Lập Trình Viên II (26)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Anh Ngạn bảo mấy cái xà-di ấy là để bắt cá thòi lòi.


Tất nhiên là tôi lại hỏi tiếp về cá thòi lòi; anh Ngạn đang lúng túng, thì Mai Phương đã bảo:


- Con đấy không tả được đâu, bắt được thì khắc biết.


Và tôi biết ngay đấy là cá thòi lòi.


Ba con, bị que đước xỏ vào mồm, rồi xỏ dọc thân, đang nằm ngay đơ không tự nhiên trên một tấm lưới sắt hình tròn, — có một chỗ sợi sắt tròn và mảnh (khoảng bằng nan hoa xe đạp) ở mép lưới uốn vòng ra, kéo dài một đoạn, rồi lại vòng vào, song song, thành cái cán cầm, — còn tấm lưới đang nằm trên một lò than đỏ, hình dạng thì giống nhưng phải to gấp đôi cái lò ở các quán lẩu dê.


Con cá thòi lòi trông hơi giống — đầu to hơn — cá chuối, nhưng chỉ to cỡ hơn nửa cổ tay tôi là cùng. Đuôi và vây nó hình như dài hơn, và trông có vẻ "bướng" hẳn hơn cá chuối; đặc biệt là hai vây trước, không chỉ dài hẳn hơn, mà trông còn lạ lạ thế nào đó. Mắt nó cực kỳ lồi; trong tất cả những con cá vàng (là loại cá có mắt lồi nhất mà tôi biết) hồi bé tôi từng nuôi, chưa có con nào mắt lại lồi được như mắt con này; nhưng mắt nó không lồi sang hai bên như mắt cá vàng, mà gần như nằm hẳn bên ngoài đầu, thành hai hột tròn ở trên trán. Ờ... nên mới gọi là thòi lòi, chắc thế.


Ba con thòi lòi chỉ nằm chưa hết nửa tấm lưới, nửa còn lại lổm ngổm sáu, bảy con ngao to kệnh, vỏ đầy bùn.


Lò than để trên sàn gỗ đước. Trên sàn, bên cạnh, vương vãi một lớp nhiều những phoi gỗ mỏng, mảnh, và dài, là phoi rơi ra lúc vót đũa đước, — ở đây hình như cái gì bằng gỗ cũng đều là đước. Trên đám phoi đước có một cái đĩa nhỏ trắng tinh, đựng đầy một lớp mỏng muối trắng tinh; và một nắm đũa đước.


Anh Ngạn xem ra có phần sốt ruột.


Suốt thời gian từ lúc tôi vào Sài Gòn, tôi luôn thấy anh Ngạn là một người trầm tĩnh, kiệm lời, kín đáo, và nói thế còn là vì tôi không muốn dùng từ "lạnh lùng"; tôi thậm chí vẫn nghĩ là anh không mấy cảm tình với tôi. Nhưng lần này đi chơi, tôi thấy anh hoàn toàn giống như một người khác, và hình như còn có vẻ quý tôi.


— Phi Long sát cá nhỉ, bắt được cả cua gạch son đấy.


Tôi đang ngồi ngắm mấy con thòi lòi, và hít hít mùi khói nướng bốc lên, nghe anh Ngạn nói thế, tôi chẳng biết cua gạch son là cua gì, nhưng cũng thấy rất khoái, đang định hỏi thì anh Ngạn lại bảo:


— Ăn được rồi, ăn đi, lấy lò nướng cua.


Giọng anh Ngạn rất phấn khởi; Mai Phương hình như cũng thế, tôi thấy nó vội vàng ngửa ngay bàn tay ra; tôi còn đang lúng túng, thì anh Ngạn đã cầm que đước có con cá, đặt vào tay nó, cầm tay nó, rồi lấy một cái đũa đước quẹt liên tục vào con cá, cho những chỗ bị cháy thành than rụng bớt, chấm cá vào muối, bảo "Muối", rồi dặn:


— Nóng nguyên đấy.


Tôi vừa định bắt chước, thì anh Ngạn giơ ngón tay trỏ lên, khua khua, thò thêm ngón giữa lên, rồi chúc cả hai ngón xuống, làm điệu bộ cắp cắp. Tôi làm theo anh, nhặt đôi đũa đước, cầm xiên cá lên, lấy đũa gắp thịt cá, — rất mềm, — chấm ăn.


Chưa bao giờ tôi ăn con này.


Tôi thấy thịt nó nạc nhưng không bã, thơm, và...


— Hơi tanh, nhưng em chờ nó nguội, sẽ hết ngay. — Anh Ngạn bảo tôi.


— Ăn tanh được đấy! — Tôi chưa kịp nói gì, thì Mai Phương đã lên tiếng. — Ở Liên Xô uống rượu, còn có con cá muối nguyên cả lòng ruột, tanh hơn con này nhiều.


