Máy thời gian

8 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Thường có những ngày, khi bạn thõng hai tay xuống,

Và không có lời nói, không âm nhạc, không sức lực.

Vào những ngày đó tôi đã ở trong sự chia lìa với chính mình

Và đã không yêu cầu ai giúp tôi.


Và tôi đã muốn đi, bỗng đến đâu thì đến,

Đóng cửa nhà tôi và không tìm thấy chìa khóa.

Nhưng tôi đã tin là chưa phải tất cả đã tiêu tan,

Khi ánh sáng vẫn chưa tàn lụi, khi ngọn nến vẫn cháy.

Nhưng tôi đã tin là chưa phải tất cả đã tiêu tan,

Khi ánh sáng vẫn chưa tàn lụi, khi ngọn nến vẫn cháy.


Và không ai có thể bắt tôi hát,

Sự im lặng là bắt đầu của mọi sự bắt đầu.

Nhưng nếu tôi phải dang rộng đôi vai của những bài hát ra -

Sẽ thật khó làm thế nào để tôi im lặng.


Và dù ngày tháng hôm nay chỉ còn lại ít,

Và tuyết rơi xuống [*], và máu không nóng.

Vào lần thứ một trăm, tôi sẽ bắt đầu từ đầu một lần nữa,

Khi ánh sáng vẫn chưa tàn lụi, khi ngọn nến vẫn cháy.

Vào lần thứ một trăm, tôi sẽ bắt đầu từ đầu một lần nữa,

Khi ánh sáng vẫn chưa tàn lụi, khi ngọn nến vẫn cháy.


[*] trên mái tóc



1. Khi ngọn nến vẫn cháy (dịch lời ở trên)

2. Nào hãy làm những khoảng dừng trong lời nói

3. Ngôi nhà của chúng ta

4. Tôi sẽ còn trở lại đây

5. Cuộc nói chuyện trên tàu hỏa

6. Đống lửa

7. Lá cờ trên pháo đài

8. Bạn hay tôi

Động cơ vĩnh cửu (10)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Ở anh Tuấn, còn có một điểm “không giống” nữa.


Cũng tương tự như chuyện “Mặc dù — Nhưng” kia, cũng với một chút ngạc nhiên lúc đầu, rồi sau đó là một phản xạ thống kê, tôi cũng nhận ra một nhu cầu lớn dẫn tới một biểu hiện rất chung ở những người đồng quê hương với tôi: đấy là mọi người rất thích kể lể về mình.


Có một chị đã mê mải ngồi kể cho tôi nghe suốt cả một buổi tối — phải đến ba, bốn tiếng — về thằng bé con trai chị: một cậu bé đẹp trai, và ở mọi nơi vào mọi lúc luôn luôn thể hiện ra toàn những sự thông minh đĩnh ngộ, dễ thương, thừa hưởng được tất cả các đặc điểm ưu tú của bố mẹ, thừa hưởng được tất cả những công năng di truyền tốt đẹp nhất của cả hai bên nội ngoại... Chị kể say sưa đến nỗi vào lúc tôi, dưới bộ dạng chăm chú, đang chuẩn bị đi vào một giấc ngủ chợp, — tôi đã kể về tâm pháp “ngủ” này, — trong trạng thái gà gà gật gật đã bắt đầu lơ mơ nghĩ là có ai đó đang kể về chính tôi, thì may là tôi đã bị “mất ngủ” ngay và lập tức nhận ra mình nhầm, vì chuyện bắt đầu đến đoạn “em nó rất có thiên tư về ngoại ngữ và văn học”, “nó đọc nhiều và rất hay trầm tư”, “chuyên ngữ hay chuyên văn, con đường nào sẽ hợp với thiên tư của nó hơn”...


Kỳ lạ là tôi còn gặp mấy chị nữa như thế.


Kỳ lạ nữa là tôi còn gặp cả mấy anh như thế.


Và còn kỳ lạ hơn nữa là Phi Long lại bảo tôi:


— Một phần rất lớn là vì Đạo Phật!


Thế này thì dường như quá lố! Tôi ranh mãnh nhìn y; y tươi cười nhìn lại, cả ánh mắt, cả nụ cười đều đường nét không chê vào đâu được, — giả dụ tôi mà là gái, không chừng tôi đến hiến thân ngay cho y, — nhưng đều nhạt nhẽo như báo cáo hội thảo. Không lẽ cả cái này y cũng đang nghiêm túc?..


— Các đệ tử hậu sinh kém cỏi của Đức Phật đã tự mình dựng lên một cái “ngã” to tướng để tìm cách dạy người ta “vô ngã”. Bình thường, có khi người ta đang hồn nhiên chân chất, để ý gì đến “ngã” đâu; nghe “Phật” dạy “vô ngã” một hồi, tự nhiên ở trong đầu thấy lù lù một cái “ngã” to tổ bố. Chú còn nhớ chuyện “ở đây bán cá tươi”?


— ...


— Vào nhà thờ khác hẳn. Uy nghi bức người, Chúa Giê-xu đóng đinh câu-rút — xúc động và bi tráng... Thật là dễ “quên mình”.


— Công nhận, lần đầu, em gặp Nhật Linh phát, tình cờ đứng ngay cạnh, tự nhiên em cũng bị ngay một cảm giác uy nghi, xúc động và bi tráng lấn át đến mức... đúng là “quên mình” thật... Không... ý em chỉ là... tác động của ngoại cảnh.


Nếu nói về âm nhạc chẳng hạn, đầu tiên sẽ là cảm thán: “Ôi bản nhạc mới dễ thương làm sao!”, “Tuyệt vời quá!”, “Dễ chịu thật!”, “Xúc động ghê!”... Rồi liền ngay sau đó, ai đó sẽ bắt đầu chuyển ngay chủ đề bản nhạc sang thành chủ đề hành trang âm nhạc oanh liệt và sành điệu của chính mình: “Hồi ấy bố mua cho mình một cái đàn pi-a-nô, đúng lúc mình đang cặm cụi tập đúng bài này nhá, thì... World Cup. Chính ra hồi đấy mà không có World Cup...” Những người khác không lẽ — kể cả là không có pi-a-nô — lại kém oanh liệt và sành điệu hơn? Thế là sẽ bắt đầu thi nhau nói về mình.


Nhộn nhất là đến lúc khái niệm “Quan hệ công chúng” bắt đầu hay được nhắc đến, thì người quê tôi với tố chất học gạo siêu quần và hiểu biết bập bõm cà cộ — cũng giống như với nhiều khái niệm, nhất là khái niệm “mốt”, khác — về khái niệm này, thấy nó có vẻ “có lợi” quá, bèn hào hứng rủ nhau thành từng nhóm, to có, nhỏ có, theo quan hệ thường nhật có, theo quan hệ xã hội có, theo quan hệ ngành nghề có, mê say biến ngay nó thành một trò bốc thơm tương đối lố bịch.


Hiệu ứng bốc thơm này phần nào cũng theo một cơ chế gần giống như say rượu. Và lúc bắt đầu nghiện, thì nó lan dần sang các hoạt động khác, thành một kiểu hành vi chung. Một trong những đặc điểm cần phải lưu ý nhất của say rượu là trong trạng thái đó khả năng đề phòng bất trắc của người ta giảm. Lúc đang hưng phấn mải bốc thơm, mải hò, mải hô... thì khả năng đề phòng bất trắc của người ta cũng giảm. Và hậu quả, giữa thanh thiên bạch nhật, chữ to, ở địa điểm công cộng, thậm chí ở chỗ ngàn năm văn hiến, thậm chí nhân những dịp hết sức nghiêm túc:


“Hội thi gói, nấu bánh trưng, giã bánh giày”


“Well come to asean vietnam”


“Chào mừng ngày giải phóng thủ đô 30-4”


“Giải phóng miền nam thống nhất đất nớc”


Hò, hô, bốc thơm đang dần dần trở thành một kiểu kỹ năng độc lập, độc lập với những thuộc tính vốn dĩ phải liên quan đến nó. Khi kỹ năng là độc lập, người ta có thể làm biểu ngữ mà không cần quan tâm đến nội dung; miễn là được nghiệm thu và thanh toán. Khi kỹ năng là độc lập, người ta có thể công khai lên báo ca ngợi bệnh điên — điên theo quan điểm y khoa — là một năng lực thuộc loại tài năng thiên phú, và cảm thấy như vậy hoàn toàn bình thường; miễn là người ta thấy có lợi cho mình nếu ca ngợi bệnh điên như vậy.


Ngọng, và háo hức hát ka-ra-ô-kê công suất lớn; hệ thống quy trình công việc rườm rà, rối rắm, nhiều chỗ chồng chéo, bất hợp lý, quan liêu, và háo hức tin học hóa. — Những tổ hợp kiểu như vậy luôn rất dễ trở thành gây cười, và cười như vậy thường không phải cười vui.


Lần sau, tôi đến để bắt đầu “chuyển giao công nghệ” cho anh Tuấn, lúc hai anh em tôi đang nghiên cứu khoa học mê say thì chị vào. Chỉ mới cảm thấy chị ở đầu khóe mắt, tôi đã nôn nao toàn thể châu thân y như say sóng; tôi phải kín đáo lấy tay phải bấm rất mạnh vào huyệt Hợp Cốc ở tay trái để tự cứu “tỉnh” và để cho cảm giác đau sẽ đánh lạc hướng sự chú ý của mình. Chị vào, hình như mỉm cười vui lắm, âu yếm nhìn hai anh em tôi ăn no tắm mát đang rủ nhau học hành, rồi chị đến bên chiếc bàn nhỏ kê ở bên khung cửa sổ mở nhìn ra vườn, đặt lên đó một lọ hoa nho nhỏ.


