Tiếng khóc đêm

6 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TIẾNG KHÓC ĐÊM

(I. A. Bu-nhin)


Góa phụ vì sao khóc giữa đêm:

Hài nhi yêu dấu chết, nằm im.

Ông già gí mắt vào tay áo,

Dê nhỏ trong chuồng khóc nấc lên.


Người mẹ vẫn còn khóc nối đêm.

Nối lòng vạn vật, nối con tim,

Lệ bay, sao khóc trên trời thẫm,

Tay áo ngang mày, Chúa khóc đêm.






ПЛАЧ НОЧЬЮ

(И. А. Бунин)


Плакала ночью вдова:

Нежно любила ребенка, но умер ребенок.

Плакал и старец-сосед, прижимая к глазам рукава,

Звезды светили, и плакал в закуте козленок.

Плакала мать по ночам.

Плачущий ночью к слезам побуждает другого

Звезды слезами текут с небосклона ночного,

Плачет господь, рукава прижимая к очам.


Dịch nghĩa

Góa phụ khóc đêm:

Nàng dịu dàng yêu đứa trẻ, nhưng đứa trẻ đã chết.

Ông già nhà bên khóc, gí tay áo vào mắt,

Những vì sao tỏa sáng, và chú dê con khóc ở trong chuồng.

Hằng đêm người mẹ khóc.

Tiếng khóc đêm làm người khác muốn khóc.

Những ngôi sao đổ nước mắt từ vòm trời đêm,

Chúa cũng khóc, gí tay áo vào mắt.

I-li-a Nhà Tiên Tri

16 ý kiến, và ý kiến từ facebook

I-LI-A NHÀ TIÊN TRI

(I. A. Bu-nhin)



Xê-mi-ôn Nô-vích-cốp bị cháy ở Pê-tờ-rốp-ki, đến sống cùng anh mình — anh Nhi-côn cụt tay. Hai anh em đã nhất trí sống tách nhau ra, và Xê-mi-ôn, dọn ra khỏi Vùng Nước Nông, dựng cho mình một căn nhà gỗ bên con đường lớn.


Đến ngày hội I-lin những người thợ mộc xin phép về dự hội. Xê-mi-ôn đã cần phải ngủ ban đêm ở chỗ đang xây dựng. Ăn tối xong cùng với gia đình đông đúc của người anh, trong cảnh chật chội, giữa đám ruồi vo ve, anh châm tẩu thuốc, khoác chiếc áo lông cộc lên và nói với mọi người:


— Ở đây oi bức quá. Tớ về chỗ làm nhà, sẽ ngủ đêm ở đấy.


— Ít ra cũng đem chó theo, — mọi người bảo anh.


— Thôi khỏi! — Xê-mi-ôn nói và đi một mình.


Đã là một đêm rằm. Mải nghĩ đến ngôi nhà tương lai Xê-mi-ôn cũng không nhận ra, là ra khỏi làng mình đã leo lên theo lối đi rộng dẫn lên núi và lang thang khoảng một vét-xta [1] trên con đường lớn như thế nào — cho đến chỗ ngôi nhà đã vươn cao lên, nhưng vẫn chưa lợp mái của mình, đứng bên bờ cánh đồng lúa mì, trên bãi trống, tối đen đen vì những cửa sổ chưa có khung và ánh lên mờ mờ dưới ánh trăng vì đầu những súc gỗ cây còn tươi ở các góc, vì những mảnh gỗ thò ra khỏi các khe hở, và vì phoi gỗ bào trên ngưỡng cửa. Vầng trăng tháng bảy thấp, đang lên sau những hẻm núi ở Vùng Nước Nông, sáng đùng đục. Ánh sáng ấm của nó rắc xuống. Những bông lúa mì chín lờ mờ, nhập nhoạng trắng lên ở phía trước. Còn về phía bắc đã hoàn toàn u ám. Ở đó mây đen đã tạt đến. Làn gió nhẹ, thổi từ khắp các hướng, thỉnh thoảng mạnh lên, chạy từng cơn bốc đồng trên những bông kiều mạch — và chúng kêu xào xạc một cách khô khan và bất an. Mây đen ở phía bắc dường như bất động, nhưng luôn co giật bằng những ánh vàng kim thoáng qua.


Xê-mi-ôn, cúi người xuống theo thói quen, đi vào nhà. Trong nhà tối và ngột ngạt. Ánh trăng vàng, nhòm qua những khoảng trống cửa sổ, không trộn vào bóng tối, mà chỉ làm tăng nó lên. Xê-mi-ôn quẳng chiếc áo khoác ngắn lên những vỏ bào ở giữa nhà, vừa đúng lên một trong những dải ánh sáng, và nằm ngửa ra. Rít tẩu thuốc đã gần tắt và nghĩ ngợi thêm một chút, anh ngủ thiếp đi.


Nhưng, đấy, gió đã đưa đến cửa sổ, tiếng gì đó gầm gừ khó nghe ở đằng xa.


Xê-mi-ôn choàng tỉnh. Gió thổi mạnh hơn — bây giờ nó chạy liên hồi trên những bông lúa mì đang ầm ĩ một cách cuồng nhiệt, và ánh trăng càng trở nên lờ mờ hơn. Xê-mi-ôn bước ra khỏi căn nhà ở đằng góc, bước vào đồng yến mạch nhợt nhạt như vải liệm, đang xào xạc một cách khô kháo và oi ả, và nhìn lên mây đen. Nó, như một phiến đá tối, đã chiếm nửa bầu trời. Làn gió thổi thẳng vào mặt, gây sự, làm tóc rối bù và làm mắt khó nhìn. Cản trở việc nhìn, làm cho lòa mắt, còn có cả những tia chớp, bùng lên càng lúc càng nóng nảy và dọa nạt hơn. Xê-mi-ôn, làm dấu, quỳ xuống trên đầu gối: đằng xa, giữa biển yến mạch, nổi bật lên trên bức tường mây đen, có một đám đông không lớn chuyển động về phía Xê-mi-ôn, với những mái đầu để trần, thắt những chiếc thắt lưng màu trắng, khoác những chiếc áo lông cộc mới, — vất vả vác một bức tranh trang trí sau bàn thờ, rộng khoảng một xa-gien [2], cổ kính. Đám đông trông mờ mịt hư ảo, ma quái, nhưng bức tranh thì trông khá rõ — một khuôn mặt thánh nghiêm khắc, khủng khiếp, đỏ lên ở trên một tấm bảng đen bị nến đốt cháy xém, bị nhỏ đầy sáp, và đóng trong khung bằng bạc cũ, màu xam xám.


Làn gió gỡ những sợi tóc trên trán Xê-mi-ôn, thổi chúng phơ phất một cách dễ chịu, — và Xê-mi-ôn, cùng với nỗi sợ hãi và niềm vui, cúi lạy ảnh thánh đến sát đất. Đến khi ngước được đầu lên, thì anh nhìn thấy, đám người đang đứng, vụng về giữ tấm ảnh thánh hơi ngửa ra một cách đường bệ, còn trên mây đen, giống như một bức tranh ở trong nhà thờ, khắc họa và nổi bật lên một hình bóng: I-li-a cường tráng, râu trắng xóa, y phục màu lửa, ngồi, như Chiến Thần Xa-va-ốp, trên những đụn mây lộn xộn màu xanh nhợt chết chóc, còn ở trên đầu ông — hai chiếc cầu vồng màu lục da cam cháy rực từng lớp. Và, lấp lánh đôi mắt như những tia chớp, hòa giọng nói của mình vào tiếng ầm ầm, vào sấm sét, I-li-a nói:


— Thẳng đầu lên, Xê-mi-ôn Nô-vích-cốp! Nghe đây, các giáo dân, đây, ta sẽ phán xử anh ta, tín đồ tạm thời trực thuộc hạt Ê-létx, giáo khu Pờ-rét-trép, Xê-mi-ôn Nô-vích-kốp.


Và cả cánh đồng, trắng lên xung quanh, tất cả những bông lúa trên đồng cùng với đòng đòng đã nhao lên, chạy về phía trước, cúi rạp mình trước I-li-a, và trong tiếng ồn ào của chúng I-li-a nói:


— Ta giận ngươi, Xê-mi-ôn Nô-vích-cốp, ta muốn trừng phạt ngươi.


— Vì chuyện gì vậy, thưa cha? — Xê-mi-ôn hỏi.