Con cá của nó trông đã hơi giống như vừa bị bổ dọc, rồi vứt một nửa đi.


Không biết cái này có đúng vẫn được gọi là "phởn chí" không, nhưng giữa hai miếng thòi lòi nướng thật ngon, tôi bỗng thấy mình cố lấy giọng Nam Bộ, và ngâm nga tương đối to:


Gió lơn rồi căng bùm cho khoái

Gác chèo lơn ta nưứng ngô khoai!..


Anh Ngạn phì cười:


— "Khô khoai"!


Tôi ngớ ra, thì Mai Phương, cũng đang cười, bảo:


— Đúng đồ tiểu nông, con... cái gì... à "Con trâu đi trước cái cày đi sau", ra sông biển rồi còn ngô với khoai.


— "Khô khoai"..? — Tôi nhăn nhó.


— Cá khoai, phơi khô. — Nó rành rẽ cắt nghĩa.


Cua gạch son hóa ra là con cua cái đúng lúc chửa to nhất, lúc ấy nướng lên, trứng — "gạch" (hay là trứng có màu "gạch"?) — của nó có màu đỏ đẹp nhất, đỏ "son".


Trên lò vẫn còn hai con ngao ế; tôi với anh Ngạn đã giải quyết gần xong hai con "gạch son" nướng, cua mà to như hai con này, tôi chưa từng ăn; tôi đang hăm hở giơ cao một cái vỏ ngao, để đánh xuống một cái càng cua kếch xù, cái cuối cùng, là của Mai Phương, — nó được cả hai cái càng to, tôi với anh Ngạn mỗi người chỉ được một cái bé, — thì thấy nó vịn nhẹ vào vai tôi, bảo:


— Để phần ông.


Tôi nhìn theo tay nó chỉ, ra lối đi làm bằng những thanh gỗ đước tròn (mỗi thanh dài chừng một mét, ghép ngang), cao cách mặt đất khoảng gần bằng sàn chòi, chạy dài từ đây — về phía đối diện với hướng mặt nước, len lỏi giữa những thân cây đước — về nhà chúng tôi.


Chẳng có gì ở đấy cả.


Lối đi trống trơn; lông mày tôi tự động nhăn lại, tôi vội quay lại nhìn nó, nhưng còn chưa kịp nói gì, thì anh Ngạn đã lại vỗ nhẹ vào vai tôi.


Đúng là ông đang đi đến đây thật, ông vừa bước ra khỏi chỗ con đường "sạn đạo" ngoặt lấp vào sau cây.


Nếu như chưa biết ông, thì nhìn từ đây chắc sẽ không bảo đấy là "ông", còn lúc ông đến rồi, đã có thể nhìn rõ mái tóc — chắc là hay được bàn tay vuốt ngược ra phía sau, vẫn gọn gàng dù đã lâu chưa cắt — ấy đúng là "tiêu muối", và từ hai đuôi mắt đúng là đang tỏa ra những nếp nhăn sâu, thì sẽ bảo đấy là "ông", nhưng trong lúc nói thế thực ra lại đang nghĩ về một "ông" trẻ hơn "ông" ở trước mặt phải đến hơn chục tuổi là ít.


Vì mắt người không bị bạc đi như tóc.


Và ánh mắt của ông thì còn mới tinh, giống như một cái cây nhỏ xanh tươi ở ngoài vườn. Còn làn da sáng và mịn, như da của một thanh niên Hà Nội có nước da đẹp, thì rất thiếu đồng bộ trong một tổng thể "lão nhân", cho dù là làn da ấy vẫn không thể tránh không bị nhăn lại ở khóe mắt, ở nếp miệng, ở trán, ở giữa hai chân mày... là những chỗ mà con người — có thể vô tình, nhưng cũng nhiều khi là hữu ý — hay có xu hướng làm cho nó nhăn đi, để biểu cảm.


Mà con người này thì đã làm nhăn những chỗ đấy để biểu cảm trong suốt hơn bảy mươi... — chắc cũng phải được một lúc lâu rồi — năm.


Và ông già hơn bảy mươi một lúc lâu rồi này lại mặc quần áo bò.


Áo sơ mi bò rộng, màu xanh cô-ban sáng nhạt, cúc cài nghiêm chỉnh, đuôi tôm, bỏ ra ngoài quần bò rộng, đồng màu; dép xăng-đan da, đúng màu da bò đậm, dày dặn và có quai hậu.


Và bộ bò dài rộng này lại rất đồng bộ với một vóc dáng dong dỏng cao, — phải đến mét tám, — gọn gàng, và thẳng tắp.


