Chương 3: PHI LONG (Truyện Lập Trình Viên - Phần II: Em Và Anh)
"Ùm!" Tôi vội vàng quay lại thì nước vẫn đang bắn tung tóe. Còn nó đứng đấy, ướt sũng từ đầu đến ngực, từ ngực trở xuống thì dầm trong nước; tóc xõa bị ướt, bết vào nhau; áo bà ba đen, cổ lá trầu; tóc và áo đều là một màu đen hết cỡ, nên da nó trắng lắm; môi nó đỏ hơn, vì cười và hò hét nhiều; giờ nó cũng đang cười, nụ cười "khăn quàng đỏ" vui tươi và nghịch ngợm, hai hàm răng trắng đẹp vẫn cắn vào nhau, môi và mép nhếch lên, mũi nhăn lại. Cánh tay trái nó đang co hết cỡ về phía sau, bàn tay dựng lên, rồi đẩy mạnh ra. Chờ cho bàn tay nó vừa chạm nước, tôi mới chuồi nhanh xuống, nhưng không "Ùm!" một cái như nó, mà ngược lại, cố sao cho thật nhẹ. Tôi đã đến sát ngay sau lưng, nó vẫn liên tục té nước. Nhưng đầu nó đã hơi nghiêng nghiêng, — không nghe thấy tôi phản ứng gì, chắc nó đang nghi ngờ. Đúng ra, tôi định cốc cho nó một cái vào đầu; nhưng vừa đối diện đủ gần với hai bờ vai nó mềm mại, dưới làn vải mỏng, sũng nước, sợi nịt áo hằn lên ở bên trong, thì có một cảm giác rất dễ chịu, rất thích, bỗng ùa đến rất nhanh, và tràn ngập ngay hết cả con người tôi. Tôi không phân biệt được đấy là nó giật mình, hay đấy là thân thể nó đang hiếu động thì đột nhiên chùng lại, vô lực, lúc cánh tay tôi từ đằng sau bất ngờ vòng qua ôm lấy vùng eo nó. Cánh tay đang té nước của nó dừng ngay lại giữa chừng, lơ lửng trên không, còn bàn tay kia của nó — cũng gần như ngay lập tức — nhẹ nhàng đặt ngay lên mu bàn tay tôi; đầu nó hơi ngửa ra sau, thân thể nó mềm mại dựa cả vào người tôi, tự nhiên, như đã quen. Suốt mấy năm liền hầu như luôn ở bên nhau, hai anh em tôi tất nhiên thân thiết lắm, tôi từng khoác chặt vai nó, cụng đầu vào đầu nó, thơm vào trán, vào má nó, nhưng tôi chưa từng hôn môi, cũng chưa bao giờ ôm nó cả... Anh Ngạn bảo mấy cái xà-di ấy là để bắt cá thòi lòi. Tất nhiên là tôi lại hỏi tiếp về cá thòi lòi; anh Ngạn đang lúng túng, thì Mai Phương đã bảo: — Con đấy không tả được đâu, bắt được thì khắc biết. Và tôi biết ngay đấy là cá thòi lòi. Ba con, bị que đước xỏ vào mồm, rồi xỏ dọc thân, đang nằm ngay đơ không tự nhiên trên một tấm lưới sắt hình tròn, — có một chỗ sợi sắt tròn và mảnh (khoảng bằng nan hoa xe đạp) ở mép lưới uốn vòng ra, kéo dài một đoạn, rồi lại vòng vào, song song, thành cái cán cầm, — còn tấm lưới đang nằm trên một lò than đỏ, hình dạng thì giống nhưng phải to gấp đôi cái lò ở các quán lẩu dê. Con cá thòi lòi trông hơi giống — đầu to hơn — cá chuối, nhưng chỉ to cỡ hơn nửa cổ tay tôi là cùng. Đuôi và vây nó hình như dài hơn, và trông có vẻ "bướng" hẳn hơn cá chuối; đặc biệt là hai vây trước, không chỉ dài hẳn hơn, mà trông còn lạ lạ thế nào đó. Mắt nó cực kỳ lồi; trong tất cả những con cá vàng (là loại cá có mắt lồi nhất mà tôi biết) hồi bé tôi