— Ngươi thật bất nhã, Xê-mi-ôn Nô-vích-cốp, dám hỏi cả ta, I-li-a. Ngươi chỉ được phép trả lời thôi.


— Vâng, vậy, xin theo ý cha, — Xê-mi-ôn trả lời.


— Năm kia ta đã giết bằng tia chớp Pan-tê-lây, anh của ngươi: tại sao ngươi chôn nó vào đất ngập đến thắt lưng, dùng phép thuật làm nó sống lại?


— Hãy thứ lỗi, thưa cha, — Xê-mi-ôn nói, cúi mình. — Đã có một chút trắc ẩn. Hãy phân xử xem: quả thật anh ấy là lao động chính phải nuôi nấng cả nhà mặc dù tuổi đã cao.


— Năm ngoái ta đã định quật đổ, đánh ngã lúa mạch đen của ngươi bằng mưa đá, bằng những trận gió lốc: tại sao ngươi biết trước chuyện đấy, và đã bán lúa giống?


— Hãy thứ lỗi, thưa cha, — Xê-mi-ôn nói, cúi mình. — Trái tim con đã linh cảm, đã cần phải thế.


— Ờ, còn bây giờ, ở Pê-tờ-rốp-ki, không phải ta đã đốt ngươi? Tại sao ngươi vội xây dựng lại, sống tách ra?


— Hãy thứ lỗi, thưa cha, — Xê-mi-ôn nói, cúi mình. — Người anh cụt tay của con thật bất hạnh: thiết tưởng, mọi tai họa đều từ anh ấy mà ra.


— Nhắm mắt lại. Ta suy nghĩ, hội ý một chút, xem sẽ hành hình ngươi bằng cách nào?


Xê-mi-ôn nhắm mắt, cúi đầu. Gió xào xạc, — anh cố gắng trong tiếng ồn của nó lén hiểu, I-li-a đã thì thầm gì với những người nông dân. Nhưng tiếng ồn lại nổi lên quanh anh — và không nghe rõ gì cả.


— Không, chúng ta không nghĩ ra, — I-li-a đã nói lớn. — Ngươi hãy tự khuyên ta.


— Thế mắt... có được mở? — Xê-mi-ôn hỏi.


— Không cần thiết. Người mù suy nghĩ quả quyết hơn.


— Người thật tuyệt, thưa cha, — Xê-mi-ôn nghiêm chỉnh cười mát. — Mà có cái gì mà nghĩ ở đây? Con sẽ cắm cho người một cây nến ba rúp.


— Chả vì cái gì. Ngươi đã trả tiền cho việc xây dựng.


— Thế thì con sẽ bỏ đi Ki-ép.


— Thế thì chỉ vô công rồi nghề, đi vụt bóng gậy. Còn mùa màng sẽ để ai lo?


Xê-mi-ôn ngẫm nghĩ.


— Thế thì, cô bé, An-phi-xka, hãy giết nó đi. Nó mới chỉ gần hai tuổi. Cô bé, thật tâm mà nói, rất hiền dịu, — chúng tôi sẽ rất thương cô bé, nhưng quả thật còn biết làm thế nào? Sẽ không thay đổi gì nhiều lắm.


— Hãy nghe mà xem, các tín đồ, — I-li-a nói to. — Ta đồng ý!


Và một ngọn lửa như thế nào đã xé toạc tầng cao, đến nỗi Xê-mi-ôn xuýt cháy cả lông mi, và một tiếng nổ như thế nào đã làm nứt cả bầu trời, đến nỗi cả mặt đất dưới chân anh rung động.


— Thần thánh, thần thánh, thần thánh, đức chúa ngài Xa-va-ốp! — Xê-mi-ôn thì thầm.


Choàng tỉnh, mở mắt ra, anh chỉ nhìn thấy mây đen bụi bặm, lúa mì và chính mình, đang quỳ trên đầu gối ở giữa chúng. Bụi bay vù vù trên con đường, và mặt trăng đã hoàn toàn đục ngầu.


Xê-mi-ôn nhảy dựng dậy. Quên cả áo khoác, anh vội vàng đi về nhà mình. Mưa nặng hạt đã bắt kịp anh trên đồng cỏ. Những đám mây tối kéo đến trên những khe núi đang tối đen đi. Mặt trăng đỏ ối đang lặn. Ngôi làng đang ngủ một giấc ngủ sâu, nhưng gia súc trong sân bất an, những con gà trống hét lên. Và, chạy đến bên căn nhà cũ của mình, Xê-mi-ôn nghe thấy có những tiếng gào ở bên trong. Anh Nhi-côn cụt tay đứng ở ngưỡng cửa, khoác áo lông ngắn và không đội mũ, hốc hác và nhăn nheo, cái nhìn đờ đẫn và bối rối.


— Cậu thật đen đủi, — anh ấy nói, và theo giọng nói của anh ấy, nghe thấy là anh ấy vẫn chưa hoàn toàn tỉnh ngủ.


Xê-mi-ôn chạy vào nhà. Những người đàn bà vừa kêu la vừa chạy lung tung trong bóng tối, tìm diêm. Xê-mi-ôn vớ được một cái trông như bao diêm, đốt đèn dầu lên: một cái nôi, treo ở gần bếp lò, đang đung đưa từ phía này sang phía khác, — những người đàn bà trong lúc chạy đã va vào nó, — và ở trong nôi một cô bé đã chết, cả người xanh mét, đang nằm, và trên đầu cô bé chiếc mũ trùm đang âm ỉ cháy.


Xê-mi-ôn từ đó đã sống hạnh phúc.



Capri. 1913


Chú thích:

[1] vét-xta — dặm Nga, 1.06 km

[2] xa-gien — 2.134 m


Truyện này lúc đầu có tên gọi: "TẾ VẬT"

(Nguồn: http://az.lib.ru/b/bunin_i_a/text_1540.shtml)

Thiên tượng (26)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Chỉ cần nó gập nhẹ cổ tay là vết đâm sẽ rộng hoác...


Nhưng chắc nó không muốn làm như vậy.


Và cho dù nó có muốn, chắc nó cũng không làm thế được.


Mặc dù nó to khỏe, còn là lính chiến; nhưng ngay cả thế thì sức khỏe của nó tính cả kỹ năng đánh đấm bất quá cũng chỉ là sức người. Và nếu tay phải anh đã được tự do và đang nắm lấy tay nó, thì không kiểu gì nó tự gập được cổ tay.


Mà kể cả gập được, chắc nó cũng sẽ không tự gập, vì cần cổ mà lưỡi dao đang cắm vào chính là cổ nó.


Hơn nữa cổ tay nó lúc đấy có lẽ đã chết rồi.


Anh tiện tay quệt lưỡi dao đi thì thấy nó hơi vấp cưng cứng, chắc là vào xương cổ. Lao đến thằng đang đứng gần nhất, anh còn theo đà giật nhẹ thêm một cái, để cánh tay vẫn nắm cứng con dao ấy bị giật đứt rời hẳn ra, bay tung lên cùng với máu me gân xương toe toét — nó sẽ làm cho những thằng bặm trợn ở đây bị cóng chân tay. Nhoáng nhoàng, anh đã ở cạnh một thằng khác. Anh chỉ dùng tay không và xuất thủ rất nhanh. Có những thằng cầm súng đứng ở phía mặt tường đối diện, nhưng anh nghĩ là chúng bị quá bất ngờ, hẵn còn chưa kịp phản ứng gì...


Anh đã tính đúng, nhưng... sót mất một thằng.


Thằng đấy từ đầu vẫn ngồi tăm tối và bất động đến nỗi như một đồ vật.


Lúc anh quay lại, thì súng nó, duy nhất, đã kịp giơ lên.


Người bắn súng, anh không ngại lắm, nhưng lẽ ra phải chuyển động dích dắc một tí, thì anh đột nhiên cảm thấy một ham muốn kỳ cục: đua tốc độ với cái ngón tay đang để trên cò súng kia.


Đúng lúc ấy, bỗng, trong ánh mắt đen xì của nó, anh chợt nhận thấy một thoáng lưỡng lự.


Kỳ lạ. Nhưng đã đúng là như vậy, khó có thể nhầm được. Không thể nhầm được...


