhất trong năm, nhất là đêm 30 tết. Nông thôn nên tháng này thấy nó tối thật. Rồi đến khi về Huế, thấy trước khi vào cúng, có một ông khăn đóng áo dài hô rất to khẩu lệnh: “Củ soát” thì thấy khổ chủ quay lại kiểm tra rất kỹ bàn cúng, biết thêm củ soát là kiểm tra sau khi biết củ mật là kiểm soát cẩn mật. Nhưng rồi tôi đã nếm “tháng củ mật” ngay tại thành phố Quy Nhơn đèn hoa giăng mắc sáng hơn ban ngày.
Ấy là xuống nhà con gái, tối 28 tết, đậu xe trước nhà. Sáng ra thì… kính xe đã được đập rất gọn, và cái ví để quên trong ấy kịp bay với tên trộm có kỹ thuật rất cao này. Trong ấy là nhuận bút của chừng mười tờ báo tết, là toàn bộ giấy tờ như thẻ nhà báo, chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ ATM vân vân các loại. Làm việc với công an Quy Nhơn, các anh ấy cho biết, đến tôi là vụ thứ mấy trong tháng củ mật này, và rằng là, lần đầu tiên ở Quy Nhơn xảy ra việc này. Đến hôm nay vẫn chưa thấy tăm hơi gì từ phía công an và cả phía… kẻ trộm, vì thông thường là, sau khi lấy tiền thì giấy tờ sẽ được “quay vòng” đến tay ai đó, và khổ chủ sẽ được điện thoại đến chuộc. Người ta chấp nhận bỏ tiền chuộc bởi nếu lớ ngớ đi làm lại giấy tờ sẽ rất phiền phức và tốn nhiều thời gian.
Chả biết trên thế giới có nước nào có “tháng củ mật” không, nhưng quả là ở Việt Nam, điều này khiến những người tử tế xấu hổ. Khi nhắc nhau tháng củ mật phải cẩn thận, hoặc tắc lưỡi, tháng củ mật mà, là chúng ta đã thỏa hiệp với cái xấu, điều không được phép xảy ra ở xã hội văn minh, xã hội tử tế. Không thể chống lại cái xấu cái ác bằng cách bảo nhau, nhắc nhau, hẹn nhau: Tháng củ mật đấy, hãy cẩn thận. Và khi đã cố hết sức cẩn thận rồi, mà nó vẫn xảy ra, thì chúng ta, những người dân tử tế ấy, phải làm sao?
2. Tai nạn giao thông và… oánh nhau.
Năm nào cũng thế, cứ tết đến là thon thót lo tai nạn giao thông. Chỉ thị có, nghị quyết có, tuyên truyền nhắc nhở có, nhưng rồi, vẫn cứ điệp khúc mỗi ngày bao nhiêu người ra khỏi nhà bằng xe và trở về bằng… cáng hoặc quan tài. Năm nay, theo thống kê thì số vụ, số người chết đều cao.
Hình như tết thì người ta có tâm lý chạy… thả ga hơn. Chở quá hai người, không đội mũ, uống rượu bia chúc tết rồi di chuyển (ngay chuyện cứ đến nhà chúc tết là phải làm một ly cũng là đề tài để viết một bài đầy đặn, hẹn sẽ có dịp trở lại). Trong đấy hãi nhất là những người thuê xe (ô tô) tự lái và chạy (mô tô) hàng 2 hàng 3 trên đường.
Bởi tôi phải chạy mấy vòng Pleiku Quy Nhơn trong tết nên chứng kiến, và luôn hẹn phải hết sức cảnh giác với mấy bác thuê xe tự lái. Ngay mình lái xe của mình mà thi thoảng vẫn có bác nhầm chân ga chân phanh, có lúc muốn lái sang phải thì nó lại qoẹo trái huống gì các bác chưa có xe nhưng có bằng, cả năm chả lái, đến tết thuê xe lái, lóng nga lóng ngóng, tay chân cứng qoèo, lúc gặp sự cố chỉ còn nước… ối ối ối… Nên người ta đánh giá phi công và cả lái xe qua số giờ bay, lái hoặc số ki lô mét đã bay, lái là có lý của nó…
Còn các cô cậu choai choai thì dùng xe máy chiếm lĩnh lòng đường. Chạy như phía trước là… thiên đường, và chỉ mình mình chạy trên đường, chả còn ai nữa. Mà đường bây giờ đa phần là ngon, tốc độ cho phép lên đến 80 - 90 cây số giờ, thế mà các cô các cậu cứ lấn ra làn ô tô và… đua với ô tô.