từng nuôi, chưa có con nào mắt lại lồi được như mắt con này; nhưng mắt nó không lồi sang hai bên như mắt cá vàng, mà gần như nằm hẳn bên ngoài đầu, thành hai hột tròn ở trên trán. Ờ... nên mới gọi là thòi lòi, chắc thế. Ba con thòi lòi chỉ nằm chưa hết nửa tấm lưới, nửa còn lại lổm ngổm sáu, bảy con ngao to kệnh, vỏ đầy bùn... Cho nên làm trẻ con tôi thấy rất thích! Chắc một phần vì cả hai việc chủ yếu nhất, vất vả, nhọc nhằn, và gian khổ nhất ở nước tôi hồi ấy, là kiếm sống và đánh giặc, thì tôi đều không phải trực tiếp tham gia. Thực ra, về việc kiếm sống khi ấy, thì tôi đã bắt đầu có những cảm nhận, cũng có thể coi là trực tiếp được, về sự nhọc nhằn của nó, nhưng mới rõ được một ít, thì tôi đã đi học ở nước ngoài, mà ở đấy thì lại rất đầy đủ, ít ra là theo nhu cầu và suy nghĩ của tôi bấy giờ. Còn việc đánh giặc, thì mọi suy nghĩ của tôi về nó chỉ được hình thành từ những thông tin gián tiếp, những thông tin này có được từ những nguồn mà đến lượt chúng nói chung cũng lại gián tiếp tiếp, cho nên mặc dù năm cuối phổ thông tôi được giải nhì học sinh giỏi lịch sử của thành phố, nhưng đến lúc vào đại học, và theo học thày Đét-lam yêu quý của tôi được một thời gian, bắt đầu hiểu được cách học kiến thức, thì tôi biết ngay là hình dung về việc đánh giặc ấy của tôi là tương đối lơ mơ. Cho nên mới bắt đầu câu chuyện, thì tôi nhận ra ngay những cảm giác rất "trực tiếp". Anh Ngạn đã trực tiếp tham gia vào cả hai việc ấy. Học giỏi, và rất giỏi Anh ngữ, còn chưa học hết phổ thông, anh Ngạn đã đi làm phiên dịch cho quân đội Mỹ. Mỹ thua năm 1975, Kít-xinh-giơ rủa: "Why don't these people die fast?" ("Sao những người này không chết cho nhanh?"), — "những người này" là những người Việt Nam Cộng Hòa. Kít-xinh-giơ nhận giải Nô-ben Hòa Bình năm 1973 vì đã có công đưa quân Mỹ ra khỏi Miền Nam Việt Nam; còn anh Ngạn vào trại cải tạo, ở đấy ai may mắn thì đi làm ruộng, không may thì đi gỡ mìn.... — Ba viên. — Ông vừa nhắc lại với tôi (chuyện này ông đã kể). — Không viên nào trực tiếp giết được người, nhưng tình trạng lúc ấy, nếu bảo là cửu tử nhất sinh, thì đúng là nói an ủi. Nhưng người ta vào lúc như vậy, có nhiều thứ lại có thể nhìn thấy rất rõ... — Ông nhận thấy nét hoang mang trong ánh mắt tôi. — Chuyện này liên quan đến "pháp môn" ông vừa nói. Tôi bất giác thay đổi cách ngồi, còn ông vẫn ngồi im, nhưng ông nhìn tôi rất chăm chú, có vẻ ông đang có điều cân nhắc. Cuối cùng ông chớp mắt một cái, rồi nói: "Ông là người được chọn để theo pháp môn này. Chọn, tức là tiền bối chọn ra hậu bối, sư phụ chọn ra đệ tử, mà thực ra nói "chọn" là chưa hẳn đúng, vì quan trọng nhất là phải tìm cho được người thích hợp, và người như thế không nhiều, thật sự không nhiều. Còn cách họ chọn, là nhìn. Nhưng họ nhìn không giống như chúng... không giống như