Và cũng đúng vào lúc ấy, một âm thanh, giống như là một thứ vật chất có hình hài, và cảm giác rõ là nó đã chạm mạnh vào tai anh. Thứ âm thanh rất khó chịu, âm thanh mà chỉ cần nghe thấy, chỉ cần thế thôi, không cần nhìn thấy gì, không cần thêm ngoại cảnh gì, chỉ một mình nó cũng đủ làm người ta thấy không thoải mái trong xương. Tiếng đấy giống như tiếng xé, tiếng tướp một thứ có thớ dọc, rất cứng và rất sắc ra, làm cho người ta có cảm giác bị rạch, bị cắt, bị đứt... theo cái cách mà con người một cách bản năng rất không thích.


Cánh tay cầm súng buông xuống. Anh thấy ánh mắt nó tắt. Gian nhà bỗng sáng choang choang, loang loáng, liên tục những tiếng xẹt xẹt, bịch bịch... tiếng người quát, tiếng ngã, tiếng hét, rồi im lặng, và trên nền nhà có những bóng người mới.


Một người mặt bôi đầy những vệt bẩn cheo chéo nhom nhem đang nhanh nhẹn cắt dây trói cho cô, tíu tít nói gì đó. Anh nhận ra cô trinh sát. Anh vội sờ nắn hai cánh tay cô, chăm chú quan sát cô một cách “tổng thể”, và mừng lắm vì thấy không sao, anh mới tần ngần quay sang, nắm lấy bàn tay đã chết vẫn nắm cứng con dao nhỏ có cán nhựa màu đỏ anh đào, gần như một màu với máu đã chảy ra và đông lại. Con dao này, anh đã nhìn thấy nó cắt thịt rán trên tàu lá chuối lúc ban chiều...


— Nó chả biết gì, chỉ là trẻ con, lại biết nấu ăn ngon... đàn bà, trẻ con mà cũng tính à... Đ... m... hút chết chưa!..


Anh ngoảnh lại.


“Thủ lĩnh”, đang lồm cồm dựa vào chỗ chân tường, một tay cầm một nắm không hiểu là bông, băng, hay chỉ là cái áo lót, hay cái giẻ màu trắng, ấn vào đầu; quay nhìn chỉ huy, vừa thở vừa nói, giọng chảy ra, vừa cười — lúc đấy theo phản xạ tự nhiên, anh đã cố tìm trong giọng nói ấy những thứ chua chát, chì chiết, cáu kỉnh, chửi bới, trách móc... nhưng tuyệt không thấy gì; anh ta thật sự đang đùa.


Chỉ huy, trái lại, trói cởi rồi, nhưng vẫn nguyên vị như cũ, đầu tóc rối bời rũ xuống. Những người mới đến không biết những gì đã xảy ra, nên anh vội lại gần lay anh ta. Thấy thân thể ấy nhũn ra, không có phản ứng, anh không lo thân thể, nhưng anh đã giơ tay định tát cho anh ta mấy phát, thì chỉ huy đã yếu ớt đưa một bàn tay lên lắc lắc, anh mới yên tâm.


Một bàn tay khác nhẹ nhưng dứt khoát đập vào vai anh. Anh ngoảnh lại, cô trinh sát đang nhìn chăm chăm về một hướng, hất cằm.


Người kia vẫn ngồi im lìm như vẫn thế — chắc vẫn tiếp tục thế từ lúc bỏ súng xuống, — nhưng tận mắt anh đã thấy ánh mắt y tắt, nên bây giờ anh có cảm giác y giống như một vị cao tăng. Cảm giác “cao tăng” chỉ hết ngay, lúc mắt anh nhìn rõ một vệt đỏ hơi nhăn, đậm đậm, chảy xuống từ một cái lỗ gọn gàng trên trán.


Một người đang ngồi thì chết, chắc là hay có xu hướng đổ người về phía trước; một viên đạn bắn từ phía trước, chắc có xu hướng đẩy người về phía sau: phần là lực đẩy, phần là phản xạ tự thân của người bị bắn, thậm chí ngay cả khi người ấy không nhìn thấy là bị bắn; và cánh tay đang cầm súng giơ lên buông xuống; và hiển nhiên có những hệ số ngẫu nhiên nào đó đã được gia giảm.


Kết quả là y ngồi “cao tăng” như vậy.


Người ta vẫn hay đi chùa, đi đền, đi nhà mồ... để ngắm xác cao tăng. Ở đây cũng có người đang mê mải ngắm xác cao tăng. Nhìn cái đầu lắc lắc và những biểu cảm trên nét mặt và bằng vài động tác tay của chàng xạ thủ “Công tước” một lát sau, lúc anh ta quay lại, anh mới chợt thông suốt cái nét lưỡng lự lạ lùng mà anh mới nhận thấy vừa rồi trong lúc đánh nhau.






Nắng hanh. Mùa này cây cỏ không xanh tươi nhưng cảm giác cũng không khác nhiều so với chúng xanh tươi, vì chỗ này giống như nhà quê, và bọn cây cỏ đấy trông thật hớn hở tươi tỉnh, không có vẻ cặm cụi nhục nhằn như lũ đồng bọn phải mọc trong thành phố. Cây mọc trên vỉa hè bê tông, chim trong lồng, người có gia đình — có nói thế nào, thì cũng khó có cảm giác đấy là cây thật, chim thật, người thật. Cái quán hàng mái lá tuềnh toàng nằm ở chỗ góc tường quặt vào, bên một con đường đất hẹp. Bờ đường bên kia có cỏ mọc, và nhiều cây lá lung tung hăng hái bù lên vì được mọc cạnh bờ mương. Liên tục có những người hối hả đi — gọi là chạy cũng được — qua; đều theo cùng một hướng: xuất hiện từ chỗ tường nhà che khuất con đường, rồi đi hút về phía bên tay phải anh. Từ nãy, trong rất nhiều người đi qua, có hai người đã làm anh rất chú ý:


Một người đeo phía sau hai cái ống to, dài từ đít đến quá nửa lưng — kiểu như bọn dân tộc đeo ống bương, — chắc là bằng sắt, có màu nước biển nhưng đục chứ không trong như nước; mỗi ống có cắm hai cái như hai bông sen nhưng có cuống to phải gần bằng cổ tay và búp to hơn, phần nào giống như bắp chuối, hình như cũng bằng sắt, nhô lên cao quá đầu một chút; vai vác một cái ống sắt như cái ống bương dài, đít loe ra như cái bát, còn đầu cũng có hình bắp chuối giống như mấy bắp kia.


Một người thì lưng đeo ngang một cái có hình dạng giống một cái đinh bù long có đủ bắt vít ở đầu không có mũ — nên hơi giống như cái lõi ống chỉ bằng gỗ, — nhưng dài đến một sải tay, phần thân phải to bằng bắp đùi một đứa con gái béo, xù xì, thô tháp, màu xi măng mông mốc, khoảng hai phần ba thân có một vệt màu vàng tươi mỏng viền quanh, — cả cái này trông giống như một thứ ống gì đó dùng trong xây dựng.


Từ xa, từ đằng bên phải đấy, dội lại những tiếng “ầm... ầm...” trầm trầm, đĩnh đạc, thưa và không đều; chắc không phải thế nhưng cảm giác như chúng làm đất dưới chân ở đây rung lên thật. Trên nền “bass” ấy có nhiều tiếng ròn rã: pạch pạch, loác đoác loác đoác... giống hệt tiếng pháo tép của Tàu, lúc rời rạc, lúc dồn dập...


Không khí rộn ràng, náo nức như ngày tết...


(Còn nữa)

Căn phòng đầy đủ tiện nghi

2 ý kiến, và ý kiến từ facebook

CĂN PHÒNG ĐẦY ĐỦ TIỆN NGHI

(O. Henry)



Một số người sống trong một quận gạch đỏ dưới phía đông của thành phố luôn luôn thiếu ổn định, mãi trôi giạt, lang thang. Tuy vô gia cư, họ vẫn có hàng trăm chỗ ở. Họ nhảy từ phòng cho thuê này qua phòng khác (phòng nào cũng đủ tiện nghi nội thất), luôn trong cảnh lông bông, lông bông về chỗ trú ngụ, lông bông về tâm hồn và tư tưởng. Họ ca hát “Tổ ấm gia đình” trong điệu dân ca Mỹ rộn ràng, họ mang đồ tế nhuyễn trong một cái thùng đáng lẽ chỉ để đựng đồ linh tinh, dây leo làm cảnh quấn quanh cái mũ rộng vành ta thường thấy trong các bức họa, một cái cây nhỏ là cây bóng mát.


Vì thế, những ngôi nhà của quận này, với hàng nghìn nhân khẩu, có hàng nghìn câu chuyện để kể, đương nhiên, phần lớn đều vô vị, nhưng sẽ là điều lạ lùng nếu ta không thể tìm ra một vài bóng ma trong đám dân cư lông bông này.


