Nguyên Ngọc
“Từ xa xưa, và cho đến tận năm 1975, xã hội Tây Nguyên đã tồn tại bền vững trên cơ sở một cấu trúc xã hội đặc trưng, lấy làng làm đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất. Làng tồn tại bền vững trên nền tảng kinh tế, vật chất là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng.
Ở Tây Nguyên, từ xa xưa, hoàn toàn không có rừng vô chủ. Từng tấc rừng đều thuộc về một làng cụ thể. Người ta gọi đó là không gian xã hội, hay không gian tồn tại của làng... Chủ trương quốc hữu hóa đất và rừng Tây Nguyên từ sau năm 1975, là tước đi mất cái nền tảng vật chất của làng. Làng Tây Nguyên tất yếu đổ sụp. Văn hóa cũng không thể còn, chỉ còn văn hóa diễn và giả.
… Đi đôi với chủ trương quốc hữu hóa đất và rừng tai hại, là chủ trương đưa dân lên Tây Nguyên với tốc độ và cường độ quá lớn, khiến dân số Tây Nguyên trong thời gian ngắn, tăng lên hơn 5 lần, đặc biệt làm cơ cấu dân cư đảo lộn lớn và đột ngột, hiện nay chỉ còn khoảng 20% người của các dân tộc tại chỗ. 80% đã là người Kinh. Các dân tộc tại chỗ không còn vai trò chủ thể trong đời sống và phát triển của Tây Nguyên.
Theo tôi, đấy là những sai lầm lớn, đến mức khó quay ngược trở lại.
Và hôm nay, ta đang chứng kiến một trong những hậu quả không thể ngờ: Đồng bằng Nam Bộ, vựa lúa sống còn của cả nước, đang khô cháy và mặn chát... vì mất rừng Tây Nguyên!
Một bài học thật lớn, thật cay đắng, về cả tự nhiên lẫn xã hội!”
(Dân Việt) Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng từ hàng chục năm trước, với công luận và với cả các cơ quan Chính phủ, đó là chuyện rừng Tây Nguyên.
Tình trạng hạn hán, thiếu nước ở sông Mê Kông năm nay hẳn là do nhiều nguyên nhân: có chuyện biến đổi khí hậu toàn cầu, và chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn từ việc Trung Quốc xây đập thủy điện trên sông Mê Kông, con sông nằm một nửa trên đất Trung Quốc, và đấy lại là phần đầu nguồn.
Từ nhiều chục năm nay, nhà văn người Mỹ gốc Việt Ngô Thế Vinh đã liên tục lên tiếng về nguy cơ này. Tâm huyết và quan tâm sâu sắc đến tác động của các đập trên đầu nguồn con sông này đối với các khu vực hạ lưu, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, vựa lúa nổi tiếng của nước ta, ông đã tìm mọi cách để đi đến khảo sát cụ thể tận nơi dù bị phía Trung Quốc ngăn cấm gay gắt.
Kết quả chuyến đi dũng cảm và công phu này của ông là một cuốn sách rất quan trọng,có tên “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng”, báo động hai nguy cơ lớn nay đã hành hiện thực: sông Mê Kông thiếu nước gây ra hạn hán và tai họa xâm mặn tàn phá đồng bằng Tây Nam Bộ, và việc Trung Quốc quấy phá ở biển Đông.
Tây Nguyên hạn, trẻ em phải vào rừng tìm những khe nước nhỏ. (ảnh Nguoiduatin)
Câu chuyện của nhà văn Ngô Thế Vinh bắt đầu bằng một chi tiết sâu sắc và cảm động: sống ở Mỹ, từng ngày chăm chú hướng về quê hương, một hôm ông đọc trên báo tin người ta bắt được một con cá đuối ở Đồng Tháp. Ông giật mình: cá đuối bị bắt ở Đồng Tháp, tức là sông Mékông ở Tây Nam Bộ đã bị nhiễm mặn! Ông quyết đi tìm cho đến ngọn nguồn của hiện tượng nguy hiểm này, bất chấp mọi che giấu, cản trở hiểm độc của nhà cầm quyền Trung Quốc... Tôi rất mong cuốn sách quý “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng”… của Ngô Thế Vinh - và nhiều tác phẩm quan trọng tiếp sau của ông, cũng về đề tài này - sẽ được in chính thức và rộng rãi ở trong nước...