những người bình thường khác. "Viện nghiên cứu thì không phải một người, không phải đơn giản là một đám người; nó là một tổ chức, một cơ cấu, được có sự tồn tại chính thức ở trong lòng xã hội; nên ăn bám thì nó cũng phải ăn bám theo một cơ chế công khai hẳn hoi. "Xin Cho. Cơ chế Xin Cho. "Xin cho để làm khoa học, nhưng cả xin và cho đều không cần "khoa học" gì lắm. "Môn xin kiểu đấy anh dốt, mà cũng chưa xác định là có định giỏi hay không... — nhất là ở đấy. Còn bọn nó... thì phải miếng cơm manh áo. "Hai đứa đấy bỏ anh nốt, thì anh cũng bỏ việc luôn. Lúc đầu..." Chắc anh Quân đã nhận thấy ngay là tôi đang giỏng tai lên nghe một thứ khác. — Hồng Ma-la-ga... có uống với bọn anh một... Tự nhiên tôi không biết gọi cái cốc nhỏ hình trụ trơn trên dưới bằng nhau, bằng thủy tinh trong suốt này — hay đúng hơn: cái lượng rượu sẽ đựng trong cái cốc ấy — là gì, vì nó nhỏ hẳn hơn so với cái "xtốp-ka", là cái cốc đựng một "phát" vốt-ka chuẩn (một trăm gam) mà tôi với Xéc-giô vẫn dùng; nên tôi chỉ nâng cốc rượu đang đầy nguyên của tôi lên lưng chừng, và đưa mắt nhìn cô. Vẫn "không động đậy", cô lẳng lặng đón lấy cốc rượu trên tay tôi, đưa lên miệng; tôi trố mắt nhìn theo tay cô, — thì tôi mời cô, vì tôi chỉ có mỗi thứ này để mời, nhưng con gái, ở Việt Nam, mà uống vốt-ka "ực" như thế này, kể cả là không phải cốc một trăm... Nhưng cốc rượu đã dừng lại ở ngay trước bờ môi đậm đà; cô nhăn mũi, duyên dáng quay mặt qua một bên, vội vàng đặt lại cốc rượu xuống bàn, rồi cười thoải mái ra một nụ rộng rãi, để lộ toàn bộ những chiếc răng ở phía trước và hơi chếch hai bên của hàm răng trắng đều tăm tắp, trừ một chiếc khểnh ở ngách miệng phía trên, bên phải. Tôi vừa phì cười theo cô, thì bị hơi bất ngờ vì bàn tay cô — xương xương, cứng cáp — đã nắm lấy bàn tay tôi... — Đi về, em bật máy, thì không bút được... Lúc cắm ổ này sang máy khác để cóp dữ liệu thì phải cắm lại một cái giăm ở trên ổ đĩa, — tôi cầm ngón cái và ngón trỏ tay phải vào nhau, làm động tác rút ra, cắm vào, — đến lúc lắp lại vào máy em, thì lại phải giăm lại, nếu không thì máy không nhận được ổ cứng có hệ điều hành... — Tóm lại... là tự ý mở máy? — Thì... vâng. Nhưng chuyện này... bình thường thôi anh. Có khi cần vài phai hệ thống o-ri-din để sửa lỗi hệ điều hành, hoặc cần một trình ứng dụng thông dụng nào đấy, ai cũng hay để vài bộ cài kiểu như thế vào một thư mục riêng trên ổ cứng của mình, nhiều chương trình còn không cần cài, cứ cóp nguyên xi là chạy... À... vâng, nếu lớn hơn dung lượng đĩa mềm... — Tóm lại... không cần đuô... có cần phải xử lý... về nhân sự không? Cô gái ở trong băng vi-đi-ô tên là Tú... — Phải rồi. — Chú Phiên gật đầu. — Ngay cậu Ngạn cũng đâu biết. Khi nó còn là hòn ngọc Viễn Đông thiệt, thì tôi còn bé. Nơi lấp lánh nhất hòn ngọc khi đó là... ca-xi-nô gron-đơ mòn-đờ, sòng bạc Đại Thế Giới, một trong những sòng... mà có thể nói luôn là sòng bạc lớn nhất Đông Dương. "Nó là một khu tổ hợp chơi bời, đủ mặt nhà hàng, sân khấu, vũ trường, quán xá... Còn đánh bạc thì khỏi nói: chơi kiểu Việt, Tây, Tàu... không có chi là không có. Chủ xị là các tay tổ từ Hồng-kông, Ma-cao qua. Cả ê-kíp từ phát hỏa, hồ lỳ, cắm sườn... À, phát hỏa là chia bài, hồ lỳ là chung chi, cắm sườn là quan sát..." — Những người này... — Cứ ngắt nhỏ câu chuyện thế này, đúng không phải tác phong thông thường của tôi, nhưng chủ đề này mới bắt đầu, thì cảm nhận của tôi, tôi thấy ngay là đang giống y như lúc đọc chưởng Kim Dung; bất giác hai bàn tay tôi xòe rộng hết mười ngón, khom khom hướng vào nhau để tìm cách diễn tả. — Cơ cấu tổ chức của họ như thế nào ạ? Chú Phiên nhìn tôi, tủm tỉm, chắc là giấu một nụ cười to hơn... "Đưa xác A Chính ra khỏi Việt Nam không phải thân quyến, mà là huynh đệ đồng môn. "Sư phụ của A Chính trước đây từng là một con bạc rất danh tiếng trong giới đổ bác Á Châu. Trong một ván đấu sinh tử, không ngờ gặp phải đối thủ biết dùng thuật thôi miên, ông ta bị thua, và phải uống thuốc độc; may có người bạn thân, là người có uy tín lớn trong đổ giới, đứng ra nhận làm kẻ thế mạng — tức là bán mạng cho người thắng, — xin cho, ông ta mới không phải tự tận. Nhưng thói đời đánh kẻ ngã ngựa, sát phạt lên được tới đỉnh cao, ngã thì càng thê thảm. Ông ta đã phải lưu lạc khắp nơi; sau do một chuyện tình cờ, bảo vệ được một cô bé con, lại là con gái của vị thủ lĩnh nhóm I-a-ma-gu-chi Gum-mi, một băng đảng I-a-ku-da có địa vị rất lớn ở Nhật Bản, ông ta mới yên ổn lưu lại được ở Nhật trong một thời gian; ở đó, ông ta đã khổ luyện được phương cách khắc chế bài thuật thôi miên. Được I-a-ku-da chống lưng, ông ta trở về Hồng-kông, phục thù và lấy lại được địa vị của mình... Sao cơ?" — Chú Phiên nhìn tôi. — Dạ, I-a-ku-da... — Tôi rụt rè... "Chừng hơn hai tháng trước, y đã có mặt tại Sài Gòn, đã ghé thăm khắp các sòng lớn nhỏ, tới đâu cũng lột sạch các cao thủ áp sòng — với y lúc này mà nói, chuyện này có lẽ là tương đối giản đơn, — nhưng y chủ ý chừa lại ba nơi. "Cao thủ áp sòng ba nơi này đều là dân Bình Thiền, Đồng Nai, — kỳ bẽo gốc Bình Thiền cũng kiểu như Ma-phi-a gốc Si-xin, — và cả ba đều học nghệ cùng một thày. "Thày của họ chính là người thanh niên khoác chiếc bị cói đã tới tiệm thuốc bắc kế bên Đại Thế Giới năm xưa. "Chơi vậy là đĩnh đạc, — coi bộ họ Hồng đã bài binh kỹ lưỡng và rất chắc chắn trong hành động. Sau loạt trận "đánh tiếng" gọn gàng, đổ trường thành phố lại yên ắng ngay như chưa từng có chuyện xảy ra, — y chủ ý dành cho đối thủ đủ thời gian để chuẩn bị ứng chiến. "Tới tuần trước nữa, y mới xuất hiện tại một trong ba sòng bài kia... |
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...