Ba bông hoa hồng nhỏ nhưng mập mạp bụ bẫm với những chiếc lá to khỏe mạnh xanh thẫm, bóng lên, dày dặn phưỡn căng như lá chè già; màu những cánh hoa đỏ nhưng không thắm mà tươi hơn hớn nên có cảm giác như chúng đã bị hái đúng vào giữa lúc đang cùng rủ nhau chuyển dở sang màu cá hồi. Chúng được cắm trong chiếc lọ thẳng nhỏ xinh xinh cao khoảng hai phần ba gang tay, tròn thẳng mảnh mai, chỉ hơi thót dần rất chậm từ dưới lên, đến khoảng ba phần tư chiều cao thì lại mở dần ra, tất nhiên phải nhanh hơn, đến miệng cũng rộng bằng đáy; bên ngoài lọ phủ men sứ dày dặn, màu trắng đục chất phác, khoảng hơn nửa lọ một chút về phía dưới sát tới đáy có họa tiết vẽ những ngôi nhà phố cổ phần giống phố Phái phần như tranh trẻ con vẽ, tường màu hồng nhạt với những mái ngói lợp bụ bụ, vẹo vẹo nhấp nhô. Ba bông hồng, cao khác nhau, càng lên trên càng nhỏ hơn, bông trên cùng, giống như một cái nụ to, cao hơn gấp đôi chiều cao chiếc lọ một tí.


Hình như chị ăn mặc khác hôm trước ở ngoài vườn, và hình như chị có điểm trang; có lẽ thế, và tôi chỉ cảm thấy thế, bằng khóe mắt, bằng khóe mũi... thôi, chứ suốt lúc chị còn ở đấy, tôi thật sự đã không nhìn thẳng vào chị một lần nào.


Lọ hoa với những bông hoa mới như cũ đã đều đặn xuất hiện theo cùng một cách như vậy suốt những ngày “chuyển giao công nghệ” của tôi. Dần dà, huyệt Hợp Cốc đã bớt đau, và tôi đã có thể muốn nhìn ai thì nhìn, và nói chuyện thoải mái vui vẻ với tất cả mọi người, và đang có một cảm giác rất phấn khởi vì chuyện đó.


Cho tới một hôm.


Tình huống ấy đơn giản nhất, nhưng kỳ lạ là tôi chưa bao giờ nghĩ đến.


(Còn tiếp)

Người đàn bà, mà hát

12 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Ai đó, tôi không biết nữa, phao tin đồn vô ích,

Là tôi sống không có nỗi buồn và những âu lo,

Là ở trên thế gian tôi thành công hơn tất cả mọi người,

Và tôi may mắn: luôn luôn và trong tất cả mọi việc.


Cũng như vậy thôi, - như tất cả, như tất cả, như tất cả mọi người, -

Tôi cứ đi, cứ đi, trên mặt đất,

Và cầu xin số phận, - như tất cả, như tất cả mọi người, -

Hạnh phúc cho mình.


Các bạn đừng tin, là tôi sống như ở thiên đường,

Là điều bất hạnh đi tránh qua bên cạnh tôi,

Cũng y như vậy thôi, tôi mệt mỏi vào lúc chiều tối,

Và buồn bã, và òa khóc, đôi khi.


Cũng như vậy thôi, - như tất cả, như tất cả, như tất cả mọi người, -

Tôi cứ đi, cứ đi, trên mặt đất,

Và cầu xin số phận, - như tất cả, như tất cả mọi người, -

Hạnh phúc cho mình.


Cuộc đời có lúc đánh đập và lay lắc tôi,

Nhưng từ chuyện bất hạnh tôi đã biết một cách,

Vào giờ phút cay đắng, khi không may đến chết đi được,

Tôi cứ nói, là đằng nào thì cũng vẫn may.


Cũng như vậy thôi, - như tất cả, như tất cả, như tất cả mọi người, -

Tôi cứ đi, cứ đi, trên mặt đất,

Và cầu xin số phận, - như tất cả, như tất cả mọi người, -

Hạnh phúc cho mình.



1. Bài hát nhỏ về tôi (dịch lời ở trên)

2. Yêu không chối cãi

3. Người đàn bà, mà hát

4. Bài hát nhỏ của học sinh lớp một

5. Nhạc trưởng

6. Tảng băng trôi

7. Chiếc đồng hồ cổ

8. Người chở phà

9. Không có em

10. Một triệu bông hồng tươi đỏ

11. Mẹ cho con đi với

12. Thế giới này

13. Đôi mắt trong, sáng


... (Còn nữa)

The Month Of Mary

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook


When I was small, and Christmas trees were tall,

We used to love while others used to play.

Don’t ask me why, but time has passed us by,

Some one else moved in from far away.


Now we are tall, and Christmas trees are small,

And you don’t ask the time of day.

But you and I, our love will never die,

But guess we’ll cry come first of May.


The apple tree that grew for you and me,

I watched the apples falling one by one.

And I recall the moment of them all,

The day I kissed your cheek and you were gone.


Now we are tall, and Christmas trees are small,

And you don’t ask the time of day.

But you and I, our love will never die,

But guess we’ll cry come first of May.


When I was small, and Christmas trees were tall,

Do, do, do, do, do, do, do, do, do...

Don’t ask me why, but time has passed us by,

Some one else moved in from far away.


Canh khuya

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

CANH KHUYA

(I-van Bu-nhin)


Chao ôi, đã từ lâu lắm rồi mình chưa về nơi ấy. Tôi tự nhủ mình như vậy. Từ năm mười chín tuổi đầu. Hồi này đây tôi đã sống ở nước Nga, cảm thấy nước Nga là của mình, được hoàn toàn tự do, muốn đi đâu tuỳ thích, và dù có đi tới khoảng ba trăm vecxta chăng nữa thì cũng chẳng phải khó khăn gì cho lắm. Ấy vậy mà tôi vẫn không đi, cứ nay lần mai lữa hoài. Rồi những năm, những thập kỷ cứ trôi, cứ đi qua. Thế mà nay đã không sao lần khần được nữa rồi: hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ đi được nữa cả. Phải nắm lấy thời cơ duy nhất và cuối cùng, may được lúc canh khuya, sẽ không ai bắt gặp mình cả.


Thế là tôi đi lên cầu để qua sông, nhìn được xa ra bốn phía xung quanh trong ánh trăng của một đêm tháng bảy.


Nhịp cầu này sao quen thuộc, vẫn như xưa, hệt như tôi mới thấy nó ngày hôm qua; nó thô sơ mà cổ kính, lưng gù và thậm chí như không phải bằng đá nữa mà bằng một cái gì đó hoá đá với thời gian và trở thành muôn đời muôn kiếp không tan (hồi còn là học sinh trung học tôi còn ngỡ là nó có từ thời Ba-Tưi (1) kia). Nhưng để nói lên cái cổ kính của thị trấn này, chỉ còn lại vài ba vết tích gì đó của những bức tường thành ở bờ dốc phía dưới ngôi nhà thờ lớn với lại cây cầu này mà thôi. Còn tất cả đều chỉ là cũ kỹ, có tính chất tỉnh lẻ,chứ không có gì hơn. Duy chỉ có một điều kỳ lạ, một điều chỉ rõ được rằng từ khi tôi còn là một cậu bé con, một chàng thanh niên cho đến bây giờ, dù sao trên đời vẫn còn một sự thay đổi nào đó, ấy là trước đây tàu không chạy được trên con sông này, còn ngày nay hẳn con sông đã được khơi sâu và dọn dẹp sạch sẽ rồi. Mặt trăng ở phía bên trái tôi, ở nơi khá xa trên dòng sông, và trong ánh trăng lung linh cũng như trong ánh nước lấp lánh, rập rờn, tôi thấy trắng toát một chiếc tàu guồng mà ở đó dường như trống rỗng (nó im lìm thế kia mà), — mặc dù mọi ô cửa mạn của nó đều sáng ánh đèn giống như những con mắt vàng bất động, luôn phản chiếu xuống nước thành những cột tia sáng vàng óng ánh và hệt như chiếc tàu đã đậu trên những cột đó. Cảnh tượng này cũng thấy có cả ở Iarôxlap, cả ở kênh Xuê (2), cả ở trên sông Nin (3) nữa. Ở Paris đêm đến thường ấm ướt, tối tăm, trên bầu trời mờ mịt thường hồng lên những ráng mù sương, con sông Xen (4) chảy một dòng đen kịt dưới những nhịp cầu, nhưng phía dưới cầu cũng lủng lẳng những cột tia sáng óng ánh phản chiếu những ánh đèn trên cầu, có điều đó là những tia sáng ba màu: trắng, xanh và đỏ — màu cờ của nước Nga. Nhưng ở đây trên cầu chẳng có đèn đóm gì, mà cầu thì khô khốc bụi bặm. Còn ở phía trước, trên ngọn đồi, người ta thấy một thị trấn âm u với những khu vườn, và trên những khu vườn thấy ngất ngưởng một chòi canh phòng hỏa. Trời đất ơi, thật là một niềm hạnh phúc không sao tả xiết được. Chính là lúc có hoả hoạn vào ban đêm mà lần đầu tiên tôi đã hôn tay em và em cũng đã siết chặt tay tôi để đáp lại, — tôi sẽ chẳng bao giờ quên ơn em về thái độ thuận tình thầm lén này. Toàn bộ đường phố đều đen kịt những người trong cái cảnh bừng sáng dữ dội và bất thường ấy. Tôi vừa đến thăm em thì bỗng có tiếng chuông báo động nổi lên, và thế là mọi người ai nấy đều chạy ùa ra cửa sổ và sau đó là chạy ra ngoài cổng. Đám cháy ở mãi xa, bên kia sông, mà sao thấy nóng nực, ồn ào và hối hả kinh khủng. Ở đó những đám khói dày đặc bốc lên cuồn cuộn như một mớ lông cừu vừa đen vừa đỏ tía, và từ đó người ta thấy bùng lên những ngọn lửa đỏ hệt như những dải vải tây điều, còn ở gần chỗ chúng tôi thì chúng hắt lên vòm mái nhà thờ Tổng lãnh thiên thần Mikhain (5) thành một màu đồng chấp chới. Và trong cảnh chen chúc,giữa đám đông, giữa những tiếng xì xào lo âu, lúc thì ái ngại, lúc thì sướng vui của những thường dân từ khắp nơi chạy lại, tôi đã nghe có mùi mái tóc thiếu nữ và cổ của em, mùi chiếc xiêm bằng vải gai của em, — và thế là tôi bỗng nảy ra quyết tâm, tôi ngây ngất nắm lấy tay em.


