Học tập đạo đức Hồ Chí Minh như thế để làm gì?

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Ở Việt Nam bây giờ, ĐẦY TỚ phải sống khổ sở không bút nào mà có thể tả xiết!


Còn CHỦ NHÂN thì được sống sướng ơi là sướng, chả khác gì là ở trên Thiên Đường cả.


Học tập đạo đức theo gương Hồ Chí Minh
như thế để làm gì?

FB Dân Choa
24-02-2015

Đã thấy tấm ảnh của Ngọc Thắng đăng ở báo Tiền Phong từ hôm mồng Hai Tết. Nhìn, suy ngẫm, muốn xóa cái ảnh này luôn và quên hẳn luôn. Thế nhưng tấm ảnh cứ đeo đẳng, ám ảnh suốt cả mấy ngày Tết. Tuy tờ báo đã rút tấm ảnh. Thế nhưng nó cứ hiện lên mồn một trong tâm trí của người lỡ đọc tin.


Mới mấy ngày trước đó thôi, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đến thắp hương cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trọng có nhắc nhở và căn dặn các chiến sĩ, cán bộ, đảng viên hãy noi gương đạo đức của vị chủ tịch đầu tiên. Ông nhắc lại lời dạy của cụ Hồ Chí Minh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và hãy là luôn nghĩ mình là người công bộc của nhân dân.

Trong ngày kỉ niệm 85 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Tổng bí thư cũng nhắc đến sự hi sinh mất mát của 160 ngàn đảng viên trải qua 2 cuộc kháng chiến. Với cái giá đấy đất nước và đảng mới có vị thế như ngày nay. Ông cũng mong muốn tất cả các đảng viên sống trong sạch, liêm khiết, chống tệ nạn tham nhũng và xứng đáng với vinh quang của quá khứ.

Nhưng tấm ảnh chụp cảnh ông bí thư đoàn Nguyễn Đắc Vinh đến chúc tết đầu năm nhà ông Nông Đức Mạnh nói lên rất nhiều điều kỳ lạ. Không rõ ông Mạnh răn dạy thế hệ kế cận điều cao đạo như thế nào? Nhưng nếu có răn dạy thì nhìn cái cảnh vương giả ở phòng khách chắc chắn ai cũng choáng váng, khó tĩnh tâm mà lĩnh hội được ý ông cựu Tổng bí thư nói cái gì.

Người ta vẫn biết các nguyên thủ quốc gia hay cựu quan chức cao cấp thường có đời sống cao, ổn định sau khi nghỉ hưu. Việc đó rất bình thường, ai cũng hiểu và thông cảm. Cảm một đời làm việc, phấn đấu và cồng hiến thì nếu có hơn người dân, hoặc hơn cán bộ cũng chẳng cần phải đàm tiếu gì.

Nhưng bởi vì các bậc đại nhân này khi tại chức, tại quyền thường đi rao giảng đạo đức. Khuyên cán bộ nhân dân sống liêm khiết thanh bạch như Cụ Hồ vì thế người đời vẫn tưởng tượng, các vị này khi về hưu vẫn có cuộc sống an nhàn, thanh bạch như nhiều người khác. Nay nhìn tấm ảnh kia thì rất shock. Mới chỉ phòng khách thôi mà như một bậc Hoàng đế thời xưa. Vậy thì những lời chỉ dạy này nọ thì có nghĩa lý gì?

Có nhiều người cho rằng, không nên luận đàm nhiều về phong cách sống của các bậc nguyên thủ sau khi đã nghỉ hưu. Họ cũng là con người lao động. Sau khi hết ràng buộc nghĩa vụ với đời, họ trở về với cuộc sống cá nhân. Họ muốn làm gì là quyền cá nhân của họ, miễn là không vi phạm pháp luật, vì thế không nên soi mói hay đàm tiếu nhiều (!)

Tứ bình làng Việt IV: Làng cổ Đường Lâm

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Làng cổ Mông Phụ (ở Đường Lâm)
- xưa và nay 

Nguyễn Xuân Diện
Tháng 6/1997

Thăm làng cổ Mông Phụ, du khách có thể đặt ăn bữa trưa ở ngôi nhà cổ nhất Đường Lâm, chủ nhân là Ông Nguyễn Văn Hùng số ĐT: 0984871912. Đây là nhà ông trưởng họ của Nguyễn Xuân Diện. Và du khách có thể mua 2 cuốn sách của Nguyễn Xuân Diện (Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù) và Trang Thanh Hiền (Cửu phẩm liên hoa trong nghệ thuật Phật giáo) tại đây. Du khách cũng có thể mua tương, chè lam làm quà.

Xin được bắt đầu câu chuyện về làng cổ Mông Phụ từ những cái giếng của làng quê ấy. Làng có 5 xóm, mỗi xóm có một cái giếng khơi quanh năm nước đầy và trong được xây bằng đá ong loại tốt nhất. Mỗi cái giếng đều nổi tiếng và được định vị bởi những giai thoại rất thú vị. Một cái giếng có tấm bia khá lớn dựng ngay bên cạnh, đề bốn chữ “Nhất phiến băng tâm” (lấy chữ từ Đường thi) nhắc người đời giữ giếng sạch trong như giữ lòng trong sáng. Một cái giếng khác có bia ghi về việc sửa giếng vào năm 1705 mà bài bi ký ấy lại do một vị Tiến sĩ chấp bút. (Ghi lại một việc sửa giếng cũng nhờ tay một ông Nghè, xem thế, đủ biết giếng làng quan trọng đến như thế nào). Còn một cái giếng kia thì lại là khởi nguồn cho một câu chuyện thi vị. Giếng ấy, xưa kia có một cái gầu múc nước dùng chung cho cả xóm. Trai gái làng đã khéo hò hẹn nhau qua một mối dây gầu. Chiều chiều đi gánh nước, người con trai kia đã ngấm ngầm thắt một nút trên sợi dây gầu. Và họ đã nhận ra tín hiệu của nhau. Một mối dây gầu thắt lại, ấy là hò hẹn, là dấu hiệu đêm ấy họ gặp gỡ nhau ở điểm đã hẹn. Đêm ấy, có một cô gái trốn nhà đi chơi. Mối dây gầu như một thông điệp, như thắt chặt mối tình của đôi người yêu nhau nơi thôn dã. Mối dây nên vợ nên chồng, nên ông nên bà cả trăm năm. 

Nước giếng Hè, giếng Giang là ngọt hơn cả, nên nhà nào làm đám cưới đều đến lấy nước ở các giếng đó về dùng. Người ta đồn rằng như vậy đôi bạn trẻ kia sẽ hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Khi nghe tôi kể về những cái giếng đá ong trứ danh ấy, một ông bạn của tôi cứ khăng khăng bảo rằng thủy thổ như vậy, tất phải là đất chuộng văn học và phải là nơi phát khoa danh, văn hiến truyền đời. 

Cách thị xã Sơn Tây yên bình và xinh đẹp 4 km, có một con đường đất dài gần 1 km, dẫn từ đường quốc lộ 32 vào một cổng làng cổ kính nằm bên gốc đa già: Cổng làng Mông Phụ. Trên con đường non một cây số ấy, nếu ta gặp được một người hay chuyện, thì ta cũng biết được khối chuyện để rồi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nào gò Yên Ngựa, gò Núm Chiêng, gò Tang Trống, nào gò Mũi Dáo, Mũi Mác... như đặt như bày, cùng sóng hàng hai bên lối đi với khí thế hùng hậu.

Xa xa là núi Tản mờ xanh đỉnh quyện khói mây mà những đồi xa đồi gần như đàn rùa khổng lồ chầu non thiêng của Đức Tản Viên. Văn Miếu tỉnh Sơn, làng cũ của Ngô Vương và Phùng Bố Cái quanh quất kề bên, mà đền Và thờ Thánh Tản Viên, miếu Mèn thờ mẹ Hai Bà Trưng chỉ là láng giềng gần.

Làng Mông Phụ có ngôi đình thật to. Đình làng Mông Phụ là chốn hội nhân, vì nó là đầu mối giao thông lớn của cả làng. Nhiều nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật đã về nghiên cứu ngôi đình này. Riêng cái xích hậu (một hạng mục trong tổng thể kiến trúc của đình) cũng đã làm cho một vị giáo sư phải bóp trán suy nghĩ tính toán mất mấy ngày về tên gọi, chức năng sử dụng của nó. Một học giả nước ngoài thì sung sướng khi phát hiện ra rằng, đình Mông Phụ là mối giao thông, vậy mà kẻ qua người lại chẳng có ai quay lưng thẳng lại với tòa đại đình cả. Đình Mông Phụ hiện còn giữ được nhiều tự khí cổ có giá trị về mỹ thuật.

Ngay cạnh đình là nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, vị sứ thần đã làm rạng danh cho đất Việt vào dịp tuế cống nhà Minh năm 1638. Trong nhà thờ hiện còn đầy đủ cả bia đá, biển đề và tự khí cổ truyền. Hàng năm, ngày giỗ Thám hoa Giang Văn Minh vẫn cứ là ngày giỗ lớn của cả họ Giang. Nhà thờ hiện còn đôi câu đối ca ngợi tiếng thơm của Giang Thám hoa và ca ngợi lễ nghĩa, phong tục của làng Mông Phụ. 

Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp  
Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn.
(Trăm năm lễ nghĩa làng Mông Phụ 
Ngàn thuở danh thơm cửa Thám hoa).