Cũng vẫn là… truyền thống tết thì tết năm nay số vụ oánh nhau và số vụ bị chết do oánh nhau hình như có tăng. Đỉnh điểm là vụ mấy thanh niên đánh bác cựu chiến binh đến phải nhập viện và giờ thì đang chờ… khởi tố. Rồi một ông đang cưỡi xe đi trên đường bị nghi ăn cắp xe và cũng bị đánh hội đồng. Chưa hết, 2 người vào can cũng bị te tua, cả 3 cùng vào bệnh viện.
3. Lễ hội và phản lễ hội.
Và cũng năm nào cũng vậy, tết là có lễ hội. Và càng ngày lễ hội càng biến tướng, theo tư duy vụ lợi, thực dụng, ăn xổi ở thì của con người hôm nay.
Dù các ngành chức năng đã hết sức cố gắng để đưa lễ hội vào quỹ đạo, nhưng có vẻ như, càng cố đưa vào thì nó lại cố… nhoài ra.
Nó có nhiều lý do, trong đó có mấy lý do chính sau.
Một là do chính các cơ quan quản lý. Vốn dĩ là các lễ hội dân gian do nhân dân tự tổ chức ở từng làng, chúng ta “nâng cấp” lên thành của vùng, của tỉnh, và làm sai tính chất của nó. Ví dụ lễ đền Trần chúng ta biến thành phát ấn cầu may cầu tài cầu lộc trong khi bản chất của nó chỉ là khai ấn để làm việc đầu năm. Hay việc một ông sư trụ trì phát lộc ngay trong ngày khai hội chùa Hương đã biến cả một đám đông thành một biển người xô đẩy nhau cướp lộc.
Hai là những người dân chúng ta ngày càng thực dụng, quan niệm trần sao âm vậy, nên mới có chuyện đốt tiền như thật, rồi gửi xuống âm cả ti vi tủ lạnh, nhà cửa xe cộ và cả… Ô Sin nữa. Đáng buồn là rất nhiều trí thức cũng chung quan niệm này. Có một thực tế là trong xã hội hiện nay, số người giàu xổi rất nhiều, số người “tự nhiên bị dí ghế vào đít” kiểu như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải… cũng không ít. Và họ… hoang mang, thế là phải cầu thần thánh, để tin cái sự may mắn trời cho kia là sự thật, là hợp quy luật, là do “bà đỡ”. Hiện tượng này thấy rõ nhất ở các trường hợp, đại đa số các cán bộ đảng viên không theo phật, nhưng khi chết, thế nào cũng mời thầy chùa về cúng, tụng kinh ngày này qua ngày khác, thầy nói gì là thun thút nghe, kể cả những điều rất vô lý, dù trong xã hội thì đấy toàn là những ông to bà lớn, hét ra lửa, một tiếng nói trăm người nghe…
4. Cung tiến.
Chuyện cung tiến kỷ lục vào các dịp lễ lạt hầu như năm nào cũng có. Năm nay là cái bánh chưng 700 ki lô gam cung tiến cụ bà Hoàng Thị Loan. Sẽ không có gì đáng nói nếu như 700 ki lô gam gạo ấy nấu thành những cái bánh chưng bình thường, cúng xong thì phát cho dân nghèo. Và cũng không có gì đáng nói nếu trước tết, Nghệ An không phải là tỉnh nhận gạo cứu đói nhiều nhất của chính phủ. Ai cũng biết, cái bánh chưng khổng lồ ấy sẽ không thể ăn được, hoặc nếu có cố ăn thì nó cũng sẽ là một cái gì đấy chứ không phải bánh chưng. Bánh chưng phải gói chặt tay, vuông thành sắc cạnh, nấu kỹ xong rồi nén, và thường thì khoảng 1 ki lô một cái là vừa. Đến 700 ki lô gam, chắc chắn bên ngoài sẽ nhão nhoét và bên trong còn sống.