Qua cầu xong tôi lên đồi, men theo con đường lát đá mà vào thị trấn.


Trong thị trấn chẳng đâu có lấy một ánh lửa, một bóng người. Đâu đấy thảy đều câm lặng và thoáng đãng, yên tĩnh và u buồn, — cái buồn của đêm thảo nguyên Nga, của thị trấn thảo nguyên đang ngủ. Duy chỉ có những khu vườn là còn khe khẽ, nhè nhẹ rung rinh lá cành dưới làn gió tháng bảy đang hiu hiu, đều đặn từ nơi nào đó thổi về và mơn man cả bản thân tôi. Tôi đi, mặt trăng vành vạch cũng đi theo, như một tấm gương tròn trôi nổi, luồn giữa đám lá cành đen kịt. Những đường phố rộng rãi nằm trong bóng tối, — chỉ ở những ngôi nhà phía bên phải bóng tối không lan tới được thì người ta mới thấy những bức tường trắng được chiếu sáng và thấy những ô cửa kính đen bóng, ánh lên màu tang tóc. Và tôi đi trong bóng tối, dấn bước trên vỉa hè loang lổ, — bởi lẽ suốt dọc vỉa hè đều trải dài những tấm đăng ten bằng lụa đen. Hôm ấy nàng vận một chiếc xiêm mặc vào buổi tối như vậy đấy, một bộ cánh đỏm dáng, dài và thon thả. Chiếc xiêm ấy hợp lạ thường với thân hình thanh mảnh và cặp mắt huyền tươi trẻ của nàng.


Bận chiếc xiêm ấy, nàng trở nên bí ẩn và nàng chẳng để mắt gì tới tôi cả khiến tôi phải hậm hực. Cớ đâu mà lại như thế nhỉ? Đến thăm ai vậy nhỉ?


Mục đích của tôi là muốn đến thăm cái phố Cũ. Tôi có thể đến đó bằng con đường khác, gần hơn. Thế nhưng tôi lại rẽ vào những đường phố rộng rãi đầy vườn tược này, vì tôi muốn ngó qua cái trường trung học ấy. Và khi đi đến nơi, tôi lại ngạc nhiên một lần nữa. Cả ở đây cảnh vật cũng y nguyên như nửa thế kỉ trước. Dãy tường bằng đá, ngôi nhà lớn bằng đá ở trong sân, — tất cả đều khuôn sáo, đều tẻ ngắt như hồi nào tôi có mặt ở đó. Tôi chần chừ đôi chút bên cạnh cổng, hòng gợi lại trong bản thân mình nỗi buồn thương của những kỉ niệm, nhưng không sao gợi lại được; phải rồi, tôi thường bước vào cái cổng này, mới đầu là cậu bé lớp một, đầu húi trọc lốc, đội một chiếc mũ lưỡi trai xanh mới toanh có hai cành cọ bằng bạc trên vành lưỡi trai, mặc áo capốt nhỏ, mới, đính cục bạc; rồi sau là chàng trai gầy gò, mặc áo bludông xám và bận một chiếc quần rất diện có đính những mảnh vải bao hai bên giày. Nhưng cậu bé và chàng trai đó phải chăng là tôi?


Cái phố cũ thì tôi thấy nó chỉ hẹp hơn đôi chút so với trước kia mà thôi. Còn ngoài ra tất cả đều chẳng có gì thay đổi. Mặt đường lồi lõm, không có lấy một cây nhỏ nào, cả hai bên đều là những ngôi nhà bụi bặm của các thương nhân, hai bên vỉa hè cũng mấp mô, đến nỗi tôi thấy thà đi ngay giữa lòng đường giữa ánh trăng chan chứa... Và cảnh ban đêm hồi ấy cũng gần giống như cảnh ban đêm bây giờ. Có điều đêm hồi ấy là gần cuối tháng tám, khi toàn thị trấn đều thơm lựng mùi táo được chất đống cao như núi trong các khu chợ, và đêm hồi ấy ấm áp đến nỗi nếu được mặc độc một chiếc áo cánh thắt chẽn lưng bằng một đai da kiểu Kapkadơ thì khoái trá biết bao. Phải chăng có thể nhớ lại cái đêm ấy ở một nơi nào đó đằng kia hầu như ở tận lưng trời?


Dù sao anh cũng chẳng dám đi đến tận nhà em. Thật vậy, cả ngôi nhà ấy cũng chẳng thay đổi gì, nhưng chính thế anh mới càng sợ phải trông thấy nó. Giờ đây có những người lạ nào đó mới đến ở đấy. Em còn trẻ, nhưng bố em, mẹ em, anh trai em — mọi người tuy đều sống lâu hơn em, nhưng rồi đến lúc ai nấy cũng đều phải qua đời. Mà ngay ở nhà anh, mọi người đều cũng đã qua đời cả rồi, chẳng những là bà con máu mủ, mà cả rất nhiều, rất nhiều người khác anh từng kết thân hay đánh bạn với họ khi mới bước vào đời. Chẳng biết họ bước vào đời đã lâu chưa và mặc dù họ đã tin chắc rằng cuộc đời chẳng bao giờ kết thúc, thế nhưng mọi sự đều đã bắt đầu, đã trôi qua và rồi kết thúc ngay trước mắt anh — ngay trước mắt anh và mau chóng biết bao! Thế là tôi ngồi lên một bệ đá cạnh một ngôi nhà thật kín cổng cao tường của một thương nhân nào đó và bắt đầu ngẫm nghĩ xem nàng đã như thế nào trong cái thời xa xăm ấy giữa tôi cùng nàng; mái tóc sẫm chải búi đơn sơ, cặp mắt trong sáng; khuôn mặt tươi trẻ hơi rám nắng, tấm xiêm mùa hè nhẹ nhàng, và dưới tấm xiêm ấy là sự trinh bạch, cái khoẻ khoắn và phóng khoáng của thân hình trẻ trung. Đó là lúc tình yêu chớm nở giữa chúng tôi, là giờ phút hạnh phúc không vương một áng mây buồn, giờ phút thân thiết, tin cậy, âu yếm một cách thích thú, hân hoan...


Có một cái gì đó hết sức đặc biệt trong những đêm ấm áp và sáng sủa ở các huyện lỵ Nga dạo cuối hè. Thật là bình yên, thật là thư thái biết bao! Một ông lão mang chiếc mõ cầm canh đi dạo khắp cái thị trấn vui tươi ấy vào ban đêm, nhưng cụ đi chỉ để tìm vui thú cho chính mình mà thôi: có gì phải canh gác đâu, hỡi những con người tốt bụng, hãy cứ ngủ yên, canh gác cho các người là sự phù hộ của Chúa, là bầu trời rạng rỡ vời vợi mà ông lão thỉnh thoảng lại thanh thản ngước nhìn lên khi đi giữa lòng đường đã được sưởi ấm qua một ngày, và chỉ hoạ hoằn lắm cụ mới gióng lên một hồi mõ theo một điệu múa nhịp nhàng để làm vui.


Và đấy, trong một đêm như thế trong canh khuya ấy, khi cả thị trấn chỉ có một người không ngủ thì em đã đợi tôi trong khu vườn nhà, một khu vườn đã chớm héo khô vào lúc sắp sang thu. Và tôi đã lén lút lọt vào khu vườn ấy, se sẽ mở cánh cổng nhỏ mà em đã mở khoá sẵn, se sẽ và mau chóng chạy qua sân, rồi từ phía sau nhà kho tận cuối vườn, tôi bước vào bóng tối lờ mờ và loang lổ của khu vườn, mà ở phía xa xa, trên chiếc ghế dài dưới rặng táo, tôi đã thấy trăng trắng xiêm áo em, và tôi mau lẹ tiến lại, sợ hãi mà mừng vui khi bắt gặp ánh mắt đợi chờ của em.


Thế rồi chúng ta ngồi mãi, ngồi mãi trong một niềm hạnh phúc ngỡ ngàng. Một tay anh ôm lấy em, nghe biết được nhịp đập của trái tim em, còn tay kia em nắm lấy bàn tay em, qua đó cảm biết được tất cả trong em. Và trời khuya đến nỗi không còn nghe tiếng mõ đâu nữa cả, — ông lão đã nằm trên một tấm ghế dài ở đâu đó, mồm ngậm tẩu mà mơ màng, sưởi ấm dưới ánh trăng. Khi nhìn sang phải, tôi thấy mặt trăng vẫn thản nhiên toả sáng cao cao trên khu vườn và thấy mái một ngôi nhà bóng loáng lên như ánh vẩy cá. Khi nhìn sang trái tôi thấy một con đường nhỏ mọc đầy cỏ khô chìm lấp dưới một rặng táo khác, và sau rặng táo tôi thấy từ trong một khu vườn khác của nhà ai đó, ló ra rất thấp một ngôi sao đơn độc màu xanh lá cây, một ngôi sao leo lét với vẻ lãnh đạm nhưng lại trông chờ, một ngôi sao đang định nói gì đó nhưng lại nói chẳng thành lời. Thế nhưng cả khu vườn lẫn ngôi sao ấy tôi chỉ thoáng qua, bởi lẽ trên đời bấy giờ chỉ còn bóng tối lờ mờ và đôi mắt em lấp lánh loé sáng trong bóng tối lờ mờ đó.


Rồi sau đó, khi em đưa tiễn tôi ra tới cổng, tôi bảo em:


— Nếu có đời sau mà chúng ta lại được gặp nhau thì lúc ấy anh sẽ quỳ xuống hôn chân em vì tất cả những gì em đã từng cho anh trên cõi trần thế này.


Tôi bước ra giữa phố ngời sáng để trở về nơi mình tạm trú. Ngoái nhìn lại, tôi vẫn còn thấy thấp thoáng bóng dáng nàng.