Một buổi tối, một thanh niên lượn vòng, bấm chuông những toà nhà màu đỏ đổ nát này. Đến toà nhà thứ mười hai, anh đặt túi hành lý lép kẹp trên bậc thềm, lau cái trán đã lấm đầy bụi. Cái chuông phát ra âm thanh khe khẽ và xa xôi trong những chiều sâu nào đấy hun hút, trống rỗng.


Một người đàn bà đi ra cửa. Bà làm anh liên tưởng đến một con sâu bệnh hoạn, háo ăn háo uống đã đục khoét cả một cái quả chỉ chừa lại vỏ cứng và bây giờ đang lo kiếm khách trọ nào đấy có thể xơi được, để lấp đầy chỗ hổng. Anh hỏi bà có phòng trống cho thuê hay không.


Bà trả lời, tiếng phát ra từ cổ họng, cổ họng dường như được lót lông thú:


— Mời vào. Tôi có tầng ba, phía sau, đã trống một tuần nay. Anh muốn xem không?


Người thanh niên theo bà đi lên cầu thang. Một luồng ánh sáng nhợt nhạt không rõ phát ra từ đâu lấp bớt những khoảng tối trong các hành lang. Họ bước không một tiếng động nào trên một tấm thảm mà cái khung cửi dệt của nó hẳn phải không dám nhìn nhận nó nữa. Dường như tấm thảm đã trở nên một loài thực vật, trong bầu không khí nặng không hề có ánh mặt trời, nó đã bị thoái hoá thành một lớp địa y lùm xùm hay rêu lan tràn mọc từng mảng đến tận cầu thang, nó trơn nhớt dưới chân như là một chất hữu cơ. Ở mỗi chỗ ngoặt của cầu thang là những hốc lõm trên tường. Có lẽ một loại cây cỏ nào đó đã từng mọc trong đấy. Nếu đúng thế, hẳn mấy cây cỏ đó đã tàn lụi trong bầu không khí hôi hám. Có thể có những bức tượng của các vị thánh đã được đặt ở đấy, nhưng ta có thể suy luận dễ dàng là ma quỷ đã lôi họ qua bóng tối xuống những vực sâu có trang bị đồ đạc trần tục ở phía dưới.


Bà chủ nói qua cổ họng được lót lông thú:


— Phòng này đây. Phòng này tốt lắm. Ít khi trống. Mùa hè vừa rồi có người đứng đắn thuê — không gây rắc rối gì cả, lại còn trả tiền trước. Nước ở cuối hành lang. Sprowls và Mooney đã thuê ở đây ba tháng. Họ diễn trên sân khấu văn nghệ tạp kỹ. Cô B’retta Sprowls — chắc ông có nghe nói đến cô ấy — À, mà đấy chỉ là tên sân khấu — trên tủ quần áo ngay đây là nơi họ treo giấy hôn thú, có đóng khung đàng hoàng. Vòi ga ở đây, có nhiều tủ quần áo, ông thấy đấy. Ai cũng thích phòng này. Không mấy khi trống.


— Bà có nhiều nghệ sĩ sân khấu thuê phòng ở đây không?


— Họ đến rồi đi. Giới sân khấu có thuê một số phòng ở đây. Đúng thế, ông ạ, nơi đây là quận sân khấu. Mấy diễn viên không bao giờ ở lâu một chỗ nào cả. Một số có thuê ở đây. Vâng, họ đến rồi đi.


Anh thanh niên nhận thuê phòng, trả trước một tuần. Anh bảo anh cảm thấy mệt và muốn nhận phòng ngay. Anh đếm tiền. Bà chủ bảo phòng đã sẵn sàng, ngay cả khăn lau và nước đều sẵn sàng. Khi bà chuẩn bị ra ngoài, anh thanh niên hỏi câu hỏi anh đã có trên đầu môi cả nghìn lần:


— Có một cô gái trẻ — Cô Vashner, cô Eloise Vashner — bà có nhớ cô đã đến thuê ở đây không? Rất có thể cô hát trên sân khấu. Da trắng, tầm vóc trung bình, với tóc vàng kim đo đỏ và một bớt sẫm gần lông mày bên trái.


— Không, tôi không nhớ tên. Giới sân khấu thay đổi tên liên tục cũng như họ thay đổi phòng. Họ đến rồi đi. Không, tôi không nhớ tên này.


Không. Luôn luôn là không. 5 tháng điều tra liên tục rồi không tránh khỏi vô vọng. Bỏ rất nhiều thì giờ ban ngày để hỏi han mấy ông bầu, nhân viên đại diện, trường kịch nghệ, ban hợp xướng. Ban đêm trà trộn trong số khán giả của các sân khấu từ những nhà hát đầy ngôi sao đến các phòng ca nhạc hạ cấp. Anh, người yêu cô nhất trần đời, đã cố công tìm kiếm cô. Anh chắc chắn là từ khi cô biến khỏi nhà, thành phố thênh thang bao quanh toàn là nước này chứa chấp cô ở đâu đấy, nhưng nó như là một vũng lầy khủng khiếp, luôn luôn xoáy động, không có nền chắc chắn, các vật thể nổi hôm nay bị chìm lấp ngày mai trong bùn nhớt.


Căn phòng đủ tiện nghi nội thất đón người khách mới nhất với tia sáng đầu tiên của lòng hiếu khách giả tạo, một thái độ chào đón tất bật, hốc hác, máy móc như là nụ cười đặc biệt của một ả giang hồ. Sự thoải mái hiện đại đến từ ánh sáng phản chiếu từ đồ nội thất rã mục, tấm nệm thêu xơ xác của cái phô-tơi và hai chiếc ghế, tấm gương soi toàn thân rẻ tiền đặt giữa hai cửa sổ, từ một hai khung ảnh sỗ sàng và khung giường bằng đồng đặt ở góc phòng.


Người khách trọ ngồi ngả người trên ghế, bất động, trong khi căn phòng, hoang mang trong ngôn từ như thể là một phòng trọ trong Tháp Babel, cố gắng thuyết minh về chức năng cho thuê đa dạng của nó.


Cái tấm thảm với lắm mùi khác nhau, hình chữ nhật thêu hoa, giống như hòn đảo vùng nhiệt đới bao quanh bởi một vùng biển là tấm lót sàn vấy bẩn, phồng lên chỗ này, tọp xuống chỗ nọ. Trên bức tường dán giấy màu tươi sáng là những tấm hình đi theo những người vô gia cư từ nhà này đến nhà nọ. Những góc cạnh đạo mạo một cách khắc khổ của cái bệ lò sưởi bị che phủ một cách tồi tệ trong cái màn cửa theo mốt thời trang, bị kéo xệch dúm dó về một bên cứ như là tấm vải choàng của vũ nữ ba lê vùng rừng già Amazon ở Nam Mỹ. Trên cái bệ là xác một con tầu chỏng chơ được mang vào bờ khi một cánh buồm may mắn mang chúng đến bến cảng tươi mát — một hai bình hoa vô duyên, ảnh của mấy diễn viên, một lọ thuốc, vài lá bài tây lạc lõng khỏi cỗ bài.


Khi bản mật mã trở nên rõ ràng từ chữ này qua chữ khác, những dấu hiệu nhỏ nhoi còn sót lại sau cuộc diễu hành của những người khách trọ trong căn phòng đủ tiện nghi nội thất trở nên có ý nghĩa. Cái khoảnh tấm thảm xơ xác trước cái bàn phấn bảo rằng những người phụ nữ dễ thương đã đến hàng đoàn. Những dấu tay bé tí trên bức tường nói đến những tù nhân nhỏ tuổi cố lần mò tìm đường ra ánh nắng và không khí. Một vết bẩn vương vãi, toả ra như cái bóng của một quả bom bùng nổ, là chứng tích của một cái cốc hay chai va vào, tung toé ra lên tường chất đựng bên trong. Trên mặt gương soi toàn thân là tên người “Marie” viết nghệch ngoạc bằng kim cương. Dường như lần lượt những khách trọ trong căn phòng đủ tiện nghi đã trút ra cơn giận dữ — có lẽ không thể chịu nổi vẻ lạnh lùng hào nhoáng rẻ tiền của nó — và đem tất cả cuồng nhiệt ra phá phách. Bàn ghế tủ giường bị đẽo gọt và trầy trụa, cái ghế bành bị móp méo vì mấy lò xo bung ra, trông như là con quái vật khủng khiếp đã bị sát tử trong cơn quằn quại loạn cuồng. Một cơn quấy động nào đấy lộ liễu hơn đã sớt cái bệ lò sưởi đi một lát lớn. Mỗi thanh gỗ sàn tạo một mảng riêng rẽ và kêu thét như là trong cơn đau đớn riêng biệt của từng cá thể. Có vẻ khó tin là những người có thời từng gọi căn phòng này là “nhà” lại có ác ý gây ra bao đau thương như thế cho căn phòng. Và tuy nhiên, có thể là bản năng do ý niệm về “nhà” bị lừa gạt — vốn đã tồn tại một cách đui mù sau cơn giận dữ đầy bất bình đối với cơn phẫn nộ của những người ở trọ. Nếu ta là chủ một túp lều, ta vẫn quét dọn, trang hoàng và giữ gìn nó.