Nhưng nó là kỷ lục. Người ta có nhu cầu lập kỷ lục. Bây giờ cái gì cũng thích phải kỷ lục, và người ta đua nhau để kỷ lục. Kỷ lục sau phải lớn hơn kỷ lục trước. Đến ngay làm nhà, làm sân, làm cỗ và cả làm… đám ma, làm lăng mộ cũng nhiễm tư tưởng này. Nó cũng là một dạng của tư tưởng thực dụng, ăn xổi, ngạo mạn, bất chấp, tiểu nông và trọc phú.
5. Biếu tết.
Năm nay thủ tướng ra lệnh rất nghiêm là không được biếu tết cấp trên. Có lệnh này tức là thủ tướng đã biết rất rõ cái nạn đi tết cấp trên trở thành trầm kha đến mức nào. Họp báo chính phủ ngay sau tết, bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ đánh giá nạn biếu tết đã giảm 70%. Tức là vẫn còn 30% “vượt rào”. Ông có hình ảnh rất vui là tắc xi Hà Nội năm nay… đói vì các tỉnh không về tết nữa.
Cái sự “đi” tết nó có nhiều chuyện vừa bi vừa hài, nó khiến cả người “đi” và người nhận nhiều phen khó xử. Nhưng không thể bỏ, không thể… lơ. Cũng bộ trưởng Mai Tiến Dũng có việc làm khá hay là ông ký chỉ thị trong nội bộ văn phòng chính phủ không được đi tết cấp trên trước khi đi công tác nước ngoài mà không để cấp phó ký, bởi cái việc này, tưởng nhỏ, nhưng té ra hoàn toàn không nhỏ, và lại tế nhị nữa, nên cứ phải cấp trưởng ký.
Nhưng bù lại, rất nhiều cấp dưới năm nay được cấp trên lì xì. Tất nhiên bằng tiền túi, tiền riêng của mình. Tôi quen mấy ông anh về hưu, các ông ấy bảo anh em cơ quan cũ đến thăm đều có phong bì lì xì. Ấm cúng và vui. Và cũng chứng tỏ, việc lì xì là một nhu cầu có thật của xã hội, và nó mang ý nghĩa tích cực, là hành vi đẹp, nhưng lâu nay bị biến tướng, trở thành… hắc tục.
6. Pháo. Cũng như mọi năm, năm nay pháo vẫn… nổ. Chỗ nào không biết, chứ ở khu phố gần nơi tôi ở, nghe pháo nổ cả mười mấy phút. Nghe nói nhiều vùng nông thôn còn ghê hơn. Các năm trước, một số báo đi “săn” pháo, đưa tin tỉnh này tỉnh kia có pháo. Lãnh đạo tỉnh bảo không có. Thế là… cãi nhau. Rồi báo trưng ảnh ra. Xác pháo đỏ đường phố. Năm nay các báo có vẻ… oải, không đưa tin pháo nữa, thì lại có… phây búc. Nhưng phây búc thì chả ai thừa nhận nên chuyện pháo có vẻ… êm.
Ngay sáng mùng một tết tôi ngồi uống cà phê với anh em công an phường tôi ở. Họ kể mới thấy thương. Cả đêm 30 sục sạo nhưng… không bắt được ai. Cứ nghe tiếng pháo là lao đến, chỉ thấy pháo nổ và… người đứng xem, chả thấy ai đốt. Thậm chí có cả pháo treo trên trụ cổng đang nổ, chủ nhà đang đứng… xem, và thản nhiên bảo: Đang ở trong nhà, thấy có người mang pháo đến treo rồi đốt rồi… bỏ đi, đang ra để gỡ xuống thì anh em công an đến, thôi tiện thể nhờ các anh… dập hộ.
