Động cơ vĩnh cửu (13)

“Nhật Linh,


Xa em quá và xa lâu quá. Nhưng xa là xa, dù là một dặm hay là một ngàn dặm thì cũng đâu khác gì — đấy là sự an ủi tuyệt vời đối với một người sẽ phải chuyển tàu chợ chuyển xe hàng và bay mười mấy tiếng đồng hồ thì mới có thể được nhìn thấy em. Nếu điều này sẽ làm em vui: anh đang y hệt như một chàng hoàng tử hành hương, nhọc nhằn với hạt đậu trong giày, đói và lạnh y như hai chữ Trinh Trắng — hay như bất kỳ một Đức Hạnh nào.”


“Về ngay, Đim-ma giết người.”


“Trong đời chúng ta, mọi thứ đều thường xảy ra: tuyết vẫn không tan dưới nắng chói chang, mùa đông vẫn ấm áp, mưa vẫn rơi trong tháng chạp, thứ quanh năm ẩm ướt vẫn hoàn toàn không bị han gỉ, thứ hoàn toàn không có chân vẫn tự đứng dậy được...


Không phải anh muốn thanh minh — còn thanh minh gì nữa; còn thanh minh để làm gì nữa? Anh chỉ không muốn em sẽ buồn — vì em chắc chắn sẽ buồn — nhiều.


Anh đã cố để không bắt đầu chuyện này, — anh thề, — nhưng anh đã bắt đầu!


Anh đã cố để không kết thúc chuyện này, — anh thề, — và nếu anh chỉ có mỗi anh, một mình, thì anh đã không kết thúc!


Nhưng anh đã kết thúc!


Đại ca Rô-bin-xơn có thể hì hục tự đóng một chiếc tàu to để bơi về: đại ca không có tiền, không rượu, không gái... có thể nói cái gì cũng không, ngoại trừ thời gian, và rất nhiều, rất nhiều gỗ! Nhưng tàu to thì đóng phải lâu, và đến khi đóng xong, thì đại ca lại đã quen và thích cuộc sống ở trên đảo, thì sao?


Anh có một người bạn tên là Long Fò. Long Fò vẫn bảo: “Con người không phải là vận tốc ánh sáng, cũng không phải là xá lị.”


Anh thì không biết hú hét như Rô-bin-xơn đại ca, và bạn anh là Long Fò, chứ chưa hề bao giờ có một người bạn tên là Thứ Sáu (hay Thứ Bảy? — em nhớ gú lại giùm anh, anh đang vội quá), nhưng anh cũng chịu tác động của thời gian hoàn toàn không khác gì đại ca anh.


Anh cũng không biết cách ví von cao siêu như Long Fò, nhưng anh biết chắc là anh không phải bồn cầu Viglacera cái gì mà “mãi mãi với thời gian” [1].


Tóm lại anh cũng có thể hoàn toàn giống như đại ca Rô-bin-xơn.


Nhưng anh tự hỏi:


Rô-bin-xơn đại ca sẽ thế nào, nếu tự nhiên lại nhận được điện tín: “Về ngay, World Cup 2010, cá độ!”?


Em có nghĩ là chiếc tàu to đang đắp chiếu sẽ lại giương buồm hiên ngang vượt sóng không?


Tiễn quân ngàn lẻ một dặm, cũng phải chia tay...


Cô giáo ơi, anh có lỗi với anh, và với em anh càng có lỗi ghê gớm — rõ rồi. Bây giờ anh chắc chắn phải đi. Và anh có trở lại đây nữa không?


Cả đời anh, anh chưa bao giờ trở lại như thế.


Chú thích: Đim-ma là bạn, và giống như — có khi còn giống hơn, vì anh không có nên cũng không biết — em giai anh.


[1] Mặc dù Đim-ma hoàn toàn có thể là một thằng Viglacera như thế.”


Một bức thư, một bức điện, một bức thư.


Tôi — đi và chạy, bấn loạn như thế — vừa về đến nhà — cô giáo đi dạy — thì nhận được bức điện. Tôi viết bức thư đầu để gửi cho Nhật Linh. Tôi viết bức thư cuối để lại cho cô giáo — cùng với bức điện của Lan Cải.