Giờ đây, đứng dậy rời khỏi bệ đá, tôi quay gót trở về bằng con đường mình đã đến đây. À, mà không, ngoài việc đến thăm phố Cũ ra, tôi còn có một mục đích khác nữa, tuy e sợ chẳng dám thú nhận với lòng mình, nhưng thừa biết rằng việc thực hiện mục đích đó là không thể tránh khỏi. Và thế là tôi cất bước tới, đi tới để nhìn lại một lần nữa và để rồi ra đi mà không bao giờ trở lại.


Lại một con đường quen thuộc nữa. Cứ đi thẳng, rồi rẽ trái, đi qua chợ, rồi từ chợ theo phố Tu viện đi về phía lối ra khỏi thị trấn.


Khu chợ dường như một thị trấn nhỏ trong cái thị trấn lớn. Các dãy quầy hàng đều nồng nặc những mùi vị. Ở dãy hàng thức ăn chín, dưới những mái che và trên những tấm bàn, ghế dài, thấy tối mù mịt. Ở dãy phố sắt, bên trên giữa lối đi có treo lủng lẳng bằng xích sắt một tượng thánh của Chúa cứu thế mắt to, khung tượng đã han rỉ. Ở dãy phố bên cạnh bán bột, sáng nào cũng có cả đàn chim bồ câu chạy nhảy, mổ những hạt rơi vãi trên lòng đường. Nếu đến trường trung học thì còn có biết bao chim bồ câu nữa kia. Và con nào con nấy to béo, ức mầu cầu vồng, — chúng mổ, chúng chạy, chúng lượn lờ uốn éo yểu điệu theo kiểu phụ nữ, chúng núng na núng nính, giật giật cái đầu bé nhỏ theo cùng một kiểu, dường như không để ý gì đến chúng ta, và chỉ đập cánh vun vút, bay vụt lên khi ta suýt dẫm phải một con nào trong bọn chúng mà thôi. Còn đến đêm thì ở đây lại có những con chuột cống phóng như bay, chúng đen, to thù lù, trông rất tởm và dễ sợ.


Phố Tu Viện vừa là một nhịp cầu dẫn ra cánh đồng, vừa là một con đường, một đằng là từ thị trấn đi về nhà, về nơi thôn quê;một đằng là đi đến thị trấn của những người đã chết. Ở Paris,một ngôi nhà số bao nhiêu ở phố nào đó thường được làm nổi bật lên so với tất cả những ngôi nhà khác bằng một chiếc cổng giả được dựng lên hai ngày liền để chứng tỏ ngôi nhà đó có bệnh dịch hạch, chung quanh cổng có viền khăn tang bằng bạc,và trong hai ngày liền trên một chiếc bàn nhỏ phủ khăn tang kê ở cổng có đặt một tờ giấy viền đen để cho các khách đến viếng sẽ ký tên và tỏ ý chia buồn. Sau đó, đến một kỳ hạn cuối cùng nào đấy, người ta đưa đến cổng một cỗ xe tang đồ sộ làm bằng gỗ đen kịt như gỗ đóng quan tài cho kẻ bị dịch hạch, trên xe phủ vải riềm tang, ở giữa mép riềm được xén lượn tròn có những ngôi sao trắng lớn để chỉ thiên đàng, còn ở các góc mái riềm thì có treo những ngù đèn xoắn tít,biểu hiện cho những chiếc lông của con đà điểu dưới địa ngục. Thắng vào xe là những con quái vật cao lớn phủ vải đen như than, đầu có sừng và có vòng trắng ở lỗ mắt. Ở chiếc ghế giong xe cao ngất nghểu, ngồi chờ giờ cất đám là một con sâu rượu đã già, bề ngoài cũng được đóng bộ một cách tượng trưng trong một sắc phục tang chế giả như thế, nhưng trong bụng thì hẳn là lão ta đang cười thầm về những câu long trọng như: Requiem aeternam dona eis, Domine, et lux perpetua luceat eis (6) — Thế nhưng ở đây thì khác hẳn. Làn gió từ cánh đồng hiu hiu thổi về dọc theo phố Tu viện, và người ta lót khăn mặt để khiêng một chiếc quan tài mở ván thiên đi ngược lại chiều gió, trong đó bồng bềnh khuôn mặt trắng màu cơm, một vành hoa nhỏ sặc sỡ ở trên trán che lấp đôi mí mắt sưng phồng đã nhắm nghiền. Nàng cũng đã được người ta khiêng đi như vậy.


Ở lối ra khỏi thị trấn mé trái đường cái là một tu viện thời Nga hoàng Alêchxây Mikhailôvits, là một chiếc cổng thành luôn đóng kín cửa cùng với những bức tường thành, và đằng sau những bức tường thành thấy bóng lộn những mái vòm dát vàng của ngôi nhà thờ lớn. Xa hơn nữa, tận cánh đồng lại là những dãy tường khác, nhưng không cao lắm mà họp thành một ô vuông rất rộng, bên trong có cả một cánh rừng nhỏ bị những con đường thẳng băng và dài dằng dặc chia cắt, hai bên đường rải rác đủ loại thánh giá và mộ chí dưới khác nhau dưới các bụi cây leo, các rặng đoạn và bạch dương lâu đời. Ở đây cổng lại mở toang, do đó tôi thấy ngay con đường chính, phẳng phiu, bất tận, Tôi rụt rè cất mũ ra mà bước vào. Sao khuya khoắt và câm lặng đến thế. Mặt trăng đã xuống thấp sau những lùm cây, nhưng bốn chung quanh trong tầm mắt đâu đấy đều thấy rõ mồn một. Giữa bóng tối trong vắt, toàn bộ khoảng rừng của người đã chết, của những cây thánh giá và mộ chí, đều vẫn hiện lên rõ rệt với đầy đủ những họa tiết đa dạng. Gió đã lặng trước lúc bình minh — những đám loang lổ sáng và sẫm luôn ẩn hiện dưới những rặng cây nay đều đã ngủ im. Nhưng ở phía xa xa trong khoảng rừng, từ đằng sau ngôi nhà thờ nghĩa trang bỗng có cái gì thấp thoáng, rồi nó biến thành một cuộn đen ngòm như điên như cuồng vùn vụt chạy ập lại phía tôi. Tôi thất kinh rạt sang một bên, toàn bộ đầu óc tôi phút chốc lạnh ngắt đi và co quắp lại... cái gì thế nhỉ? Nó chạy vụt qua và biến mất hút. Nhưng trong ngực tôi con tim vẫn chưa đập lại được. Và thế là tôi đành phải tiến lên với con tim đã ngừng đập, mang nó trong mình như một bầu trĩu nặng. Tôi biết rõ mình phải đi đâu, tôi vẫn tiến thẳng theo con đường ấy, và tới tận cuối đường cách bức tường chắn phía sau vài bước thì tôi dừng lại: trước mặt tôi, trên một khoảng đất phẳng phiu, giữa đám cỏ khô có một phiến đá thon dài và khá hẹp, nằm đơn độc, quay đầu vào tường. Còn phía sau tường, như một hạt ngọc tuyệt vời, vẫn ló ra một ngôi sao không cao lắm, màu xanh lá cây, tuy vẫn rực rỡ như ngôi sao trước, nhưng câm lặng và bất động.


Ngày 19 tháng 10 năm 1938



Chú giải:


1 — Cháu của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan), đã cầm một cánh quân Mông Cổ rất lớn đánh vào Nga trong thế kỷ XIII.

2 — Kênh đào trên đất Ai Cập nối liền Địa Trung Hải với biển Đỏ.

3 — Một con sông lớn ở Châu Phi, qua Ai Cập đổ vào Địa Trung Hải.

4 — Một trong những con sông lớn của Pháp, chảy qua thủ đô Pari.

5 — Tức Tổng lãnh thiên thần (archangel) Mi-ca-e.

6 — Tiếng Latinh: Lạy Chúa, xin Chúa cho họ được bằng an đời đời và được ánh sáng đời đời.

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

2 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Yêu tổ quốc, yêu đồng bào.
Học tập tốt, lao động tốt.
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
(Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng)

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu"

Bác mong các cháu “cho ngoan”
Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam
(Thơ tặng các cháu nhi đồng, ngày 10/4/1946)

“Tuổi các cháu còn nhỏ, thì các cháu làm những công việc nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to. Bác mong các cháu làm việc và học hành, cho xứng đáng là nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thống nhất và độc lập.”
(Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân kỷ niệm cách mạng tháng Tám, tháng 8/1947)


“Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được...”
(Thư gửi các bạn thanh niên, tháng 8/1947)

“Thanh niên cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập.
Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị.
Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được.
Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi.
Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp.
Phải có lòng kiên quyết tham gia kháng chiến để tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập, dân chủ và tự do.
Như thế, mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà.”
("Thanh niên phải làm gì?" Tháng 2/1948)


“Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác đã dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam...”
(Gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng, tháng 1/1947)

Thiên tượng (27)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Không khí rộn ràng, náo nức như ngày tết, nhưng chủ quán chắc đã chạy xa khỏi đây, tại chỗ này đang bắn nhau túi bụi.


— Đây rồi. — “Công tước” ngồi bên cạnh chợt vỗ vào vai anh, rồi gọi. — Đại tá! Đại tá ơi!


Một người dễ phân biệt ra ngay trong đám người ăn mặc giống nhau đang vội vã băng qua — anh ta dong dỏng cao hơn những người xung quanh, trang bị có vẻ phải đeo nặng hơn, và tay áo xắn cao hơn, — ngoái đầu lại, rồi cười vẻ như gặp một người bạn mà hai người thường vẫn có nhiều thứ chơi chung, dừng lại.


Ở gần mới thấy anh ta còn có điểm phân biệt nữa: từ phía quai mũ sắt bên má trái, có một cái còng mi-cờ-rô đen đen thò qua mồm, và có vẻ như cứ hễ anh ta đi đâu, là có một người sẽ lẵng nhẵng bám theo.