Cũng trước tết một thời gian ngắn, ban bí thư trung ương ra chỉ thị không đốt pháo hoa. Các tỉnh triệt để chấp hành, dành tiền ấy lo tết cho dân. Nhưng một số thành phố trang trí đô thị quá lòe loẹt và thậm chí là kệch cỡm, kỳ dị bị dư luận phản ứng, vài nơi phải bỏ đi như Hải Phòng, Hà Nội… khiến dân nghĩ đấy là một cách cố làm để… bù cho pháo hoa.
7. Áo dài và… “váy đụp”.
Mốt áo dài “váy đụp” xuất hiện khá nhiều trong tết, và lập tức dâng lên làn sóng cãi nhau trên báo và cả trên mạng. Bên chê chê hết lời, cho là xúc phạm quốc phục (thực ra hình như chưa ai quy định áo dài là quốc phục), bên khen bảo thấy nó khỏe mạnh, tiện lợi và cũng đẹp. Thì phải đẹp mới nhiều người mặc đến thế, trong dịp tết.
Thực ra thì, cái áo dài và “váy đụp” ấy mà, nó cũng là một thứ thời trang tức thời thôi. Bản thân cái áo dài hiện giờ nó cũng được cách tân từ áo tứ thân và áo dài Chăm thì phải. Rồi sau đấy nó liên tục được cải tiến, từ cổ áo, thân áo đến độ xẻ của hông. Ngay quần mặc cùng áo cũng thế. Đầu tiên dứt khoát là quần trắng ống rộng, giờ thì đủ màu, và các cháu học sinh thì may quần túm cứng lấy ống chân. Tôi từng phản đối quyết liệt khi một nhà thiết kế nổi tiếng cải tiến áo dài, và tin là nó (sự cải tiến ấy), sẽ chết. Và đúng là chả thấy ai mặc mẫu ấy cả. Thì giờ chắc cũng vậy thôi, sau tết là sẽ hết ấy mà, và nếu có còn, nó cũng không phải là loại áo sang trọng để mặc trong lễ lạt, mà chỉ là một thứ thời trang tức thời mà thôi, thiển nghĩ chả phải cãi nhiều đến thế. Mà, thấy tết này chị em mặc áo dài nhiều phết, thấy ấm cúng và vẫn có gì đấy sang sang, dẫu là cải tiến, dẫu là thời trang, còn hơn mặc áo 2 dây ra đường. Vả lâu nay chỉ người luông luống mặc áo dài, nay thì toàn thanh nữ mặc, mừng chết đi được…
Tết, năm nào cũng một lần, tất nhiên rồi. Cơ bản là háo hức, chờ đợi, cũng tất nhiên rồi. Nhưng bên cạnh đấy không phải là không có những phiền phức, những lệ tục mệt mỏi, khiến người ta vừa háo hức vừa ngại, thậm chí là sợ. Chả thế mà trước tết, nhiều báo mở diễn đàn về… tết, thậm chí cụ thể đến tết ăn tết ở đâu, nhà nội hay nhà ngoại, con dâu làm gì, biếu bố mẹ chồng bao nhiêu, lì xì trẻ con thế nào vân vân… Và có lẽ thế nên nhiều người đề xuất nhập tết âm vào tết dương. Tôi thì mong tết vẫn là tết, là những ngày đẹp nhất trong năm, nhưng cố làm sao để bớt những sự hình thức, tốn kém, vô bổ, mà đúng nghĩa là những ngày sum họp, nghỉ ngơi, vui chơi và… sống đúng là mình. Cũng ước ao làm sao, để chuyện di chuyển trước tết và sau tết của hàng triệu người về quê ăn tết nó không còn là cực hình, hành xác khổ sở như hiện nay…
Hơn ba trăm ngày nữa, lại… Tết.
Cái ảnh in kèm là biểu hiện của đặc quyền đặc lợi đấy ạ, lấy ảnh cháu ngoại gửi kèm bài. Xin thành thật khai báo... |
(Bài viết của tác giả Văn Công Hùng)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...