Xa xa, giữa cánh đồng kia là đình Giang (còn gọi là quán Giang), nơi quàn linh cữu của Thám hoa trước khi an táng Người. Chuyện rằng: Khi sang sứ nhà Minh, ông đã đối đáp khảng khái, giữ được quốc thể, nên đã bị vua Minh sai người mổ bụng để xem bên trong có đúng là có một túm lông ở trong lá gan không. Ông đã không tránh được cái chết dưới lưỡi dao đồ tể và mưu đồ hại người tài của vua quan nhà Minh.

Thi hài của Giang Thám hoa được chuyển về nước. Ngựa trạm từ cửa ải Lạng Sơn về báo với dân làng Mông Phụ và triều đình từ 6 tháng trước khi mang được quan tài ông về đến quê. Trong 6 tháng ấy, những người dân địa phương đã đào đá ong xây một ngôi nhà để đón linh cữu của ông. Ngôi nhà ấy có 8 cột đá ong nguyên khối, khi dựng cột phải cần đến mấy chục trai đinh khỏe mạnh mới có thể làm được.

 Quán Giang, nơi đón thi hài Thám hoa Giang Văn Minh

 Mộ Thám hoa Giang Văn Minh

 Ngoài nhà thờ họ Giang, các dòng họ khác đều còn giữ được nhà thờ Tổ, là nơi quy tụ anh linh tiên liệt và giáo dục truyền thống gia tộc. Nhiều vị danh nhân tên tuổi rạng rỡ nơi khoa giáp, hiển hách chốn triều chính xưa đã xuất thân từ các dòng họ này.

Người dân làng Mông Phụ hiền lành, chất phác, cư xử rất trọng lễ nghĩa. Cái thiên tính ấy có thể biết được mỗi khi chúng ta giao tiếp với họ. Người làng Mông Phụ nói bằng thứ tiếng nặng nặng của mình. Mông Phụ là một trong bốn làng nằm trên một cái gò đất rộng. Trên cái gò đất ấy, bốn làng cùng chung cả thủy, thổ, vậy mà cách phát âm của mỗi làng ấy vẫn cứ khác nhau. Dân làng Mông Phụ có nếp sống riêng và tiếng nói thô và nặng chất Việt cổ. Đến bây giờ tiếng làng vẫn được dân làng bảo trọng, giữ gìn. Các cụ già trong làng cho rằng, người dân dù tha phương nơi đất khách quê người, dù lưu lạc nơi góc bể chân trời, mà khi trở về quê hương bản quán vẫn nói được tiếng làng là không quên gốc, rất đáng quý trọng.

Người dân Mông Phụ rất trọng việc học hành. Xưa làng có nền Văn chỉ để thờ Khổng Tử và các vị danh nho đỗ đạt của làng. Văn bia “Bản xã tiên hiền bi ký” trên bia Văn chỉ của làng do cụ Mai Hiên Nguyễn Công Hoàn thân phụ của Tiến sĩ, Thượng thư 6 bộ Nguyễn Bá Lân, người làng Cổ Đô, huyện Tiên Phong, nay là Ba Vì, Hà Tây soạn vào năm Long Đức 2 (1733). Bản Quy ước văn hóa của làng dành hẳn một điều để nhấn mạnh trách nhiệm mỗi gia đình phải tạo điều kiện để con em mình được học hành tốt. Hàng năm, làng có tổ chức họp mặt và tặng quà cho các học sinh thi đỗ vào các trường đại học.

Được khích lệ, động viên kịp thời, trẻ em trong làng rất chịu khó học hành. Nhiều gia đình cuộc sống còn vất vả mà vẫn gắng công nuôi con ăn học. Người tài được sinh ra từ làng quê này không phải là ít, xưa cũng vậy và nay cũng vậy. Người ta bảo Mông Phụ là đất học cũng là vì thế. Dù ra đồng, hay vào làng là đều gặp những biểu tượng tôn vinh việc học. Kìa bia Văn chỉ năm tháng rêu phong vẫn lưu dòng bút tích, nọ cửa Thám hoa trăm năm cổ kính còn ngời dấu vinh phong. Nhà thờ họ Phan, họ Hà, họ Nguyễn... còn đấy, vẫn nghi ngút khói hương ghi ơn tiên liệt. Lăng cụ Tuần, mộ cụ Giáo cùng chùa Ón rêu phong giữa cánh đồng là hiện diện của khí tượng văn võ vô song. 

Làng Mông Phụ là một làng đồi, song vì đây là một điểm quần cư rất sớm nên không có cảnh những ngôi nhà tọa lạc giữa vườn cây trái sum suê, nhà nọ cách nhà kia bằng cả một khoảnh vườn rộng lớn. Ở đây nhà cửa san sát, lối ngõ đan cài. Nhà xây chủ yếu bằng vật liệu đá ong - một loại “đặc sản” của miền trung du nắng cháy, một vật liệu “đắc dụng” trong kiến trúc xưa. Có những nhà xây hẳn tòa cổng lớn bằng đá ong để trần không trát vữa; đá lại được đẽo gọt trang trí công phu rất ưa nhìn. Qua tháng qua năm, qua nắng hạ mưa đông tắm sương gội nắng, cái cổng đá ấy thêm chắc thêm bền. Cái cổng đá ong đẹp một vẻ đẹp mộc mạc đơn sơ mà đủ vẻ thanh kỳ quyến chân du khách. Đá cũng trở nên có hồn!


Làng Mông Phụ nhà cửa san sát, ngõ xóm chằng chịt, chẳng khác nơi đô thị, vậy mà cũng không trở thành một làng buôn nổi tiếng. Điều này đã làm cho nhiều học giả trong và ngoài nước rất để tâm lý giải. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã về đây nhiều lần, cũng ăn ở với dân làng để tìm ra bí ẩn của cái giáp ở đây. Giáo sư Nguyễn Dương Bình về Mông Phụ để khảo mấy chữ Bố Cái Đại vương và những vấn đề liên quan.Còn Giáo sư Diệp Đình Hoa thì khẳng định 4 làng cổ ở Đường Lâm trong đó có làng Mông Phụ đã có lịch sử 4000 năm; và đã nối cho Mông Phụ mối dây truyền thống từ thời đại đồ đồng thau đến hôm nay.

Mông Phụ, cho đến hôm nay vẫn vẹn nguyên dáng cổ. Cả làng hiện không có nhà hai tầng nào. Không phải là vì dân nghèo, mà vì đã có một lời nguyền không ai được xây cao  hơn mái đình. Và thế là trong làng, ngoài đồng đều còn nguyên cả, từ nhà cửa, đình đền đến quán trạm, lăng mộ... Đường đi lối lại phong quang sạch sẽ, ưa nhìn. Rất nhiều đoàn làm phim đã về làng Mông Phụ để chọn bối cảnh dựng phim. Nhiều thước phim tài liệu, khoa học, du lịch đã được quay tại đây. Hồi trước, làng Mông Phụ là nơi sơ tán của anh em văn nghệ sĩ Hà Nội, nên vẻ đẹp như tranh của làng đã vào tranh của rất nhiều họa sĩ. Bức tranh vẽ cổng làng Mông Phụ của họa sĩ Phan Kế An (người làng Mông Phụ) hiện đang được lưu giữ tại Viện bảo tàng Mỹ thuật ở nước ngoài.

Cảnh quan tốt đẹp, dáng cổ vẹn nguyên, những gì xa xưa vẫn còn giữ lại đến hôm nay, không bởi tại trời mà bởi tại người. Người dân làng quê này đã bao đời quần tụ trong môi trường ấy, gìn giữ và tô điểm cho nét văn của làng. Cảnh quan ấy có được là do mỗi người dân đều gắng công xây dựng, gìn giữ rất tự nguyện. Xưa làng có Hương ước, nay làng có Quy ước văn hóa làm khuôn mẫu cho tất cả mọi người.


Có thể hình dung một phần cuộc sống xưa kia của làng qua bản Hương ước cổ của làng, cái hay cũng có mà cái dở cũng không phải là không có. Trên tinh thần gạn đục khơi trong, dân làng đã xây dựng cho mình một bản quy ước mới gồm 6 chương với ngôn ngữ dễ hiểu, dễ nhớ và ngắn gọn, phản ánh đầy đủ những nội quy mà mỗi thành viên trong làng phải thực hiện.

Hiện nay làng Mông Phụ đã có một thư viện với 5 số báo và một tủ sách phục vụ bạn đọc cho mọi lứa tuổi vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần. Ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, làng tổ chức đấu vật (trong Hương ước cổ gọi là giao điệt) ở chùa Ón rất đông vui. Chùa Ón, gọi là chùa nhưng không phải là nơi thờ Phật. Đó là một nếp nhà gỗ ba gian và một hậu cung nhỏ, bên trong không có tượng Phật mà chỉ có một bát hương nhỏ, bát hương này chỉ được thắp hương vào ngày hội vật hàng năm.

Làng không phải là đã giầu, nhưng đã có nhiều ti vi, xe máy và máy điện thoại.

Và đường làng chắc sẽ còn rộng thêm ra để xe ô tô từ các nẻo đường đi về đây mà tham quan, nghiên cứu, khám phá mọi khía cạnh văn hóa của một làng cổ khá tiêu biểu của trung du Bắc Bộ.