Người lẵng nhẵng này cũng lỏi ra từ đám đông. Những người ở đây đều mặc đồng phục rằn ri màu cỏ úa, riêng anh ta, cả mũ sắt, cả quần áo, mặc dù chắc cũng phải là quần áo đồng phục, nhưng có màu “Office 2007”, sẫm hơn một tí. Mà kể cả không mặc màu khác thế, có lẽ anh ta vẫn cứ lỏi ra, tại vì trông bộ điệu anh ta không giống như những người ở đây. Những người kia rõ ràng đều đang vội, nhưng trông họ hoàn toàn không vội, họ cứ thong thả vội; còn anh này từ mặt mũi đến dáng điệu đều hớt ha hớt hải.


— Đằng nào cũng phải kèm phóng viên chiến trường... — “Công tước” tủm tỉm đáp lại nét nhăn nhó kín đáo trên mặt bạn, tròn hai ngón tay, đặt lên mắt phải, rồi chỉ ra xa xa, đoạn nói tiếp, — cho gửi thêm hai người này; yên tâm lớn, họ cứng cựa lắm.


Những ngón tay rắn rỏi bóp nhẹ vai anh, anh chưa kịp nói gì thì “Công tước” đã gần đi khuất vào chỗ bờ tường, ngược lại hướng mọi người đang đi.


“Đại tá” — không biết có phải đại tá thật không, chắc họ vẫn phải đeo quân hàm quân hiệu, chắc thế, nhưng ở chỗ nào đấy, hay theo kiểu nào đấy, không phải như anh vẫn biết — nhìn anh với ánh mắt thiện cảm, khẽ gật đầu, hơi nhướng mày, hình như cười, nhìn cô, rồi khoát tay; anh chàng “phóng viên chiến trường” đã vội vàng theo sát gót; anh và cô theo sau họ.


Đi thẳng về phía trước theo con đường đất chừng dăm bảy phút thì cây cỏ bên bờ mương lụi dần, rồi hết hẳn, rồi thấy bờ mương bên kia được đắp nổi hẳn lên, tròn tròn, còn bờ bên đường này thì có những cây như cây nhãn mọc cách đều nhau. Gió thổi mơn man, dưới những tán lá thâm thấp, mát mẻ, bộ đội ngồi xếp hàng la liệt, có anh phì phèo hút thuốc, — hơi giống mùi thuốc “Camel”, nhưng còn thô hơn một chút, — có người bỏ mũ sắt, tóc tơ dính bết mồ hôi, mặt mũi khoan khoái; một anh tán phét gì đấy với bạn bên cạnh, đang cười lên sằng sặc, văng tục một cách đáng yêu theo kiểu học sinh. Người ngồi chơi cứ ngồi chơi, người hối hả đi cứ hối hả đi; anh phóng viên hình như rất muốn hỏi han gì đấy những người đang ngồi nhưng lại sợ lạc mất đại tá đang bước gấp gáp và nói lảm nhảm gì đấy chắc là vào mi-cờ-rô; nên phải lẽo đẽo đi tiếp, và liên tục ngoảnh nhìn. Tiếng súng vọng lại dồn dập hơn — cũng có khi chỉ là cảm giác thế, vì họ đang đi về phía nó. Có ai đấy bỗng huýt lên một tiếng sáo miệng lanh lảnh, cảm thán một câu ý tứ hơi rõ ràng quá, rồi gọi nhau, rồi hơi lao nhao, nhốn nháo, ồn ã... — họ thấy cô đi qua; anh không nhìn cũng biết cô đang đỏ đến tận tai.


Bên bờ đường bên phải bắt đầu có nhà cửa, kiểu nhà nhà quê, có tường cao bao quanh. Đại tá đột ngột rẽ phải, họ đi vào một cái ngõ ngắn bẩn thỉu có nhiều bãi đã se đầu hi vọng là chó dù xác suất lớn là bộ đội. Hết ngõ, thì đến một bãi cỏ mọc bám xuống không kín đất, rộng vừa vừa, phía bên kia có mấy căn mái bằng vuông vắn quét vôi vàng nhạt sạch sẽ tinh tươm nên trông lạ lạ, ngăn nắp nhưng không hiểu sao không có vẻ như nhà ở; đi quá tường nhà bên phải mấy căn này thì phía tay trái mở ra một khoảng sân đất rộng rãi khô cằn, không có gạch lát, cũng không có cỏ mọc, mép sân bên trái có bức tường thấp tè, trước mặt có một bức tường cao với mấy cửa xây hình vòm, không có cánh cửa, — giống như trường học, hay trụ sở công bỏ hoang. Ngồi dựa vào, hoặc nằm gối lên những chiếc ba lô to kềnh vứt trên mặt đất, là dăm bảy anh bộ đội.


Ở phía bên trong còn nhiều bộ đội nằm ngồi nữa, nhưng đại tá vẫn không đổi cước bộ, cứ thế cắt qua khu trụ sở công cũng tương đối rộng này, rồi dẫn họ băng vào một mảnh đồng rộng đất khô và xốp giống như đất luống rau nhưng không đánh thành luống, được gieo trồng cùng một loại cây gì đó có một thân thẳng tròn như chiếc đũa tre, cao đến gần thắt lưng, trông như đã chết khô, trên đầu có một nắm tròn màu nâu thẫm, cũng không rõ là hoa hay quả. Lác đác, không hiểu sao lại có những bông cúc vàng rất to, nở rực rỡ, tươi rói, nghênh nghênh mọc cao hẳn lên. Thực ra anh nghi đấy là hoa hướng dương — nghi thôi, vì cũng chưa bao giờ nhìn thấy hướng dương. Anh đoán là họ vừa đi tắt, vì từ phía bên phải, có nhiều bộ đội cũng đang băng vào đồng này. Tất cả đều hướng tới một khu nhà có tường cao bao quanh ở phía trước.


Nhà này kiểu như một nhà giàu ở trong làng. Sân nhà rộng rãi, tường đã cũ, tróc vôi và nứt nẻ, nhưng cao và dày dặn. Trong sân và trong nhà lố nhố bộ đội ngồi dựa vào những chỗ khuất, những xó tường; hoặc lăng xăng đi đi lại lại. Lối họ vừa vào là cửa sau. Ở cửa trước, tường bao ở cả hai bên quành bầu bầu vào trong, nên cửa thụt hẳn vào; đại tá đứng dựa vào chỗ bầu đấy, nói lảm nhảm vào mi-cờ-rô, thò tay ngăn cô lại, nghênh đầu: “Cô đừng ra khỏi sân.”


Ngay sát tường bao hai bên cổng có hai gốc cây to, tán lá rộng của chúng lòa xòa râm mát cả một khoảng rộng. Có một con đường đất nhỏ chạy men men ngang qua cổng, bên kia đường là một bãi đất canh tác rộng, đất trông như đã được làm, nhưng chưa thấy gieo cấy gì cả, phơi khô trắng phau; chia làm mấy thửa rộng được phân nhau ra bằng những đường bờ “ruộng” có cỏ mọc, hơi cao lên, chạy ra xa; tận cùng phía bên phải, chắc hết đất canh tác thì thấy cỏ mọc kín bãi và có những bụi cây hơi cao lên, hình vồng vồng, lúp xúp.


Anh vừa thò đầu ra khỏi chỗ tường bầu bầu, ngó nghiêng thì thấy anh bộ đội đeo bốn cái “bắp chuối” — chắc đúng anh ban nãy — đi vượt qua về phía tay phải, rồi gần như ngay lập tức từ phía ấy có một anh khác mặc đủ quân phục nhưng để đầu trần, vừa cười vừa vội vàng chạy tọt vào cửa, bảo: “Té thôi...”


Anh chưa hiểu gì, nên cẩn thận nép sát vào tường, nghé mắt ra, thì vừa lúc ấy nghe thấy: “sạp sạp... tì Rầm!”; lần này thì đất dưới chân đúng là rung lên thật, và cách đấy một đoạn ngắn, một đám khói trắng phì mạnh về phía cánh đồng, mù mịt hết tầm nhìn. Ngay sau lưng anh có những tiếng nửa cười nửa cảm thán “hú hú hú...” vui vẻ: đã có nhiều người đứng nép ở đấy lúc biết là chuẩn bị nổ; khói chưa tan hết thì họ hăm hở sách súng kéo nhau ra, nhanh nhẹn chạy lên một quãng theo con đường, rồi đứng cụm nhau lại, chỉ chỉ trỏ trỏ, bàn tán gì đó, một người đứng ở phía trước nâng súng lên, nổ lẹt đẹt mấy phát — anh đứng ngay đấy, nhưng tiếng súng đúng là nghe lẹt đẹt thật, không như anh vẫn tưởng nó phải to ầm và trầm hùng như lúc xem Meggie Q bắn nhau trong “Mission impossible 3” ở trong rạp có âm thanh nổi.


Có tiếng nói ở ngay đằng sau; đại tá vừa giải thích với phóng viên, vừa chỉ tay về phía trước; anh chăm chú nhìn: hết chỗ cỏ và bụi cây nhỏ bên phải cánh đồng, cây bắt đầu mọc cao lên thành khối rậm, và ở trong đám cây đó có một căn nhà nhỏ màu trắng có một cửa sổ vuông, lấp ló, hơi khuất về bên phải. Đám bộ đội phía trước, bây giờ người thì quỳ lom khom xuống, người thì dựa vào tường, người thì cứ đứng tơ hơ thế nâng súng lên, đang tập trung nã đạn vào chỗ tường nhà ấy. Có một anh đang bắn thì giật mình ngoái lại phía sau, hét gì đấy với người cũng đang đứng bắn ngay đấy, ý như bảo “mày bắn gần tai tao quá”.


Trong lúc họ đang bắn, thì đại tá đi đi lại lại ở khoảnh râm mát trước cửa, tay cầm một quyển sổ, kiểu sổ mở lật lên chứ không giở ngang, thỉnh thoảng nhìn vào đấy, mồm liên tục lảm nhảm vào mi-cờ-rô.


