Tứ bình làng Việt IV: Làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Mông Phụ (ở Đường Lâm)
- xưa và nay 

Nguyễn Xuân Diện
Tháng 6/1997

Thăm làng cổ Mông Phụ, du khách có thể đặt ăn bữa trưa ở ngôi nhà cổ nhất Đường Lâm, chủ nhân là Ông Nguyễn Văn Hùng số ĐT: 0984871912. Đây là nhà ông trưởng họ của Nguyễn Xuân Diện. Và du khách có thể mua 2 cuốn sách của Nguyễn Xuân Diện (Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù) và Trang Thanh Hiền (Cửu phẩm liên hoa trong nghệ thuật Phật giáo) tại đây. Du khách cũng có thể mua tương, chè lam làm quà.

Xin được bắt đầu câu chuyện về làng cổ Mông Phụ từ những cái giếng của làng quê ấy. Làng có 5 xóm, mỗi xóm có một cái giếng khơi quanh năm nước đầy và trong được xây bằng đá ong loại tốt nhất. Mỗi cái giếng đều nổi tiếng và được định vị bởi những giai thoại rất thú vị. Một cái giếng có tấm bia khá lớn dựng ngay bên cạnh, đề bốn chữ “Nhất phiến băng tâm” (lấy chữ từ Đường thi) nhắc người đời giữ giếng sạch trong như giữ lòng trong sáng. Một cái giếng khác có bia ghi về việc sửa giếng vào năm 1705 mà bài bi ký ấy lại do một vị Tiến sĩ chấp bút. (Ghi lại một việc sửa giếng cũng nhờ tay một ông Nghè, xem thế, đủ biết giếng làng quan trọng đến như thế nào). Còn một cái giếng kia thì lại là khởi nguồn cho một câu chuyện thi vị. Giếng ấy, xưa kia có một cái gầu múc nước dùng chung cho cả xóm. Trai gái làng đã khéo hò hẹn nhau qua một mối dây gầu. Chiều chiều đi gánh nước, người con trai kia đã ngấm ngầm thắt một nút trên sợi dây gầu. Và họ đã nhận ra tín hiệu của nhau. Một mối dây gầu thắt lại, ấy là hò hẹn, là dấu hiệu đêm ấy họ gặp gỡ nhau ở điểm đã hẹn. Đêm ấy, có một cô gái trốn nhà đi chơi. Mối dây gầu như một thông điệp, như thắt chặt mối tình của đôi người yêu nhau nơi thôn dã. Mối dây nên vợ nên chồng, nên ông nên bà cả trăm năm. 

Nước giếng Hè, giếng Giang là ngọt hơn cả, nên nhà nào làm đám cưới đều đến lấy nước ở các giếng đó về dùng. Người ta đồn rằng như vậy đôi bạn trẻ kia sẽ hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Khi nghe tôi kể về những cái giếng đá ong trứ danh ấy, một ông bạn của tôi cứ khăng khăng bảo rằng thủy thổ như vậy, tất phải là đất chuộng văn học và phải là nơi phát khoa danh, văn hiến truyền đời. 

Cách thị xã Sơn Tây yên bình và xinh đẹp 4 km, có một con đường đất dài gần 1 km, dẫn từ đường quốc lộ 32 vào một cổng làng cổ kính nằm bên gốc đa già: Cổng làng Mông Phụ. Trên con đường non một cây số ấy, nếu ta gặp được một người hay chuyện, thì ta cũng biết được khối chuyện để rồi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nào gò Yên Ngựa, gò Núm Chiêng, gò Tang Trống, nào gò Mũi Dáo, Mũi Mác... như đặt như bày, cùng sóng hàng hai bên lối đi với khí thế hùng hậu.

Xa xa là núi Tản mờ xanh đỉnh quyện khói mây mà những đồi xa đồi gần như đàn rùa khổng lồ chầu non thiêng của Đức Tản Viên. Văn Miếu tỉnh Sơn, làng cũ của Ngô Vương và Phùng Bố Cái quanh quất kề bên, mà đền Và thờ Thánh Tản Viên, miếu Mèn thờ mẹ Hai Bà Trưng chỉ là láng giềng gần.