Giáo sư Trần Quốc Vượng về làng nghiên cứu đã từng coi đây là “Một làng rất đáng được nghiên cứu, ít nhất cũng về phương diện lịch sử và bảo tàng học”. Thật vậy! Sau khi bạn bước chân vào con đường dẫn vào làng, bạn đã thấy được núi xa đồi gần rất hùng hậu mà thanh bình. Trên con đường vào làng bạn đã được thấy gốc đa kề sát cổng làng rất cổ kính, thấy mái đình nét cong duyên dáng. Và những ngôi nhà cổ vẫn còn đây. Bước qua lần cổng là gặp một sân lát gạch. Góc sân sẵn mấy chum tương - mà cái tương cà gia bản là cái sinh hoạt thường ngày của người nông dân xứ Bắc. Có chum tương nó biểu hiện như một cái gì đó nền nếp, căn bản của nền kinh tế nông nghiệp. Nhà lợp ngói mũi, cấu kiện tòa nhà đều bằng gỗ đã nâu một mầu thời gian. Bàn thờ ở gian giữa, một vị trí trang trọng nhất của một gia đình. Hoành phi câu đối nét vàng chói lọi ca ngợi tổ tiên, nêu cao nếp gia phong truyền đời. Nhà cổ ấm về mùa đông và mát mẻ về mùa hè. Cả không gian là một màu nâu; màu sẫm của ngói, gỗ, vật dụng tiện nghi, và cả màu nâu ngăm ngăm khuôn mặt chữ điền của chủ nhân. Nếu là người hay chuyện, ham học hỏi, bạn sẽ được chủ nhà giảng giải cho mọi điều về một ngôi nhà cổ. Nào là cửa gỗ bức bàn, nào là cái dại cửa, chồng giường, thượng thu hạ thách... gom góp lại, cùng với những gì đã đọc, nếu thông minh bạn cũng có thể hình dung được về kiến trúc nhà cửa ở nông thôn Việt Nam mấy trăm năm về trước, cũng như lịch trình của kiến trúc nhà ở nông thôn, nắm bắt được tâm tính và phong cách của người dân Việt ở châu thổ Bắc bộ Việt Nam.


Khi đêm về, các ngõ lớn là nơi tụ tập của đám trai gái làng. Còn trong xóm nhỏ là nơi các bậc lão nông tri điền hội ẩm bên ấm nước chè xanh vừa hãm. Chuyện làng, chuyện nước, cả chuyện quốc tế nữa được đàm luận dõng dạc như các bậc lão thần bàn quốc sự. Gặp một hội uống chè như thế, bạn nên ngồi im mà nghe và cứ hãy tỏ ra là người ít nói, bạn sẽ được biết nhiều chuyện lắm đấy!

Các thế hệ cháu con họ Giang, họ Phan, họ Đỗ, họ Hà... ở Mông Phụ đều có thể tự hào về truyền thống của gia tộc, tự hào về công tích của cha ông tiền bối. Tên tuổi của các tiên liệt vẫn còn lưu trong sử vàng bia đá, và hành trang của các tiên liệt vẫn còn làm nên những huyền thoại trong dân gian xứ Đoài...

Họ Đỗ xưa nay vốn có tiếng là cao cờ. Xưa, nghe nơi nào có hội là người họ Đỗ lại rủ nhau đi giật giải chơi và lần nào cũng giật được giải. Có bao nhiêu hội lớn hội nhỏ ở cái tỉnh Đoài này, nếu họ Đỗ không đến thì thôi, chứ nếu đến là giải về tay họ Đỗ cả. Dân làng bảo “Cờ họ Đỗ, giỗ họ Giang” là vì thế! Tôi được nghe kể rằng, xưa có một vị họ này trên đường đi nhậm chức, hai cha con đi hai cái võng, cứ thế đánh với nhau cái ván cờ tưởng tượng trên suốt dặm đường mà không hề có quân đi, không có bàn bày chi tiết. Lại có người bảo, vị quan Đốc (học), người sở hữu viên đá cuội cứ bỏ vào bát nước lã là thành rượu thơm trong thiên truyện “Trên đỉnh non Tản” của cụ Nguyễn Tuân nửa hư nửa thực ấy chính là chuyện có thật của cụ Đỗ Doãn Chính, ông tổ của dòng họ Đỗ nổi tiếng hay chữ, Đốc học tỉnh Sơn Tây hồi xưa. Chuyện là thế, thực hư thế nào, xin chờ các bậc thức giả giúp hiểu biết sau vậy.

Nhưng tôi biết chắc rằng, cụ Đỗ Doãn Chính là Bang biện tỉnh vụ kiêm Đốc học Sơn Tây cùng với học trò là Giang Văn Sâm, là tác giả của hai bài văn bia “Vân Già Đông Chấn cung”, soạn năm Tự Đức 36 (1884); hiện bia còn đặt tại nhà Tiền tế đền Và, nơi thờ Tản Viên Sơn thần, một trong những đại danh thắng của xứ Đoài. Phòng sách của cụ có hoành phi đề ba chữ “Dưỡng tâm an”, nay hãy còn.

Con cháu của cụ Đốc học là cụ Đội Hớn, tức Đỗ Vân Hán là tác giả của một truyện thơ Nôm lục bát dài có nhan đề là Tản Viên Sơn sự tích để ca ngợi uy linh của Đệ nhất Phúc thần Tản Viên Sơn. Bản truyện này với thư pháp tuyệt đẹp là thủ bút của cụ nay con cháu vẫn giữ gìn cẩn thận.

Mông Phụ là đất văn vật. Tâm tính của người dân chất phác, phóng khoáng mà khảng khái. Xưa, làng có nhiều võ quan, hình quan tài đức, tiết tháo. Quan Án sát Nguyễn Khắc Nguyên thời gian nhậm chức ở Quảng Bình rất được nhân dân kính trọng. Ông cũng từng là thế lực đối lập với quan đại thần Trương Đăng Quế thời Tự Đức, nhà Nguyễn. Dân làng Mông Phụ khi làng cũng như ở nơi thiên hạ rất đoàn kết với nhau. Vào khoảng đời Thành Thái (1889-1907) có bọn giặc cướp quấy phá, dân làng đã hạ thủ được tướng cướp, triệt nọc được một băng cướp khét tiếng tỉnh Đoài. Vì thành tích ấy, làng được Công sứ đại thần, Tuần phủ Sơn Tây vâng mệnh vua ban tặng cho dân làng bức hoành phi “Dũng cảm khả tưởng” (Dũng cảm đáng khen) để biểu dương. Bức hoành phi này nay vẫn còn treo ở đình làng.. 


Mông Phụ là một làng nông nghiệp thuần túy. Nguồn sống chính của dân làng vẫn là từ nghề làm ruộng. Mông Phụ và Phụ Khang là hai làng chủ yếu của HTX Nông nghiệp Đường Lâm. Làng cổ, nghề xưa truyền đời nên người dân Mông Phụ có trình độ canh tác, kinh nghiệm cao. Họ thật sự là những lão nông tri điền. Họ có thể giảng giải cho chúng ta một cách tường tận về những trải nghiệm và hiểu biết của mình về đất, nước, cây con và thời tiết, mùa vụ như một chuyên gia thực thụ.

Xưa, ở đây có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng đã trở thành phương ngôn: 

Dưa hấu, dưa gang là làng Mông Phụ
Nước giếng Giang, khoai lang Đồng Bường. 

Đàn bà con gái Mông Phụ không có vẻ đẹp thanh thoát của phụ nữ liễu yếu đào tơ mà họ có khuôn hình chắc khỏe của người con gái trong tranh Tố nữ và trong tác phẩm điêu khắc cổ dân gian. Mặt to, đầy đặn, lông mày dày, ánh mắt hiền hậu, vai rộng, ngực nở và tiếng nói ấm trầm. Đấy là những gì có thể nói về người con gái làng Mông Phụ. Những bà già Mông Phụ mặt vuông chữ điền, mũi to và cao, khiến người ta phải nghĩ rằng đây chắc là vợ hay con gái một ông quan nào đó.

Hy sinh và chịu đựng, chịu thương, chịu khó, nhưng người đàn bà thôn quê này rất hiền hậu, thương chồng yêu con rất mực. Và mỗi người đều mang sẵn trong mình cái mơ ước được “võng anh đi trước, võng nàng đi sau” trở thành bà Thám, bà Nghè, bà Cử. Nhiều người trong số họ được đáp đền xứng đáng.

Đặc biệt làng Mông Phụ có một người phụ nữ được tôn vinh là Hậu thần, được phối thờ cùng Thành hoàng. Đó là bà Giang Thị Thắng, chị gái của sứ thần Giang Văn Minh, một người phụ nữ thông minh, tài đức đã từng được vua vời vào kinh để làm Nhũ mẫu. Bà cùng với chồng là Phù Việt hầu Cao Phúc Diễn (người làng Cam Thịnh) được tôn vinh là Thánh ông và Thánh bà ở đình làng Cam Thịnh, cùng xã. Hiện nay, ở trong đình làng Cam Thịnh còn giữ được một tấm bia lớn “Hậu thần bi ký” dựng năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1712) đời Lê Dụ Tông để ghi nhớ việc ông bà đã cúng 400 quan tiền và 2 mẫu ruộng “thượng đẳng điền” cho làng.

Bà Phan Thị Biên là cháu dâu và các bà Giang Thị Phương, Giang Thị Thưởng là chắt của Thám hoa Giang Văn Minh là những người hưng công và có đóng góp lớn trong việc xây dựng giếng làng được ghi tên trong bia “Tu lý bi ký”. 

Ai có về Mông Phụ hôm nay hẳn sẽ cảm thấy rất sung sướng vì được sống trong một không gian Việt trong lành, thuần phác. Không gian ấy là không gian hòa quyện giữa núi xa và đồi gần, giữa ruộng lúa nước và nương khoai đồi, giữa cái bình thản của thế đất và cái san sát của xóm làng, sự hòa quyện của cổ và kim trong kiến trúc, quy hoạch và lối sống cộng đồng. Không gian ấy đích thực là một không gian văn hóa nhiều chiều. Chúng ta sẽ gặp ở đây nét văn hóa của làng xưa chuộng lễ nghĩa, trọng học và sự tiến bộ. Từ xa xưa đến nay, Mông Phụ vẫn cứ là đất mến khách. Đến đây, bạn sẽ được thỏa ước nguyện tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá cho dù bạn là người khó tính hoặc cầu toàn nhất. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của làng Mông Phụ như mách bảo cho bạn biết rằng bạn đã đến một làng văn hóa thực thụ. Làng văn hóa này không phải của riêng Sơn Tây, hay tỉnh Hà Tây mà là của cả nước.