Anh khách trẻ ở trọ, gọn người trong ghế, để những ý tưởng như thế lướt qua êm ái trong đầu anh, trong khi những âm thanh và những mùi hương — đều có đủ tiện nghi nội thất — lan toả vào căn phòng. Anh nghe trong một căn phòng tiếng khúc khích và chuỗi cười vang buông thả không kiềm chế, trong những phòng khác một giọng độc thoại trách mắng, tiếng xúc xắc lanh canh, tiếng ru con và một tiếng khóc sụt sùi, tầng trên là tiếng đàn banjo gầy đầy nhiệt tình. Ở đâu đấy có những cánh cửa đóng sầm; cái thang máy kêu thét không ngừng, một con mèo rên rỉ thảm hại trên hàng rào sân sau. Và anh thở hơi thở của toà nhà — hương vị ẩm lạnh hơn là một mùi — vị nồng nồng lạnh lẽo, mốc meo như thể từ những hố ngầm dưới đất pha trộn với hương sực nức của véc-ni và đồ gỗ mục nát đã lên nấm mốc.


Và thình lình, khi anh ngả người như thế, mùi hoa mộc tê thảo ngọt dịu tràn ngập căn phòng. Mùi hương dường như đến theo một cơn gió thoảng, với sự chắc chắn, thơm tho và khẳng định thành một hương vị khác có sự sống. Và người con trai thốt lên: “Gì thế, hở em yêu?” như thể là có tiếng gọi anh, rồi anh đứng bật dậy, nhìn chung quanh. Mùi hương nồng nàn bám lấy anh và bao quanh lấy anh. Anh dang cả hai tay ra đón nó, mọi tri giác của anh trong nhất thời đều bị hoang mang, trộn lẫn. Làm thế nào một mùi hương có thể gọi được anh? Chắc chắn, đấy phải là một linh hồn. Nhưng mà, có phải đấy là một âm thanh đã chạm đến anh, đã ve vuốt anh?


“Nàng đã ngụ ở phòng này”, anh thốt lên và bật người ra để níu lấy một ít, vì anh biết anh có thể nhận ra cái gì đấy dù nhỏ nhặt nhất thuộc về nàng hay cái gì đấy nàng đã chạm tay đến. Mùi hương mộc tê thảo này, mùi hương nàng vẫn yêu thích và biến thành mùi của riêng nàng, đã từ đâu đến?


Căn phòng đã được dọn dẹp một cách cẩu thả. Vương vãi trên chiếc khăn mỏng dính đậy cái bàn phấn là khoảng nửa tá kim cài tóc — những người bạn thầm kín, khó phân biệt nhau của giới phụ nữ, thuộc phái yếu, với cảm hứng vô hạn và một thể ngôn ngữ không thể truyền thông được. Anh bỏ qua những món này, hiểu rõ chúng hoàn toàn thiếu khả năng chứng minh ai là ai. Khi lục lọi trong mấy ngăn kéo của cái bàn phấn, anh tìm thấy một khăn tay nhỏ bị vứt bỏ, nhàu nát. Anh áp nó vào mặt mình. Nó có mùi cây vòi voi nồng nặc xấc xược, anh ném nó xuống sàn nhà. Trong một ngăn kéo khác anh tìm ra vài cúc áo, một tờ chương trình nhà hát, một thẻ cầm đồ, hai mẩu kẹo đường, một lô cuốn sách nói về cách đoán mộng. Trong ngăn kéo cuối cùng là một kẹp tóc bằng vải sa-tanh đen, khiến anh dừng tay, vội bốc lấy nó, giữa băng giá lạnh và lửa nóng cháy. Nhưng cái kẹp tóc cũng chỉ là loại trang sức của nữ giới, khiêm tốn, thông thường và vô nhân cách, không nói lên được điều gì.


Và rồi anh lùng sục khắp phòng như con chó săn đánh hơi con mồi, lướt qua bức tường, bò trên hai chân và hai tay để xem xét từng góc kẹt của tấm trải sàn phập phồng sục sạo cái bệ lò sưởi và mấy cái bàn, màn cửa, màn treo, cái tủ nhỏ ở góc phòng, để tìm kiếm một dấu vết sinh động, dù anh không thể nhận ra là nàng đã ở bên anh, xung quanh anh, tựa vào anh, ở trong anh, bên trên anh, bám lấy anh, âu yếm với anh, gọi anh qua mọi cảm nhận tinh tế hơn, đến nỗi ngay những giác quan đơn sơ nhất của anh cũng nhận được tiếng gọi. Một lần nữa, anh trả lời: “Ơi, em yêu!”, và quay người, đôi mắt rừng rực, để nhìn vào khoảng không, vì lẽ anh không thể nhận ra bóng hình, màu sắc tình yêu và đôi vòng tay mở rộng trong mùi hương của hoa mộc tê thảo. Ôi, Chúa ơi! mùi hương ấy đến từ đâu và từ bao giờ mùi hương có tiếng nói để kêu gọi? Thế là anh lần mò xung quanh.


Anh vùi mình trong các kẽ ngách và góc kẹt và tìm thấy nút chai và những điếu thuốc lá. Anh bóp chúng bẹp gí trong khinh rẻ. Nhưng có lúc anh tìm thấy trong một nếp gấp của tấm trải sàn nhà một điếu xì-gà đã hút dở và anh lấy chân chà nó với tiếng càu nhàu sắc lạnh. Anh sàng lọc cả căn phòng từ đầu này sang đầu kia. Anh tìm thấy những chứng tích lặt vặt đáng chán và hạ cấp của nhiều khách trọ lãng tử, trong khi không thấy dấu vết nào của một người có thể đã thuê phòng ở đây, người mà linh hồn dường như lảng vảng quanh đây.


Và rồi anh nghĩ đến bà chủ nhà. Anh chạy từ căn phòng bị ma ám xuống mấy bậc thang, đến một cánh cửa có khe nứt toả sáng ra ngoài. Bà chủ nhà ra mở cửa. Anh cố gắng trấn áp nỗi xúc động. Anh van nài:


— Bà có thể cho tôi biết, ai đã thuê căn phòng đó trước khi tôi đến?


— Vâng, thưa ông. Tôi có thể cho ông biết lần nữa. Đấy là Sprowls và Mooney, như tôi đã nói. Tôi nói cô B’retta Sprowls trình diễn ở các nhà hát, nhưng thực ra là bà Mooney. Nhà của tôi nổi tiếng là đứng đắn. Giấy hôn thú, có đóng khung, treo vào cái đinh bên trên.


— Cô Sprowls là người như thế nào? Ý tôi muốn nói về ngoại hình?


— Sao cơ? Tóc đen, thưa ông, thấp người, tròn trĩnh, với khuôn mặt trông khôi hài. Họ đã đi ngày thứ ba tuần rồi.


— Và trước họ, ai đã ở đấy?


— Sao cơ? Đấy là một ông làm nghề khuân vác. Ông ta đi mà còn thiếu tiền thuê phòng một tuần. Trước ông là cô Crowder và đứa con của cô ấy, họ ở bốn tháng. Trước nữa là ông Doyle, tiền phòng do các đứa con trả. Ông thuê trong sáu tháng. Đấy là một năm nay, trước nữa thì tôi không nhớ.


Anh cảm ơn bà và lủi thủi trở về phòng. Căn phòng đã chết. Hương thơm cho nó sự sống đã không còn nữa. Mùi hương hoa mộc tê thảo đã ra đi. Thay vào đấy là mùi cũ kỹ, nặng nề của đồ đạc lên mốc meo, của bầu không khí ngột ngạt như là trong kho hàng.