Làng Mông Phụ có ngôi đình thật to. Đình làng Mông Phụ là chốn hội nhân, vì nó là đầu mối giao thông lớn của cả làng. Nhiều nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật đã về nghiên cứu ngôi đình này. Riêng cái xích hậu (một hạng mục trong tổng thể kiến trúc của đình) cũng đã làm cho một vị giáo sư phải bóp trán suy nghĩ tính toán mất mấy ngày về tên gọi, chức năng sử dụng của nó. Một học giả nước ngoài thì sung sướng khi phát hiện ra rằng, đình Mông Phụ là mối giao thông, vậy mà kẻ qua người lại chẳng có ai quay lưng thẳng lại với tòa đại đình cả. Đình Mông Phụ hiện còn giữ được nhiều tự khí cổ có giá trị về mỹ thuật.

Ngay cạnh đình là nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, vị sứ thần đã làm rạng danh cho đất Việt vào dịp tuế cống nhà Minh năm 1638. Trong nhà thờ hiện còn đầy đủ cả bia đá, biển đề và tự khí cổ truyền. Hàng năm, ngày giỗ Thám hoa Giang Văn Minh vẫn cứ là ngày giỗ lớn của cả họ Giang. Nhà thờ hiện còn đôi câu đối ca ngợi tiếng thơm của Giang Thám hoa và ca ngợi lễ nghĩa, phong tục của làng Mông Phụ. 

Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp  
Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn.
(Trăm năm lễ nghĩa làng Mông Phụ 
Ngàn thuở danh thơm cửa Thám hoa).

Xa xa, giữa cánh đồng kia là đình Giang (còn gọi là quán Giang), nơi quàn linh cữu của Thám hoa trước khi an táng Người. Chuyện rằng: Khi sang sứ nhà Minh, ông đã đối đáp khảng khái, giữ được quốc thể, nên đã bị vua Minh sai người mổ bụng để xem bên trong có đúng là có một túm lông ở trong lá gan không. Ông đã không tránh được cái chết dưới lưỡi dao đồ tể và mưu đồ hại người tài của vua quan nhà Minh.

Thi hài của Giang Thám hoa được chuyển về nước. Ngựa trạm từ cửa ải Lạng Sơn về báo với dân làng Mông Phụ và triều đình từ 6 tháng trước khi mang được quan tài ông về đến quê. Trong 6 tháng ấy, những người dân địa phương đã đào đá ong xây một ngôi nhà để đón linh cữu của ông. Ngôi nhà ấy có 8 cột đá ong nguyên khối, khi dựng cột phải cần đến mấy chục trai đinh khỏe mạnh mới có thể làm được.

 Quán Giang, nơi đón thi hài Thám hoa Giang Văn Minh

 Mộ Thám hoa Giang Văn Minh

 Ngoài nhà thờ họ Giang, các dòng họ khác đều còn giữ được nhà thờ Tổ, là nơi quy tụ anh linh tiên liệt và giáo dục truyền thống gia tộc. Nhiều vị danh nhân tên tuổi rạng rỡ nơi khoa giáp, hiển hách chốn triều chính xưa đã xuất thân từ các dòng họ này.

Người dân làng Mông Phụ hiền lành, chất phác, cư xử rất trọng lễ nghĩa. Cái thiên tính ấy có thể biết được mỗi khi chúng ta giao tiếp với họ. Người làng Mông Phụ nói bằng thứ tiếng nặng nặng của mình. Mông Phụ là một trong bốn làng nằm trên một cái gò đất rộng. Trên cái gò đất ấy, bốn làng cùng chung cả thủy, thổ, vậy mà cách phát âm của mỗi làng ấy vẫn cứ khác nhau. Dân làng Mông Phụ có nếp sống riêng và tiếng nói thô và nặng chất Việt cổ. Đến bây giờ tiếng làng vẫn được dân làng bảo trọng, giữ gìn. Các cụ già trong làng cho rằng, người dân dù tha phương nơi đất khách quê người, dù lưu lạc nơi góc bể chân trời, mà khi trở về quê hương bản quán vẫn nói được tiếng làng là không quên gốc, rất đáng quý trọng.

Người dân Mông Phụ rất trọng việc học hành. Xưa làng có nền Văn chỉ để thờ Khổng Tử và các vị danh nho đỗ đạt của làng. Văn bia “Bản xã tiên hiền bi ký” trên bia Văn chỉ của làng do cụ Mai Hiên Nguyễn Công Hoàn thân phụ của Tiến sĩ, Thượng thư 6 bộ Nguyễn Bá Lân, người làng Cổ Đô, huyện Tiên Phong, nay là Ba Vì, Hà Tây soạn vào năm Long Đức 2 (1733). Bản Quy ước văn hóa của làng dành hẳn một điều để nhấn mạnh trách nhiệm mỗi gia đình phải tạo điều kiện để con em mình được học hành tốt. Hàng năm, làng có tổ chức họp mặt và tặng quà cho các học sinh thi đỗ vào các trường đại học.