Về với Mông Phụ, cho dù bạn không phải là người con của quê hương ấy thì khi cất bước chân đi bạn cũng sẽ thấy đây là một quê hương của bạn rồi. Vì rằng Mông Phụ có tất cả vẻ đẹp cổ truyền và vẹn nguyên của một làng văn hiến mà hồn của muôn xưa vẫn còn hiện diện đâu đây, trong giọng nói tiếng cười, trong nếp sinh hoạt của người dân hôm nay. 

Tháng 6/1997

(Bài viết của tác giả Tễu)

Tứ bình làng Việt II: Làng cổ Đông Ngạc

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Làng cổ Đông Ngạc
Nguyễn Xuân Diện
Đó là một ngôi làng cổ nằm sát chân cầu Thăng  Long Hà Nội. Một làng quê cổ kính, đặc sắc bậc nhất của Hà Nội đến nay còn khá nguyên vẹn, mặc dù vùng ven đô đã bước vào quá trình đô thị hoá một cách quyết liệt nhất, mặc dù cây cầu Thăng Long lớn nhất Đông Nam Á vạch một nét ngang ngay cạnh làng, gần như vuông góc với con đê bê-tông chắn ngang qua trước cửa ngôi đình cổ...

Lần theo những con đường lát gạch nghiêng cổ kính, kết quả của những lần nộp cheo của các cô gái làng từ xa xưa, ta như thấy cả một quá khứ xa xăm hiện về cùng với làn khói bếp nhà ai đang lẫn giữa rêu phong của một toà cổng cũ... Và hôm nay đi dọc theo các ngõ nhỏ trong làng, thảng hoặc ta như được đắm chìm vào dĩ vãng của một thời xưa cũ còn vọng tiếng bình văn của kẻ sĩ, tiếng nô đùa của con trẻ và cả tiếng chuốt giang làm quang gánh, tiếng quay đất nặn nồi, tiếng giã giò rao nem đâu đây...

Và ta gặp ngay nghi môn đình làng Đông Ngạc - một ngôi đình có quy mô to lớn, nhiều hạng mục với các thành phần kiến trúc cổ kính và chuẩn mực đã tồn tại từ 500 năm nay. Đình được xây dựng trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng, sát với đê sông Hồng. Tương truyền đình vốn xưa là một toà miếu cổ có từ thời Đường vào thế kỷ thứ VII. Năm 1635, dân làng đã cải tạo và mở rộng thành đình để thờ Thành Hoàng làng. Đình thờ 3 vị thần tượng trưng cho cả Thiên - Địa - Nhân. Thiên thần là Thần Độc Cước, do Phan Phu Tiên - một người làng rước về từ Sầm Sơn, Thanh Hoá; Nhân thần là Lê Khôi, cháu vua Lê Thái Tổ, cũng là một tướng lĩnh, được người làng là Đô đốc Đồng Xuyên Hầu rước về từ Nghệ An; Địa thần là Bản thổ Thành hoàng. Ngoài ra Đình còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dũng là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và ông Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quí, có giá trị như bia đá và bộ tranh sơn mài thời Lê, các nhang án gỗ được chạm khắc tinh xảo, trau chuốt.

Hàng năm, vào ngày 09 tháng 2 âm lịch là ngày hội làng. Xưa làng Đông Ngạc vào đám, có hát ca trù mấy ngày liền, với nhiều nghi lễ trang trọng và nghiêm trang. Lê Đức Mao (1462 - 1529) một người hay chữ trong làng đã thay mặt các giáp, soạn ra 9 bài thơ dài để đọc lên lúc thưởng lụa và tiền cho các đào nương.
Và 9 bài thơ đó là tư liệu chữ viết đầu tiên về ca trù trong kho tàng di sản Hán Nôm, và cũng là cứ liệu sớm nhất về thơ lục bátsong thất lục bát trong lịch sử văn học Việt Nam.
Làng có chùa Tư Khánh, một ngôi chùa có từ rất sớm. Theo danh sĩ Phạm Đình Hổ, chùa còn có quả chuông đúc năm Diên Hựu thứ 2 tức năm 1315 (Diên Hựu là niên hiệu nhà Nguyên - Trung Quốc). Trong chùa hiện còn có tấm bia có niên đại Thịnh Đức ghi rõ công đức của vợ chồng ông Nguyễn Phúc Ninh, cúng gia tư điền sản để tu bổ, dựng lại chùa, và được dân làng tôn làm Hậu Phật. Cùng với quần thể kiến trúc của chùa bao gồm tam quan, gác chuông, phương đình, tiền đường, hậu cung và nhà Tổ; những pho tượng được tạo tác công phu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX càng tôn thêm giá trị của ngôi chùa.
Nhà thờ Đỗ Thế Giai, một quan chức cao cấp thời Lê Trịnh là nơi còn giữ được khá nhiều những di vật có giá trị. Đây cũng là ngôi nhà được chọn làm bối cảnh quay nhiều phim truyện, phim truyền hình. Bên cạnh nhà thờ họ Đỗ, còn hàng loạt các nhà thờ họ khác nữa, như các họ Phạm, Phan, Nguyễn, Hoàng. Làng có 6 xóm, hiện tồn tại trên 100 ngôi nhà cổ có thời gian xây dựng trên 100 năm, nhiều ngôi nhà gỗ được đục chạm công phu thể hiện nét tài hoa của các nghệ nhân xưa.

Làng Đông Ngạc nằm bên sông Nhị, nơi có bến Ngác và chợ Vẽ nổi tiếng khắp kinh kỳ. Vào cái thuở đường thủy còn là huyết mạch giao thông thì bến Ngác khi ấy là một nơi trên bến dưới thuyền và chợ Vẽ là một "trung tâm thương mại". Đông Ngạc là tên chữ của làng Vẽ, vốn là một làng nổi tiếng về một số nghề thủ công truyền thống như chuyên sản xuất nem ("giò Chèm, nem Vẽ"), làm quang gánh, nặn nồi đất...

Giàu mạnh về kinh tế, lại có vị trí gần sát với kinh thành Thăng Long nên người dân trong làng rất thuận tiện khi ra kinh ăn học hoặc rước thầy giỏi từ kinh đô về dạy trong làng. Và làng Đông Ngạc đã góp cho đất nước 25 vị Tiến sĩ và cả ngàn Hương cống, Cử nhân, Sinh đồ, Tú tài... Làng Đông Ngạc vì thế đã nổi tiếng với các danh nhân như thời phong kiến có Phan Phu Tiên, Đỗ Thế Giai, Lê Đức Mao, Phạm Gia Chuyên, Hoàng Nguyễn Thự... thời cận đại với Phan Văn Trường, Hoàng Tăng Bí... và ngày nay là Hoàng Minh Giám (cố Bộ trưởng Bộ Văn Hoá), GS-TS Phạm Gia Khánh (Giám đốc Học viện Quân Y), GS-TS Phạm Gia Khải (Viện trưởng Viện Tim Mạch), TS Phạm Gia Khiêm (đương kim Phó Thủ tướng Chính phủ) và nhiều nhà khoa học, chính khách danh tiếng... Người Đông Ngạc làm quan khắp nơi và không thời nào không có các vị triều quan về làng đóng góp tiền của và trí tuệ để xây dựng quê hương.

Khó có thể nói hết, viết hết về những vẻ đẹp của Đông Ngạc, một làng có nhiều nhất các bản sách cổ còn lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một làng ven đô mà nét cổ xưa còn lưu lại trên lối mòn gạch nghiêng in dấu chân gái làng xuất giá, trên rêu phong cổng ngõ gió lùa, trên bia đá chùa xưa và trong cả nét đẹp tảo tần chăm chỉ trong nếp sống từ ngàn xưa truyền lại. 
Ảnh: Internet.
Hà Nội, 2005.

(Bài viết của tác giả Tễu)

Tứ bình làng Việt III: Làng Then - Cả làng chơi vĩ cầm

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Làng Then - làng vĩ cầm
Nguyễn Xuân Diện

Làng Then - đến cả Thành hoàng cũng chuộng nhạc

Làng Then, xã Thái Đào là một làng quê nhỏ bé heo hút thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang từ lâu đã nổi tiếng là “làng vĩ cầm”. Từ nửa thế kỷ nay, dưới sự dẫn dắt của cụ Nguyễn Văn Đưa, làng Then không lúc nào dứt tiếng vĩ cầm. Một cây đàn phương Tây sang trọng và khác xa với truyền thống âm nhạc Việt, vậy mà có mặt ở đây, rồi trở nên gần gũi thân thương với dân làng, trở thành niềm tự hào của họ. Đó là điều mà bất cứ ai cũng ngạc nhiên. 