Hy vọng tàn rụi đã làm cạn kiệt mọi niềm tin của anh. Anh ngồi nhìn chăm chăm ngọn đèn ga vàng vọt. Rồi anh đi đến cái giường và xé tấm vải giường ra thành từng dải nhỏ. Dùng cái sống của một con dao, anh nhét từng dải vào từng khe hở của các cửa sổ và cánh cửa chính. Khi mọi chỗ đã được lèn chặt, anh tắt ngọn lửa, mở vòi ga hết mức, rồi lên nằm một cách thoải mái trên giường.






Đấy là đêm bà McCool cảm thấy thèm bia. Thế là bà đi lấy một lon đến ngồi bên bà Purdy, tại một góc cô tịch dưới tầng hầm nơi các bà chủ nhà tụ họp và nơi con sâu tham lam ít khi chết đói. Bà Purdy nói, qua một vòng tròn bọt bia li ti:


— Tối nay tôi đã cho thuê được căn phòng trên tầng ba. Một anh thanh niên đến thuê. Anh ta đi ngủ cách đây hai giờ rồi.


Bà McCool nói với lòng thán phục:


— Thật à, bà Purdy? Bà tài lắm mới có thể cho thuê loại phòng như thế.


Và McCool thì thầm, đầy vẻ bí ẩn, thêm câu hỏi:


— Thế thì bà có nói cho anh ta biết không?


Bà Purdy nói, cổ họng càng như được lót thêm lông thú dày nhất:


— Có phòng là phải trang bị để cho thuê. Tôi không nói cho anh ấy biết bà McCool ạ.


— Bà nói đúng lắm, có cho thuê phòng thì những người như chúng ta mới sống được. Bà có đầu óc kinh doanh độc đáo lắm. Nhiều người có thể từ chối căn phòng đó nếu họ biết là đã có khách tự tử và nằm chết trên cái giường trong đấy.


— Như bà nói, chúng ta phải lo kiếm sống.


— Thật vậy bà ạ. Đúng một tuần trước tôi đã giúp bà trải lại tấm lót sàn. Một cô gái xinh xắn mảnh dẻ tự tử bằng ga thắp đèn — cái cô có khuôn mặt nhỏ nhắn đấy, bà Purdy.


Bà Purdy đồng tình nói nhưng pha chê bai:


— Cô ấy có thể được xem là đẹp, như bà nói, nếu không có cái bớt trên lông mày bên trái. Dùng thêm bia đi, bà McCool.

Xuất sơn

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

(1) Làm "Nhờ Phi Long viết cho đoạn chương trình nó tự làm cho" cho Nhật Linh

rapidshare:
Thụt đầu - Gạch dài - Chỉnh Paragraph

megaupload:
Thụt đầu - Gạch dài - Chỉnh Paragraph

(2) Dịch đoạn "гармонь поет" ở trên kia thành thơ

Отчего, отчего,
Отчего гармонь поет?
Оттого, что кто-то любит гармониста.


Vì sao, vì sao
Phong cầm lại hát?
Vì có ai khác
Yêu kẻ đánh đàn.


(1') Test

Đám bộ đội phía trước, bây giờ người quỳ lom khom xuống, người dựa vào tường, người cứ đứng tơ hơ thế nâng súng lên, đang tập trung nã đạn vào chỗ tường nhà ấy. Có một anh đang bắn thì giật mình ngoái lại phía sau, hét gì đấy với người cũng đang đứng bắn ngay đấy, ý như bảo “mày bắn gần tai tao quá”.


Trong lúc họ đang bắn, thì đại tá đi đi lại lại ở khoảnh râm mát trước cửa, tay cầm một quyển sổ, kiểu sổ mở lật lên chứ không giở ngang, thỉnh thoảng nhìn vào đấy, mồm liên tục lảm nhảm vào mi-cờ-rô.


Được một lúc thì những người kia thôi không bắn nữa và kéo nhau tràn ra cánh đồng trống, hấp tấp, tất tả xách súng chạy về phía căn nhà kia, anh nhận ra anh bộ đội đeo “bắp chuối” chạy vòng tách hẳn ra, về phía bên trái. Anh đang mải quan sát thì hơi giật mình thấy đại tá hét rất to:


— Bọn khỉ đảo làm cái c... gì ở trên kia?! Cẩn thận lại giết người của bọn tao!..


Từ hướng anh ta đang nhìn, vọng lại những tiếng ịt ịt...

I-van Bu-nhin

29 ý kiến, và ý kiến từ facebook

I-VAN BU-NHIN

(Kôn-xtan-chin Ghê-óc-ghi-ê-vích Pau-tốp-xki)


Một nhà văn Nga tuyệt vời đã chết ở Pháp - nhà văn của sức mạnh cổ điển và sự giản dị - I-van A-lếch-xây-ê-vích Bu-nhin.


Ông đã chết dưới bầu trời xa lạ trong một cuộc sống tha hương cay đắng và không cần thiết mà ông đã tự tạo ra cho mình, trong nỗi buồn day dứt về Nước Nga và nhân dân của mình.


Ai biết được, đã có bao nhiêu thất vọng từ sự chia lìa nói trên mà con người với vẻ ngoài bình thản và điềm tĩnh này đã phải tự chịu đựng.


Chúng ta sẽ không phán xét Bu-nhin. Không đáng để hồi tưởng về sai lầm tai hại của ông. Bây giờ chuyện đó không phải là quan trọng.


Quan trọng là ông là của chúng ta, là chúng ta đã trả ông về với nhân dân của mình, với nền văn học Nga của mình, và kể từ nay ông sẽ giữ ở đó một vị trí cao, chỗ mà nó đúng phải thuộc về ông.


Tôi được yêu cầu phát biểu khai mạc trong buổi lễ đầu tiên kỷ niệm Bu-nhin. Tôi đã bắt đầu chuẩn bị bài phát biểu, nhưng tôi mở một cách ngẫu nhiên một trong những cuốn sách của ông - và tất cả đã hỏng bét! Tôi đã đọc mải mê, và đã hầu như không còn thời gian để kịp phác trên giấy những ghi chép về ông.


Tôi đã quên khuấy mọi điều khác. Sức mạnh của tài năng Bu-nhin, của những từ ngữ của ông, sức mạnh của một bút pháp điêu luyện mỹ mãn và đẹp đẽ đến mức không thương xót, đã là như thế.


Ông đã khắt khe, vì tin rằng nghệ thuật đích thực là cao hơn tất cả.


Chúng ta thường hay sai lầm và sai lầm sâu sắc làm sao khi đánh giá các nhà văn, vì một thiên hướng không thể nhổ rễ được muốn "gắn nhãn" cho họ. Trê-khốp hầu như đã sống cả đời với "thương hiệu" một "Kẻ bi quan" và một "Ca sĩ lúc chạng vạng", còn Bu-nhin luôn được nhắc đến như một "Bậc thầy lãnh đạm" và một "Người thơ vô tình".


Những "nhãn mác" này mới tội nghiệp làm sao, khi bạn đọc những cuốn sách của Bu-nhin và dần dần khám phá ra ở đằng sau vẻ bề ngoài hờ hững này một trái tim lớn, trái tim đã thấm đẫm nỗi bất hạnh đen tối cũng chỉ vừa mới đây của nông thôn Nga, của khía cạnh cô đơn và đồng thời ác nghiệt của nó.


Mới đây thôi, tôi đã đọc lại truyện "Cỏ gầy" và truyện "I-li-a Nhà tiên tri" của Bu-nhin.


Mỗi truyện này, nói bằng lời của chính Bu-nhin, đã rạch một lưỡi dao lam băng giá vào tim tôi.


Khó tìm trong văn học của chúng ta những câu chuyện day dứt, đầy tình yêu ẩn chứa đối với con người bình thường tới như vậy. Và không chỉ tình yêu, mà còn là một sự thấu hiểu đầy đủ, một sự thâm nhập hoàn toàn vào những ý nghĩ và tâm hồn anh ta.


Con người phải "người" không chỉ với những niềm vui của mình, mà cả với những nỗi đau khổ. Bu-nhin rất hiểu điều này. Ông có thể lặp lại tiếng thét của nhà văn Anh Ốt-xca Oai, vẳng ra từ nhà tù khổ sai hoàng gia:


"Ở đâu đau khổ - đấy là đất thánh!"