Được một lúc thì những người kia thôi không bắn nữa và kéo nhau tràn ra cánh đồng trống, hấp tấp, tất tả xách súng chạy về phía căn nhà kia, anh nhận ra anh bộ đội đeo “bắp chuối” chạy vòng tách hẳn ra, về phía bên trái. Anh đang mải quan sát thì hơi giật mình thấy đại tá hét rất to:


— Bọn khỉ đảo làm cái c... gì ở trên kia?! Cẩn thận lại giết người của bọn tao!..


Từ hướng anh ta đang nhìn, vọng lại những tiếng ịt ịt... liên tục, hệt như tiếng ống bô xe máy đang phải lội nước ở ngoài đường bị mưa ngập: có cái máy bay đen đen, hình như là trực thăng đang bay cao tít trên trời xanh ngắt không hề có một gợn mây.


Anh quay lại thì chỗ mà bộ đội đang xách súng chạy ban nãy đã trống trơn, chắc họ đều tìm được chỗ nấp và đã nằm hết xuống. Hình như mấy cái “bắp chuối” vẫn nhô lên ở sau một bụi cây tròn, không biết có phải thế không, vì khoảng cách từ đây cho đến đấy cũng xa, và cây đấy thì có đỡ được đạn đâu.


Tiếng ịt ịt vẫn vẳng lại, bất giác suy nghĩ của anh lôi ngay lên và tìm cách ghép lại với nhau những thông tin không có hình ảnh — anh chưa bao giờ nhìn thấy thật — về một loại máy bay rất to. Nó bay cách mặt đất hơn mười cây số; cao thế nên người ở dưới mặt đất không nhìn thấy nó; và những người ở bên trong nó cũng không nhìn thấy mặt đất, họ điều khiển nó bằng thiết bị điện tử; họ được đào tạo đặc biệt, vô cùng tốn kém, và ngoài kỹ thuật ra, họ còn được đào tạo về tâm lý để lúc điều khiển nó thật sự, — cộng với việc đúng là họ chỉ tiếp xúc với các thiết bị điện tử thật, — họ sẽ có cảm giác, cảm giác cũng thật sự, là mình đang chơi ghêm.


Vì sao phải đào tạo tâm lý một cách lạ lùng như vậy?


Vì loại máy bay to này được thiết kế để bỏ bom nguyên tử.


Nhưng bom nguyên tử không phải là thứ mà hễ cứ sướng là ném: trong cả lịch sử bỏ bom của nhân loại, phải đến lúc mà khát khao trả thù — vì đã bị giã nát một cách te tua nhục nhã không ngờ ở một cái cảng có cái tên lấp lánh “ngọc trai” — đã dâng lên đến tột bực; mà ngay cả thế, cũng phải đúng vào thời điểm mà thằng giã mình hồi ấy đang bị thằng khác khỏe hơn đánh cho đến ngắc ngoải sắp chết đến nơi; và cũng là lúc mà ước vọng tâng công dồn dập thôi thúc; phải từng đấy thứ cảm xúc dồn nén, mà phải toàn là thứ cảm xúc kiểu bẩn bẩn, cộng lại khiến cho người ta bị trở thành một thứ gì đó tăm tối, dơ dáy và quái thai không còn một chút gì giống với con người nữa, thì người ta mới lỏn lỏn đem được hai quả bom nguyên tử đi ném trộm; mà từ bấy đến giờ, cũng chỉ mới ném trộm duy nhất được hai quả đấy.


Cho nên, người ta bèn chuyển loại máy bay này sang dùng để đi bỏ bom “dân dụng”: nó có thể chở được một trăm quả “dân dụng” như thế; mỗi lần thả, nó cào sâu lên mặt trái đất một vệt bom hình lưỡi hái kéo dài nửa cây số.


Nếu nửa cây số bom đấy được phệt vào một phố đầy dân cư?


Nếu không được đào tạo đặc biệt về tâm lý, liệu có ai — “ai” không phải là đại từ dùng để chỉ các con vật, trừ một số bối cảnh nhân cách hóa trong nghệ thuật — có đủ khả năng để bỏ bom như thế không?


Trước mỗi trận bỏ bom, các “ghêm thủ” ăn mặc chỉnh tề ngồi oai vệ cùng nhau trong phòng hội thảo, lấy đèn chiếu chiếu lên phông to những tấm ảnh được chụp bằng vệ tinh và đã được các trung tâm điện toán được trang bị các máy tính hiện đại nhất xử lý, dùng bút la-de chỉ trỏ cho nhau xem những chỗ chúng mình sẽ “đấm”, chúng mình sẽ “đá”, sôi nổi bàn bạc với nhau cách “đấm”, cách “đá”, cách nên bấm nút “đấm”, nút “đá”, trước mấy chục giây thì đòn đánh sẽ hiệu quả hơn...


Kết thúc buổi họp, chủ trì trang nghiêm: “Chúa phù hộ chúng ta!” Tất cả các “ghêm thủ” cúi đầu thành kính: “A-men!”


Không biết Chúa có thể phù hộ cho các “ghêm thủ” hay không?


Chúa chắc có thể — một lần nữa — để cho con trai Người xuống và tự hứng lấy vệt bom hình lưỡi hái kia.


Còn tự Chúa chắc không thể trở thành một “ghêm thủ” như thế.


Một người bình thường không thể làm như thế.


Một người, bị lạc vào rừng từ lúc còn bé, bé hơn cả Rô-bin-sơn, và lớn lên một cách hoàn toàn tự nhiên ở đấy, không thể làm như thế.


Động vật không thể làm như thế.


Phải được đào tạo đặc biệt về tâm lý, đến lúc bản tính của một người đạt được tới một chất lượng thấp hơn nhân tính; chưa đủ, còn phải tiếp tục nâng cấp nữa, để đạt được tới một chất lượng thấp hơn thú tính. Phải thế, thì mới làm được như thế.


Khó đến thế, mà họ vẫn dạy được, và vẫn học được. — Phải là một giống người đặc biệt, một nền giáo dục đặc biệt, và ở vào một thời điểm thăng hoa đặc biệt của cả một dân tộc đặc biệt. Đặc biệt đến nỗi chính họ còn tự bắn lẫn nhau để tranh được làm cái việc bỏ bom hình lưỡi hái ấy...


Tiếng súng bỗng rộ lên dồn dập và dày đặc nhất kể từ lúc anh nghe thấy chúng ở đây...


(Còn nữa)

Khi người ngủ thức dậy (6)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Chương IV. Âm thanh om sòm


Ấn tượng cuối cùng của Graham trước khi ông xỉu đi đã là về một tiếng reo ầm ĩ của những quả chuông. Ông đã được biết về sau là ông đã bị bất tỉnh, lơ lửng giữa sự sống và cái chết, trong gần một giờ. Khi ông lấy lại được những cảm giác của mình, ông đã nằm trở lại trên chiếc giường trong mờ mờ của ông, và đã có một hơi ấm khuấy động ở tim và cổ họng. Bộ dụng cụ đen đen, ông lĩnh hội, đã bị bỏ đi khỏi cánh tay ông, cánh tay đã bị băng. Chiếc khung trắng vẫn còn xung quanh ông, nhưng chất trong suốt hơi xanh xanh lục mà đã gắn kín nó cũng đã được bỏ đi hết. Một người mặc một chiếc áo choàng màu vi-ô-lét thâm trầm, một trong những người mà đã ở trên bao lơn, đã nhìn một cách sắc sảo vào gương mặt của ông.


Cách biệt khỏi đây nhưng dai dẳng cố chấp là một tiếng ầm ĩ của những chiếc chuông và những tiếng động hỗn độn, cái đấy đã làm nảy ra trong trí óc ông bức tranh một số đông người đang la hét cùng nhau. Một cái gì đó đã dường như rơi xuống xuyên qua sự ồn ào này, một cánh cửa bất ngờ đã đóng.


Graham xê dịch đầu ông. "Tất cả chuyện này nghĩa là gì?" Ông đã nói một cách chậm chạp. "Tôi đang ở đâu?"


Ông thấy người tóc đỏ đã là người đầu tiên có biểu hiện với ông. Một giọng nói hình như hỏi xem ông đã nói gì, và đã lặng đi đột ngột.


Người mặc màu vi-ô-lét đã trả lời bằng một giọng nói nhẹ nhàng, nói tiếng Anh với một chút khẩu ngữ nước ngoài, đại khái như thế ít nhất là nó đã có vẻ như thế đối với những vành tai của Người ngủ, "Ông đang hoàn toàn an toàn. Ông đã được mang tới đây từ chỗ mà ông đã ngủ thiếp đi. Ở đây tuyệt đối an toàn. Ông đã ở đây một thời gian — ngủ. Trong một sự hôn mê."


Anh ta đã nói một cái gì đó thêm nữa mà Graham đã không thể nghe, và một cái ống đựng thuốc nhỏ đã được trao tay qua chỗ anh ta. Graham đã cảm thấy bụi hơi nước man mát, một đám sương mù thơm ngào ngạt đã phun lên trán ông trong một thời điểm, và cảm giác nghỉ ngơi của ông tăng lên. Ông khép những con mắt mình trong sự thỏa mãn.


— Khá hơn chứ? — Người mặc đồ màu vi-ô-lét hỏi, khi những con mắt của Graham đã lại mở ra. Anh ta là một người có khuôn mặt dễ chịu khoảng ba mươi tuổi, chắc thế, với bộ râu nhọn hoe hoe, và một cái móc cài bằng vàng ở cổ áo choàng màu vi-ô-lét của anh ta.


— Ừ, — Graham nói.


— Ông đã ngủ say một thời gian. Trong trạng thái hôn mê của chứng bệnh giữ nguyên tư thế. Ông từng nghe? Chứng bệnh giữ nguyên tư thế ấy? Nó có thể có vẻ như lạ lùng đối với ông vào lúc đầu, nhưng tôi có thể cam đoan với ông là mọi chuyện đều tốt.


Graham đã không trả lời, nhưng những từ ngữ này đã đáp ứng được mục đích làm yên lòng của chúng. Những con mắt ông đã đi lần lượt qua từng khuôn mặt của ba người đang đứng gần bên ông. Họ đang nhìn ông một cách lạ lùng. Ông biết ông phải đang ở đâu đó ở Cornwall, nhưng ông đã không thể phù hợp hóa những thứ này cùng với ấn tượng đó.