Hoành phi và câu đối đình làng Then. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

Theo lời mời của một người làng Then - TS. Giáp Văn Dương (ĐH. Liverpool, Anh quốc) – chúng tôi về thăm làng Then trong một chiều đông nhạt nắng, khi những cánh đồng lúa chín vàng ươm sắp đến mùa gặt, và đã cảm nhận được không gian ấm áp của một làng quê rất đỗi thân gần. Về thăm làng, hỏi chuyện các cụ già mới biết làng Then chính là quê của nhiều diễn viên, nhạc công nổi tiếng như hai ông Đạo diễn, NSND. Bùi Đắc Sừ và Hà Quốc Minh (nguyên Giám đốc và đương kim Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam), nhạc sĩ Trần Vinh (Nhà hát Chèo Việt Nam)…Người già trong làng kể rằng xưa vào mỗi dịp hội xuân, làng mời một gánh tuồng về diễn mấy đêm liền, lại còn mời cả giáo phường ca trù về hát thờ trước cửa đình. Hát cửa đình không thể không có bài Thét nhạc cổ kính trang nghiêm với những lời hát: Tiếng nhạc Thiều tâu/ Vẳng tai nghe tiếng nhạc Thiều tâu/ Vẳng nghe chuông gióng lâu lâu lại dừng…Sau khi hát ở đình, các quan viên chức sắc trong làng còn đón các cô đầu về hát chơi trong nhà, tiếng “tom, chát” rộn suốt những đêm hội mùa xuân.


Trong đình vang Thuấn nhạc

Khi về thăm làng Then, tôi cố gắng tìm xem điều gì khiến cho làng quê này trở thành một làng âm nhạc như thế. Phải tìm tự nguồn gốc tìm đi. Hỏi các cụ già nhất trong làng thì chỉ biết làng có đón các gánh tuồng và ả đào về hát vậy thôi. Nhưng khi tôi vào đến đình làng Then thì mới thật sững sờ! Đây, bức hoành phi và đôi câu đối nét vàng son còn chói lọi mà thông điệp trên đó ý chừng là để nói với cả Thần và người, không chỉ người làng Then mà cả người thiên hạ nữa! 



Bức hoành phi của làng có mấy chữ: “Chung hòa thả bình”. Đây là bốn chữ rút trong bài thơ Phạt mộc, phần Tiểu Nhã của Kinh Thi. Nguyên cả đoạn thơ ấy là “Thần chi! Thính chi. Chung hòa thả bình”, nghĩa là: Hỡi thần! hãy lắng nghe khúc nhạc này! Rồi cho được hòa vui yên ổn. Đôi câu đối như sau: “Đình trung như Thuấn nhạc. Bệ thượng nhược Nghiêu tôn”, nghĩa là: Nhạc vang lên trong đình này như nhạc Thiều của vua Thuấn. Lòng tôn kính Thần trên bệ kia chẳng khác dân thờ vua Nghiêu. Xem thế đủ biết thành hoàng làng Then chuộng cổ nhạc như thế nào!

Thuấn và Nghiêu là hai ông vua đời cổ xưa ở Trung Hoa. Và thời đại của vua Nghiêu vua Thuấn là thời đại cực thịnh, muôn dân đều được hòa vui no đủ, trở thành niềm mong ước của tất cả các đời đế vương sau này. Vua Thuấn có sáng tác khúc nhạc Thiều, được Đức Khổng Tử khen là “tận thiện, tận mỹ”. Nhạc Thiều là điệu nhạc của đời thịnh trị.

Vậy là dân làng Then đã dâng cúng lên thần thành hoàng làng khúc nhạc dịu êm thanh bình và mong thần phù trợ cho được hòa vui, yên ổn. Và khúc nhạc đó được ví như nhạc Thiều của vua Thuấn. Với đôi câu đối thờ trong đình, người dân làng Then xưa vừa thể hiện niềm tôn kính với thành hoàng làng, vừa ca ngợi cuộc sống thanh bình no đủ, vừa tự hào với những khúc nhạc thành kính nơi đình trung.

Về làng Then nghe khúc nhạc Thiều. 

 
Đón chúng tôi tại đình là các cụ ông cụ bà và đông đảo dân làng, và cả một dàn nhạc vĩ cầm. Sau khi nghe giải thích về đôi câu đối thờ của tiền nhân để lại, và biết rằng không phải ngẫu nhiên mà làng Then lại có truyền thống âm nhạc như vậy, dân làng mừng lắm. Sau lời phát biểu của cụ Nguyễn Văn Đưa (78 tuổi) và ông đội trưởng đội vĩ cầm Nguyễn Quang Khoa là phần trình tấu của đội vĩ cầm làng Then. Trên bục cao, những bản tổng phổ được mở ra, các nghệ sĩ làng quê đã trình bày bốn bản nhạc: Du kích sông Thao, Dòng Đa-nuýp xanh, Trống cơm và Bóng cây Kơ –nia. Bữa tiệc âm nhạc làng Then đãi khách lại cũng không chỉ có dàn nhạc vĩ cầm. Người làng Then còn hát quan họ, hát chèo lời cổ rất lề lối với lòng mến khách hiếm có!
 
Nhạc sĩ Phạm Chỉnh (PGĐ Trung tâm Văn hóa thông tin Hà Nội) cho biết ông rất bất ngờ khi thấy những người nông dân làng Then đọc được tổng phổ, và cho dù tiếng đàn chưa thực sự chuyên nghiệp nhưng cách chơi đã rất chuyên nghiệp. Những người dân làng Then thực sự là những nghệ sỹ rất có phong cách và đầy tính ngẫu hứng. 

GS. Lê Văn Cường (ĐH. Paris 1, Pháp) tranh thủ dịp về dự hội thảo ở Việt Nam, ghé thăm làng Then cho biết, ông đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa thấy có một làng nào yêu nhạc và có một dàn nhạc độc đáo như làng Then.

Tôi chỉ mỉm cười đứng nép đằng sau các vị ấy, vì cho rằng làng Then được vậy là bởi ông thành hoàng làng Then thích nhạc. Mong sao tiếng nhạc Thiều ấy ngàn đời ở mãi với làng Then thanh bình no đủ!

N.X.D


(Bài viết của tác giả Tễu)




Tứ bình làng Việt I: Cổ Đô - Làng họa, làng thơ

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Làng Cổ Đô xưa và nay
Nguyễn Xuân Diện 
- viết năm 1993

Thăm Cổ Đô, du khách hãy đến thăm Bảo tàng Họa sĩ Sỹ Tốt - bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên của Hà Nội, cùng Đền thờ Thượng thư, nhà thơ Nguyễn Bá Lân, nhà thờ họ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Sư Mạnh. 

Làng Cổ Đô là một làng quê nhỏ bé nằm nép mình bên dòng sông Đà cuộn sóng. Xuôi xuôi một chút là Ngã Ba Hạc nơi gặp gỡ của ba con sông, ba màu nước lại là nơi chất chứa bao huyền thoại từ thuở hồng hoang khi “vũ trụ mơ màng, càn khôn xếch xác”.
Đất Cổ Đô là đất cổ, trước đó có tên là An Đô, sau lại đổi là An Bang, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).
Xưa, Cổ Đô có nghề dệt lụa. Tương truyền, công chúa Thiếu Hoa, con gái vua Hùng từ thành Phong Châu sang đây dạy dân nghề tơ lụa. Lụa làng Cổ Đô là sản vật tiến vua. Lụa Cổ Đô đã đi vào ca dao, nức tiếng cả nước: 

Lụa này thật lụa Cổ Đô
Chính tông lụa cống các cô ưa dùng.
Không chỉ có vậy. Làng Cổ Đô còn nổi tiếng là đất văn học. Hình ảnh “Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” trong câu ca xưa có thể tìm thấy ở nơi này. Theo quan niệm người xưa, một làng quê trù phú và bình yên phải có “tam thanh” trong sinh hoạt hàng ngày. “Tam thanh” (ba thứ âm thanh) là: tiếng đọc thơ, bình văn của kẻ sĩ, tiếng thoi reo lách cách của thôn nữ và tiếng nô đùa của con trẻ. Làng Cổ Đô là làng có đủ cả “tam thanh”.
Người làng Cổ Đô đã tự hào về truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng của quê mình: 

Đồn rằng Hà Nội vui thay 
Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô 
Cổ Đô trên miếu dưới chùa
Trong làng lắm kẻ nhà Nho có tài.
Sinh ra hoa cống hoa  khôi
Trong hai khoa ấy thì tài cả hai. 

Và đây tiếng của sinh họat đời thường đã dội vào ca dao: 

Gái thì giữ việc trong nhà 
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Cổ Đô là đất lành, người xưa nói “đất lành chim đậu”. Xưa có một gia đình vốn quê ở Cẩm Thủy, trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) vì nghèo mà phiêu dạt tới đất này. Người chồng làm nghề chăn vịt, người vợ làm nghề nông tang. Họ đã sinh ra một ông Tiến sĩ. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Sư Mạnh. Vì nhà nghèo, cha mất sớm, nên 27 tuổi Nguyễn Sư Mạnh mới lều chõng đi thi. Ông đã đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484). Sau Nguyễn Sư Mạnh vì có công lao mà được ban quốc tính (họ Lê) làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu.
Gia phả họ Nguyễn còn ghi rõ, khi ông đang làm Thượng thư bộ Lễ, ông được cử đi sứ nhà Minh. Lúc vào yết kiến, vua Minh thấy sứ thần nước Nam mặc áo không cài khuy, cho là xấc xược, bèn hạch tội khi quân (khinh nhờn vua). Sư Mạnh quỳ xuống tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, sứ thần nước Nam đi lâu ngày, sợ khú mất chữ Thánh hiền, cho nên phải cởi áo ra hong, xin được đại xá!
Vua thấy ông đối đáp mau lẹ, muốn hại người tài nước ta, bèn dựa vào câu trả lời đó mà xuống chiếu rằng: “Nay Thiên triều đã lạc mất thiên Vi Chínhtrong sách Luận Ngữ, nhờ người thuộc thiên kinh vạn quyển chép lại giúp”. Vua Minh hẹn ba ngày phải hoàn tất. Hai ngày đầu, Sư Mạnh chỉ du ngoạn đó đây, dạo xem phong cảnh Yên Kinh. Đến gần hết hạn, ông mới ngồi vào án, chép liền tay, xong thiên Vi Chính, dâng lên. Vua Minh liền lấy sách trong thư viện ra so thì chỉ có thừa một dấu chấm ở chữ “cộng”. Nhưng đến khi tìm đến bản gốc thì thấy chữ “cộng” cũng có dấu chấm ấy. Phục tài quá, vua Minh bỏ ý hại mà phong cho chứcThượng thư lại ban cho áo mũ, thẻ bài như một ông Thượng thư của Trung Quốc. Bốn chữ “Lưỡng quốc Thượng thư” (Thượng thư ở cả hai nước) ánh vàng chói lọi từ nơi từ đường họ Nguyễn ở Cổ Đô là nhắc đến chuyến đi sứ vẻ vang ấy. Cũng ở từ đường, còn có đôi câu đối này: 