Tuy nhiên, mặt khác cũng không thể bỏ qua một yếu tố không kém phần quan trọng trong tình trạng hạn hán và thiếu nước trầm trọng đang hoành hành hiện nay - mà chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng từ hàng chục năm trước, với công luận và với cả các cơ quan Chính phủ, đó là chuyện rừng Tây Nguyên.
Tây Nguyên, như ai cũng biết, là nóc nhà của Đông Dương. Và chỉ có nước từ nóc nhà Tây Nguyên đổ xuống các vùng chung quanh, chứ không có nước nào chảy ngược lên được nóc nhà Tây Nguyên. Một trong những đặc điểm của địa hình Tây Nguyên, là đường phân thủy trên cao nguyên rộng lớn này nằm xế hẳn về phía Đông, tức sườn Tây Trường Sơn rộng hơn hẳn sườn Đông Trường Sơn, có nơi gấp ba, bốn lần. Cũng tức là nước từ Tây Nguyên đổ về các sông ở miền Nam Trung bộ (như Thu Bồn, Trà Khúc, Đà Rằng...) ít hơn hẳn nước đổ về phía Tây, về sông Mé Kông, để từ đó đổ về Nam Bộ. Cũng có thể nói, nước của Tiền Giang, Hậu Giang, nước ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau... cũng là nước Tây Nguyên...
Và, cũng hoàn toàn có thể nói: rừng, nhân tố giữ nước quan trọng nhất của Tây Nguyên, cũng góp phần quan trọng quyết định đối với sự giàu có hay nghèo kiệt của Nam Bộ nói chung, đặc biệt của vựa lúa Tây Nam Bộ (chứ không chỉ đến Nam Trung Bộ, như lâu nay ta vẫn tưởng).
Mà rừng Tây Nguyên thì thế nào?
Có thể nói rất gọn: rừng tự nhiên gần như hoàn toàn không còn! Đã bị phá sạch! Và chỉ có rừng tự nhiên, với hệ thực vật đa dạng, nhiều loại cây đan chen (khiến sâu không thể phát triển, mỗi loại sâu chỉ ăn được một loại cây), nhiều tầng, nhiều lớp thực vật... mới thật sự có tác dụng giữ nước. Để khi mưa xuống, thì nước không ào ào quét đi ngay một lúc, thành lũ hung dữ tàn phá... Mà thấm sâu xuống lòng đất, tằn tiện lưu tích lại ở đấy, giữ độ ấm giàu có cho đất, và từ từ, kiên trì theo các mạch ngầm rỉ rả mà vô tận quanh năm tiếp nước cho các dòng sông, cho các vùng đồng bằng hạ lưu…
Những thửa ruộng khô nứt nẻ ở ĐBSCL trước đây từng là những vựa lúa trù phú.
Nhân đây, cũng xin nói luôn mấy chuyện.
Rừng tự nhiên Tây Nguyên bị tàn phá kiệt quệ như hiện nay, rất khó tái sinh, dù là rừng nhiệt đới. Bởi trong rừng không phải cây nào cũng như cây nào, có những cây thông thường, có những cây được gọi là cây “nòng cốt”, còn có cây “nòng cốt” thì rừng mới tái sinh được. Rừng Tây Nguyên bị tàn phá đến kiệt quệ như hiện nay, theo nhièu chuyên gia, sẽ không biến thành sa mạc cát, như kiểu Gobi hay Sahara, mà thành loại rừng gai lúp xúp. Chẳng lẽ chúng ta muốn để lại cho con cháu một cao nguyên toàn rừng gai lúp xúp!
Tôi vừa đi Kontum về. Kontum là tỉnh có một số ít khu rừng còn tương đối khá, như ở Ngọk Linh, Vi-ô-lắc... Tuy nhiên, năm nay trở lại, càng thấy ngay ở đây, rừng cũng đã bị phá đến kinh hoàng. Đồi núi đều trọc. Trong khi TP Hồ Chí Minh 30-32 độ, thì ở đây đã 35-36 độ. Hạn hán, thiếu nước và nóng gay gắt ngay ở Tây Nguyên năm nay đang rất nghiêm trọng.