Một thứ cái đấy đã là trong trí não của ông trong thời gian những khoảnh khắc thức tỉnh cuối cùng của ông ở Boscastle đã trở lại, một thứ đã giải quyết xong và thế nào đó đã sao nhãng. Ông làm sạch lại cổ họng mình.


— Anh đã đánh dây thép cho em họ tôi? — Ông hỏi. — E. Warming, 27, Chancery Lane?


Tất cả bọn họ đã chịu khó lắng nghe. Nhưng ông đã phải lặp lại điều vừa nói. "Nhòe nhòe lạ quá trong khẩu ngữ của ông ấy!" người tóc đỏ thì thầm. “Sợi dây thép à, thưa ngài?" người trẻ tuổi có bộ râu hoe hoe nói, một cách hiển nhiên đã bị bối rối.


— Ông ấy muốn nói là gửi một bức điện tín, — người thứ ba, một chàng thanh niên có khuôn mặt dễ coi tuổi khoảng mười chín đôi mươi, tự động giải thích hộ. Người có râu hoe đã đưa ra một tiếng kêu của sự lĩnh hội. "Ôi kẻ đần độn trong tôi! Ông có thể tin chắc là mọi thứ sẽ được làm xong, thưa ngài," Anh ta nói với Graham. "Tôi sợ là nó sẽ là khó để... đánh điện cho em họ ông. Ông ấy không ở Luân-đôn lúc này. Nhưng đừng phiền lòng về những sự giàn xếp nữa; ông đã ngủ say một thời gian rất dài và cái quan trọng là đã vượt qua nó, thưa ông." (Graham đã kết luận từ này đã là “ông”, mặc dù người này đã phát âm là "giông”.)


— Ồ..! — Graham nói, và trở nên yên lặng.


Tất cả đã rất nan giải, nhưng trông bề ngoài những người trong trang phục là lạ này đã biết họ đang nói đến cái gì. Nhưng mà họ kỳ quặc và căn phòng cũng kỳ quặc. Có vẻ như ông đã ở một chỗ nào đó mới được lập nên. Ông đã có một tia lóe sáng bất ngờ của sự ngờ vực. Chắc chắn chỗ này không phải là gian triển lãm công cộng nào đó! Nếu nó mà như vậy ông sẽ cho Warming một mẩu trí não của ông. Nhưng chỗ này chắc chắn không có đặc tính đấy. Và ở một chỗ triển lãm công cộng ông sẽ không phơi mình ra trần truồng.


Rồi bất ngờ, hoàn toàn đột ngột, ông đã hình dung ra cái đã xảy ra. Đã không có một quãng nhận biết được của sự ngờ vực, không có sự lóe sáng tới tri thức của ông. Đột ngột ông biết là sự nhập định của ông đã kéo dài trong một quãng thời gian rất lớn; giống như là bằng các quá trình nào đó của việc đọc suy nghĩ ông đã diễn giải được sự khiếp sợ trên những khuôn mặt đang nhìn chăm chú vào mặt ông. Ông đã nhìn vào chúng lạ lùng, đầy cảm xúc mãnh liệt. Nó có vẻ như họ đọc những con mắt ông. Ông đã bố trí những bờ môi của mình để nói và đã không thể. Một sự thôi thúc lạ lùng muốn che dấu sự nhận biết của ông đã đi vào tâm trí ông hầu như ngay vào thời điểm sự phát hiện của ông. Ông nhìn xuống đôi chân trần truồng của ông, rồi quan sát một cách im lặng. Sự thôi thúc muốn nói của ông đã đi qua. Ông đã cực kỳ run rẩy.


Họ đã đưa cho ông một chất lỏng màu hồng nào đó có ánh huỳnh quang hơi xanh xanh lục và có vị thịt, và cảm giác chắc chắn của sức mạnh đang trở lại đã tăng lên.


— Nó... cái đấy làm tôi cảm thấy tốt hơn, — ông nói bằng giọng khàn khàn, và đã có những tiếng nói thầm của một sự tán thành lễ phép. Lúc này ông đã nhận biết hoàn toàn rõ ràng. Ông thử nói một lần nữa, và một lần nữa ông đã không thể.


Ông ép cổ họng của ông và đã thử một lần thứ ba.


— Bao lâu? — Ông đã hỏi bằng một giọng nói cân bằng. — Tôi đã ngủ bao lâu?


— Một thời lượng đáng kể nào đó, — người có bộ râu hoe hoe nói, liếc nhanh về phía những người khác.


— Bao lâu?


— Một thời gian rất dài.


— Vâng... vâng, — Graham nói, bất ngờ cáu kỉnh. — Nhưng tôi muốn... Nó là... nó là... bao nhiêu năm? Nhiều năm? Đã có cái gì đó... tôi quên là cái gì. Tôi cảm thấy... bị lẫn lộn. Còn các anh... — Ông thổn thức. — Các anh không cần lảng tránh với tôi. Bao lâu..?


Ông dừng lại, thở không đều. Ông ép hai mắt mình bằng những khớp ngón tay của ông và đã ngồi chờ một câu trả lời.


Họ đã nói bằng những giọng nói nhỏ.


— Năm hay sáu? — Ông đã hỏi một cách yếu ớt. — Hơn nữa?


— Hơn thế rất nhiều.


— Hơn!


— Hơn.


Ông đã nhìn họ và có vẻ dường như là những tên tiểu yêu nào đó đã co kéo những bắp thịt trên gương mặt ông. Ông đã lưu ý vấn đề của mình.


— Nhiều năm, — người có râu đỏ nói.


Graham đã gắng sức chuyển thành tư thế ngồi. Ông chùi một giọt lệ dính ướt từ gương mặt mình bằng cánh tay gầy còm. "Nhiều năm!" Ông lặp lại. Ông nhắm chặt hai mắt, mở chúng ra, và ngồi nhìn quanh mình, từ thứ xa lạ này đến thứ xa lạ khác.


— Bao nhiêu năm? — Ông hỏi.


— Ông phải chuẩn bị để kinh ngạc.


— Nào?


— Hơn cả...


(to be cont.)

Động cơ vĩnh cửu (9)

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Chẳng ai hình dung được, chẳng ai tin được chuyện này, tôi thì lại càng không. Trăm lần không, ngàn vạn lần không!


Nhưng mặc kệ bao nhiêu lần, mặc kệ tôi, mặc kệ ai, nó đã xảy ra.


Đim-ma đi công tác được gần một tháng thì bị điệu về thủ đô với hai tay bị còng: giáo sư Mút-đờ-rốp bị giết, và thủ phạm không ai khác ngoài nó — Đim-mớt-trờ-ca của chúng tôi. Ở cơ quan điều tra, thái độ của nó hoàn toàn hợp tác, hợp tác đến mức khó hiểu: nó tỉ mỉ hết mức, thậm chí tự khơi ra rồi tỉ mỉ hết mức, tất cả những chi tiết mà bản thân nó không thể không biết là hoàn toàn chống lại nó.


Nó được gọi điện, và chỉ gọi cho tôi, và gọi như hoàn toàn chỉ để “điểm báo” — giống như nó điểm lại cho tôi nghe một tin sáng nó mới đọc trên báo mà nó nghĩ tôi chưa đọc. Tôi gọi ngay cho Nhật Linh, nó khóc ngay, và đến ngay nhà tôi — vẫn khóc; nó hoàn toàn rối bời, tệ hơn tôi rất nhiều. Phi Long đang “bế quan” ở nhà — khoa học gì đó của anh đang đến đoạn “thắt nút”; những lúc như thế anh không còn những thứ bên ngoài.


Nhưng ngay cả anh còn chúng, — và anh sẽ còn chúng ngay: một chuyện như thế này, vào bất kỳ lúc nào, tôi biết, — thì nếu chưa đến mức hoàn toàn tuyệt vọng, tôi cũng sẽ không gọi cho anh.


Phi Long là người gần gũi nhất với tôi theo mọi ý nghĩa. Nhưng cảm giác của tôi luôn rất không thoải mái mỗi khi phải làm bất kỳ một việc gì có thể liên quan anh vào những việc, những mối quan tâm... tôi tạm gọi là “thường nhật” — mặc dù nếu nói thực chất thì chuyện đang xảy ra này, tôi rất khó xác định tính “thường nhật” của nó: có bao nhiêu người từng phải đối mặt thật sự với một việc như thế?


Hồi làm luận án, tôi đã đâm đầu vào một thứ rất khó.


Những chuyện tương tự như thế tính tôi và Đào Phò giống nhau, và cái tính đó càng mạnh lên ở tôi do ảnh hưởng từ nó. Tệ nhất là tôi bị ảnh hưởng nặng cái phong cách tài tử của nó. Tôi luôn thấy nó nhởn nhơ, nghênh ngáo, sống như đi dạo, tủm tỉm, khủng khỉnh, trào phúng với những thứ là nghiêm túc đối với nhiều người khác. Nhưng kiến thức của nó luôn nhiều, rõ ràng, vững vàng, chặt chẽ và rất có hệ thống. Thật khó hình dung là lượng kiến thức nghiêm túc và tử tế đấy, một đứa “tưng tửng” như nó phải học như thế nào và vào lúc nào.


Tất cả những cái đấy rất dễ gây ảnh hưởng.


Và chỉ đến lúc bị “cháy vở”, tôi mới hiểu mình là một nạn nhân, và nhân đó mới vỡ ra vì sao lại thế.


Hóa ra với Đào Phò, học cũng không khác gì đánh lộn, uống rượu, chơi bài, tán tỉnh, đàn sáo, tụ tập... Những việc đó, thích, nó có thể làm liền tù tì liên tùng tục thâu đêm suốt sáng không ngủ nghỉ đến bao giờ hết thắc mắc thì thôi. Trời phú cho nó một thứ thể lực “sức bền vật liệu” với khả năng tự hồi phục cao theo cách nào đấy, đáp ứng được cái kiểu sống — Phi Long gọi là “bất quy tắc có phương pháp” — của nó.