Luận ngữ nhất thiên, tâm ấn quyển
Thái bình tứ cú, khẩu thành chương.
Nghĩa là:

Một thiên Luận ngữ, khắc rõ trong tim
Bốn câu “Thái Bình”, miệng nói thành áng văn đẹp.
“Bốn câu Thái Bình” là nhắc chuyện một bài thơ ứng khẩu đọc dâng vua Lê Tư Thành của Nguyễn Sư Mạnh.
Đó là chuyện “Lượng quốc Thượng thư” - ông Thượng thư thứ nhất của làng Cổ Đô. Nhưng làng quê ấy có tới hai ông Thượng thư, ông Thượng thư thứ hai là: Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân.
Nguyễn Bá Lân là tác giả của bài Ngã Ba Hạc Phú nổi tiếng. Ông vốn quê gốc ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Gia phả dòng họ Nguyễn Bá Lân, do chính Nguyễn Bá Lân và con trai ông là Nguyễn Bá Uông viết, chép rằng: Tổ tiên ông gặp buổi binh đao loạn lạc, đến lánh binh ở Cổ Đô, sống bằng nghề dạy học, vì mến cảnh mến người mà nhập tịch ở đây”.
Nguyễn Bá Lân sinh giờ Tuất, ngày 27 tháng giêng năm Canh Thìn (1700). Cha ông là Nguyễn Công Hoàn, khi ấy đã ba mươi tuổi, mới sinh ông là con đầu lòng.
Nguyễn Công Hoàn tên hiệu là Mai Hiên, tên chữ là Hạo Nhiên, là một người tài tử nổi tiếng thời bấy giờ. Ông là người văn tài xuất chúng, trong kinh ngoài trấn âi ai cũng kính phục. Người ta gọi ông là một trong “Tràng An tứ hổ” (Bốn con hổ đất Thăng Long). “Tứ hổ” đó là: Nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn. Nguyễn Công Hoàn, tài ba xuất chúng nhưng về con đường khoa cử thì lận đận. Ông thường đi dạy học ở khắp nơi. Tới khi Nguyễn Bá Lân 15 tuổi (1714) thì ông mới trở về nhà chuyên tâm dạy con học hành hàng ngày.
Trong phần Tự thuật về mình, Nguyễn Bá Lân viết rằng cha ông chỉ dạy ông bằng “một cuốn Xuân Thu (một trong Ngũ kinh) và hơn 20 thiên sách Lễ ký đều không dày quá 100 trang sách giấy Thanh Hoa”. Và những câu chuyện Nguyễn Công Hoàn dạy học cho con bắt đầu từ đấy; chuyện xướng họa văn chương giữa hai cha con cũng bắt đầu từ đấy.
Từ nhỏ, Nguyễn Bá Lân vốn đã ham đọc sách. Thường ngày, bên án của ông lúc nào cũng bên trái đặt bản dồ, bên phải đặt sách vở. Được cha trực tiếp dạy dỗ, sự học Nguyễn Bá Lân lại càng tiến tới, chẳng bao lâu thì vượt cả cha mình (cũng là thầy của mình). Nguyễn Công Hoàn là người phong cách tài tử, tâm tính khoáng đạt; về văn chương chữ nghĩa thì chẳng chịu nhường ai, nên giữa hai cha con thường có chuyện thi thố. Chuyện thi thố văn chương giữa hai cha con bao giờ cũng bắt đầu từ phía ông Hoàn, Bá Lân có cố tránh cũng không được.
Một hôm, cha con ông cùng qua đò, ông Hoàn nhìn thấy đàn dê bên kia sông, liền ra bài phú với đầu đề: “Dịch đình dương xa phú” (Bài phú xe dê cung cấm). Ông Hoàn bảo con rằng: “Nếu sang bờ bên kia, ta làm xong trước mà mày chưa xong thì ta ném mày xuống sông, mày làm song trước mà ta chưa làm xong thì mày ném ta xuống sông”. Khi thuyền cập đến, bài phú của Nguyễn Bá Lân đã xong, Nguyễn Công Hoàn mới làm được một nửa. Ông Hoàn bắt ông Lân phải ném mình xuống sông, ông Lân không dám nghe lời, ông Hoàn liền đánh ông Lân. Bài phú ấy đã được người đời tán thưởng và truyền tụng. Người ta gọi bài đó là: “Nhất độ giang thành chương phú” (Bài phú hoàn thành trên một chuyến đò ngang).
Đã có biết bao nhiêu câu chuyện như vậy về cha con Nguyễn Bá Lân được truyền tụng trong dân gian xứ Đoài, mà đến hôm nay ở vùng quê ấy, chúng ta vẫn còn được nghe kể. Các sách Đăng khoa lục sưu giảng (của Thượng thư Trần Tiến, triều Lê Hiến Tông); Tang thương ngẫu lục (của danh sĩ Phạm Đình Hổ, triều Nguyễn) đều có ghi lại.
18 tuổi, Nguyễn Bá Lân dự kỳ thi Hương và đỗ đầu kỳ đó, gọi là đỗ Giải nguyên. Hai năm sau, ông lại đỗ kỳ thi Hội và đến khoa thi Đình năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Nguyễn Bá Lân đã từng làm Thượng thư ở 6 bộ của triều Lê, được phong tước Lễ Trạch hầu, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ hầu Lão Chúa. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã hết lời ca ngợi phẩm cách trong sạch, cốt cách thanh cao và liêm khiết của ông trong cuộc đời làm quan từ khi ông 32 tuổi đến lúc mất (86 tuổi).
Người thời bấy giờ gọi ông là một trong “An Nam tứ đại tài” (Bốn người giỏi nhất nước Nam). Đó là bốn ông: Nguyễn Trác Luân, Nguyễn Tông Khuê, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân.
Nguyễn Bá Lân là tác giả của bài “Ngã Ba Hạc phú” – “một bài phú Nôm” có địa vị và ảnh hưởng tích cực nhất định đối với sự phát triển củ “biền văn Nôm”.
Đến với Ngã Ba Hạc phú là đến với vùng mây nước tươi đẹp, nơi gặp gỡ của ba con sông ba màu nước xui khiến cảm xúc trào dâng: 

Xinh thay! Ngã Ba Hạc
Lạ thay! Ngã Ba Hạc
... Ngóc ngách khôn dò rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào.
Lênh láng dễ biết nông sâu, nước đen pha nước bạc.
Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì Bạch Hạc thuộc đất Phong Châu ngày xưa, đất ấy có cây chiên đàn, có chim hạc trắng về đậu ở trên cây nên gọi là Bạch Hạc. Cảnh đẹp Ngã Ba Hạc được hiện lên với những nét nguyên sơ, hoang dã: 

Ba góc bờ tre văng vắng, huyệt Kim Quy chênh hẻm đá gồng ghềnh.
Một chòm bãi cỏ phơ phơ, hang Anh Vũ thấu lòng sông huyếch hoác.
Cảnh vật khôi nguyên là thế, mấy nét chấm phá về con người cũng hiện lên rất mực thanh tao: 

Rủ dây dù ông Lã máy cần
Trần trã mặc Chử Đổng ngâm nước
Trôi trối dài hơi cốc lặn, mênh mang mây nước ao thành
Vênh vênh thẳng cánh cò bay, sẵn nước doành Ngân bến Bắc. 

Thanh tao là thế, mà cũng không chỉ có thế. Ngã Ba Hạc còn là nơi trên bến dưới thuyền tấp nập và sinh động: 

Bè khách thương lạ bến, tượng chân quỳ gối lắc cày xuôi 
Thuyền ngư phủ trôi dòng, dang nách khom lưng chèo dếch ngược. 