Một chàng trai phố hơi đứng tuổi, có lẽ sẽ là khái niệm dễ tiếp nhận hơn, là một ông già đang sống trong rừng đước ở Miền Tây Nam Bộ.


Và chàng trai phố hơi đứng tuổi vịn một tay vào khung cửa, nói bằng kiểu giọng mũi, mảnh, nhưng sâu và tròn đầy, nên gây một cảm giác cứng cỏi:


— Mấy đứa ăn đi, ông chờ ăn bánh xèo...


— Chị Sương về rồi hả ông, — Mai Phương hớn hở reo lên, — có củ khóm không ông?


— Có khóm, thì mới có bánh xèo chứ. — Ông cười, mắt ông nheo nheo, vui vẻ. — Chị Sương bảo ông gọi tiểu Phương về giúp chị làm nước cốt dừa.


— Để con về hái đọt xoài. — Anh Ngạn giơ cao một tay lên quá đầu, kiểu giơ tay xin phát biểu, rồi nhổm ngay dậy, giục. — Đi, về đi Phương đi!


Anh nhìn ông, rồi nhìn tôi:


— Phi Long ở lại hầu chuyện ông.


Mai Phương cầm cái càng cua tôi vừa bóc sẵn, vừa đi vừa ăn, không hiểu lại nói chuyện gì với anh Ngạn, chắc là thích chí, còn vung cái càng cua lên; ông nhìn theo nó, nói khẽ:


— Tốt quá!


Rồi ông ngoảnh lại, nhìn tôi, — ông lão này hình như luôn có một nụ cười hiền hậu ở sẵn trong ánh mắt và giọng nói:


— Phải không sư phụ?


— Dạ... — Tôi hơi ngơ ngác.


— Cháu chẳng phải sư phụ của em là gì?


— À... dạ, tại... mà... sao cháu... hình như cháu không lúc nào nghĩ thế...


— Tại mọi chuyện đều thật tự nhiên.


— ...


— Hai anh em con, vậy là phải có duyên với nhau lắm đấy... — Chắc nhận thấy một nét biểu cảm theo phản xạ bình thường nào đó ở tôi, ông khẽ xua tay. — Không, không phải...


Nhưng ông lại dừng lại luôn, rồi ông nhìn tôi, cái nhìn lần này không "cười":


— Tiểu Phương chưa kể cháu nghe chuyện Giác Ni Hòa Thượng?


Tôi nhíu mày lạ lẫm, lắc đầu; ông lại cười:


— Ừ, chuyện này cũng dài dòng lắm đấy.


Tôi im lặng, chỉ nhìn ông, và chờ. Hình như đã có một nét chắc vẫn được gọi là "nét trầm tư" thoáng qua, rồi ông bảo tôi:


— Ông bảo hai anh em con có duyên, là ông nói chữ "duyên" của nhà Phật, không phải chuyện tình duyên nam nữ.


— ...


— Giác Ni, là pháp danh của ông ngày xưa.


Chắc là mắt tôi chưa bao giờ trố như thế; và có một câu hỏi mặc dù còn chưa rõ ràng gì cả nhưng hầu như đã bật ra đến nơi, nhưng ý thức của tôi liên tục bảo tôi là đừng có hỏi gì bây giờ cả, nên tôi cố giữ nó lại. Ông nhìn tôi, nhướng mày một cái, rồi ông nói tiếp:


— Lúc gặp anh Ngạn ở bờ biển, ông đang là Thượng Tọa, còn anh Ngạn đang là... hơn chín phần là một xác chết, có khác, chỉ một chút hơi thở như có, như không.


(Còn nữa)



Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II - Chương 2):

http://philong58.blogspot.com/2012/03/lap-trinh-vien-ii-chuong-2-ban-ep-ay-u.html


Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II - Chương 1):

http://philong58.blogspot.com/2011/12/lap-trinh-vien-ii-chuong-1-ban-ep-ay-u.html


Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I - Cả bộ đầy đủ):

http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html

Tuyển Tập philong58.blogspot.com

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TUYỂN TẬP philong58.blogspot.com

(Tháng Tư 2012)


TỦ SÁCH TỰ DỊCH

(1) Nói về tình yêu (Truyện ngắn — A.P. Trê-khốp) — Đơn ngữ, song ngữ

(2) Tôi đã yêu nàng (Thơ — A.X. Pút-skin)

(3) Lá trút rơi (Thơ — Ôn-ga Béc-gôn)

(4) Đôi bờ (Thơ)

(5) Mồ chim nhạn (Thơ — Nguyên Hiếu Vấn)

(6) Trên nước dạo chơi (Thơ)

(7) I-van Bu-nhin (Nhật ký — K.G. Pau-tốp-xki)

(8) Mảnh trái phá cuối cùng (Nhật ký — K.G. Pau-tốp-xki)