Nhưng tôi thì không có cái “sức bền vật liệu” cơ bắp liên tùng tục như nó. Nó nhăn nhó, chắp tay sau đít, đi đi lại lại, lúc lúc lại đá má gót giày bên này vào má gót bên kia đánh “cốp”, bảo: “Đúp ra thì bách nhục, đ’ được.” Cuối cùng nó hít một hơi dài, rồi thở phì ra: “Tất cả cái luận án ấy có ở trong đầu Phi Long.” Nó giơ ngón tay trỏ: “Vẫn phải tự cố đến hết sức... Nhớ là cùng bất đắc dĩ lắm, nhá!”


Và nó đưa tôi sang ở nhà Phi Long.


Thời gian đó tôi làm việc rất khuya, còn Phi Long thì hình như vẫn luôn như thế. Tôi đã rất cố gắng, Đào Phò ghé qua, nói chuyện với Phi Long, nhìn tôi ranh mãnh và vui vẻ: chắc Phi Long không khó chịu về tôi.


Nhưng tôi cũng chỉ cố như thế được một hồi, rồi tôi mệt mỏi, mệt vật lý, nên không khó nhận ra, và buộc phải “chép” ra ngày càng nhiều hơn những thứ ở trong đầu Phi Long. Lúc đầu anh xếp cho tôi một “phòng nghiên cứu” ở ngay cạnh phòng làm việc của anh, giờ tôi đã chuyển hẳn sang phòng anh, để hỏi cho tiện. Rồi một hôm làm việc muộn tôi ngồi ngủ bò ra bàn, đến lúc lơ mơ tỉnh, tôi thấy bồng bềnh: Phi Long đang bế tôi về phòng ngủ của tôi.


Anh ngồi cạnh, cầm tay tôi, giống như dỗ tôi ngủ lại. Lúc anh đứng dậy để đi, theo một phản xạ tự nhiên khó giải thích, tức thời, tôi níu lấy tay anh. Anh không lưỡng lự, dường như cũng chả ngạc nhiên tí gì, đơn giản đẩy bớt tôi vào như đẩy cái bao, rồi cũng nguyên cả quần áo thế bò lên nằm cạnh tôi, tắt đèn, quay mặt vào tôi, quàng tay qua dỗ dỗ, rồi ngủ.


Buổi sáng, tỉnh dậy trong lòng anh, cảm giác đầu tiên của tôi là hơi ngượng, chắc tôi đã đỏ mặt; nhưng lẫn lộn còn một cảm giác khác, thích hơn ngượng, vô cùng dễ chịu, khó diễn đạt, có lẽ hơi giống như một mong muốn chuyển qua cái ngượng phản xạ đó để sang một cảm giác ngượng khác, ngượng hơn, hay là không ngượng nữa, nhất là trong tình huống như thế này: chuyện này dễ hiểu, sống gần Phi Long, tôi đã bắt đầu thích anh.


Nhưng tôi nhìn vào mắt anh, và mọi thứ chợt rõ ràng ngay: có tình huống nào đâu?


Mắt anh trong veo veo.


Trong đến mức không thể nghĩ khác được.


Phi Long ăn uống đơn giản nhưng không cẩu thả, và ít: ít và ít lần. Nhiều thứ khác ở anh cũng theo cùng nếp ấy. Anh sống đơn giản đến mức tối thiểu, tiết kiệm thời gian và phù hợp với công việc của anh. Tôi đã thích anh, nên ít nhiều bị tự ái, và trong suốt khoảng thời gian sau tôi luôn chú ý để không bị ngủ quên ở bàn học. Luận án làm xong, và có cái gì đó trong tôi tự nhiên cứ tìm cách gắn cảm giác hơi tự ái của tôi với nếp sống đơn giản của anh — tôi hiểu nó muốn tìm một cách giải thích. Và nó phát huy tác dụng: tôi vẫn hay đến nhà anh và tôi càng ngày càng thân với anh hơn.


Buổi sáng hôm ấy, lúc tôi đến, anh đang mải làm việc, đi đi lại lại xung quanh chiếc bàn gỗ to kê ở giữa phòng. Giống như ở nhà, — phòng làm việc và phòng ngủ của tôi vẫn để nguyên đấy, — nên không phải tiếp. Không phiền anh làm việc, tôi ngồi ở chỗ bàn nước trong phòng, — chiếc bàn rất xinh có cái mặt trông như được lát bằng những mảnh gốm sứ vỡ, — hút thuốc “Lạc đà”, uống cà phê đen, bổ táo Bun-ga-ri vỏ vàng mà tôi thích và bây giờ luôn có ở nhà anh ra ăn, và định đọc sách. Tôi đang chăm chú bổ táo thì anh đến, ngồi xuống đối diện, nói luôn:


— Tối qua anh làm việc, đang vừa đi vừa nghĩ vừa nhìn xuống chân, thì dẫm vào vệt trăng rất sáng hắt vào từ ngoài cửa sổ. Trăng sáng quá. Tự nhiên anh không thể nào tập trung suy nghĩ tiếp được, ra đường đi lang thang.


— ...


— Đi không chủ định một lúc, anh thấy anh đang ở đầu phố nhà em... Vừa đúng lúc có người tiễn em về...


— ...


— Tự nhiên lúc ấy, rồi lúc em đã vào nhà, rồi suốt từ đấy... anh thấy cực kỳ bứt dứt lộn xộn hơi khó chịu và mâu thuẫn... Đấy đúng là cảm giác ghen tuông.


Ngay từ lúc anh vừa nói, tôi đã định giải thích ngay. Giải thích về chuyện có người tiễn tôi về. Nhưng có cái gì đó từ bên trong cứ tìm cách giữ tôi lại. Còn bây giờ, tôi thấy người gai gai, những chỗ khớp xương nhủn nhủn, tai tôi ù ào, tim tôi đập lung tung và to đến nỗi tôi chắc là mặt tôi bắt đầu đỏ vì ngượng vì nghĩ là anh đang nghe thấy. Lúc anh nói tôi nhìn anh hai lần, nhanh, và đối chiếu hai lần, tôi nghĩ là anh nhìn tôi không chớp. Nên tôi ngồi im, nhìn xuống. Nhìn hẳn xuống, nên tôi không nhìn thấy, mà chỉ biết là anh đứng lên. Cái bàn nước ở giữa, và tôi đang nghĩ đến “cơ chế” đẹp nhất để tôi đến với anh...


— Trăng sáng quá. Chuyện này chắc còn kéo dài vài hôm.


Anh đã đi về chỗ bàn làm việc.


— Ra anh cho xem cái này. Một trường hợp cấu trúc cơ chế tư duy rất lạ. Tối qua anh đang bị tắc ở đây. Sáng anh dậy sớm, và đã giải quyết được thông suốt.


“Chuyện này chắc còn kéo dài vài hôm” — thực tế dường như đã đúng thế thật. Tôi không biết làm thế nào, tôi không biết phải làm gì với tôi, nên cũng đành “bắt chước” anh, để kệ “chuyện này”, để nó tự qua đi sau “vài hôm”.


Nhưng hệ thời gian của tôi, — tôi đã hầu như biết trước, và nó đã đúng như thế, — khác với của anh nhiều lắm. Bao giờ mới hết “vài hôm” — tôi hoàn toàn không biết; và sống với chuyện này thì không đơn giản như tôi đã có lúc cố nghĩ là nếu tôi cố thì nó sẽ thế. Sự gần gũi giữa tôi và anh, chắc cũng chỉ còn một mức nữa. Và nếu mãi vẫn không hết “vài hôm”, rồi rất có thể tôi sẽ lại níu tay anh, và anh, tôi biết, — đã bao giờ anh từ chối tôi cái gì đâu, — cũng giống như dạy tôi học, dỗ tôi ngủ, anh lại sẽ rất chiều tôi, không phải xã giao, mà sẽ là hết lòng lắm, nhưng lòng anh, nó không còn thắc thỏm “vấn thế gian tình thị hà vật”, chắc đã từ lâu lắm rồi.


Thịt gà, cơm nếp, đàn bà

Cả ba thứ ấy đều là dùng tay


“Em phải thở dài một phát: Nếu như mà có thể, em chắc Long sẽ dùng đũa nốt ấy, phải không Long?”


Tôi nói tôi chưa gọi anh, nếu chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Và chưa hoàn toàn tuyệt vọng, vì vẫn còn một người nữa để tôi có thể gọi.


Đấy là Đào Phò.


(Còn tiếp)

Con gì?

12 ý kiến, và ý kiến từ facebook


And who's this little fellow in his itty-bitty robe?
That's tiny baby Adolf, the Hittlers' little boy!
Will he grow up to be an L.L.D.?
Or a tenor in Vienna's Opera House?
Whose teensy hand is this, whose little ear and eye and nose?
Whose tummy full of milk, we just don't know:
printer's, doctor's, merchant's, priest's?
Where will those tootsy-wootsies finally wander?
To garden, to school, to an office, to a bride,
Maybe to the Burgermeister's daughter?

Precious little angel, mommy's sunshine, honeybun.
While he was being born a year ago,
there was no dearth of signs on the earth and in the sky:
spring sun, geraniums in windows,
the organ-grinder's music in the yard,
a lucky fortune wrapped in rosy paper.
Then just before the labor his mother's fateful dream.
A dove seen in dream means joyful news -
if it is caught, a long-awaited guest will come.
Knock knock, who's there, it's Adolf's heartchen knocking.

A little pacifier, diaper, rattle, bib,
our bouncing boy, thank God and knock on wood, is well,
looks just like his folks, like a kitten in a basket,
like the tots in every other family album.
Sh-h-h, let's not start crying, sugar.
The camera will click from under that black hood.

The Klinger Atelier, Grabenstrasse, Braunau.
And Braunau is small but worthy town -
honest businesses, obliging neighbors,
smell of yeast dough, of gray soap.
No one hears howling dogs, or fate's footsteps.
A history teacher loosens his collar
and yawns over homework.

Wislawa Szymborska