Được khích lệ, động viên kịp thời, trẻ em trong làng rất chịu khó học hành. Nhiều gia đình cuộc sống còn vất vả mà vẫn gắng công nuôi con ăn học. Người tài được sinh ra từ làng quê này không phải là ít, xưa cũng vậy và nay cũng vậy. Người ta bảo Mông Phụ là đất học cũng là vì thế. Dù ra đồng, hay vào làng là đều gặp những biểu tượng tôn vinh việc học. Kìa bia Văn chỉ năm tháng rêu phong vẫn lưu dòng bút tích, nọ cửa Thám hoa trăm năm cổ kính còn ngời dấu vinh phong. Nhà thờ họ Phan, họ Hà, họ Nguyễn... còn đấy, vẫn nghi ngút khói hương ghi ơn tiên liệt. Lăng cụ Tuần, mộ cụ Giáo cùng chùa Ón rêu phong giữa cánh đồng là hiện diện của khí tượng văn võ vô song. 

Làng Mông Phụ là một làng đồi, song vì đây là một điểm quần cư rất sớm nên không có cảnh những ngôi nhà tọa lạc giữa vườn cây trái sum suê, nhà nọ cách nhà kia bằng cả một khoảnh vườn rộng lớn. Ở đây nhà cửa san sát, lối ngõ đan cài. Nhà xây chủ yếu bằng vật liệu đá ong - một loại “đặc sản” của miền trung du nắng cháy, một vật liệu “đắc dụng” trong kiến trúc xưa. Có những nhà xây hẳn tòa cổng lớn bằng đá ong để trần không trát vữa; đá lại được đẽo gọt trang trí công phu rất ưa nhìn. Qua tháng qua năm, qua nắng hạ mưa đông tắm sương gội nắng, cái cổng đá ấy thêm chắc thêm bền. Cái cổng đá ong đẹp một vẻ đẹp mộc mạc đơn sơ mà đủ vẻ thanh kỳ quyến chân du khách. Đá cũng trở nên có hồn!


Làng Mông Phụ nhà cửa san sát, ngõ xóm chằng chịt, chẳng khác nơi đô thị, vậy mà cũng không trở thành một làng buôn nổi tiếng. Điều này đã làm cho nhiều học giả trong và ngoài nước rất để tâm lý giải. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã về đây nhiều lần, cũng ăn ở với dân làng để tìm ra bí ẩn của cái giáp ở đây. Giáo sư Nguyễn Dương Bình về Mông Phụ để khảo mấy chữ Bố Cái Đại vương và những vấn đề liên quan.Còn Giáo sư Diệp Đình Hoa thì khẳng định 4 làng cổ ở Đường Lâm trong đó có làng Mông Phụ đã có lịch sử 4000 năm; và đã nối cho Mông Phụ mối dây truyền thống từ thời đại đồ đồng thau đến hôm nay.

Mông Phụ, cho đến hôm nay vẫn vẹn nguyên dáng cổ. Cả làng hiện không có nhà hai tầng nào. Không phải là vì dân nghèo, mà vì đã có một lời nguyền không ai được xây cao  hơn mái đình. Và thế là trong làng, ngoài đồng đều còn nguyên cả, từ nhà cửa, đình đền đến quán trạm, lăng mộ... Đường đi lối lại phong quang sạch sẽ, ưa nhìn. Rất nhiều đoàn làm phim đã về làng Mông Phụ để chọn bối cảnh dựng phim. Nhiều thước phim tài liệu, khoa học, du lịch đã được quay tại đây. Hồi trước, làng Mông Phụ là nơi sơ tán của anh em văn nghệ sĩ Hà Nội, nên vẻ đẹp như tranh của làng đã vào tranh của rất nhiều họa sĩ. Bức tranh vẽ cổng làng Mông Phụ của họa sĩ Phan Kế An (người làng Mông Phụ) hiện đang được lưu giữ tại Viện bảo tàng Mỹ thuật ở nước ngoài.