(9) I-li-a Nhà Tiên Tri (Truyện ngắn — I.A. Bu-nhin) — Đơn ngữ, song ngữ

(10) Rằm tháng giêng (Thơ — Bác Hồ)

(11) Chiếc lá cuối cùng (Truyện ngắn — O. Henry) — Song ngữ (bản dịch mới — philong58.blogspot.com)

(12) Những tấm lòng và những bàn tay (Truyện ngắn — O. Henry) — Song ngữ (bản dịch mới — philong58.blogspot.com)

(13) Những ổ bánh mì mê hoặc (Truyện ngắn — O. Henry)(bản dịch mới — philong58.blogspot.com)

(14) Hòn đảo của bác sĩ Moreau (Tiểu thuyết — H.G. Wells) — Đơn ngữ, song ngữ


ĐỊA CHỈ DOWNLOAD:

http://www.mediafire.com/?yfwjsk4tkg1dphh

https://rapidshare.com/files/49808450/philong58_-_Tuyen_tap_Thang_Tu_2012.rar


TỦ SÁCH TỰ VIẾT

(1) Hội thảo khoa học

(2) Chụp ảnh

(3) Bắn vịt

(4) Chính ra

(5) Cu Nhớn, Cu Nhỏ

(6) Đào chim to

(7) Tiếng vĩ

(8) Động cơ vĩnh cửu

(9) Bảy viên ngọc rồng

(10) Sông chảy ra biển

(11) A hundred miles

(12) Năm mười mười lăm hai mươi

(13) Chim Cát

(14) Chuồn chuồn Ngô

(15) Một buổi quyên góp

(16) Giăm bông trực tuyến

(17) Bánh Trung Thu

(18) Girl

(19) A-rờ-bát

(20) Bóng ma

(21) Ai đã giết ông Mút-đờ-rốp

(22) I-u-li-a

(23) Nước mắt mùa hạ


HƯỚNG DẪN CÁCH DÙNG TỦ SÁCH me():

Trên trang chủ: http://philong58.blogspot.com/2010/08/lac-giua-am-dieu-hanh.html


Hướng dẫn nhanh:

1) Giải nén file ".rar" vừa download => được các file ".lcd"


Trong chương trình me():

2) Bấm nút: "Thư viện" => me() mở giao diện tủ sách (bướm bay)

3) Bấm nút: "Thêm truyện mới" => me() mở giao diện "Open File"

4) Chọn file ".lcd" vừa giải nén, bấm "Open" (hoặc click đúp) => me() cho quyển sách vừa chọn vào thư viện

5) Chọn truyện trong thư viện (danh sách), bấm "Mở ra đọc" (hoặc click đúp)

Lập Trình Viên II (25)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Chú Cao nhìn tôi, cười bảo:


— Nghỉ cái đã!


Rồi nhìn anh Ngạn:


— Ba anh em dẫn nhau đi chơi.


Anh Ngạn còn chưa kịp nói gì, thì Mai Phương đã giòn giã:


— Đi! Đi Cà Mau đi!


Đất Mũi Cà Mau.


Thật ra làm gì có buồm?


Xuồng ba lá thì lấy đâu ra buồm, mà "giong"?


Trước giờ, trong quan niệm của tôi, "xuồng", tức là phải có máy; cho nên tôi vẫn nghĩ phải gọi "thuyền ba lá" mới đúng, nhưng thấy mọi người đều "xuồng ba lá", nên tôi cũng "xuồng ba lá", nhưng tôi đã "đánh dấu" lại, để rồi lúc nào đó sẽ xem xét kỹ càng lại cái hình dung "thuyền, xuồng, ca-nô, tàu thủy..." này của mình.


Chèo xuồng này tôi thấy dễ hơn nhiều so với chèo loại thuyền thể thao hẹp và dài và nhọn hoắt hai đầu ở Công viên Lê-nin ngoài Hà Nội, hay loại thuyền bầu bầu và tương đối rộng trong Công viên Văn Hóa ở Mát-xcơ-va, hoặc trên sông Đờ-nhép ở Ki-ép. Tôi vừa cúi người khua một chèo xuống mặt nước có màu nhàn nhạt lẫn lộn giữa xanh rêu và gỉ sắt ở mạn thuyền bên trái, thì nghe tiếng Mai Phương ở đầu thuyền:


— Mặt em bẩn à?


Tôi mới dừng chèo, hơi nhoai về phía trước để nhìn cho rõ, thì "Ùm!" một cái nữa, — lần này nhỏ thôi, — nó đã lại nhảy xuống nước; cách nhảy của nó giống như bọn trẻ con tắm ao.


Hai tay nó đằm xuống nước, rồi hất vung lên, làm cho nước bay lên tung tóe; rồi trong đám bụi nước vẫn còn rơi, nó cúi xuống vục nước rửa mặt, và khoát nước lên, vuốt vuốt hai bên vai áo...