Vẫn luôn như thế, tôi đi đâu thế này, Nhật Linh luôn không bao giờ biết tôi đi đâu. Mỗi nick yahoo mới, chỉ gửi một thư — và nàng biết như thế. Lúc đầu nàng dỗi. Rồi nàng giận. Rồi nàng hiểu: có một số người có thể thật sự không cần, nhưng luôn thích những cảm giác — mặc dù biết là viển vông và hình thức — oai phong và tự do như thế.


Vẫn luôn như thế, tôi đi đâu thế này, Lan Cải luôn bao giờ cũng biết tôi đi đâu. Chúng tôi có đường thư điện tử riêng. Lúc đầu nàng ngạc nhiên. Rồi nàng bảo “thằng hâm”. Rồi nàng hiểu: có một số người có thể thật sự không thích, nhưng luôn cần phải thấy có trách nhiệm — mặc dù biết là hoàn toàn có thể chỉ là hình thức: do yếu tố địa lý — quan tâm đến ai đó.


Vẫn luôn như thế, tôi đi đâu thế này, trước khi tôi về, Nhật Linh luôn nhận được một “hạt đậu trong giày”... thống thiết. Chắc nàng chẳng tin gì cả, cũng có thể nàng tin một phần... nhưng nàng có một cái chìa khóa nhỏ, chìa này mở một cái ngăn kéo nhỏ, ngăn này đựng một cái hộp nhỏ, hộp này chứa những “hạt đậu trong giày” — đã được in ra bằng máy in HP — của tôi.


Vẫn luôn không như thế, tôi đi đâu thế này, chưa bao giờ tôi để lại thư cho “cô giáo”.


Viết xong bức thư, — chắc là chưa xong, chỉ là, một cách cơ học, tôi không thể nào viết tiếp được nữa, — tự nhiên tôi thấy nước mắt mình te tua như đê bao Sài Gòn. Rồi tôi nghĩ thật luôn đến Sài Gòn bây giờ nước ăn thì thiếu nước lội thì thừa, rồi tôi nghĩ đến bác Kiệt, rồi tôi nghĩ đến Hà Lan, rồi tôi nghĩ đến Hà Lan cùng bảng với Đan Mạch và Nhật Bản, rồi... tiên sư cụ chúng nó... Nhật-Bản-thắng-Đan-Mạch-tận-ba-một... Và... nước mắt tôi lại nghẹn ngào tóe ra.


Nhận được bức điện, thật sự tôi đã hơi giật mình. Không phải vì nội dung — tôi đã giật mình từ lúc chưa đọc nội dung; cũng không phải vì có ai đó đã gửi cái gì đó đến tận tay tôi đến tận đây; mà vì nó là một bức điện. Nhưng rồi tôi hiểu ra ngay, và thầm cảm ơn — thật ra phải nói là biết ơn và vô cùng ngưỡng mộ — Lan Cải của tôi. Không gọi, không nhắn, mà đánh dây thép — nàng quả thực là một cô gái thông minh, và đây không phải là lần đầu nàng là một cô gái thông minh. Nếu có một luật hôn nhân mới bình thường hơn luật ngớ ngẩn bây giờ, tôi thề là tôi sẽ tìm cách cưới bằng được ba đứa: Nhật Linh, Lan Cải, và Phi Long. Tất nhiên chuyện này sẽ không đơn giản thế, vì dù có luật cưới bình thường, thì Lan Cải vẫn sẽ chỉ muốn cưới một mình Phi Long, còn Phi Long vẫn sẽ chỉ muốn không cưới ai cả... Nhưng đấy sẽ còn là một câu chuyện dài khác.


Còn bây giờ, tôi đang nghĩ đến “một người sẽ phải chuyển tàu chợ chuyển xe hàng” — tôi vừa viết cho Nhật Linh như thế, và, là lạ thay, những dòng đấy lại tuyệt đối chân thành.


(Còn tiếp)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...