Cảnh quan tốt đẹp, dáng cổ vẹn nguyên, những gì xa xưa vẫn còn giữ lại đến hôm nay, không bởi tại trời mà bởi tại người. Người dân làng quê này đã bao đời quần tụ trong môi trường ấy, gìn giữ và tô điểm cho nét văn của làng. Cảnh quan ấy có được là do mỗi người dân đều gắng công xây dựng, gìn giữ rất tự nguyện. Xưa làng có Hương ước, nay làng có Quy ước văn hóa làm khuôn mẫu cho tất cả mọi người.


Có thể hình dung một phần cuộc sống xưa kia của làng qua bản Hương ước cổ của làng, cái hay cũng có mà cái dở cũng không phải là không có. Trên tinh thần gạn đục khơi trong, dân làng đã xây dựng cho mình một bản quy ước mới gồm 6 chương với ngôn ngữ dễ hiểu, dễ nhớ và ngắn gọn, phản ánh đầy đủ những nội quy mà mỗi thành viên trong làng phải thực hiện.

Hiện nay làng Mông Phụ đã có một thư viện với 5 số báo và một tủ sách phục vụ bạn đọc cho mọi lứa tuổi vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần. Ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, làng tổ chức đấu vật (trong Hương ước cổ gọi là giao điệt) ở chùa Ón rất đông vui. Chùa Ón, gọi là chùa nhưng không phải là nơi thờ Phật. Đó là một nếp nhà gỗ ba gian và một hậu cung nhỏ, bên trong không có tượng Phật mà chỉ có một bát hương nhỏ, bát hương này chỉ được thắp hương vào ngày hội vật hàng năm.

Làng không phải là đã giầu, nhưng đã có nhiều ti vi, xe máy và máy điện thoại.

Và đường làng chắc sẽ còn rộng thêm ra để xe ô tô từ các nẻo đường đi về đây mà tham quan, nghiên cứu, khám phá mọi khía cạnh văn hóa của một làng cổ khá tiêu biểu của trung du Bắc Bộ.

Giáo sư Trần Quốc Vượng về làng nghiên cứu đã từng coi đây là “Một làng rất đáng được nghiên cứu, ít nhất cũng về phương diện lịch sử và bảo tàng học”. Thật vậy! Sau khi bạn bước chân vào con đường dẫn vào làng, bạn đã thấy được núi xa đồi gần rất hùng hậu mà thanh bình. Trên con đường vào làng bạn đã được thấy gốc đa kề sát cổng làng rất cổ kính, thấy mái đình nét cong duyên dáng. Và những ngôi nhà cổ vẫn còn đây. Bước qua lần cổng là gặp một sân lát gạch. Góc sân sẵn mấy chum tương - mà cái tương cà gia bản là cái sinh hoạt thường ngày của người nông dân xứ Bắc. Có chum tương nó biểu hiện như một cái gì đó nền nếp, căn bản của nền kinh tế nông nghiệp. Nhà lợp ngói mũi, cấu kiện tòa nhà đều bằng gỗ đã nâu một mầu thời gian. Bàn thờ ở gian giữa, một vị trí trang trọng nhất của một gia đình. Hoành phi câu đối nét vàng chói lọi ca ngợi tổ tiên, nêu cao nếp gia phong truyền đời. Nhà cổ ấm về mùa đông và mát mẻ về mùa hè. Cả không gian là một màu nâu; màu sẫm của ngói, gỗ, vật dụng tiện nghi, và cả màu nâu ngăm ngăm khuôn mặt chữ điền của chủ nhân. Nếu là người hay chuyện, ham học hỏi, bạn sẽ được chủ nhà giảng giải cho mọi điều về một ngôi nhà cổ. Nào là cửa gỗ bức bàn, nào là cái dại cửa, chồng giường, thượng thu hạ thách... gom góp lại, cùng với những gì đã đọc, nếu thông minh bạn cũng có thể hình dung được về kiến trúc nhà cửa ở nông thôn Việt Nam mấy trăm năm về trước, cũng như lịch trình của kiến trúc nhà ở nông thôn, nắm bắt được tâm tính và phong cách của người dân Việt ở châu thổ Bắc bộ Việt Nam.


Khi đêm về, các ngõ lớn là nơi tụ tập của đám trai gái làng. Còn trong xóm nhỏ là nơi các bậc lão nông tri điền hội ẩm bên ấm nước chè xanh vừa hãm. Chuyện làng, chuyện nước, cả chuyện quốc tế nữa được đàm luận dõng dạc như các bậc lão thần bàn quốc sự. Gặp một hội uống chè như thế, bạn nên ngồi im mà nghe và cứ hãy tỏ ra là người ít nói, bạn sẽ được biết nhiều chuyện lắm đấy!

