Tôi ngồi xem đi xem lại cái clip một nhóm bạn trẻ ở Sài Gòn, đi xe máy, trên xe chất đầy các thùng, trong các thùng là những phần cơm. Họ đi khắp các con hẻm, trong đêm. Và những cảnh đời hiện ra. Chị nhặt rác, anh shipper, ông ăn xin, bé vé số, người lang thang... tới đâu họ đều xuống xe với giọng hết sức yêu thương: Ông bà cô bác ơi, mời ông bà cô bác dùng cơm... có cả những người ngái ngủ, chả hiểu gì, dụi mắt ngơ ngác. Là họ ngủ ngay trên vỉa hè ấy. Có người nở nụ cười rất tươi: Ngoại ăn rồi, cám ơn con, mang cho người khác nhé...
Mà đấy chỉ là một đốm rất nhỏ trong rất nhiều bếp lửa yêu thương của người Việt giữa cơn dịch.
Ngay trong giới nhà văn, rất nhiều người, hoặc lặng lẽ âm thầm một mình, hoặc một nhóm nhân việc mình làm lên để kêu gọi ủng hộ, xin thêm được cho người nghèo bao nhiêu tốt chừng ấy...
Nhóm nhà văn nữ ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn. Họ lăn xả trong những ngày dịch đi quyên góp, rồi liên hệ mua gạo rẻ và ngon, chở đi phát cho các bếp ăn từ thiện, hoặc bếp hai ngàn. Từ ý định ban đầu định mua mấy tấn sau số tiền quyên góp được lên tới mấy trăm triệu. Những Huệ Triệu, Trần Mai Hường, Phương Huyền... thành những shipper thứ thiệt, đàn chị Bích Ngân là cầu nối để công việc ấy cứ lan tỏa ra.
Nhà văn Trương Thị Thương Huyền ở Hải Dương, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh ở Thái Nguyên, cũng lăn ra làm từ thiện. Kêu gọi, quyên góp, mua sắm, rồi mang đi trao. Họ làm như một công việc hết sức tự nhiên phải thế, như một thôi thúc nội tại, một tận tâm với đời...
Và đừng nghĩ, cứ mang đồ từ thiện phát không là được hưởng ứng. Các cụ ta từ xưa đã nói "của cho không bằng cách cho" chí lý tới tận... ngàn năm sau.
Cái cách dân ta làm từ thiện cũng rất dễ thương. Bếp 2 ngàn chẳng hạn. Lấy 2 ngàn một suất ăn trị giá mấy chục ngàn, nhưng phải lấy để người ăn không mặc cảm, không nghĩ là mình được bố thí. Cầm tờ 2 ngàn đồng, đổi lấy cái phiếu, thế là đàng hoàng bước vào, bình đẳng với mọi người và với phần ăn ba bốn chục ngàn kia. Cái clip mà tôi xem kia cũng thế. Họ, những người đi phát cơm ấy, trước khi phát cơm thì phải bỏ tiền ra, đi chợ mua thực phẩm, nấu, cho vào hộp, rồi đi phát, thế mà gặp ai cũng rất xởi lởi: Con mời ông bà cô bác/ em mời anh chị ăn cơm. Xong trước khi đi còn chúc ăn ngon miệng nữa. Hay cái quán cơm của mấy anh em ruột, tự bảo nhau nấu cơm rồi đóng hộp, bày lên bàn trước nhà mình, treo cái biển: "Kính mời: Quý ông bà, anh chị xa quê- bán vé số- khuyết tật nhận phần cơm mang về của tấm lòng chúng con. Kính chúc quý vị ngon miệng và nhiều sức khỏe. Sẽ tiếp tục vào lúc 10h00 sáng thứ 2, 4, 6 hàng tuần- xin cám ơn". Nói thật là tới lúc gõ lại nguyên văn những chữ trên tấm băng rôn này tôi vẫn nguyên xúc động, thậm chí rưng rưng nước mắt.