Nó đã quen chỗ này. Nó đã quen rửa mặt như thế. Ngày xưa.


Nhưng bây giờ không giống ngày xưa, — tôi vẫn phải để ý chèo thuyền ở giữa nước rộng, và lúc nào lại gần bờ, thì luôn nhớ "mô tả" ngay với nó.


Lên xuồng bơi thêm một lúc, sống mũi nó chợt nhăn lại:


— Thơm quá!


Tôi vội chăm chú hít ngửi. Chắc tôi đã hít thành tiếng, nên nó xo vai, vẻ khoái chí:


— Mùi khói thật là thơm!


Tôi dừng chèo, ngoảnh nhìn kỹ càng khắp xung quanh, rồi làm bộ cáu — mà chắc cũng có cáu một ít thật, — cao giọng:


— Tiểu Phương, đừng có bá đạo quá chứ, ở khắp quanh đây làm gì có khói?


Mặt nó nghênh nghênh và đăm chiêu, giọng nó đều đều, vô cảm:


— Huynh đài có chăm chỉ đeo kính râm, với miệt mài ngồi phòng tối mà luyện tai, luyện mũi, thì cũng chẳng ăn thua gì đâu.


Nó lặng lẽ cúi xuống, khoát tay trái xuống mặt nước, khỏa nước nhè nhẹ, và... nó chỉ nhịn được đến thế:


— Em đã bảo anh rồi! Chỉ có một cách thôi! — Nó cười phá lên, hắt nước vào tôi, lần này thì trúng ngay.


Nó vẫn cười tôi chuyện muốn "bắt chước" nó để luyện tai, mũi cho tinh. Còn cái cách mà nó đang nói...


Em muốn được nhìn thấy bầu trời... à quên...

Em muốn được nhìn thấy biển cả

Màu xanh, màu xanh

Em muốn được nhìn thấy biển cả

Anh hãy mang em theo cùng anh...


Nó lại hát nho nhỏ, nhưng rõ ràng, một đoạn trong một bài hát tiếng Nga quen thuộc, đoạn này từ khi tôi ở bệnh viện về nó bắt đầu mang ra hát mỗi khi đả động đến những chuyện này. Thực ra đây là lời của một con sếu con nói với mẹ, nhưng tiếng Nga dùng chung đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và thứ hai, nên nó hát như thế, thì trong ngữ cảnh này sẽ là "em" và "anh". Đã hát lời một: "bầu trời", thì chợt nhớ ra, nó chuyển ngay sang lời hai: "biển cả", — vì ở đây đang là ngay sát biển.


Hình như là nó đã quen thật, — dù tôi sẽ không bao giờ khẳng định được. Còn tôi thì vẫn chưa thể — mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ — quen được. Nếu như nó nhìn thấy — tức là biết được — bộ dạng của tôi vào những lúc như thế này, hẳn là nó sẽ không hát nữa. Có nhiều lúc, nó càng vui, thì tôi lại càng cảm thấy khổ sở. Tôi là con út, nhưng Mai Phương bây giờ, nó đúng như là đứa em trong nhà của tôi. Tất cả những chuyện này, trong đấy có một sự bất công vô lý đến mức tôi không thể nào chịu được.


Tôi cắm cúi chèo.


Nhưng xuồng vừa thò ra khỏi khúc quẹo trái, thì tâm trạng của tôi ngay lập tức đã phấn khởi hẳn lên.


Phía trước, chênh chếch, ở bờ bên phải, từ trong rừng đước nhô ra, đến sát mép nước, có một căn chòi gỗ xinh xắn.


Sở dĩ tôi gọi là "chòi", tại vì tôi không biết gọi là gì khác, chứ cái "chòi" thật sự trong ý nghĩ tượng hình của tôi tương đối nhỏ, còn căn này phải to gấp đôi, có khi gấp hai lần rưỡi cái "chòi" đấy. Nhưng nó không có tường, chỉ có lan can đóng bằng những thanh gỗ đước tròn to bằng cẳng chân, viền quanh bốn phía mặt sàn, cũng là sàn đước; lan can chỉ cao khoảng đến đùi, sàn cũng cách mặt đất một khoảng như vậy.


Hớ hênh như thế thì không gọi là "nhà" được.


Và, có một đám khói loãng, xanh um, đang phả ra từ khoảng trống bên dưới mái chòi lợp bằng lá dừa nước, về phía quay ra mặt nước.


Một khuôn mặt cũng đang phả khói xanh um thò ra từ trong đám khói, nhìn xuống chúng tôi: tóc ngắn nhưng mai dài, da ngăm ngăm, mũi dọc dừa, mắt hai mí nhưng trông như một mí, môi rõ nét, và hàm răng đang cười trắng như răng da đen.