Các thế hệ cháu con họ Giang, họ Phan, họ Đỗ, họ Hà... ở Mông Phụ đều có thể tự hào về truyền thống của gia tộc, tự hào về công tích của cha ông tiền bối. Tên tuổi của các tiên liệt vẫn còn lưu trong sử vàng bia đá, và hành trang của các tiên liệt vẫn còn làm nên những huyền thoại trong dân gian xứ Đoài...

Họ Đỗ xưa nay vốn có tiếng là cao cờ. Xưa, nghe nơi nào có hội là người họ Đỗ lại rủ nhau đi giật giải chơi và lần nào cũng giật được giải. Có bao nhiêu hội lớn hội nhỏ ở cái tỉnh Đoài này, nếu họ Đỗ không đến thì thôi, chứ nếu đến là giải về tay họ Đỗ cả. Dân làng bảo “Cờ họ Đỗ, giỗ họ Giang” là vì thế! Tôi được nghe kể rằng, xưa có một vị họ này trên đường đi nhậm chức, hai cha con đi hai cái võng, cứ thế đánh với nhau cái ván cờ tưởng tượng trên suốt dặm đường mà không hề có quân đi, không có bàn bày chi tiết. Lại có người bảo, vị quan Đốc (học), người sở hữu viên đá cuội cứ bỏ vào bát nước lã là thành rượu thơm trong thiên truyện “Trên đỉnh non Tản” của cụ Nguyễn Tuân nửa hư nửa thực ấy chính là chuyện có thật của cụ Đỗ Doãn Chính, ông tổ của dòng họ Đỗ nổi tiếng hay chữ, Đốc học tỉnh Sơn Tây hồi xưa. Chuyện là thế, thực hư thế nào, xin chờ các bậc thức giả giúp hiểu biết sau vậy.

Nhưng tôi biết chắc rằng, cụ Đỗ Doãn Chính là Bang biện tỉnh vụ kiêm Đốc học Sơn Tây cùng với học trò là Giang Văn Sâm, là tác giả của hai bài văn bia “Vân Già Đông Chấn cung”, soạn năm Tự Đức 36 (1884); hiện bia còn đặt tại nhà Tiền tế đền Và, nơi thờ Tản Viên Sơn thần, một trong những đại danh thắng của xứ Đoài. Phòng sách của cụ có hoành phi đề ba chữ “Dưỡng tâm an”, nay hãy còn.

Con cháu của cụ Đốc học là cụ Đội Hớn, tức Đỗ Vân Hán là tác giả của một truyện thơ Nôm lục bát dài có nhan đề là Tản Viên Sơn sự tích để ca ngợi uy linh của Đệ nhất Phúc thần Tản Viên Sơn. Bản truyện này với thư pháp tuyệt đẹp là thủ bút của cụ nay con cháu vẫn giữ gìn cẩn thận.

Mông Phụ là đất văn vật. Tâm tính của người dân chất phác, phóng khoáng mà khảng khái. Xưa, làng có nhiều võ quan, hình quan tài đức, tiết tháo. Quan Án sát Nguyễn Khắc Nguyên thời gian nhậm chức ở Quảng Bình rất được nhân dân kính trọng. Ông cũng từng là thế lực đối lập với quan đại thần Trương Đăng Quế thời Tự Đức, nhà Nguyễn. Dân làng Mông Phụ khi làng cũng như ở nơi thiên hạ rất đoàn kết với nhau. Vào khoảng đời Thành Thái (1889-1907) có bọn giặc cướp quấy phá, dân làng đã hạ thủ được tướng cướp, triệt nọc được một băng cướp khét tiếng tỉnh Đoài. Vì thành tích ấy, làng được Công sứ đại thần, Tuần phủ Sơn Tây vâng mệnh vua ban tặng cho dân làng bức hoành phi “Dũng cảm khả tưởng” (Dũng cảm đáng khen) để biểu dương. Bức hoành phi này nay vẫn còn treo ở đình làng.. 


Mông Phụ là một làng nông nghiệp thuần túy. Nguồn sống chính của dân làng vẫn là từ nghề làm ruộng. Mông Phụ và Phụ Khang là hai làng chủ yếu của HTX Nông nghiệp Đường Lâm. Làng cổ, nghề xưa truyền đời nên người dân Mông Phụ có trình độ canh tác, kinh nghiệm cao. Họ thật sự là những lão nông tri điền. Họ có thể giảng giải cho chúng ta một cách tường tận về những trải nghiệm và hiểu biết của mình về đất, nước, cây con và thời tiết, mùa vụ như một chuyên gia thực thụ.