Tôi cũng vừa đọc lại bài thơ "Khóc đêm" của Bu-nhin. Theo tôi, không có nhiều bài thơ trong nền thi ca của thế giới có thể truyền đạt với một sức mạnh nặng nề một mức độ khổ đau tinh thần thuần khiết đến như vậy: (*)


Góa phụ khóc đêm:

Dịu dàng yêu đứa trẻ, nhưng đứa trẻ đã chết.

Ông già nhà bên khóc, gí tay áo vào mắt,

Những vì sao chiếu sáng, và chú dê con khóc trong chuồng.

Người mẹ khóc nhiều đêm.

Những giọt nước mắt đêm đánh thức nhau.

Những ngôi sao đổ nước mắt từ vòm trời đêm,

Chúa cũng khóc, gí tay áo vào mắt.


Bu-nhin đã đạt tới, đặc biệt trong cuốn tự truyện "Cuộc đời của A-rxen-nhép-va", tới cái giới hạn trong lĩnh vực văn xuôi, mà Trê-khốp và Lép Tan-xtôi đã nói đến - tới một giới hạn khi văn xuôi đã hòa quyện trong một tổng hòa hữu cơ không thể tách rời với thi ca, khi mà đã không còn có thể phân tách thi ca ra khỏi văn xuôi và mỗi từ ngữ được đặt xuống trên tâm hồn người như một dấu sắt nung.


Chỉ cần đọc vài dòng Bu-nhin viết về mẹ mình, về nấm mồ mãi bị lãng quên của bà, những dòng đã được viết bởi một người, mà những ngày của người đó trên mặt đất thực sự cũng đang cạn kiệt, để hiểu được sức mạnh tình yêu, được tìm thấy như một cách biểu hiện duy nhất có thể và duy nhất cần thiết.


Một cái gì đó gần như thánh kinh về sự súc tích và sức mạnh của từ ngữ đã cô đọng trong những dòng này.


Bu-nhin chủ yếu được biết đến như một người viết văn xuôi.


Nhưng như một nhà thơ ông cũng giá trị không khác gì mức độ văn xuôi của mình. Ông có không ít những thi khúc xuất sắc.


Những thi khúc này, cũng giống như văn xuôi của Bu-nhin, nói lên khả năng đặc biệt của ông để hóa thân, nếu có thể diễn đạt như vậy, vào tất cả những gì mà ông viết.


Hầu như một cách đột ngột ông chộp lấy và khắc họa bằng từ ngữ những đường nét của con người và phong cảnh, những đường nét mà cùng với một độ chính xác đặc biệt sẽ truyền đạt bản chất của cái mà Bu-nhin đang viết.


Đúng thế, Bu-nhin khắt khe, hầu như đến mức tàn nhẫn. Nhưng cùng với sự khắt khe đó ông viết về tình yêu cùng với một sức mạnh to lớn. Đối với ông tình yêu là rộng lớn hơn và phong phú hơn nhiều, so với hình dung thông thường về nó.


Với ông, tình yêu - đấy là sự tiếp xúc với tất cả những gì đẹp đẽ và phức tạp của thế giới. Với ông - đấy là đêm, là ngày, là bầu trời, là âm thanh vô hạn của đại dương, là những cuốn sách và sự suy tư - bằng một từ, đấy là mọi thứ tồn tại quanh ông.


Phong cảnh của Bu-nhin thật chính xác, thật phong phú, thật đa dạng về địa lý và đồng thời, thật đầy đủ sức mạnh trữ tình, đến nỗi chỉ nói sơ qua về nó là điều không thể. Đề tài này đòi hỏi một cuộc nói chuyện đặc biệt.


Bu-nhin am tường Tiếng Nga đến mức tuyệt vời, đến mức hoàn hảo. Ông hiểu nó như chỉ một người có lòng yêu nước vô hạn mới có thể hiểu.


Ngôn ngữ của Bu-nhin đơn giản, nhiều lúc đến mức hà tiện, rất chính xác, nhưng đồng thời lại đẹp như tranh vẽ và phong phú về âm thanh, - từ tiếng chuông đồng trang nghiêm cho đến tiếng nước nguồn chảy trong suốt, từ sự rành rọt như đo được tới những ngữ điệu mềm mại đến ngạc nhiên, từ âm điệu nhẹ nhàng đến những tiếng sấm sét rền vang chậm chạp. Trong lĩnh vực ngôn ngữ Bu-nhin là một bậc thày độc nhất vô nhị.


Như mọi nhà văn lớn, Bu-nhin nghĩ nhiều về hạnh phúc. Ông đã chờ đợi nó, đã tìm kiếm và khi đã tìm thấy, thì rộng rãi chia sẻ nó cùng với mọi người.


Về ý này, rất tiêu biểu có hai khổ thơ của ông, và bằng hai khổ thơ đó tôi sẽ kết thúc những điều mà mình đang nói về Bu-nhin:


Về hạnh phúc chúng ta chỉ toàn hoài niệm

Mà hạnh phúc có ở khắp nơi. Có thể, nó

Đấy, khu vườn mùa thu đằng sau kho củi

Và không khí sạch lâng, tràn qua khung cửa sổ.


Trên bầu trời cao thẳm viền trắng nhẹ nhàng

Đám mây tỉnh dậy, tỏa sáng. Đã lâu

Tôi dõi theo nó... Chúng ta nhìn ít, biết ít,

Mà hạnh phúc chỉ dành cho ai biết.


1956



(*) Rất tiếc em chỉ biết dịch nghĩa, chứ không biết dịch thơ.

Dịch tặng Đào Phò.

Động cơ vĩnh cửu (6)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Anh Tú thực sự là một người trí thức. Nghe tôi thong thả trình bày ý tưởng về một động cơ vĩnh cửu của “chúng tôi” xong, anh ngồi trầm ngâm, cùi tay tì lên bàn, bóp bóp cằm. Rồi anh đứng lên, đi đi lại lại, vẫn bóp bóp cằm, có vẻ suy nghĩ lung lắm.


Bỗng mắt anh sáng lên, anh nhanh nhẹn lại chỗ bàn làm việc lục ra một tờ giấy trắng to, chọn lấy một cái bút chì, tôi đã dẹp gọn ấm, chén, bánh lại, anh trải rộng tờ giấy lên mặt bàn.


Trên tờ giấy của anh Tuấn, đã có hình vẽ một cái bánh xe nằm ngang. Trên vành bánh có một cái như một đoạn ống máng, chắc là bằng tôn, được hàn cheo chéo. Một hòn bi, chắc là bi sắt, to được thả vào máng này, nên nó trôi xuống. Giữa đường, nó bị một thanh sắt chặn ngang lại. Thanh này nằm lửng lơ ngáng qua miệng ống máng, cách ra một tí, kéo dài đến tận tâm bánh xe, bẻ gập xuống và được gắn, chắc là hàn, cố định vào đấy.


Còn anh Tú bây giờ đang cặm cụi vẽ một cái bánh xe khác. Anh vẽ rất đẹp. Hoàn chỉnh cái bánh xe, anh hơi nhổm người, ngửa ngửa về phía sau, ngắm nghía, vẻ hài lòng lắm: “Bánh xe nhá.”


Rồi rất chăm chú, môi mím lại, anh vẽ tiếp một thanh sắt, cũng là thanh sắt bẻ gập, hàn cố định vào tâm bánh xe, và dài lửng lơ đến hết vành bánh xe, không khác gì thanh sắt ở trong hình của anh Tuấn, có điều được vẽ thẳng hơn — anh kẻ tay, không cần thước, mà thẳng ơi thẳng — và được đánh bóng, đẹp hơn.


Tôi ngồi nhíu hết cả mày lại, chăm chú ngó nghiêng. Tôi vẫn chả hiểu gì cả!


Rồi ở chỗ máng tôn, anh Tú vẽ một thanh sắt khác, chổng ngược lên, và được hàn cố định vào vành bánh xe ở chỗ ấy.


Cuối cùng, anh vẽ một cái lò xo mập mạp một đầu móc vào thanh nằm ngang, một đầu mắc vào thanh thẳng đứng.


Anh đang tô nốt cái lò xo thì tôi thấy anh Tuấn cười tủm tỉm, lắc lắc đầu bảo:


— Cái này tôi thấy trong sách rồi. Không chạy được.


Anh Tú ngớ ra, hai tay cầm hai hình vẽ, so so, rồi bảo:


— Chạy chứ anh...


— Không, trong sách đã giải thích rõ. Hai thanh đấy chỉ kéo lẫn nhau. Nó không chạy được.