— Hà, bắt được cua thật à?


Có một chiếc thang rộng khoảng nửa mét, năm bậc, cũng đóng bằng những thanh đước tròn, bắc từ mép nước lên đến sàn (chỗ lan can bỏ trống một quãng ở giữa, — "mở cửa"). Áo sơ mi đen không cài cúc, buộc túm hai vạt trước, quần soóc bò, xắn một gấu, hai cẳng chân bê bết bùn, anh Ngạn ngồi nhấp nhổm ở chỗ đầu thang, miệng phì phèo điếu Marlboro (lúc ở trong bệnh viện, anh lấy Marlboro của tôi hút, tự nhiên thấy rất thích, và hút sang Marlboro luôn; anh Ngạn hút thuốc nhanh hơn tôi, nên lúc hút trông rất nhiều khói). Theo như giọng nói thì đúng là anh đã không nghĩ tôi có thể bắt được cua.


Tôi hí hửng:


— Chỗ anh thế nào?


Anh Ngạn mới giơ tay phải, chổng ngón cái lên, chưa kịp nói gì, thì Mai Phương đã vội vàng:


— Có bắt được thòi lòi không?


Sông, rừng, và biển gặp nhau ở chỗ này.


Và cuộc quan hệ tay ba ấy đã tạo ra một sinh cảnh hết sức hoang sơ, cảm giác tựa hồ còn hoang sơ như thời mở đất suốt từ nhiều trăm năm trước. Thuở ấy, đi suốt từ Hà Nội vào, chỉ đến đây, chân người đi mở đất mới thật sự lấm bùn, bẩn như chân anh Ngạn bây giờ.


Quả thật chưa ở đâu tôi từng thấy nhiều bùn như vậy. Đúng hơn, tôi còn chưa bao giờ nghĩ có thể có một chỗ lại có nhiều bùn đến thế.


Anh Ngạn đã rủ tôi đi "nghịch bùn" với anh, — anh bảo ở đây chẳng có gì thích bằng bùn cả, — thấy tôi nhăn nhăn, anh cười:


— Bùn sạch lắm, không như bùn thành phố.


Tôi cười theo, nhưng vẫn nhăn, nên anh có vẻ chán:


— Thôi thì đi dập cua vậy.


Tôi thương anh:


— Đi với anh, em còn làm gì được, em muốn đi dập cua một mình, mới thích.


Anh Ngạn thò tay khoác nhẹ vai tôi, chắc là muốn tỏ lòng biết ơn.


Rồi anh chỉ cho tôi cách dập cua.


Thấy anh có mấy túm lá hơi dài dài, trông như những cái chai to, tôi tò mò lắm; anh bảo đấy là "xà-di", tôi nghệt ra; anh giải thích là "ống trúm", tôi nhớ câu "Lươn nằm cho trúm bò vào", nhưng dụng cụ bắt lươn thì tôi chỉ biết mỗi cái ống lươn, không biết đấy có phải là cái "trúm" gì đó không, vả lại ống lươn là một cái ống nứa dài thì trông hoàn toàn khác mấy cái chai to làm bằng lá xanh này, nên tôi lại nghệt ra tiếp; anh Ngạn đành phải giải thích cấu hình chi tiết, thì tôi hiểu ngay, cái này là cái lờ, nhưng làm bằng lá dừa nước, "cổ chai" thì buộc túm lại, kín, còn "đít chai" thì có cái hom hình phễu, là cái cửa một chiều, vào thì được nhưng ra không được.


Anh Ngạn bảo mấy cái xà-di ấy là để bắt cá thòi lòi.


Tất nhiên là tôi lại hỏi tiếp về cá thòi lòi; anh Ngạn đang lúng túng, thì Mai Phương đã bảo:


— Con đấy không tả được đâu, bắt được thì khắc biết.


(Còn nữa)


Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
http://philong58.blogspot.com/2012/03/lap-trinh-vien-ii-chuong-2-ban-ep-ay-u.html

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
http://philong58.blogspot.com/2011/12/lap-trinh-vien-ii-chuong-1-ban-ep-ay-u.html

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Cả bộ đầy đủ):
http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html

Lập Trình Viên II (24)

3 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Nên tôi thuận nước đẩy thuyền, chìa tờ A4 ra trước mặt nó:


— Để dịp khác đi. — Tôi nhún vai, cố giữ cho giọng nói đều đều và vô cảm. — Đang phải tập bài mới của anh Mác-tin.






PHI LONG






"Ùm!"


Tôi vội vàng quay lại thì nước vẫn đang bắn tung tóe.


