Mấy ngày nay báo chí đang đưa tin một ông giám đốc trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh Gia Lai dùng bằng giả đi làm, chính xác là chưa có bằng cấp 3, dùng một tờ chứng nhận giả rồi đi học đại học tại chức, rồi làm chánh văn phòng sở, rồi sang làm giám đốc trung tâm địa chính, một trung tâm đòi hỏi chuyên môn sâu.
Thực ra nghĩ cho cùng, ông này cũng không… có lỗi. Có thể năng lực của ông ấy làm được như thế, nhưng vì người ta cứ bắt phải có bằng, coi bằng như một cái phao để bơi vào đời, mà đã trót không có nên phải… liều, và giờ thì bị phát hiện.
Tôi về quê, thấy rất nhiều cử nhân thất nghiệp vạ vật ở làng. Tội nghiệp, bố mẹ nghèo, lấy con đường cho con học chữ để thoát nghèo. Bóp bụng bóp lưng vay nợ các loại để nuôi con học đại học, dù nhiều ông bố bà mẹ không biết con học cái gì. Học xong về nhà... ngồi, nằm các kiểu. Nhiều nhà nghe xui bậy, lại tiếp tục gom góp vay mượn để chạy việc cho con, đa phần là bị lừa. Thấy tôi về nhiều người đến nhờ tư vấn hoặc nhờ xin việc.
Nhưng cũng phải cảnh cáo các trường đại học mở lấy được, không chịu tư vấn cụ thể, vơ bèo vạt tép, dăm bảy điểm cũng tìm cách tuyển con người ta vào học để thu đủ sở hụi, rồi cấp cho cái bằng, rồi... kệ chúng mày. Ở thành phố còn đỡ, nông thôn học hết bao nhiêu lúa gạo của bố mẹ xong mang cái bằng về dí vào mặt bố mẹ đòi mấy trăm triệu nữa để xin việc. Và bố mẹ cứ ngỡ là vài trăm triệu là xin được việc thật...
Tổng biên tập một tờ báo sáng nay điện cho tôi kể: định tuyển mấy đứa sinh viên văn khoa về báo, hỏi biết Mạc Ngôn ở đâu không, nó bảo không biết? Hỏi thế biết ai, bảo biết Nguyễn Minh Châu với “Mảnh trăng cuối rừng”. Hỏi tiếp: Nguyễn Minh Châu giờ đâu rồi, lại ngơ ngác: không biết. Hỏi đọc “Mảnh trăng cuối rừng” ở đâu, bảo đọc ở sách giáo khoa! Rồi cô này kết luận, chỉ mong cho bọn sinh viên giờ ra trường biết sử dụng Ét xeo (Excel) anh ạ. Lại nhớ loạt bài điều tra trên một tờ báo: bác sĩ ra trường về bệnh viện công tác rồi mà không biết ruột thừa nằm ở chỗ nào?
Sô-cô-la mà làm được như thế này thì chắc còn khó làm hơn ốc vít nhiều
Bộ trưởng bộ Công thương nước ta vừa hân hoan thông báo: Việt Nam đã sản xuất được ốc vít. Nhưng có đưa được nó vào dây chuyền của Sam Sung không lại là việc khác. Bộ trưởng nói thế là bởi trước đó có ông tổng giám đốc người Hàn Quốc nói: Việt Nam chưa sản xuất được ốc vít cho điện thoại Sam Sung. Nghe bộ trưởng nói thì cũng mừng, nhưng sản xuất mà chưa biết có dùng được không thì sự mừng chỉ còn một nửa.
Lại phải liên quan đến đào tạo. Lại phải trông chờ một lứa sinh viên tài năng ra trường, để không chỉ sản xuất được ốc vít, mà còn hơn thế nữa.
Nhưng với kiểu đào tạo như hiện nay, nhất là hệ cử tuyển, tại chức, mở, chuyên tu, từ xa, mà nói thật, kể cả chính quy đi nữa… học chỉ để lấy bằng, thì liệu giấc mơ ốc vít biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực?
(Bài viết của tác giả Văn Công Hùng)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...