Xưa, ở đây có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng đã trở thành phương ngôn: 

Dưa hấu, dưa gang là làng Mông Phụ
Nước giếng Giang, khoai lang Đồng Bường. 

Đàn bà con gái Mông Phụ không có vẻ đẹp thanh thoát của phụ nữ liễu yếu đào tơ mà họ có khuôn hình chắc khỏe của người con gái trong tranh Tố nữ và trong tác phẩm điêu khắc cổ dân gian. Mặt to, đầy đặn, lông mày dày, ánh mắt hiền hậu, vai rộng, ngực nở và tiếng nói ấm trầm. Đấy là những gì có thể nói về người con gái làng Mông Phụ. Những bà già Mông Phụ mặt vuông chữ điền, mũi to và cao, khiến người ta phải nghĩ rằng đây chắc là vợ hay con gái một ông quan nào đó.

Hy sinh và chịu đựng, chịu thương, chịu khó, nhưng người đàn bà thôn quê này rất hiền hậu, thương chồng yêu con rất mực. Và mỗi người đều mang sẵn trong mình cái mơ ước được “võng anh đi trước, võng nàng đi sau” trở thành bà Thám, bà Nghè, bà Cử. Nhiều người trong số họ được đáp đền xứng đáng.

Đặc biệt làng Mông Phụ có một người phụ nữ được tôn vinh là Hậu thần, được phối thờ cùng Thành hoàng. Đó là bà Giang Thị Thắng, chị gái của sứ thần Giang Văn Minh, một người phụ nữ thông minh, tài đức đã từng được vua vời vào kinh để làm Nhũ mẫu. Bà cùng với chồng là Phù Việt hầu Cao Phúc Diễn (người làng Cam Thịnh) được tôn vinh là Thánh ông và Thánh bà ở đình làng Cam Thịnh, cùng xã. Hiện nay, ở trong đình làng Cam Thịnh còn giữ được một tấm bia lớn “Hậu thần bi ký” dựng năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1712) đời Lê Dụ Tông để ghi nhớ việc ông bà đã cúng 400 quan tiền và 2 mẫu ruộng “thượng đẳng điền” cho làng.

Bà Phan Thị Biên là cháu dâu và các bà Giang Thị Phương, Giang Thị Thưởng là chắt của Thám hoa Giang Văn Minh là những người hưng công và có đóng góp lớn trong việc xây dựng giếng làng được ghi tên trong bia “Tu lý bi ký”. 

Ai có về Mông Phụ hôm nay hẳn sẽ cảm thấy rất sung sướng vì được sống trong một không gian Việt trong lành, thuần phác. Không gian ấy là không gian hòa quyện giữa núi xa và đồi gần, giữa ruộng lúa nước và nương khoai đồi, giữa cái bình thản của thế đất và cái san sát của xóm làng, sự hòa quyện của cổ và kim trong kiến trúc, quy hoạch và lối sống cộng đồng. Không gian ấy đích thực là một không gian văn hóa nhiều chiều. Chúng ta sẽ gặp ở đây nét văn hóa của làng xưa chuộng lễ nghĩa, trọng học và sự tiến bộ. Từ xa xưa đến nay, Mông Phụ vẫn cứ là đất mến khách. Đến đây, bạn sẽ được thỏa ước nguyện tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá cho dù bạn là người khó tính hoặc cầu toàn nhất. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của làng Mông Phụ như mách bảo cho bạn biết rằng bạn đã đến một làng văn hóa thực thụ. Làng văn hóa này không phải của riêng Sơn Tây, hay tỉnh Hà Tây mà là của cả nước.

Về với Mông Phụ, cho dù bạn không phải là người con của quê hương ấy thì khi cất bước chân đi bạn cũng sẽ thấy đây là một quê hương của bạn rồi. Vì rằng Mông Phụ có tất cả vẻ đẹp cổ truyền và vẹn nguyên của một làng văn hiến mà hồn của muôn xưa vẫn còn hiện diện đâu đây, trong giọng nói tiếng cười, trong nếp sinh hoạt của người dân hôm nay. 

Tháng 6/1997

(Bài viết của tác giả Tễu)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...