Còn nó đứng đấy, ướt sũng từ đầu đến ngực, từ ngực trở xuống thì dầm trong nước; tóc xõa bị ướt, bết vào nhau; áo bà ba đen, cổ lá trầu; tóc và áo đều là một màu đen hết cỡ, nên da nó trắng lắm; môi nó đỏ hơn, vì cười và hò hét nhiều; giờ nó cũng đang cười, nụ cười "khăn quàng đỏ" vui tươi và nghịch ngợm, hai hàm răng trắng đẹp vẫn cắn vào nhau, môi và mép nhếch lên, mũi nhăn lại.


Cánh tay trái nó đang co hết cỡ về phía sau, bàn tay dựng lên, rồi đẩy mạnh ra.


Chờ cho bàn tay nó vừa chạm nước, tôi mới chuồi nhanh xuống, nhưng không "Ùm!" một cái như nó, mà ngược lại, cố sao cho thật nhẹ.


Tôi đã đến sát ngay sau lưng, nó vẫn liên tục té nước. Nhưng đầu nó đã hơi nghiêng nghiêng, — không nghe thấy tôi phản ứng gì, chắc nó đang nghi ngờ.


Đúng ra, tôi định cốc cho nó một cái vào đầu; nhưng vừa đối diện đủ gần với hai bờ vai nó mềm mại, dưới làn vải mỏng, sũng nước, sợi nịt áo hằn lên ở bên trong, thì có một cảm giác rất dễ chịu, rất thích, bỗng ùa đến rất nhanh, và tràn ngập ngay hết cả con người tôi.


Tôi không phân biệt được đấy là nó giật mình, hay đấy là thân thể nó đang hiếu động thì đột nhiên chùng lại, vô lực, lúc cánh tay tôi từ đằng sau bất ngờ vòng qua ôm lấy vùng eo nó. Cánh tay đang té nước của nó dừng ngay lại giữa chừng, lơ lửng trên không, còn bàn tay kia của nó — cũng gần như ngay lập tức — nhẹ nhàng đặt ngay lên mu bàn tay tôi; đầu nó hơi ngửa ra sau, thân thể nó mềm mại dựa cả vào người tôi, tự nhiên, như đã quen.


Suốt mấy năm liền hầu như luôn ở bên nhau, hai anh em tôi tất nhiên thân thiết lắm, tôi từng khoác chặt vai nó, cụng đầu vào đầu nó, thơm vào trán, vào má nó, nhưng tôi chưa từng hôn môi, cũng chưa bao giờ ôm nó cả.


Đột ngột sửa sai, thì phô lắm; cho nên tôi cố gắng sao cho tự nhiên nhất, — cố gắng thôi, chứ tim tôi đang đập to thế này, tôi gần như tin chắc là nó đang nghe thấy rất rõ, — nhè nhẹ tì cằm lên bên vai phải của nó, cà cà, cố giữ cho giọng nói thật tự nhiên (và cũng là cố thôi):


— Bắt hết cua rồi, giong buồm về thôi.


Mặt nó hơi nghểnh sang bên phải, giọng nó háo hức:


— Thế là mấy con?


— Mười, mười dập, ăn cả mười! — Lúc này thì giọng tôi đã không thể tự nhiên được nữa. Nói gì thì nói, cả đời, tôi chưa từng được bắt, chưa từng bắt được, một con cua bể nào, chứ đừng nói mười con liền tù tì một lúc, mà con nào cũng to cồ cộ.


Mọi người đều biết "Thả con săn sắt, bắt con cá rô", nhưng chắc ít ai biết là thả con cá rô có thể bắt được hai con cua bể.


Tôi cũng chỉ vừa biết được chuyện này, sau khi đã chặt đôi — chém ngang thân — năm con rô phi, móc vào mười cái dập cua, và vừa mới bắt được mười con cua bể to.


Cái dập cua là một cái vó nhỏ, làm bằng hai gọng tre cong hình cánh cung buộc vuông góc với nhau ở giữa, dưới là một tấm lưới thưa, hình vuông, mỗi cạnh chỉ chừng hơn hai gang tay tôi; nửa con rô phi được xỏ vào một sợi dây thép giữ ở ngay bên dưới chỗ hai gọng vó vuông góc; một sợi dây cũng buộc vào chỗ này, dẫn lên mặt nước, và ở trên đó được buộc vào một cái phao — cũng là cái tay nắm, cầm vào để giật vó lên — nổi lềnh phềnh.


Cua đang ăn rô phi, người giật vó lên, cua rơi xuống lưới, vùng vẫy, càng vẫy lại càng vướng.


Cách dập cua thì tôi hình dung được ngay, nhưng cái mà tôi đã không thể hình dung được, là ở đây cua lại nhiều đến như vậy.