Cũng cần nói về việc trồng cao su. Phát triển cao su hiện nay ở Tây Nguyên đã vượt quá ngưỡng vùng đất ấy có thể chịu đựng được. Và cần khẳng định, cao su không phải là rừng, không thể coi là rừng. Cao su là loại cây rễ cọc, không có tác dụng giữ nước. Dưới cây cao su cũng không có cây gì còn mọc được, đến cả cỏ. Chủ trương gọi là “cho phép chuyển rừng nghèo sang trồng cao su” cách đây mấy năm là rất tai hại. Lập tức rừng già bị khai là “rừng nghèo”, và đấy là một thời kỳ phá rừng dữ dội nhất ở Tây Nguyên.
Cà phê cũng đã được trồng quá mức, gây phá rừng. Và càng chắc chắn cà phê không phải là rừng, không thay thế được rừng để giữ nước…
Mất rừng ở Tây Nguyên đến kiệt quệ như hiện nay, ngoài những nguyên nhân có tính chất “kỹ thuật”, còn do những nguyên nhân xã hội sâu xa, xuất phát từ những chủ trương lớn không được nghiên cứu, cân nhắc đủ thận trọng. Trong đó, theo tôi, có hai việc lớn:
Từ xa xưa, và cho đến tận năm 1975, xã hội Tây Nguyên đã tồn tại bền vững trên cơ sở một cấu trúc xã hội đặc trưng, lấy làng làm đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất. Làng tồn tại bền vững trên nền tảng kinh tế, vật chất là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng.
Ở Tây Nguyên, từ xa xưa, hoàn toàn không có rừng vô chủ. Từng tấc rừng đều thuộc về một làng cụ thể. Người ta gọi đó là không gian xã hội, hay không gian tồn tại của làng... Chủ trương quốc hữu hóa đất và rừng Tây Nguyên từ sau năm 1975, là tước đi mất cái nền tảng vật chất của làng. Làng Tây Nguyên tất yếu đổ sụp. Văn hóa cũng không thể còn, chỉ còn văn hóa diễn và giả.
Làng mất đất thì tan, con người trở nên bơ vơ, thụ động.
Theo tôi, nói văn hóa Tây Nguyên, là nên nói như thế, cho đến đó. Chứ không chỉ dừng ở những hình thức đep đẽ bên ngoài, như cồng chiêng, nhà rông...
Những con suối trên đại ngàn Tây Nguyên đã cạn nguồn. (ảnh Nguoiduatin)
Cũng cần khẳng định chỉ có làng, làng làm chủ đất và rừng thật sự của mình, thì mới giữ được rừng. Không chủ sở hữu nào làm được điều đó. Đấy là kinh nghiệm thực tế của hơn 40 năm qua.
Đi đôi với chủ trương quốc hữu hóa đất và rừng tai hại, là chủ trương đưa dân lên Tây Nguyên với tốc độ và cường độ quá lớn, khiến dân số Tây Nguyên trong thời gian ngắn, tăng lên hơn 5 lần, đặc biệt làm cơ cấu dân cư đảo lộn lớn và đột ngột, hiện nay chỉ còn khoảng 20% người của các dân tộc tại chỗ. 80% đã là người Kinh. Các dân tộc tại chỗ không còn vai trò chủ thể trong đời sống và phát triển của Tây Nguyên.
Theo tôi, đấy là những sai lầm lớn, đến mức khó quay ngược trở lại.
Và hôm nay, ta đang chứng kiến một trong những hậu quả không thể ngờ: Đồng bằng Nam Bộ, vựa lúa sống còn của cả nước, đang khô cháy và mặn chát... vì mất rừng Tây Nguyên!
Một bài học thật lớn, thật cay đắng, về cả tự nhiên lẫn xã hội!
Lần này, đã học được chưa?
N.N.
Nguồn: http://danviet.vn/kinh-da-trong/lang-mat-rung-chet-dong-bang-han-han-la-duong-nhien-670128.html
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...