Anh Tú lại ngớ ra, ngồi ngắm nghía hai bức vẽ, gãi gãi cằm, một lúc mới bảo:


— Nếu thế... nếu cái của em mà không chạy được, thì cái này của anh — anh chỉ cái bánh xe của anh Tuấn — cũng chả chạy được.


Anh Tuấn định cãi, thì anh Tú đã cặm cụi vẽ hai mũi tên đâm đầu vào nhau ở hai đầu lò xo trên hình của mình: “Nếu chỗ này kéo vào, lẫn nhau, nhá... thì chỗ này...” rồi anh lại cặm cụi vẽ hai mũi tên đâm đầu ra ở chỗ ống máng và thanh sắt hai bên hòn bi: “chẳng qua chỉ là đẩy ra, cũng chỉ đẩy lẫn nhau, thôi...”


— Của anh chỉ đổi chiều kéo thành đẩy thôi, chứ có khác gì của em đâu? — Anh Tú trông rất là máu cãi nhau, rất hiếu thắng.


— Hình như anh Tú nói đúng đấy... Thày giáo vật lý có khác! — Tôi trầm trồ thán phục.


Lúc về anh Tuấn vẫn có vẻ hậm hực.


Chiều hôm sau, tôi đang ngồi mải miết viết i-meo cho Nhật Linh thì bị giật mình.


— Thế mà nó vẫn chạy đấy.


Anh đang đứng trong khung cửa vẫn mở sẵn.


Thú thực là trong một nhoáng, trí óc tôi đã rất cẩn thận rà soát lại xem trước đây nó có bỏ sót gì trong bản vẽ của anh Tuấn hay không — nó đã không còn tin là không thể có động cơ vĩnh cửu. Rồi hết khoảnh khắc mất lòng tin đó, theo cách nhạt nhẽo và yên tâm thông thường, tôi đã đoán là anh đã nghĩ ra một mẹo gì đó để lòe tôi cho vui. Tôi vẫn thích những cái như thế, và tôi háo hức theo anh về nhà.


Anh dẫn tôi vào gian nhà kho nhỏ, và chỉ cho tôi xem cả cái động cơ vĩnh cửu đã được anh chế tạo thật sự, từ vật liệu chính là một cái bánh xe đạp cũ. Tôi bị cụt hứng, nhưng lại hết ngay, lúc nhìn anh đứng tần ngần đẩy đẩy cái bánh xe bằng bàn tay vẫn còn nhem nhuốc, trán nhăn lại, bảo tôi:


— Tại sao nó không quay... anh vẫn nghĩ không ra.


Tôi đã quyết định, lúc lên nhà, tôi bảo:


— Cứ thong thả, rồi em sẽ giải thích chi tiết với anh.


Nhà anh Tuấn khang trang, sân gạch rộng, lối ra cổng theo hướng đi ra thì viền theo mép sân bên trái, còn ở bên phải là một cái vườn rộng, còn rộng hơn phần sân gạch. Lúc anh Tuấn tiễn tôi ra cổng, ở trong vườn có một người đàn bà đang lúi húi bên những khóm hoa hồng, quay nửa lưng lại chúng tôi. Mắt tôi bị hút ngay vào thân thể khỏe mạnh, eo lưng tròn lẳn, bộ hông, đùi, đầy sức sống ấy. Tôi biết anh Tuấn không để ý đâu, nhưng tôi vẫn thấy tái mặt, vội vàng lấy giọng vui vẻ:


— Chị à anh?


— Ừ, bà xã đấy. Em ơi, nhà có khách quý này. — Anh gọi.


Chị quay lại, bộ hông, đùi ấy nhìn từ phía trước... rồi vầng ngực to, căng, mạnh mẽ, cổ cao trắng ngần, khuôn mặt cũng vậy với những nét đơn giản, đều đặn, hài hòa, tóc mai dài và xanh tươi, mũi, tôi không biết như thế có gọi là dọc dừa không, nhưng tôi thấy thẳng, và nhất là đôi mắt to mở to với cái nhìn trong veo, ướt, sâu và sáng đậm đà; tất cả những cái ấy làm tôi thấy mọi thứ ở mình bỗng trở nên gượng gạo. Tôi sợ trông mình lộ liễu, và tôi nghĩ là nên phải làm một cái gì đó ngay để mọi thứ có thể trở nên bình thường hơn. Hình như đúng lúc ấy chị định nói gì, thì tôi đã nói trước, cái đầu tiên có thể đến trong đầu thì tôi cho lên đầu lưỡi ngay:


— “Nhân diện hồng hoa tương ánh hồng”, hai bác có cái vườn hoa đẹp quá.


— Anh, — chị quay sang anh, — sao không mời khách ở lại xơi cơm?


— Mời rồi, cậu ấy bảo để lần khác. — Rồi bất ngờ anh quay sang tôi, nhăn trán một cách vất vả, anh đang cố nhớ lại một điều gì... — Này, cái câu cậu vừa đọc... tôi... hình như tôi đã đọc ở... ở đâu nhỉ? — Anh lấy đầu ngón tay gõ gõ đầu.


— Em xuyên tạc đấy. — Vô tình mà may đúng sở trường, tôi như thằng chết đuối vớ được cọc. — Còn đúng bài này là “Đề đô thành nam trang”, còn gọi là “Đề tích sở kiến xứ”, hoa ở trong đấy là đào chứ không phải hồng. Nguyên văn nó thế này...


“Khứ niên kim nhật thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ?

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”


Là thơ của Thôi Hộ, từ đời Đường anh.


— Đúng rồi, đúng cái đấy rồi... — Tôi thấy trong mắt anh những tia phấn khởi, nhưng anh lại nhăn nhăn ngay, — còn có một cái tích, mới cả... có lời khác dễ hiểu hơn, gì mà... “hoa đào năm trước cười gió đông”...


— Đấy là Truyện Kiều. “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” là đoạn Kim Trọng đi tìm Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du mượn cái điển cố này...


— Không... vẫn bài này cơ... có lời khác dễ hiểu hơn...


— À... thì lời em vừa đọc là phiên âm Hán-Việt, còn lời dịch thì... cũng tương đối nhiều, bác Tản Đà cũng dịch, mà em không nhớ nguyên văn cái nào...


— Cậu cố nhớ xem.


— Thôi, để em tự dịch vậy, em sẽ cố dịch sát nội dung... — Lúc đấy khóe mắt tôi thấy chị ngẩng lên, có vẻ chăm chú vào câu chuyện của chúng tôi. Tôi vội xếp chữ một tí, rồi bảo. — Đây, anh nghe thử xem...


“Ngày này, năm ngoái, ở vườn trong,

Má phấn, đào hoa, chen sắc hồng.

Má phấn chẳng hay đi đâu vắng?

Hoa đào, vẫn vậy, cười gió đông.”


Tôi thấy anh gật gù, có vẻ tấm tắc lắm, hình như anh đang định nói gì với tôi, thì tôi nghe chị hỏi:


— Nguyên văn là “đông phong” hay “xuân phong” hả em? Hoa đào... sao lại gió đông?


Bao nhiêu công phu để “bình thường hóa” của tôi, thậm chí dịch cả một bài thơ khó, thế là lập tức đổ sạch xuống sông. Tôi phải nhìn vào mắt chị một cách khó khăn, mọi thứ ở tôi lại trở nên gượng gạo. Tôi cố để giọng nói được tự nhiên:


— “Gió đông” này không phải là gió mùa đông, mà là gió thổi từ hướng đông. — Tôi líu lưỡi. — Thôi em về đây...


— Cậu... còn cái tích... — Anh níu tôi.


— Để lần sau em chép cho anh, cả thơ vừa dịch luôn...


(Còn tiếp)

Tháng Tư, nàng sẽ đến

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook



Tháng Tư, nàng sẽ đến
Khi những con suối lớn lên và phình to vì mưa;
Tháng Năm, nàng sẽ lưu lại,
Ngơi nghỉ trong vòng tay tôi lần nữa.

Tháng Sáu, nàng sẽ đổi khác,
Trong những cuộc dạo chơi triền miên, nàng lảng vảng đêm hôm;
Tháng Bảy, nàng sẽ bay
Và không báo trước về chuyến bay của nàng.

Tháng Tám, nàng hẳn sẽ chết,
Những cơn gió mùa thu thổi lành lạnh và buốt giá;
Tháng Chín, tôi sẽ nhớ ra
Một tình yêu từng mới mẻ giờ đã thành cũ kĩ.

Paul Simon