Hồi bé đi câu cá xin xít bằng giun, hay câu cá rô — rô ron thôi — bằng châu chấu hoặc nhện, so với bọn trẻ con khác, thì tôi cũng là đứa sát cá ra phết; nhưng đấy là xin xít với rô ron, còn mười con cua bể, — đây là một chuyện khác hẳn, khác hoàn toàn.


Ngay cả mơ, tôi cũng chưa bao giờ mơ đến, chứ đừng nói tự tay bắt được thật.


Tôi với Mai Phương đang ở ngón chân cái bê bết bùn đất của tổ quốc.


Lần trước tôi đột nhiên bị ngất ở khách sạn và tỉnh lại ở bệnh viện, vừa đến — bằng xe cấp cứu — thì tỉnh luôn; các bác sĩ đã xem ảnh chụp cắt lớp đầu tôi — chụp ngay tại trận, hình như cắt thành tám lớp, — và bảo là không có vấn đề gì.


Đêm hôm ấy tôi vẫn ngủ như bình thường, — ý tôi là chỉ nói về trạng thái sức khỏe của giấc ngủ.


Hôm sau họ mời thêm đến một bác sĩ già; bác nhìn tôi, cười hiền hậu như một ông tiên — dù không có râu, — bác nói giọng Bắc, bảo trông tôi chẳng có chút gì giống với một người bệnh cả; bác lấy tay gõ cốc cốc — gõ mạnh lắm — vào mấy chỗ trên đầu tôi, nhất là từ hai phía hai bên; lại cười, lần này thì cười vui vẻ, bảo "Không sao đâu!", rồi đi.


Nhưng tôi vẫn phải nằm thêm hai hôm nữa để theo dõi, rồi mới được xuất viện.


Vị bác sĩ già đã gõ cồng cộc vào đầu tôi, theo tôi hiểu, là một bác sĩ rất giỏi. Bác bảo "Không sao đâu!", mặc dù tôi vẫn hình dung là một cách lô-gích thì bác sĩ nhiều khi không thể nói thật với người bệnh, nhưng tôi thấy tin bác, và thấy trong lòng có một cảm giác nhẹ nhõm rất rõ ràng. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, dù bác là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, và bác có thể làm rất tốt công việc bác đang làm, nhưng chuyện mà tôi đang biết, và ở đây tôi nghĩ chắc chắn có liên quan đến "bệnh tình" của tôi, thì bác lại không thể nào biết.


Tôi đã nghĩ — hay là đã tự xác định — là mình sẽ không sợ chuyện này, nhưng có vẻ như không thế.


Cho nên lúc mọi người, dưới sự chỉ đạo chung của cô Lan, cùng thống nhất là tôi đã làm việc quá tải, và cần phải nghỉ ngơi, thì tôi gần như đã không có ý kiến ý kò, không phản đối gì cả.


Không phải vì tôi đồng ý với mọi người, mà thật sự tôi đang không ở trong tâm trạng muốn chấp thuận hay phản đối cái gì cả, nên tôi cứ mặc kệ.


Ở bệnh viện, tôi đã kể với Mai Phương và anh Ngạn về chuyện xảy ra tối hôm đó. Ở trên ô-tô, lúc hai người họ đưa tôi ở bệnh viện về, anh Ngạn bảo tôi cô gái ấy là gái điếm, tên là Ngô Kỳ Thanh... — cách anh Ngạn nói giống như đang đọc một bản lý lịch trích ngang.


Lúc đấy cảm giác đầu tiên của tôi là rất ái ngại, nhưng tôi cũng hình dung được ngay, là loại chuyện như thế, nếu như đã bị người khác hiểu không đúng, thì có thanh minh thanh nga cũng chả ích gì. Nên tôi im.


Nhưng cảm giác thì vẫn thế. Cho nên tôi vẫn lưu tâm để ý đến thái độ của mọi người. Nhưng anh Ngạn, Mai Phương, rồi sau đó là cô Lan, chú Cao, bác Bang, tôi thấy họ, khi nói về tất cả chuyện này, cứ nhắc đến cô gái ấy một cách tự nhiên, còn khen tên cô hay. Tôi quan sát Mai Phương thêm một ít, — vì quan sát nó là dễ nhất, — và thấy yên tâm, và vui — hay là cảm kích — nữa.


Chú Cao nhìn tôi, cười bảo:


— Nghỉ cái đã!


Rồi nhìn anh Ngạn:


— Ba anh em dẫn nhau đi chơi.


Anh Ngạn còn chưa kịp nói gì, thì Mai Phương đã giòn giã:


— Đi! Đi Cà Mau đi!


(Còn nữa)



Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
http://philong58.blogspot.com/2012/03/lap-trinh-vien-ii-chuong-2-ban-ep-ay-u.html

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

http://philong58.blogspot.com/2011/12/lap-trinh-vien-ii-chuong-1-ban-ep-ay-u.html


Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Cả bộ đầy đủ):

http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html