Và cứ thế cảm hứng chủ đạo là lòng yêu thiên nhiên quê hương rất mực chân thành xuyên suốt bài phú. Vẻ xinh tươi, tấp nập của bến nước hiện dần lên, như họat cảnh trên màn sân khấu nhờ việc sử dụng ngôn ngữ tài ba và bút pháp độc đáo, với luyến láy thuần thục uyển chuyển pha chút vui tươi dí dỏm gây dư âm vang xa mãi.
Dường như tất cả tình yêu thiên nhiên đất nước con người của Nguyễn Bá Lân đã trào lên ngọn bút và gửi gắm trong Ngã Ba Hạc phú này. Không có tình yêu bền chặt với quê hương, không có sự từng trải và tâm hồn nghệ sĩ sao có thể viết được một bài phú dậy lên sức sống như vậy được.
Đã mấy trăm năm qua, kể từ khi Ngã Ba Hạc phú ra đời, vậy mà mỗi khi qua ngã ba sông ấy vẫn nghe như đâu đây âm vang dư ba của bài phú trác tuyệt này.
Ngã Ba Hạc phú là điểm sáng chói sự nghiệp văn chương của Nguyễn Bá Lân, nhưng ngoài bài phú đó, ông còn có hàng chục bài phú chữ Hán, cũng đều là những hòn ngọc xinh đẹp trong chuỗi ngọc của lịch sử văn chương Việt Nam. Các tuyển tập phú cổ như: Danh phú hợp tuyển, Danh phú tập, Bát Vận phú, Hoàng Lê bát vận phú đều có tuyển nhiều bài của ông. Đó là: Trương Hàn tư thuần lô phú, Cung Nhân trúc diệp phú, Giai cảnh hứng tình phú... tất cả đều là những bài phú chữ Hán mẫu mực.
Ngã Ba Hạc còn đấy, đẹp như thuở xa xưa khi Nguyễn Bá Lân “thấy Ngã Ba Hạc xinh thay, làm ra một phú”. Hỏi có ai qua bến nước này; ngắm nhìn mây nước này, chẳng nhớ tới bài phú của người con đất Cổ Đô văn vật ấy.
  Phong cảnh làng CĐô. Ảnh: Nguyễn Quốc Ân.
Người xưa nói: “Địa linh nhân kiệt” (đất thiêng thì người giỏi). Đất Cổ Đô vốn là đất linh cho nên cái tơ duyên văn chương thuở trước còn nối với hôm nay. Làng Cổ Đô hôm nay, tuy chưa có những tài thơ sánh với Nguyễn Bá Lân, nhưng làng quê ấy vẫn có người làm thơ, có thơ xuất bản hay in trên sách báo trung ương. Đó là các nhà thơ và người làm thơ Trần Cẩn, Linh Kha, Khánh Hữu, Nguyễn Bách, Quốc Trụ... Hiếm có một làng quê nhỏ bé và hẻo lánh nào mà số người làm thơ và có thơ in nhiều đến thế, ấy là chưa kể đến những người làm thơ chỉ để cho riêng mình, với tâm sự của riêng mình mà không hề in ở dâu. Cổ Đô có “Câu lạc bộ những người cao tuổi” sinh hoạt khá đều đặn, một hình thức sinh họat đầy chất văn hóa, thể hiện một nét đẹp tinh thần của một lớp người ở đây. Một bài thơ, một vế đối của một người xướng ra được hàng chục bài thơ vế đối họa lại như là lời đáp “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của những tâm hồn bè bạn.
Làng Cổ Đô là làng lụa, làng thơ. Làng Cổ Đô được ôm ấp bởi lũy tre xanh ngăn ngắt, bởi dòng Hồng Hà trằn sóng đỏ, bởi dải đê như tấm khăn hồng choàng lên cánh đồng xanh rợn sóng lúa lại là cái đẹp của sắc màu hội họa. Có phải vì sắc màu quê hương Cổ Đô đẹp là vậy mà làng Cổ Đô đợc trời phú cho một nét đẹp văn hóa nữa: Làng họa sĩ không? Thật vậy, Làng - họa sĩ, ba tiếng ấy nói lên đầy đủ một nét đặc trưng nữa của làng Cổ Đô. Ai có thể ngờ rằng, cái làng nhỏ bé ấy ở rất xa trung tâm văn hóa lớn mà có tới gần hai chục họa sĩ và người làm hội họa được đào tạo chính quy tại hai trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hoặc chí ít thì cũng được đào tạo tại Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc -Họa trung ương..
Nói đến giới họa sĩ Cổ Đô, ai là không nhắc họa sĩ lão thành Sĩ Tốt với những bức tranh nổi tiếng: Tiếng đàn bầu, Bế con... đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Nhiều bức tranh của họa sĩ hiện đang được lưu giữ tại các Viện Bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan... Với gần 1000 bức tranh (trong đó có 100 bức vẽ hoa) được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, tên tuổi và vị trí Sĩ Tốt mãi mãi được ghi nhận trong lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Điều rất đáng nói về ông là, từ ông và do ông dìu dắt mà lớp lớp họa sĩ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định trong giới. Đó là các họa sĩ Sĩ Tuấn, Sĩ Thiết, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai, Giang Khích, Nguyễn Thạch, Trần Hòa và nhiều người khác nữa. Nhận thấy việc phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo những mầm non nghệ thuật phải kịp thời và cần thiết, nên trong cuộc đời họa sĩ của mình nhất là kể từ khi về hưu tại quê nhà, họa sĩ Sĩ Tốt thường xuyên tổ chức các lớp dạy vẽ tại nhà với ý thức trách nhiệm và lòng yêu thương sâu sắc nhất.

 Tiếng đàn bầu. Tranh Sỹ Tốt. Hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN.
Với lớp lớp trò nhỏ của ông, đều không phụ công dạy bảo của thầy đều đã trưởng thành. Mỗi người công tác ở mỗi cơ quan khác nhau (ở đài truyền hình, ở trong quân đội, trong các trường sư phạm, trường nghệ thuật hay ở các câu lạc bộ) song họ đều nghĩ về quê hương, nghĩ về thầy, nghĩ về đồng nghiệp lại càng tăng thêm tinh thần trách nhiệm và ý thức vươn lên về mọi mặt.
Cổ Đô Làng lụa, làng thơ, làng họa sĩ. Bấy nhiêu đặc trưng của một làng quê có thể tóm tắt bằng mấy chữ này: Cổ Đô – Làng văn hóa. Cổ Đô xưa và nay có được những vẻ đẹp văn hóa ấy, chính là do nó được xây dựng trên một cái nền học vấn, nền tảng ấy do người dân bao đời san đắp, tạo dựng. Người Cổ Đô có truyền thống hiếu học. Đất Cổ Đô là đất học. Thời phong kiến, Cổ Đô rạng rõ với những ông Nghè, ông Cống; sang thời Pháp, làng quê này lại tự hào với những Cử nhân, Tú tài Tây học, và giờ đây ngót 300 Cử nhân, Phó Tiến sĩ của làng càng làm người Cổ Đô tự hào hơn.
Trọng học, người dân Cổ Đô, dù còn nhiều khó khăn vẫn cố gắng góp công, góp của xây dựng trường sở, động viên con em mình học hành để chờ đón những vận hội mới của quê hương đất nước vì một nước Việt Nam phồn vinh. Nhịp sống Cổ Đô xưa đã vui vẻ là thế, mong Cổ Đô sẽ mãi xứng đáng với lời đồn: 

Đồn rằng: Hà Nội vui thay 
Vui thì vui vậy, chưa  tày Cổ Đô.
 Hà Nội 10/1993

(Bài viết của tác giả Tễu)

Đừng tưởng khoai là bở!

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Tây Nguyên không những nổi tiếng về tài nguyên khoáng sản, còn được coi là vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

Nhân chuyến đi thị sát thực tế ở Tây Nguyên ngày 10/2 vừa qua, những người có trách nhiệm đã báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông tin rất đáng khích lệ rằng tính đến nay, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ký hợp đồng bán alumina (nhôm oxit) với 11 khách hàng, đồng thời cũng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm alumina (nhôm oxit) và nhôm hydroxit, sản phẩm trung gian của nhà máy alumin với gần 20 khách hàng trong nước.

Thông tin trên báo chí theo TKV cho biết đầu năm 2014, giá bán (FOB cảng Gò Dầu) alumina (nhôm oxit) ở mức 300-310 USD. Cuối năm, giá đã tăng lên mức 350-360 USD/tấn. Giá bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của dự án trước đây là là 325 USD/tấn.


clip_image001

Sản phẩm alumina (ảnh lấy trên mạng)


Tổng sản lượng tiêu thụ luỹ kết hết năm 2014 đã đạt xấp xỉ 663 ngàn tấn trong nước, trong đó, năm 2014 tiêu thụ 492 ngàn tấn. Trong số này, TKV đã xuất khẩu 490 triệu tấn, đạt 160 triệu USD kim ngạch xuất khẩu và thu về hơn 90 tỷ đồng cho các hợp đồng trong nước.

Đọc các con số này, theo tôi hiểu, một cái phải là tổng sản lượng sản xuất, một cái là tổng tiêu thụ, có nghĩa là TKV không xuất khẩu hết, còn tồn kho 173 ngàn tấn bẳng 26% sản lượng.

Trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, thì thông tin hiệu quả và an toàn của dự án bô xít Tây Nguyên rất đáng khích lệ, có tác dụng trấn an người dân. Tuy nhiên, ngẫm suy thì không phải như chúng ta hy vọng.

Theo lẽ thông thường khi tính hiệu quả của phương án thường xảy ra hai xu hướng chủ yếu. Thứ nhất là cố tình tìm cách tính  để giảm nhu cầu về vốn đầu tư, để vừa dễ được thông qua, vừa tạo khả năng tăng hiệu quả kinh tế trong tính toán. Về phương diện này, phổ biến nhất là không đưa nhu cầu đầu tư vào các ngành phù trợ như đầu tư vào giao thông vận tải, đầu tư về nguồn điện, nước. Ngoài ra, còn đầu tư vào hệ thống công trình hạ tầng xã hội để đảm bảo đời sống của người lao động đến từ tứ phương. Cố tình tính giá thành thấp (có liên quan đến mức khấu hao thấp vì vốn đầu tư đã hạ thấp), tính giá bán theo phương thức nhu cầu cao nên giá bán cao.

Thứ hai là nhân tố thời cơ tức thời điểm đầu tư có hiệu quả nhất. Có thể lấy cầu Chương Dương để minh họa khi hoàn thành đã phát huy ngay hiệu quả và vẫn đang tiếp tục phát huy dầu có thêm cầu Thanh Trì và Cầu Thăng Long. Thế nhưng khi hoàn thành cầu Thăng Long thì phải một thời gian dài sau đó mới phát huy được hiệu quả chứ không phát huy ngay được như cầu Chương Dương.

Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa và Báo Người Cao Tuổi

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

VIỆC KHỞI TỐ TBT KIM QUỐC HOA ĐÃ GỬI MỘT THÔNG ĐIỆP RẤT XẤU ĐẾN CÔNG CHÚNG

Với cách làm án hiện nay thì ai cũng có thể bị khép vào Điều 258. Dân chủ và tự do thì hoặc là có hoặc là không. Nếu có dân chủ tự do thì có nghĩa là người dân được làm bất cứ điều gì luật không cấm. Một nhà nước đã tự nhận là pháp quyền thì không thể cho phép tồn tại khái niệm “lợi dụng quyền tự do dân chủ” hay “lợi dụng kẽ hở của pháp luật”.


Nếu ai “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”(Điều 258) thì (lẽ ra) thủ tụng bắt buộc là phải có một cá nhân, tổ chức cụ thể nào đó “tố”. Bước tiếp theo, nếu tổ chức, cá nhân có lợi ích bị xâm hại “tố” có căn cứ thì trước hết phải xử lý theo Luật Báo chí, theo thủ tục Dân sự, trước khi áp dụng thủ tục tố tụng hình.
Nếu những thông tin báo Người Cao Tuổi đưa có dấu hiệu vi phạm tội “tiết lộ bí mật quốc gia” (có thể ở đây là bản kê khai tài sản của ông Phó Tổng Thanh tra) thì Báo là bên liên quan chứ không phải đối tượng bị khởi tố. Báo không phải là cơ quan nắm giữ bí mật nên không có trách nhiệm giữ bí mật để trở thành... bên tiết lộ (bất cứ bí mật nào khi đã rơi vào tay nhà báo chuyên nghiệp thì đều phải trở thành tin). Đây không phải lần đầu tiên báo chí bị khởi tố tội danh này nhưng thay vì nó phải bị tòa án tuyên là sai thì lại đang trở thành án lệ nguy hiểm cho nghề báo.
Ngay cả khi “việc tiết lộ bản kê khai tài sản” là vi phạm pháp luật thì trong trường hợp này không những nó không gây “nguy hiểm cho xã hội” mà còn hỗ trợ chủ trương chống tham nhũng (nếu Chính quyền muốn chống tham nhũng thật lòng), theo Bộ Luật Hình sự cũng không được coi là có tội (Điều 8).
Báo chí mà vi phạm pháp luật thì cũng không nên được hưởng bất cứ sự miễn trừ nào. Nhưng nếu ông Kim Quốc Hoa có sai phạm thì phải được xử lý đúng trình tự pháp luật. Sau vụ ông Trần Văn Truyền (báo của ông Hoa đưa tin đúng) mà Chính quyền khởi tố ông ngay, khi chưa làm rõ những “sai phạm” khác của tờ Người Cao Tuổi, thì sẽ gửi một thông điệp rất xấu đến công chúng.

Năm mới phỏng vấn Cụ Dê

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Đây là bài phỏng vấn Cụ Dê với những tiết lộ “động trời” và thú vị về tính dục của Cụ. Rất khó khăn để được Cụ nhận lời trả lời đấy nhé. Xin mời mọi người theo dõi.

Chào Cụ, xin hỏi cảm xúc của Cụ trước khi bước vào năm của loài Dê là gì ạ?
Nói thật, tôi chả có cảm xúc gì. Cũng thế cả thôi. Năm gì thì loài người các anh đâu có tha bọn tôi, cũng ngày ngày lôi bọn tôi lên lò quay, lên bàn nhậu rồi quệt với cái nước mắm gừng chết tiệt ấy cả.

Cụ nghĩ loài người chúng tôi tệ thế ư?
Rất tệ là đàng khác. Này nhé, bên ngoài các anh có vẻ trân kính chúng tôi, cho hình chúng tôi lên báo, lên lịch, treo ở nơi trang trọng. Nhưng trong thâm tâm, các anh chỉ coi chúng tôi chỉ là loài ham mê sắc dục, là biểu tượng của dâm đãng. Tôi nói thật, loài người các anh mới chính là loài dâm đãng và đối xử với tính dục tệ bậc nhất đấy!

Căn cứ vào đâu mà Cụ dám khẳng định như thế?
Này nhé, chúng tôi quan hệ trong sáng, công khai ai cũng biết. Mục đích quan hệ của chúng tôi là để thực hiện bản năng duy trì nòi giống và làm vui sướng cho nhau. Chúng tôi không ai dùng cái đó để chạy chức, chạy quyền, để bẫy nhau, để đổi chác, để bán mua như loài người các anh. Chúng tôi đâu có giết nhau man rợ vì cái đó, đâu có quay video khi quan hệ với nhau rồi phát tán lên mạng để trả thù nhau như loài người các anh?

Cụ nói rất có lý, nhưng thưa Cụ, đó chỉ là hiện tượng cá biệt.
Cá biệt hay không tôi không biết nhưng xin đừng lấy hạng người như thế để đổ oan cho loài chúng tôi nhé. Chúng tôi không sống tệ và cũng không bao giờ chấp nhận một đồng loại như vậy.

Vậy cụ có thể chia sẻ bí quyết cho loài người chúng tôi biết phải làm gì để được sung quanh năm như Cụ?
Thứ nhất là chúng tôi sống bầy đàn chứ không sống theo cặp đôi như loài người các anh. Tôi hỏi anh, nếu chúng tôi cũng như các anh, mỗi thằng một vợ thì hỏi sung thế nào được, có khi còn thua các anh đấy chứ (cười)! Tôi nghĩ, sống theo cặp đôi là sai lầm lớn nhất của loài người các anh. Thứ nhì là chúng tôi quan hệ điều độ, cứ mỗi sáng như tôi “đạp” vài chục nháy là nghỉ (vì trong đàn của tôi chỉ có chừng ấy dê nữ), sáng nào cũng thế. Thứ ba là chúng tôi không che đậy cái đó, cứ theo thuyết “tự nhiên như nhiên” mà sống. Chúng tôi không ghen tuông nhau, không chiếm đoạt để làm của riêng mà coi “cái đó” là tài sản chung, ai có nhu cầu thì dùng. Đấy, các anh đừng chê chúng tôi là xã hội hoang dã, hoang dã có cái tốt đẹp của hoang dã chứ đâu phải văn minh như loài người các anh là cái gì cũng tốt!

Theo cụ thì sự khác nhau về tính dục của loài người và loài dê các Cụ là gì?
Về bản chất, nó cũng như nhau cả thôi. Nhưng chúng tôi làm theo bản năng, còn loài người các anh coi đó như đạo đức. Bày vẽ! Về hình thức, loài người các anh sáng tạo hơn chứ không phải chỉ sử dụng mỗi một kiểu truyền thống là nữ dưới nam trên như loài dê chúng tôi. Chúng tôi xin thua các anh về khoản này. Nhưng cũng phải nói thật, loài người các anh cũng học loài dê chúng tôi về cái kiểu truyền thống của chúng tôi đấy!

Kiếp sau, nếu được chọn để đầu thai thì Cụ vẫn sẽ chọn làm dê hay làm người?
Làm dê chứ. Tôi không bao giờ làm người vì thấy loài người các anh phức tạp quá. Xin lỗi anh, loài người rất ác. Được tiếng là không ăn thịt đồng loại nhưng lại giết nhau như ngóe, sống rất thủ đoạn, nuôi con gì cũng thịt, kể cả con người (xin lỗi, tôi hay nghe các anh kể với nhau như thế! cười). Anh thấy đấy, loài dê chúng tôi có giết nhau đâu, có hạ bệ, làm nhục, giành giật của nhau đâu. Chúng tôi sống trong một xã hội hiền lành, bình đẳng và coi chuyện ấy như một nhu cầu lành mạnh chứ không phải sống giả vờ như loài người đâu.

Vậy Cụ thấy cuộc đời của mình rất hạnh phúc?
Đúng, quá hạnh phúc! Tôi hỏi anh, nếu anh sống trong một trang trại có hàng chục cô em xinh tươi, chân dài, anh tha hồ chọn và ngày nào anh cũng có đủ sức khỏe để “làm thịt” các em thì có sướng không? Hạnh phúc của tôi là ở đó!

Cụ ví dụ mà tôi phát thèm. Nhưng nếu sống trong một cái trang trại như thế thì sức tôi cũng chỉ sống được 1 tháng là “đi” thôi, thưa Cụ?
Ồ, thế anh tưởng chúng tôi sống dai như loài người các anh à? Cuộc đời chúng tôi chỉ có khoảng vài ba năm là bị chủ mang ra lò quay tùng xẻo, tính ra, cả đời cũng chỉ “đạp” được khoảng 5 vạn “nhát”. Vì thế anh đừng buồn, so với cuộc đời của anh và tôi, có khi tôi còn thua anh về số lượng đấy!

Cảm ơn cụ đã động viên. Xin hỏi cụ câu cuối, nhân năm của loài Dê các cụ, Cụ có mong muốn gì ở loài người chúng tôi?
Tôi muốn loài người đừng ăn thịt dê nữa. Tôi nói thật, ăn thịt dê chả bao giờ thành dê được như các người nghĩ đâu. Bí quyết là cứ dùng thuyết bầy đàn, “tự nhiên như nhiên” mà sống là khỏe, khỏe hết, nhé!

Cảm ơn Cụ và chúc Cụ trường thọ để loài người chúng tôi còn tấm gương mà phấn đấu.

(Khánh Hoan, theo FB Lê Quốc Châu)